Palestine: Một "Fatah mới", nhưng tiến trình hoà bình vẫn mờ mịt

Thứ Ba, 18/08/2009, 18:35
Ngày 9/8 vừa qua, Đại hội lần thứ VI đảng Phong trào Fatah tại Bethledhem, Palestine, đã tiến hành bầu Ủy ban Trung ương gồm 21 thành viên và Hội đồng Cách mạng gồm 128 ghế. Đây là kỳ đại hội được đánh giá có nhiều ý nghĩa nhất đối với đảng Phong trào Fatah cũng như tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

2.355 đại biểu của Fatah trên toàn thế giới đã về Bethlehem dự Đại hội lần thứ VI (vắng mặt 300 đại biểu ở Dải Gaza). Đây là kỳ đại hội đầu tiên sau 20 năm, cũng là đại hội đầu tiên được tổ chức trên đất Palestine sau hơn 44 năm đảng này hoạt động công khai. Kỳ đại hội được xem là "giông bão" dự kiến chỉ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 4 đến 6/8/2009) đã phải mở rộng đến ngày 9/8 do những bất đồng và tranh cãi gay gắt giữa các nhóm thành viên Fatah trẻ với thế hệ "lão thành" khiến nhiều vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của Fatah không thể giải quyết trong thời gian dự kiến.

Đây cũng là lý do khiến nhiều người bày tỏ lo ngại về khả năng "một Fatah mới" có thể được hình thành hay không, như tuyên bố của phát ngôn viên Hazem Abu Shanab ngay sau buổi họp sáng ngày 6/8, và liệu Fatah có lấy lại vị thế vốn có ở khu vực Trung Đông hay không.

Một trong những tranh cãi gay gắt nhất giữa các thế hệ Fatah xoay quanh việc chọn lựa giữa các hình thức đấu tranh nhằm đạt mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine. Dưới thời lãnh tụ Yasser Arafat, Fatah trung thành với nguyên tắc đấu tranh vũ trang chống người Israel.

Sau khi Hiệp ước Oslo được Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Tổng thống Palestine Arafat ký kết tại thủ đô Oslo của Na Uy vào tháng 9/1993, với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Fatah bắt đầu từ bỏ nguyên tắc đấu tranh vũ trang, nhưng cuộc đấu tranh của người Palestine vẫn theo đường lối cũ. Chỉ sau khi ông Arafat qua đời tháng 11/2004, người kế nhiệm ông là Mahmoud Abbas bắt đầu dẫn dắt Fatah thiên hẳn theo đường lối thỏa hiệp với người Israel, trong khi cũng không thể từ bỏ hoàn toàn đấu tranh vũ trang.

Hiện nay, Fatah tiếp tục trong tình trạng lưỡng lự giữa các hình thức đấu tranh. Ngay trước khi đại hội khai diễn, Chủ tịch lưu vong của Fatah là ông Farouk Kaddoumi (78 tuổi) đã lớn tiếng chỉ trích ông Abbas vì theo đuổi chính sách thỏa hiệp với người Israel.

Giới trẻ Fatah cũng gay gắt yêu cầu Fatah phải có một cuộc cải tổ nội bộ, tiến hành "thay máu" tổ chức này nhằm gây tạo lại sức sống vốn dĩ trước đây. Phát biểu trong ngày mở đầu đại hội, Tổng thống Abbas cho rằng kỳ đại hội này phải đánh dấu một sự bắt đầu mới. Tuy nhiên, điều ông Abbas tuyên bố có thực sự khả thi hay không hiện đang là vấn đề mà giới trẻ trong Fatah đòi hỏi.

Giới trẻ Fatah yêu cầu các thành viên "lão làng" trong đảng nên thoái vị bớt để nhường chỗ cho những gương mặt mới nhằm tạo ra sức sống mới cho đảng. Tuy nhiên, muốn có được điều này trong tình hình hiện nay còn rất khó vì nhiều lý do.

Hiện tại, nhân vật được xem là có nhiều khả năng nhất tạo được sự đoàn kết nội bộ Fatah là Marwan Barghouti thì đang bị Israel giam giữ vì cáo buộc liên quan các cuộc tấn công trên đất Israel. Người thứ 2 là Mohammed Dahlan do nhiều tai tiếng nên khó có cơ hội lọt vào ban lãnh đạo mới.

Cho đến nay, với chính sách cởi mở hơn, thiên về đối thoại nhiều hơn của chính quyền mới, Mỹ tiếp tục kiên định với giải pháp "hai nhà nước". Tuy nhiên, "hai nhà nước" còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, mà yếu tố nào cũng gay go, khó giải quyết, ít nhất vào thời điểm này. Việc Israel tiếp tục không từ bỏ chương trình xây dựng các khu định cư mới quanh Jerusalem cũng đang đặt ra trở ngại không nhỏ cho việc thực thi chính sách mới của chính quyền Obama.

Có thể, chính quyền Obama sẽ gây sức ép mạnh buộc Israel đình chỉ tiến trình xây dựng các khu định cư mới ở Bờ Tây, nhưng khả năng thành công không cao vì người Israel không dễ chấp nhận sức ép của Nhà Trắng. Ngoài mặt tuyên bố ủng hộ chính sách "hai nhà nước" của Nhà Trắng và khuyến khích người Palestine "hòa thuận" để cùng bàn chuyện "hòa bình Trung Đông", nhưng trên thực tế thì người Israel vẫn làm theo ý mình, vẫn tiếp tục bao vây và càn quét Gaza và lấn đất người Palestine.

Điều quan trọng nhất là người Palestine phải xây dựng lại đoàn kết nội bộ. Kể từ khi ông Abbas theo đuổi chính sách thỏa hiệp với Israel, được Mỹ và Israel ủng hộ trong tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông, nội bộ Palestine gần như đã tan rã, với việc Phong trào Hồi giáo Hamas nắm quyền Dải Gaza còn Fatah thì kiểm soát khu Bờ Tây sông Jordan.

Trong hơn 2 năm qua, Hamas và Fatah gần như là kẻ thù "không đội trời chung", và sự chia rẽ này đang kìm hãm cuộc đấu tranh của họ với người Israel. Vấn đề đang trở nên mối bận tâm không chỉ của người Palestine mà toàn khu vực Trung Đông. Đến nỗi Vua Abdullah của Arập Xêút đã viết một lá thư với lời lẽ sâu sắc gửi cho những người Palestine dự đại hội đảng Fatah. Trong thư (được đăng trên tờ báo al-Hayyat), Vua Abdullah cảnh báo người Palestine "sẽ chẳng bao giờ có được một nhà nước" nếu họ không chấm dứt chia rẽ nội bộ.

Vua Abdullah viết: chính sự đấu đá lẫn nhau giữa Fatah và  Hamas đã gây hại đến sự nghiệp của người Palestine nhiều hơn hậu quả xung đột với Israel gấp nhiều lần. Như vậy, bất luận kết quả bầu cử ban lãnh đạo mới của Fatah như thế nào, người Palestine vẫn phải tạo cho được sự đoàn kết, vì chỉ có thế mới giúp họ đi đến mục tiêu giành độc lập

An Châu (tổng hợp)
.
.