Ông Biden và 100 ngày đầu đầy thách thức

Thứ Ba, 09/02/2021, 08:55
Ký thỏa thuận gia hạn Hiệp ước New Start với Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân là pha đảo ngược mới nhất mà tân Tổng thống Joe Biden vừa thực thi với chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hồ sơ chính trị quốc tế nổi bật được chính quyền ông Biden bảo lưu, nhất là về quan hệ với Trung Quốc hay Venezuela...


Từ thay đổi nhân sự

Việc ông Biden lựa chọn những cộng sự thân cận như Tony Blinken làm Ngoại trưởng, Jake Sullivan lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia và Avril Haines làm Giám đốc Tình báo Quốc gia tạm thời khiến chúng ta có thể tin tưởng là xu hướng mới của đội ngũ hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ phù hợp với tuyên bố về ý định của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, cũng như quan điểm công khai của họ về một số hồ sơ quốc tế.

Ngày 3-2, Mỹ chính thức tuyên bố gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Nga. Động thái này diễn ra khi trước đó ngày 29-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước New START. Hiệp ước START mới là hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa Nga và Mỹ, cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hai nước cũng bị giới hạn về số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.

Ngay trong tuần đầu tại vị, ông Biden đã ký hơn 40 sắc lệnh hành pháp, Một con số kỷ lục, nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào.

Theo thỏa thuận ban đầu, Hiệp ước này sẽ hết hạn vào ngày 5-2 tới. Tuy nhiên, sau khi đã rút khỏi nhiều hiệp ước an ninh quan trọng như Hiệp ước Bầu trời mở, Hiệp ước INF với Nga, chính quyền ông Donald Trump trước đây cũng từ chối gia hạn New START. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Nga và hai bên đã đạt thỏa thuận về việc kéo dài Hiệp ước START mới thêm 5 năm, đến ngày 5-2-2026. 

Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng, việc gia hạn START chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết các thách thức an ninh của thế kỷ 21. Trước thông tin này, cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ.

Ngày 4-2, Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách khu vực châu Âu (EUCOM) cho biết, kế hoạch rút 12.000 lính đồn trú ở Đức từng được cựu Tổng thống Donald Trump phê chuẩn sẽ bị ngừng. Kế hoạch rút quân được phê chuẩn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump bao gồm chuyển trụ sở EUCOM từ thành phố Stuttgart, Đức sang nước Bỉ, đưa 6.000 binh sĩ thuộc Trung đoàn Kỵ binh 2 đồn trú ở thành phố Vilseck trở về Mỹ và một số đơn vị của trung đoàn này sẽ được triển khai tới vùng Baltic. 

“Từng kế hoạch đều sẽ bị hoãn và được xem xét lại một cách kỹ lưỡng để có được cái nhìn toàn diện về tất cả sự lựa chọn từ đầu đến cuối”, tướng không quân Mỹ Tod Wolters nói.

Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống bắt tay với ông Putin ở Moscow, ngày 10-3-2011.

Nếu như ông Trump chủ trương chính sách gây áp lực tối đa với Iran thì chính quyền ông Joe Biden lại muốn tái gia nhập Thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi bị người tiền nhiệm gạt bỏ. Tuần trước, tân Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói rằng nếu Iran một lần nữa đáp ứng đầy đủ các cam kết của mình theo thỏa thuận thì Mỹ cũng vậy. Mặc dù con đường trở lại bàn đàm phán với Iran còn nhiều khó khăn nhưng rõ ràng chính quyền ông Biden đã tỏ rõ sự thân thiện chứ không như thái độ cứng rắn như trước. Về phần mình, Tehran kiên quyết phản đối ý tưởng đàm phán lại nhưng cho biết họ sẵn sàng tuân thủ trở lại đầy đủ các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ.

Cũng theo chiều hướng này, ngay trong ngày nhậm chức 20-1, ông Biden cũng khởi động tiến trình đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thậm chí, ông Biden trước đó từng cam kết sẽ đặt ra các mục tiêu về giảm lượng khí thải mới khi trở lại cơ chế này, trong đó có kế hoạch đưa mức phát thải carbon của Mỹ, quốc gia phát thải carbon lớn thứ hai thế giới, về 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, chính quyền mới còn đưa ra quyết định tái hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi giữa năm ngoái ông Trump tuyên bố xứ cờ hoa chính thức chấm dứt mối quan hệ với tổ chức này và chuyển hướng tài trợ cho các sáng kiến y tế công cộng khác.

Liên quan đến Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cách tiếp cận giữa ông Trump và ông Biden rõ ràng sẽ khác nhau: ông Trump lựa chọn theo cách chưa từng có và đáng chú ý là đến thăm Riyadh ngay sau khi nhậm chức, còn ông Joe Biden, trong chiến dịch tranh cử, đã gọi Saudi Arabia là một “Nhà nước bất hảo”. Các tuyên bố của ông như vậy đã cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia và UAE xấu đi thực sự. Tối 1-2, trong động thái thương mại đầu tiên, ông Biden thông báo khôi phục mức thuế 10% đối với nhôm nhập khẩu từ UAE mà Tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ chỉ 1 ngày trước khi rời nhiệm sở.

“Tôi cho rằng việc duy trì, áp dụng thuế quan đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ UAE là cần thiết và phù hợp dựa trên lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi” - ông Joe Biden nói trong một tuyên bố mới.

Hiệp ước START mới là hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa Nga và Mỹ.

Việc khôi phục thuế quan có hiệu lực từ ngày 3-2. Động thái này cũng làm giảm hy vọng ở châu Âu rằng, ông Biden sẽ rút lại các mức thuế mà ông Trump áp dụng đối với thép và nhôm nhập khẩu theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. Điều khoản này cho phép tổng thống hạn chế nhập khẩu để bảo vệ an ninh quốc gia.

Cũng trong ngày tại nhiệm cuối cùng của ông Trump, Mỹ đã ký thỏa thuận với UAE để bán 50 máy bay phản lực F-35, 18 máy bay không người lái vũ trang và các thiết bị quốc phòng khác trị giá 23 tỉ USD. Tuần trước, chính quyền ông Biden tuyên bố sẽ tạm dừng thỏa thuận bán vũ khí cho UAE để xem xét lại.

Đến đổi mới niềm tin?

Đối với Iraq, tân Tổng thống Mỹ dường như là một nhân vật có thể gây ra nhiều vấn đề, bởi ông Biden đã ủng hộ Mỹ can thiệp vào Iraq hồi năm 2003, thúc đẩy kế hoạch chia Iraq thành 3 nhà nước. Ngày nay, trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc cạnh tranh và Washington ưu tiên ngăn chặn sức mạnh của Bắc Kinh, việc rút quân Mỹ khỏi khu vực dường như là không thể tránh khỏi, cho dù sẽ gây chia rẽ sâu sắc chính quyền Mỹ, bởi Bagdad có tầm quan trọng trên bàn cờ khu vực. Còn đường hướng chính sách của ông Biden ở Iraq thì vẫn chưa rõ ràng nhưng chắc chắn Mỹ sẽ phải duy trì khả năng chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Trong khi đó, cách tiếp cận của tân chính quyền Mỹ về vấn đề Syria vẫn là một ẩn số lớn và cũng sẽ gây tác động mạnh đến triển vọng đàm phán với Iran. Nếu Washington có ý định nối lại đối thoại với Tehran, Mỹ sẽ nhấn vào những điểm yếu của Iran, đặc biệt là liên quan đến Syria. Đối với Mỹ, điều cần thiết vẫn là ngăn chặn ảnh hưởng của Iran trong khu vực, trong khi đó cuộc chiến của ông Trump nhằm làm suy yếu tiềm lực quân sự của Tehran cho đến nay rõ ràng vẫn thất bại.

Có vài vấn đề mà chính quyền ông Biden dường như giữ nguyên quan điểm. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trong cuộc họp báo hôm 3-2 cho biết sự ủng hộ của Mỹ với Đài Loan trước chính sách “Một Trung Quốc” sẽ không bị thay đổi dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận vì lợi ích của Mỹ, Washington vẫn sẽ bảo đảm “lợi ích hợp tác với Trung Quốc” ở một vài vấn đề như biến đổi khí hậu và thương mại.

Nhận xét về mối quan hệ với Trung Quốc, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã mô tả Trung Quốc là quốc gia “đặt ra những thách thức quan trọng nhất” đối với Mỹ. Tổng thống Biden hiện vẫn chưa thực hiện bất kỳ một cuộc điện đàm nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi các quan chức Washington vẫn đang tiếp tục vạch ra chiến lược của Mỹ đối với Bắc Kinh.

Mặc dù đã ký nhiều lệnh hành pháp kể từ khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Biden vẫn chưa thu hồi hay đảo ngược bất kỳ chính sách nào của cựu Tổng thống Trump đối với Trung Quốc. Liên quan đến CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ không lặp lại các cuộc đàm phán ngoại giao “kiểu Trump”. Ông từng tuyên bố sẽ chỉ sẵn lòng gặp ông Kim Jong-un nếu nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đồng ý cắt giảm năng lực hạt nhân của mình.

Ông Antony J. Blinken điều trần tại tiểu ban Đối Ngoại Thượng Viện ngày 19-1-2021, trước khi chính thức được phê chuẩn chức ngoại trưởng Mỹ.

Cũng trong cuộc họp báo trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chính quyền ông Biden không có kế hoạch thiết lập các cuộc tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người đã kêu gọi cải thiện quan hệ với Mỹ sau những căng thẳng với chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Price cho hay, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm với việc công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela. Về phần mình, Tổng thống Maduro, người đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington từ tháng 2-2019, trước đó vài ngày đã tuyên bố sẵn sàng “sang trang” và thiết lập “con đường mới” với chính quyền của ông Biden “trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, đối thoại, liên lạc và thấu hiểu”.

Ngoài ra, chính quyền ông Biden cũng đã thu hồi giấy phép Tổng thống Trump cấp cho dự án Đường ống Keystone XL nối Mỹ với Canada. Quyết định này đã gây phản ứng mạnh từ phía Ottawa. Về vấn đề nhập cư, ông Biden đã hủy bỏ tuyên bố khẩn cấp của chính quyền Trump giúp tài trợ cho việc xây dựng bức tường dọc biên giới Mexico và cũng chấm dứt lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia theo đạo Hồi.

Ngoài những chính sách đối ngoại, ông Biden cũng đã ký hàng loạt quyết định hành pháp khác, đảo ngược quyết định về đối nội của người tiền nhiệm, từ vấn đề chống dịch COVID-19, môi trường cho đến nhập cư, kinh tế...

Ông Joe Biden và đội ngũ thân cận của ông đã có gần 3 tháng để lên kế hoạch cho những hành động đầu tiên của ông sau khi tuyên thệ nhậm chức. Không mất nhiều thời gian để tổng thống mới nhậm chức ra tay. Tuy nhiên, đưa ra các lệnh hành pháp là phần tương đối dễ dàng. Trong Quốc hội Mỹ đang có những chỉ trích cho rằng Tổng thống Biden đang lạm dụng các sắc lệnh hành pháp, đi ngược lại lời hứa đoàn kết của ông. Ví dụ như một nhân vật quyền lực trong Quốc hội là lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell đã chỉ trích việc quay lại Thỏa thuận khí hậu Paris sẽ gây ra những khó khăn cho các gia đình lao động ở Mỹ. Ông Biden sẽ cần phải có sự hậu thuẫn của Quốc hội để những chính sách mình triển khai mang tính ràng buộc về pháp lý. Đây sẽ là một thử thách trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai đảng trong Quốc hội Mỹ đang lên cao như hiện nay.

Một chính trị gia kỳ cựu, ông Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền ông Obama và cũng là đồng nghiệp của ông Biden tại Thượng viện trong 12 năm, bình luận: “Nước Mỹ chưa bao giờ ở trong tình huống như thế này trước đây, cả trong và ngoài nước. Những gì ông Biden phải làm vượt qua cả nhiệm vụ trong 100 ngày đầu cầm quyền. Ông ấy sẽ phải ngay lập tức xây dựng lại và khôi phục các liên minh của Mỹ, đồng thời trấn an các đồng minh rằng Mỹ đang trở lại dẫn đầu cuộc chơi”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.