Palestine: Bờ Tây lại bùng phát bạo lực

Thứ Sáu, 07/08/2015, 16:15
Rạng sáng ngày 31/7, nhiều người bịt mặt (mà phía Palestine cho là những người định cư Israel) đã ném bom xăng vào 2 ngôi nhà, trong đó có nhà của cậu bé Dawabcheh mới 18 tháng tuổi, tại làng Douma gần Naplouse. Đứa bé bị thiêu sống, còn cha mẹ và anh trai 4 tuổi của em bị thương nặng, đang vật lộn giữa sự sống và cái chết tại bệnh viện.

Một bé gái khác cũng bị thương và được đưa vào bệnh viện. Hàng ngàn người Palestine, trong đó có Thủ tướng Rami Hamdallah, đã tham dự tang lễ của đứa bé "anh hùng tuẫn đạo", choàng lá cờ Palestine và được nhiều người khiêng trên tay.

Trong cuộc điện đàm hiếm hoi với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Thủ tướng Israel Netanyahu đã lên án "một hành vi khủng bố về mọi mặt", đồng thời ra lệnh lực lượng an ninh phải "bắt giữ những kẻ sát nhân và đưa ra trước pháp luật".

Tuy nhiên nhà cầm quyền Palestine vẫn gán trách nhiệm cho phía Israel vì sự không trừng phạt của chính quyền Israel đối với những người định cư mà Palestine cho là thủ phạm. Tổng thống Abbas tuyên bố rằng Israel phải trả lời về "tội ác chiến tranh" này trước Tòa án Hình sự Quốc tế trong khi nhiều nhóm hoạt động đe dọa sẽ trả đũa và hàng ngàn người biểu tình hô to khẩu hiệu "trả thù" tại Gaza và Bờ Tây.

Từ nhiều năm nay, những kẻ hoạt động cực hữu của Israel hay nhiều người định cư, dưới danh nghĩa "cái giá phải trả", đã mở những cuộc tấn công và cướp phá nhắm vào người Palestine và Israel gốc Arập, những địa điểm tôn giáo của người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, thậm chí cả các binh sĩ Israel. Phần lớn những vụ tấn công đó đều không bị trừng phạt.

Nhưng cuộc tấn công ngày 31/7 đã dấy lên một sự phẫn nộ mạnh mẽ với những lời kêu gọi biểu tình trên các mạng xã hội để chống đối bạo lực. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshé Yaalon thậm chí gọi những thủ phạm là "các tên khủng bố Do Thái".

Ngôi nhà tại Cisjordanie bị phóng hỏa.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Nickolay Mladenov cho rằng vụ tấn công thật quá đáng, còn Jordan lên án "một tội ác bỉ ổi lẽ ra có thể tránh được nếu chính quyền Israel không quay lưng lại với hòa bình", ám chỉ đến tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine đang giẫm chân tại chỗ. Liên minh châu Âu kêu gọi "phải có trách nhiệm, áp dụng luật pháp một cách hữu hiệu và không khoan nhượng đối với những hành động bạo lực của người định cư".

Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án mạnh mẽ "cuộc tấn công khủng bố" và "hoan nghênh mệnh lệnh do Thủ tướng Netanyahu đưa ra cho lực lượng an ninh phải áp dụng mọi biện pháp trong tay để bắt giữ các tên sát nhân về cái mà Thủ tướng gọi là hành động khủng bố và đưa chúng ra trước pháp luật".

Từ hơn một năm nay, quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Israel đã xấu đi nhiều do thất bại trong cuộc đối thoại trực tiếp giữa Israel và Palestine vào tháng 4/2014 cũng như do thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc và Iran. Washington thường xuyên chỉ trích việc lập những khu định cư của Israel tại các lãnh thổ bị chiếm đóng cho dù không xem xét lại mối liên kết quân sự và sự hậu thuẫn ngoại giao với nước này.

Hôm 2/7, trước áp lực mạnh mẽ, Chính phủ Israel đã tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người Do Thái cực đoan. Thủ tướng Netanyahu đã hứa sẽ không nhân nhượng và Bộ trưởng quốc phòng Moshé Yaalon cho phép giam giữ hành chính với thời gian vô hạn những kẻ cực đoan. Nhưng 3 ngày sau vụ tấn công, các thủ phạm vẫn "thoát lưới".

Từ nhiều năm qua những kẻ cực đoan Do Thái thường tấn công người Paletine và người Israel gốc Arập. Chính quyền Palestine đã kiểm kê được "11.000 vụ tấn công trong vòng 10 năm".

Tổng thống Mahmoud Abbas châm biếm phương pháp điều tra của quân đội Israel. "Họ bắt giữ những kẻ tình nghi để điều tra trong 1 giờ, sau đó thả chúng ra và chúng tiếp tục tấn công". Theo ông, những vụ tấn công đó là "kết quả trực tiếp của chính sách định cư do Israel thực thi" dẫn đến việc xây dựng 400.000 ngôi nhà tại Bờ Tây và 200.000 nhà khác ở Đông Jerusalem.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.