Phải “tuyên chiến” với nạn chống người thi hành công vụ

Thứ Tư, 30/09/2009, 15:50
Tội phạm chống người thi hành công vụ không phải là một loại tội phạm mới nhưng chưa bao giờ số vụ chống người thi hành công vụ lại xảy ra nhiều như trong thời gian gần đây. Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an cho thấy từ năm 2003 đến nay trên toàn quốc trung bình mỗi năm xảy ra hơn 3.000 vụ chống người thi hành công vụ. Trong đó, trên 75% số vụ có hành vi chống người thi hành công vụ nhằm vào lực lượng CAND chủ yếu là chống lại lực lượng cảnh sát.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới những vụ việc có tính chất nghiêm trọng của các đối tượng chống đối hung hãn mà chúng tôi tạm gọi là của một loại côn đồ mới…

Chống đối điên cuồng vì những lý do đơn giản

Cách đây 2 tháng, Hà Nội đã từng xôn xao về một vụ việc chống người thi hành công vụ kinh hoàng về mức độ hung hãn. Trong vụ việc này, kẻ phạm tội không sử dụng dao, kiếm, súng, gậy gộc... để tấn công lại lực lượng cảnh sát nhưng hành vi phạm tội thậm chí còn nguy hiểm hơn cả việc dùng hung khí.

Trên cả một chặng đường dài khoảng 60km, kẻ phạm tội là một lái xe đã cố tình phóng với tốc độ cực cao, lạng lách, ép xe vào cột điện, vào lề đường... chỉ với một mục đích duy nhất là để tước đi sinh mạng của người cảnh sát lúc này đang bám cheo leo một cánh tay và một bàn chân bên cửa xe.

Số là đêm ấy, tổ công tác của Trạm công an Trung Văn, Từ Liêm trên đường tuần tra kiểm soát phát hiện một xe tải chở đá vi phạm đỗ dưới lòng đường Phùng Khoang. Lái xe lúc này nằm trong xe, chốt cửa và... ngủ. Tổ công tác yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe nhưng lái xe không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì.

Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường đứng lên bậc cạnh cửa lái, một tay cầm vào gương chiếu hậu, một tay bám vào tay nắm ở cửa,  yêu cầu lái xe đánh xe đi chỗ khác nhưng lái xe trả lời cùn rằng: "Không có chìa khóa xe". Lúc này, Thượng úy Tường liền gọi bộ đàm cho Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện. Thấy vậy, lái xe đột nhiên rồ ga, nổ máy bỏ chạy với tốc độ khoảng 70km/giờ. Thượng úy Tường vẫn bám cheo leo ở cửa xe. Từ trong buồng lái, lái xe nhìn thấy rất rõ và hắn cũng rất ý thức được rằng, với tốc độ chạy xe cực cao như thế mà lại đứng bấp bênh ở cửa xe như vậy thì không bị hất xuống đường mới là điều lạ.

Giữa đêm khuya, kẻ lái xe côn đồ đã cho xe chạy qua nhiều tuyến phố ở nội thành rồi cuối cùng quay ngược lại Pháp Vân với tốc độ cực cao. Trong suốt đoạn đường bỏ chạy với tốc độ khá cao, lái xe lạng lách, ép sát vào cột điện và hàng cây bên đường hòng làm cho nạn nhân va đập, ngã xuống. Sau một chặng đường khoảng 70 km, hắn cố gắng để ép chết người cảnh sát nhưng không thành, cuối cùng biết sẽ không thoát khỏi vòng vây của lực lượng Công an, lái xe đã cho dừng xe và bỏ chạy.

Để rồi, sau hơn nửa tháng trốn tránh, hắn đã phải ra đầu thú. Hắn là  Dương Viết Hân (21 tuổi, ở Thanh Liêm, Hà Nam), một kẻ lái xe chở vật liệu xây dựng thuê nhưng lại không có giấy phép lái xe. Lý do dẫn đến những hành động điên cuồng chống lại cảnh sát thật đơn giản: sợ phải nộp phạt vì không có bằng lái.

Theo một con số thống kê của Tổng cục Cảnh sát, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội (cũ) số vụ xảy ra trong năm 2008 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2007. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội thực sự lo ngại về sự manh động của loại côn đồ mới này khi mà hàng loạt vụ việc xảy ra trên địa bàn thủ đô cho thấy nguyên nhân dẫn đến các hành vi chống đối hung hãn của các đối tượng lại thật là đơn giản.

Một lái xe taxi khi dừng đỗ trái phép trên đường thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng bị tổ công tác của Công an phường yêu cầu kiểm tra giấy tờ, sợ bị phạt, lái xe cũng chống đối hung hãn bằng cách chạy xe với tốc độ cao nhằm hất tung người cảnh sát lúc này đang bám trên nắp capô xuống đường. 

Trước đó, đã từng xảy ra một vụ việc tương tự. Hoàng Kỳ Tùng, lái xe của một hãng taxi đang dừng đỗ trái phép trên  đường Tây Hồ (Hà Nội) thì 2 chiến sĩ Cảnh sát 113 đến yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Tùng đã nhấn ga chạy trốn. Do đứng trước mũi xe, nên khi xe rồ ga Trung tá Ngô Tất Lợi, Cảnh sát 113 quận Tây Hồ bị hất tung lên nóc capô. Lái xe lạng lách phóng với tốc độ cao trong khi Trung tá Lợi ở vào tình trạng hết sức nguy hiểm. Cả thân người chỉ níu được vào thân xe bằng hai tay bám chặt chiếc cần gạt nước. Khi Trung tá Lợi nhoài người bám tiếp vào cần gạt nước thứ hai, anh đã hoàn toàn đối mặt với kẻ cầm lái và ra hiệu dừng lại nhưng chiếc xe vẫn tiếp tục phóng đi. Chạy gần 400 mét từ số nhà 3B phố Tây Hồ sang số nhà 49 phố Xuân Diệu đâm liên tiếp vào 2 chiếc xe máy đang lưu thông trên đường, chiếc taxi mới chịu dừng lại.

Không chấp hành hiệu lệnh, lái xe cố tình tháo chạy, hất đồng chí Cảnh sát giao thông lên capô.

Dù vì bất cứ lý do gì thì hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ vẫn là hành vi vi phạm pháp luật nguy hiểm. Nhưng còn nguy hiểm hơn khi  trong hàng loạt các vụ việc chống người thi hành công vụ với tính chất nghiêm trọng, bằng các hành vi côn đồ hung hãn kể trên, lại xuất phát từ những nguyên nhân vô cùng đơn giản. Không phải vì những bức xúc không thể giải quyết được hay vì những mâu thuẫn, uất ức tích tụ lâu dài mà nguyên nhân dẫn đến các hành vi chống đối, thậm chí chống đối một cách hung hãn, manh động chỉ vì sợ phải nộp phạt vi phạm giao thông, sợ phải đánh xe đi địa điểm khác thì mất khách...

Thậm chí, đã từng xảy ra trường hợp người có dấu hiệu vi phạm giao thông, chỉ cần thấy cảnh sát tuýt còi, ra hiệu lệnh dừng xe, là chống đối, chưa cần biết nếp tẻ ra sao. Ngô Tuấn Long ở quận Cầu Giấy, Hà Nội điều khiển xe máy vượt đèn đỏ tại khu vực ngã ba Lương Thế Vinh - Nguyễn Trãi. Phát hiện vi phạm, Cảnh sát giao thông (CSGT) ra hiệu lệnh yêu cầu Long dừng xe. Long cho xe đâm thẳng vào người làm đồng chí cảnh sát Huấn ngất xỉu.

Hay một vụ việc khác xảy ra tại ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc, 2 CSGT yêu cầu 3 đối  tượng đi trên cùng một xe máy dừng lại để kiểm tra giấy tờ. Khi CSGT đang giải thích cho 3 đối tượng trên về hành vi vi phạm giao thông, chưa ra biên bản phạt thì 1 trong 3 đối tượng trên đã rút dao đâm trọng thương cảnh sát rồi bỏ chạy.--PageBreak--

Trong khi lấy tư liệu cho bài viết này, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều vụ việc chống người thi hành công vụ dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Các vụ việc đã xảy ra cho thấy lực lượng CSGT là lực lượng bị chống đối nhiều nhất do đặc thù công việc họ phải hàng ngày đối mặt với những vi phạm trên đường. Tuy nhiên, lực lượng bị chống đối với mức độ tấn công nguy hiểm nhất lại chính là lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy. Do tội phạm ma túy là loại tội phạm nghiêm trọng, khung hình phạt pháp luật quy định cho tội danh này rất nặng với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Vì thế, khi phải đối mặt với án tử, các đối tượng ma túy thường chống đối lại lực lượng truy bắt một cách điên cuồng.

Sự chống trả quyết liệt của đối tượng Giàng A Chu và đồng bọn trong chuyên án ma túy của Công an quận Tây Hồ hồi tháng 7 vừa rồi là một minh chứng. Tại một cánh rừng ở Mộc Châu, khi tổ truy bắt của Công an Tây Hồ bắt quả tang tên Giàng A Chu đang giao heroin cho đồng bọn và tống hắn lên xe để đưa về Cơ quan Công an thì Chu lồng lộn, gào rú làm ám hiệu cho đồng bọn đến giải vây.

Đồng bọn của Chu đã bám theo xe, điên cuồng nhả đạn vào lực lượng truy bắt làm một chiến sĩ công an bị thương. Nhưng khi chiếc xe chở Giàng A Chu vừa bám vào khúc cua nguy hiểm một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm thì tên này, dù đã bị 3 trinh sát to khỏe ghì chặt vẫn bất ngờ vùng lên co chân đạp thẳng vào tay cầm vô lăng của chiến sĩ công an cầm lái. Cú đạp trời giáng của Chu hòng làm cho xe mất lái, lao xuống vực để "tất cả cùng chôn chung một ngày". Nhưng rất may là âm mưu tàn độc đó của tên tội phạm ma túy không thành bởi chiến sĩ lái xe là một người có nhiều kinh nghiệm cầm lái.

Đồng đội hỏi thăm một đồng chí Cảnh sát bị côn đồ tấn công trong khi làm nhiệm vụ.

Đại tá Trần Quang Trong, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy Công an TP Hà Nội, cho rằng, một trong những mối nguy hiểm khó lường đối với lực lượng phòng chống ma túy hiện nay chính là sự chống trả manh động, thậm chí điên cuồng của tội phạm ma túy khi chúng bị bắt giữ. Ngoài những hành động tấn công lực lượng truy bắt bằng súng, bằng phương cách tàn độc như trong chuyên án ma túy của Công an Tây Hồ như kể trên thì hình thức chống đối phổ biến nhất hiện nay của bọn tội phạm ma túy là đâm kim tiêm hoặc cắn để làm cho người thi hành công vụ bị lây nhiễm HIV. Ngay tại Hà Nội, đã có nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ khi bắt đối tượng ma túy bị bọn chúng đâm kim tiêm dính máu HIV vào người.

Luật pháp liệu đã đủ mạnh?

Tội phạm chống người thi hành công vụ rõ ràng là một loại tội phạm nguy hiểm. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh rằng khi người ta dám chống lại cảnh sát  thì có nghĩa là sẽ không còn sợ ai cả. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại một số nước, như ở Mỹ chẳng hạn. Cảnh sát Mỹ khi thực thi nhiệm vụ mà đối tượng không chấp hành, có biểu hiện chống đối nguy hiểm là có quyền nổ súng tiêu diệt.

Còn tại Việt Nam, trong nhiều trường hợp, lực lượng thực thi nhiệm vụ không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ đủ mạnh để trấn áp những kẻ có hành vi chống đối. Ví như, đối tượng có dao, thậm chí có cả súng thì lực lượng thi hành công vụ chỉ có roi điện, dùi cui điện. Thậm chí, ngay cả trong nhiều trường hợp, lực lượng thi hành công vụ có vũ khí, có công cụ hỗ trợ trong tay nhưng cũng không dám sử dụng hoặc sử dụng rất hạn chế vì sợ phải chịu trách nhiệm hình sự, sợ những phiền lụy, rắc rối có thể nảy sinh. Nắm được tâm lý này, đã có trường hợp các đối tượng chống đối cậy số đông vừa áp đảo tấn công kiểm lâm vừa hò hét: "Đừng sợ, kiểm lâm không dám bắn đâu".

Theo điều 257 Bộ Luật Hình sự quy định về “tội chống người thi hành công vụ” thì khởi điểm của khung hình phạt rất thấp ("cải tạo không giam giữ đến 3 năm" hoặc phạt tù từ 6 tháng). Mức cao nhất của khung hình phạt mới là 7 năm. Ngay cả trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, xúi  giục lôi kéo, kích động người khác phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì khung hình phạt tù thấp nhất chỉ 2 năm và cao nhất mới là 7 năm.

Theo PGS-TS luật Phạm Hồng Hải, người đã nhiều năm nghiên cứu về Luật Hình sự thì trong tình hình số vụ chống người thi hành công vụ gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất mức độ phạm tội như hiện nay thì khung hình phạt này cần phải thay đổi theo hướng nặng hơn mới đủ sức răn đe. Ông Phạm Hồng Hải còn bày tỏ quan điểm, đối với tội danh này, ngoài hình phạt chính cần phải có hình phạt bổ sung là phạt tiền với mức phạt thật cao.

Cùng đồng tình với quan điểm của PGS-TS Phạm Hồng Hải là ý kiến của Thẩm phán Nguyễn Quốc Hội - Phó chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội và Đại tá - TS Trần Thế Quân - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an. Trả lời phỏng vấn báo chí, hai vị này đều cho rằng cần phải bãi bỏ hình phạt "cải tạo không giam giữ" đối với loại tội phạm này và phải tăng mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 10 năm tù

Đ.H.
.
.