Pháp: Những vụ bắt cóc trẻ sơ sinh kỳ lạ
Hàng năm, tại Pháp có đến trên chục trường hợp trẻ sơ sinh bị phụ nữ bắt cóc. Điều kỳ lạ là những kẻ bắt cóc còn chăm sóc chúng như con đẻ sau đó hoặc đem chúng trả về cho chủ nhân có trường hợp lại đem bỏ chúng.
Năm 2001, Stéphanie lúc đó mới 18 tuổi nhưng cô đã bắt cóc một bé gái tên Lola mới được hai ngày tuổi. 8 giờ sau, cảnh sát đã tìm ra tung tích của Stéphanie và đứa trẻ. Sau đó, Stéphanie bị tuyên phạt 7 tháng tù cho hưởng án treo cùng một khoản tiền đền bù.
Hiện nay đã là mẹ thực sự của hai đứa bé, Stéphanie tâm sự: “Chỉ đến khi thực sự trở thành mẹ tôi mới thấy được cảm giác của người mẹ đã bị tôi lấy mất đứa con cách đây 5 năm. Ngay cả khi ngủ, tôi cũng không yên tâm để con tôi một mình vì tôi sợ có ai sẽ bắt cóc nó”. Ngay từ khi mới 15 tuổi, Stéphanie đã rất thích có một đứa con, cô đặc biệt rất thích trẻ con. Sau khi tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, cô xin vào thực tập tại một nhà trẻ vì cho rằng đó là nơi cô sẽ thường xuyên được tiếp xúc với trẻ con.
Năm 2001, Stéphanie với ý nghĩ muốn có con với người yêu nhưng không thể. Điều này đã khiến cô nghĩ rằng mình bị vô sinh. Hơn nữa, mẹ của cô đã chết 3 tháng sau khi sinh cô, do vậy Stéphanie rất sợ điều xảy đến với mẹ cô trước kia sẽ linh ứng với cô. Muốn có con nhưng không thể sinh và sợ sinh con, Stéphanie đã cùng bạn trai lên kế hoạch bắt cóc bé Lola. Người bạn trai của Stéphanie hiện vẫn đang ngồi tù. Khi nói về người yêu, cô luôn cảm thấy mình có lỗi đã khiến anh ta phải vào tù vì cô. “Tất cả là lỗi của tôi. Anh ta làm vậy là vì tôi không thể sinh cho anh ấy một đứa con” - Stéphanie kể lại.
Hàng năm có khoảng 10 trẻ sơ sinh bị bắt cóc tại Pháp. Hầu hết các vụ bắt cóc đều giống nhau: đó là sự vô thức thúc đẩy những kẻ bắt cóc hành động để giảm bớt tình trạng căng thẳng, hoặc là một hành động có tính toán như giả trang làm bà bầu, lừa dối, thậm chí cải trang thành y tá để trà trộn vào bệnh viện hoặc nhà trẻ sau đó bắt cóc và chạy trốn. Ít có vụ bắt cóc trẻ em nào mà cảnh sát không tìm ra thủ phạm sau 72 giờ.
Sở dĩ có chuyện như vậy là do thủ phạm các vụ bắt cóc là những người phụ nữ “bị bệnh thèm trẻ con”. Rất nhiều trường hợp, những người phụ nữ tội nghiệp kia đã đem bỏ đứa bé hoặc làm tất cả để cảnh sát phát hiện dấu tích của họ. Đứa trẻ - đối với những kẻ bắt cóc thường chỉ là một “vật” xác định - đã không đáp ứng được ước vọng của họ mà chỉ xoa dịu phần nào lòng mong mỏi có con của họ.
Nếu luật pháp coi những hành động như vậy là tội phạm, tức khung hình phạt từ 20 đến 30 năm tù giam, nhưng thực tế lại có rất ít kẻ bắt cóc tội nghiệp phải chịu mức án nặng. Thường thì những người "bị bệnh thèm trẻ con" chỉ bị phạt tù treo hay phạt tiền. Có lẽ trước sự thất vọng và những gì mà số phụ nữ này phải trải qua, pháp luật đã tỏ ra thấu hiểu và thông cảm. “Khi xác định được họ không hề muốn làm hại đứa trẻ, biết ăn năn, họ có một quá khứ đau khổ và một hoàn cảnh sống éo le, các quan tòa thường chỉ xử phạt họ dưới hình thức thử thách, tối đa là 3 năm” - luật sư Emmanuel Geffroy cho biết.
Về phía các cơ sở trông coi trẻ và các bệnh viện phụ sản, những vụ việc trên phần nào cảnh báo ý thức bảo vệ trẻ của họ. Chẳng hạn bệnh viện phụ sản vùng Havre sắp tới sẽ trang bị một hệ thống an ninh vốn đang được lắp đặt tại Anh và Mỹ: cho trẻ sơ sinh đeo vòng tay điện tử. Thiết bị này giúp xác định liên tục được vị trí của đứa trẻ cũng như kích hoạt hệ thống báo động ngay khi đứa trẻ được đưa ra ngoài bệnh viện.
Theo Gilles Catoire, chuyên gia tâm lý trẻ em đồng thời là bác sĩ tâm lý, không có cách giải thích duy nhất cho những trường hợp bắt cóc quái dị trên. Những người phụ nữ thèm trẻ con nghĩ rằng sự hiện diện của đứa trẻ có thể không những cho phép họ trở thành một người mẹ, mà trong một số trường hợp còn trở thành một người con. Đối với những người phụ nữ này, đứa trẻ chỉ là một phương tiện, một cơ hội để thể hiện hoặc để họ chứng tỏ điều gì đó. Nhìn chung, kẻ phạm tội đã ra tay một cách vô thức, thiếu suy nghĩ.
Xét về nguyên nhân sâu xa, Gilles Catoire cho biết, phần lớn những kẻ bắt cóc đều có một tuổi thơ dậy sóng hoặc thiếu hụt tình cảm...