Palestine tuyên bố “Ngày thịnh nộ”

Thứ Năm, 05/12/2019, 17:24
Người Palestine đang phải đối mặt với khả năng 60% diện tích Bờ Tây sẽ được bao phủ bởi các khu định cư của Israel. 40% sẽ bị bỏ mặc dưới hình thức các khu vực của người Palestine bị chia cắt và cô lập.

Tiếp tục với sự hậu thuẫn từ Mỹ

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 1-12 đã thông báo cấp 40 triệu shekel (tương đương 11,5 triệu USD) nhằm tăng cường an ninh cho các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Phát biểu trong phiên họp nội các, Thủ tướng Netanyahu cho biết cùng với việc chống khủng bố, Israel đang tăng cường an ninh cho các khu định cư ở Judea và Samaria (cách Israel gọi khu vực Bờ Tây). Sau đó, ông Netanyahu đã đăng tải trên Twitter rằng chính phủ đã phân bổ khoản tiền trên.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett đã ra lệnh cho các quan chức bắt đầu lập kế hoạch xây dựng một khu định cư Do Thái mới ở trung tâm thành phố Hebron thuộc khu Bờ Tây. Theo thông báo, dự án xây dựng khu định cư mới sẽ “tăng gấp đôi số người Do Thái định cư tại thành phố này”. Thành phố Hebron là khu vực linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và Do Thái giáo, là một điểm nóng đụng độ giữa người Palestine với những người định cư Israel.

Hôm 30-11, binh sĩ Israel đã bắn chết một người Palestine ở Tây Nam thành phố Hebron với lý do người này tham gia ném bom xăng vào một chiếc xe quân sự. Khoảng 800 người định cư Israel sống tại thành phố cổ này dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của quân đội Israel, với khoảng 200.000 người Palestine sống xung quanh.

Việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây là một trong những rào cản chính trong việc giải quyết xung đột giữa Palestine và Israel, khiến tiếng súng chưa bao giờ dứt hẳn ở khu vực tranh chấp này. Đặc biệt, sau quyết định của Mỹ hồi tháng trước về việc không còn coi các khu định cư Do Thái là phi pháp, các hành động từ phía Israel càng quyết liệt.

Ngày 18-11, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ “không còn coi các khu định cư của Israel là không phù hợp với luật pháp quốc tế nữa”. Điều này đánh dấu sự thay đổi lớn thứ ba trong chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột Israel-Palestine mà chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi trong 3 năm, sau khi Mỹ dời đại sứ quán đến Jerusalem và công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (đứng giữa) cùng những nhà chức trách về định cư của Israel ở khu vực Bờ Tây.

Với những bước đi ban đầu này, ông Pompeo biện minh rằng chính sách mới của chính quyền Tổng thống Trump đã “công nhận thực tế tại thực địa” và xóa bỏ các rào cản pháp lý nhằm tạo ra không gian cho người Israel và Palestine tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề gây nhiều tranh cãi này. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi chính sách mới nhất này thể hiện sự xa rời thực tiễn của Mỹ và có khả năng gây bất ổn nghiêm trọng cho tiến trình hòa bình lớn hơn giữa Israel và Palestine.

Tuyên bố của ông Pompeo ngay lập tức làm dấy lên sự nghi ngờ rằng chính quyền Tổng thống Trump một lần nữa đang cố gắng thúc đẩy vận may chính trị của Thủ tướng Netanyahu, một đồng minh hiện đang đấu tranh quyết liệt cho tương lai chính trị của mình. Thủ tướng Netanyahu đặc biệt chú trọng vào mối quan hệ của ông với Tổng thống Trump và hứa hẹn của ông trong chiến dịch tranh cử về việc sáp nhập các khu định cư Bờ Tây.

Thủ tướng Netanyahu phát biểu trong một đoạn video phát trực tuyến vào ngày 19-11 khi ông kêu gọi các đối thủ hãy cùng ông lập nên một chính phủ đoàn kết: “Quyết định lịch sử  của Chính phủ Mỹ ngày 18-11 đã mang lại cơ hội có một không hai để thiết lập biên giới phía Đông Israel và sáp nhập thung lũng Jordan ở Bờ Tây”.

Hòa bình càng lùi xa

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía các quan chức Palestine. Việc chính quyền Tổng thống Trump cố ý gây tổn hại tới các lợi ích của Palestine từ việc làm suy yếu các tuyên bố pháp lý quốc tế của họ cho đến việc từ chối cung cấp viện trợ nước ngoài dường như đã đẩy mối quan hệ này đến ngưỡng không thể quay trở lại, ít nhất chừng nào Tổng thống Trump còn đương nhiệm.

Dù phần còn lại của thế giới phản đối tuyên bố của Mỹ nhưng trước cái gật đầu của Mỹ và sự quyết liệt nhân thời cơ của Israel, người Palestine vẫn phải đối mặt với khả năng 60% diện tích Bờ Tây sẽ được bao phủ bởi các khu định cư của Israel. 40% sẽ bị bỏ mặc dưới hình thức các khu vực của người Palestine bị chia cắt và cô lập.

Có thể nói, số phận của giải pháp “hai nhà nước” từng được bàn tới đã “chết yểu” khi thật khó khăn để xây dựng được lòng tin giữa Israel và Palestine. Trong nhiều năm nỗ lực đàm phán về một giải pháp “hai nhà nước”, Palestine đã bị buộc phải nhượng bộ quá nhiều.

Hàng nghìn người Palestine đã xuống đường biểu tình tại một số thành phố ở khu Bờ Tây nhằm phản đối việc Mỹ công nhận các khu định cư của Israel. Nhiều phe phái chính trị Palestine đã kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình và tuyên bố ngày 26-11 là “Ngày thịnh nộ”.

Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye, cũng tham gia một cuộc biểu tình ở thành phố Ramallah, đã lên án quan điểm của Mỹ và coi đó là những hành động đơn phương nhằm chống lại ý chí và khát vọng của người dân Palestine. Ông Mahmoud Aloul, Phó Chủ tịch phong trào Fatah do Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lãnh đạo nêu rõ “Ngày thịnh nộ” là để người dân Palestine nói lên sự phẫn nộ của họ.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định quốc gia này sẵn sàng tham gia đối thoại hòa giải với Israel, song “Thủ tướng Israel Netanyahu đã không tin tưởng vào triển vọng hòa bình giữa hai nước và gây phức tạp tình hình”.

Theo Tổng thống Abbas, tiến trình hòa giải giữa Palestine và Israel từng đạt một số tiến bộ nhất định dưới thời cựu Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, người tiền nhiệm của ông Netanyahu. Tuy nhiên, vụ ám sát ông Rabin năm 1995 và sự dịch chuyển quyền lực sau đó khiến tiến trình hòa bình rơi vào đình trệ.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.