Xung quanh Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ: Nước Mỹ bình ổn sân sau
Quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba đang đem lại cho Mỹ những lợi thế địa chính trị đặc biệt. Mặc dù tiến trình “xóa bỏ hận thù” giữa hai quốc gia này còn nhiều khó khăn nhưng rõ ràng trong vụ này, Mỹ là người được phần lớn nhất - bình ổn sân sau cho chính mình.
Vượt qua trở lực chính, lấy lại uy tín với châu Mỹ Latinh
Với Cuba, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ mới và đầy tiềm năng. Xét về mặt kinh tế - xã hội, Cuba có lợi rất nhiều khi các giao thương, trao đổi được mở lại với Mỹ và với các nước đồng minh của Mỹ. Còn về mặt chính trị thì trước mắt chưa thể đánh giá được tác động của quyết định trên.
Với nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, việc có thêm một đối tác như Cuba không đem lại những đột biến về phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng cái Mỹ nhận được chính là tác động chính trị từ quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba. Đó là việc Mỹ lấy lại được uy tín với các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh.
Trước giờ vai trò của Mỹ tại khu vực sân sau đã bị suy yếu do điều mà các nhà phân tích cho là tình trạng suy giảm kinh tế của Mỹ và các mối quan hệ mỗi ngày một tăng của khu vực này với Trung Quốc và các nước khác. Việc Mỹ cấm vận Cuba đã là một vấn đề đối với các chính phủ châu Mỹ Latinh trong nhiều năm qua. Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Cartagena, Colombia, năm 2012, các nhà lãnh đạo trong vùng đã phản đối việc Washington loại trừ chính quyền La Habana ra khỏi các cuộc họp này. Ngoài ra, Mỹ còn bị nhiều nước Mỹ Latinh phản đối việc thiết lập các căn cứ quân sự tại khắp khu vực, trong đó có cả Cuba (Vịnh Guantánamo), Brazil, Puerto Rico và Honduras.
Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama, ngày 11/4/2015. |
Việc Mỹ hôm 9/3 tuyên bố Venezuela là một mối đe dọa an ninh quốc gia đồng thời tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng loạt quan chức cấp cao của Venezuela, đã gây ra một làn sóng phản đối gay gắt của các nước Mỹ Latinh. Các nước này đã thể hiện tinh thần đoàn kết với Venezuela trong cuộc đối đầu với Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp giữa Raul Castro - Obama đánh dấu sự tái hội nhập của Cuba vào cộng đồng các nước châu Mỹ, bởi vì La Habana bị gạt ra bên lề kể từ khi cơ chế này được thành lập, vào năm 1994. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Cuba sẽ tác động mạnh đến các mối quan hệ tại lục địa châu Mỹ, cho dù vẫn còn nhiều bất đồng giữa Washington và La Habana.
Joy Olson, thuộc Văn phòng Washington Nghiên cứu châu Mỹ Latinh (WOLA), nhấn mạnh: “Xét tới cùng, việc giải quyết được căng thẳng giữa Mỹ và Cuba sẽ giúp thúc đẩy các mối quan hệ đối với phần còn lại ở châu lục này”. Santiago Canton, phụ trách Trung tâm Robert Kennedy vì công lý và nhân quyền bổ sung: “Quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh từ nay sẽ khác. Bóng ma vốn tồn tại trong các quan hệ song phương và đa phương giữa Mỹ và Mỹ Latinh kể từ nay sẽ biến mất”. Ông cũng hy vọng sẽ không xuất hiện một “bóng ma” khác, tức Venezuela.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela đã đe dọa Thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama. Nhận thấy có nhiều nước Mỹ Latinh ủng hộ chính quyền Caracas sau khi Washington đưa ra các biện pháp trừng phạt, đi kèm với phát biểu vụng về của ông Obama cho rằng Venezuela “là một mối đe dọa về an ninh” đối với Mỹ, trong hai ngày họp hội nghị, nguyên thủ Mỹ cố gắng làm dịu tình hình.
Trong tuần trước, Washington đã cử một đặc phái viên tới gặp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, còn tại hội nghị, ông Obama đã làm mọi cách để tránh bị chỉ trích trước mặt các nguyên thủ quốc gia khác. Trong ngày thứ nhất của hội nghị, Tổng thống Mỹ trấn an rằng, Venezuela không thực sự là mối đe dọa về an ninh đối với Mỹ. Trong ngày thứ hai, ông Obama khéo léo không tham dự cuộc gặp bàn tròn, trước khi Tổng thống Venezuela đọc diễn văn và dự tính sẽ trao cho đồng nhiệm Mỹ một bản kiến nghị có hơn 10 triệu chữ ký đòi Washington hủy bỏ sắc lệnh chống lại chính quyền Caracas.
Tổng thống Barack Obama (phải) và Chủ tịch Raul Castro. |
Tuy nhiên, sau đó, nguyên thủ hai nước đã gặp nhau một cách không chính thức bên lề hội nghị và ông Obama nhắc lại rằng, Mỹ “không có lợi ích gì khi đe dọa Venezuela và chỉ muốn ủng hộ dân chủ, ổn định, phồn thịnh tại Venezuela và trong vùng”. Giới phân tích nhấn mạnh, tại Hội nghị Thượng đỉnh Panama, ông Obama đã đặt nền móng cho một bước khởi đầu mới trong quan hệ tại châu lục này, nhưng để tìm lại được vị trí ưu tiên vốn có của mình, Mỹ còn phải giải quyết nhiều vấn đề. Hội nghị này chỉ mang lại kết quả nếu Washington kiên trì các nỗ lực ngoại giao.
Như vậy có thể thấy, khi bình thường hóa quan hệ với Cuba, Mỹ đã có cơ hội để tăng cường mối quan hệ với các nước khu vực Mỹ Latinh sau một thời gian dài lạnh nhạt. Theo giới quan sát, để hai nước có thể khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa... có lẽ cần nhiều cuộc gặp như trên và nhiều cố gắng từ cả hai phía. Hiện tại, những trở lực cho tiến trình bình thường hóa quan hệ này còn khá nhiều, chủ yếu liên quan đến những thương lượng cụ thể.
Cho đến nay, yêu sách chủ yếu của Cuba vẫn là Washington phải bãi bỏ lệnh cấm vận vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội tiến hành bãi bỏ cấm vận Cuba, nhưng ông đang gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ.
Ngoài yêu cầu bãi bỏ cấm vận, Chủ tịch Raul còn đòi Mỹ phải trao trả lại Cuba phần lãnh thổ “chiếm đóng trái phép” để xây căn cứ Guantanamo. Mặc dù dự trù sẽ đóng cửa trại tù Guantanamo, Washington dứt khoát không muốn trả lại La Habana phần lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng từ năm 1903.
Đáp lại các yêu sách về tài chính của phía Cuba, Mỹ đòi chính quyền La Habana trả lại các tài sản của công dân Mỹ bị tịch biên sau cuộc cách mạng của Fidel Castro, được ước lượng lên tới 7 tỉ USD, tính luôn cả tiền lãi. Đó là chưa kể một số vấn đề khác đang chờ được giải quyết trong quan hệ giữa hai nước, như việc Cuba vẫn đòi Mỹ ngưng phát các chương trình phát thanh của cộng đồng Cuba lưu vong, được thực hiện với tiền tài trợ của Chính phủ Mỹ. Washington thì đòi La Habana phải nhận về những người Cuba có tiền án tiền sự chạy sang Mỹ tị nạn.
Đặt mối quan hệ Mỹ-Cuba vào hoàn cảnh sắp tới, giới quan sát cho rằng nếu hai bên muốn đạt được những tiến triển mới, họ sẽ còn phải nỗ lực hơn rất nhiều. Bởi lẽ, Tổng thống Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, còn Đảng Cộng sản Cuba đã ấn định lịch trình tổ chức Đại hội VII vào tháng 4/2016 và bầu cử toàn quốc vào năm 2018.
Không dễ hoàn thiện “di sản” thành công của chính sách đối ngoại
Như Tổng thống Brazil Dilma Rousseff phát biểu tại hội nghị ở Panama khi nói về việc cải thiện quan hệ Mỹ-Cuba: “Họ đang xây dựng một con đường, mà khi bạn xây một con đường, bạn không thể hoàn thành nó ngay được”. Quả thật vậy, con đường mà Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro đang xây có lẽ sẽ cần đến nhiều năm mới có thể thành công.
Cái bắt tay tượng trưng cho thiện chí ngoại giao và cuộc họp chớp nhoáng trong một tiếng đồng hồ của nguyên thủ hai nước Mỹ-Cuba đã được chào đón nồng nhiệt tại Hội nghị Panama và cả trong dư luận quốc tế. Cuộc hội ngộ Mỹ-Cuba trở thành đề tài bao trùm Hội nghị OAS 2015. Nó được ví như một thắng lợi trong chính sách đối ngoại của ông Obama. Nhưng khi trở về Washington vào hôm 12/4, ông Obama không được chào đón như ở Panama.
Hiện tại, giữa Mỹ và Cuba vẫn còn khá nhiều vấn đề phải giải quyết để đi đến bình thường hóa quan hệ. Mỹ đang yêu cầu Cuba cho phép các đại diện ngoại giao Mỹ tại La Habana được đi lại khắp hòn đảo và chính quyền Cuba giải tỏa bớt sự hiện diện của cảnh sát xung quanh khu vực phái bộ ngoại giao Mỹ trú đóng. Có vẻ như Tổng thống Mỹ Obama đang muốn tạo ra một bước đột phá nào đó để tiến trình cải thiện quan hệ với Cuba đạt được một kết quả khả quan trước khi ông hết nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, việc này sẽ không dễ dàng vì quan điểm chung của giới chức Mỹ hiện tại vẫn muốn can thiệp vào chuyện nội bộ của Cuba, do đó thái độ chung của hai bên vẫn chưa thể gọi là sẵn sàng cho một cuộc nói chuyện thiện chí, trên tinh thần hữu nghị. Mỹ hiện tại vẫn còn đang chứa chấp thành phần lưu vong chống phá chính quyền cách mạng ở Cuba, vẫn đang nuôi dưỡng những công cụ tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, xúi giục người dân trong nước nổi dậy chống chính quyền.
Trong khi đó, những vấn đề quan trọng hơn cần giải quyết ngay để có được bước tiến mang tính đột phá thì chưa được Washington quan tâm đúng mức. Đó là việc xem xét đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Ông Obama có vẻ như đã có quyết định cho vấn đề này, nhưng ông còn gặp phải trở ngại lớn hơn nhiều ở quê nhà, từ phía đảng Cộng hòa trong Quốc hội.
Muốn thực hiện việc đó, ông Obama phải thông báo với Quốc hội, và việc này ông sẽ thực hiện trong vài ngày tới. Vấn đề lớn hơn là dỡ bỏ lệnh cấm vận mọi mặt kéo dài hơn nửa thế kỷ vẫn đang bị ách tắc, và được dự báo là một khó khăn có thể khiến ông Obama hao tốn nhiều sức lực để thực hiện cho được. Bởi vì, thành phần chống Cuba trong Quốc hội vẫn còn và việc xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận này sẽ đòi hỏi thời gian thảo luận, thậm chí tranh cãi kéo dài.
Kết quả việc cải thiện quan hệ với Cuba, cùng với tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran, sẽ là những “di sản” thành công trong chính sách đối ngoại của ông Obama sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2016. Tiến trình đàm phán hạt nhân Iran có vẻ là thử thách gay go hơn Cuba, nhưng chung quy cả hai đều sẽ chịu sự săm soi tỉ mỉ của Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Trong đó, việc phê chuẩn thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Iran đang được ví như một cuộc chiến cân não thật sự giữa một bên là Tổng thống Obama và bên còn lại là thành phần nghị sĩ Quốc hội thân Israel và Israel. Iran đặt ra yêu cầu cấm vận phải được dỡ bỏ ngay để thỏa thuận cuối cùng được ký kết, vì thế phe chống thỏa thuận hạt nhân muốn áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn với Iran nhằm ngăn cản nước này đặt bút ký vào thỏa thuận.
Nếu một nghị quyết về biện pháp cứng rắn này được thông qua ở Quốc hội và có hiệu lực, ông Obama sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc đạt mục tiêu thỏa thuận với Iran. Vì vậy, ông cũng đã dọa sẽ dùng quyền phủ quyết của Tổng thống để vô hiệu hóa nghị quyết đó.