Pháp cải tổ nội các, nền móng Liên minh châu Âu rạn nứt
Pháp vừa "thay máu" chính phủ nhưng dư âm của vụ cải tổ này đang cho thấy quan hệ Pháp - Đức, nền móng cho sự tồn tại của Liên minh châu Âu, đang rạn nứt nghiêm trọng.
Các “nhân tố nổi loạn” từ hai phe tả - hữu
Lý do của việc cải tổ nội các lần này là chưa từng có trong nền chính trị Pháp: hai bộ trưởng Kinh tế và Giáo dục chống đối ra mặt chính sách kinh tế của Tổng thống Francois Hollande và công khai chỉ trích sự áp đặt của Đức lên chính quyền Paris.
Sau khi loại bỏ những bộ trưởng "chống đối", ngày 27/8, tân nội các Pháp đã được thành lập và họp phiên đầu tiên khẳng định xu hướng xã hội - tự do kinh tế, nhằm đối phó với nạn thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Le Monde, ngày 23/8, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Arnaud Montebour nói: "Pháp có nền kinh tế đứng thứ hai trong khối Euro, cường quốc đứng hạng năm thế giới, và không muốn làm theo những đòi hỏi quá đáng của phe bảo thủ tại Đức".
Diễn giải cho dễ hiểu: trong khối Euro đang bị khủng hoảng, nước Đức kêu gọi các thành viên chấn chỉnh chi thu ngân sách, giảm dần bội chi, và tôn trọng một số quy củ kinh tế tài chính. Với nhiều chính khách Pháp thì đấy là một sự gò bó khó chấp nhận. Nó phản ảnh vai trò quá lớn của Đức - và ngược lại, sự lụn bại của Pháp.
Ông Montebourg không chỉ muốn áp dụng chủ trương kinh tế là tăng chi để kích thích sản xuất và giảm thất nghiệp. Ông còn nói lên tinh thần quốc gia của dân Pháp trước những áp đặt của Thủ tướng Angela Merkel tại Berlin. Như nhiều nhân vật cực hữu, Montebourg cũng nổi loạn chống Berlin và Bruxelles.
Lời tuyên bố của ông Montebour, được đưa ra sau khi Đức tuyên bố không chấp nhận lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Francois Hollande là châu Âu cần xem xét lại các chính sách để có thể thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, đã làm nội các Pháp sụp đổ và gây chấn động cho châu Âu.
Theo những người thân cận của Thủ tướng Manuel Valls, các chỉ trích của Bộ trưởng Kinh tế Montebourg là không thể chấp nhận được. Một cố vấn của Văn phòng Thủ tướng nói rằng, ông Montebourg đã đi quá giới hạn, "một Bộ trưởng Kinh tế không thể bày tỏ lập trường trong những điều kiện như vậy về đường lối kinh tế của chính phủ và về một đối tác châu Âu, như nước Đức". Chính vì thế "Thủ tướng đã quyết định phải hành động", tức là thay đổi nội các.
Quan hệ Pháp - Đức, nền móng của EU, đang bị rạn nứt. |
Đức và Pháp được coi là những "công thần khai quốc" của Liên minh châu Âu ngày nay. Kinh tế hai nước này hiện chiếm vị trí nhất nhì của khối đồng tiền chung Euro.
Trước năm 2010, trong khối EU, “Pháp nói - Đức làm”, còn các cường quốc kinh tế khác của châu Âu thì nín thinh. Anh không gia nhập khối tiền tệ Euro, lại thường ở vào vị trí chân trong chân ngoài với cả hệ thống Liên minh châu Âu. Còn Italia và Tây Ban Nha thì cố tác động vào chính sách chung của châu Âu mà chẳng có tham vọng thay thế hai cường quốc Pháp, Đức. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra năm 2010 đã đảo lộn tất cả. Các quốc gia tại vòng ngoài, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia hay Ireland đều bị chấn động.
Ở trung tâm châu Âu với vị thế cường quốc kinh tế số 1, và thực tế lãnh đạo khối Euro, nước Đức muốn cứu toàn khối và duy trì đồng Euro vì điều ấy có lợi cho kinh tế Đức. Thủ tướng Angela Merkel phải vừa thuyết phục dư luận bên trong chấp nhận việc cứu giúp nước khác, vừa đòi hỏi các thành viên Euro tiến hành biện pháp chấn chỉnh, nghĩa là hy sinh.
Khi ấy, nước Pháp rơi vào thế kẹt. Có nên chiều theo đòi hỏi thắt lưng buộc bụng của Đức để duy trì nền tảng hợp tác Pháp-Đức cố hữu, hay nên công khai thách đố kỷ luật của Đức với một đề nghị khác? Mà đề nghị gì khi kinh tế bị suy trầm, không tăng trưởng, thất nghiệp thì cứ mấp mé ở mức 10%?
Trước bài toán lưỡng nan vì hai mặt đều khó, sau khi khủng hoảng bùng nổ, Tổng thống Nicolas Sarkozy cố nuốt vào trong lòng tinh thần quốc gia dân tộc của Charles de Gaulle mà ủng hộ đòi hỏi khắc khổ của Đức. Pháp vẫn hiên ngang chia ghế lãnh đạo châu Âu với Đức, nhưng phải áp dụng nhiều biện pháp đau lòng. Kết cuộc thì ông Sarkozy thất cử và Francois Hollande lên làm tổng thống.
Khi lên lãnh đạo, Hollande cũng dự tính áp dụng chính sách thiên tả cố hữu, tăng thuế để tăng chi và kích thích kinh tế, nhưng thất bại thê thảm nên đảo ngược chủ trương và gây phản ứng từ phe tả trong đảng. Với đòi hỏi khắc khổ của nước Đức, ông Hollande chọn vài đề mục cưỡng chống để ra vẻ có tinh thần độc lập nhưng thực tế thì vẫn chấp hành nhiều biện pháp của Đức.
Vì vậy mới gặp sự chống đối của những nhân vật như Montebourg vào tuần qua. Nội các mới vừa thành lập của Thủ tướng Valls sẽ tiếp tục đường lối đó, là hàn gắn sự rạn nứt với Đức. Nhưng nguy cơ khủng hoảng thì vẫn còn nguyên vẹn.
Từ thời Đệ tứ Cộng hòa (1946-1958) và sau đó qua thời Đệ ngũ (từ 1958 đến nay), khuynh hướng trung tả (xã hội) của Pháp vẫn có chủ trương hội nhập vào một cơ chế châu Âu để ràng buộc nước Đức, duy trì hòa bình và thịnh vượng cho toàn khối. Vì vậy, đa số cánh tả đều ủng hộ việc Pháp gia nhập Liên minh châu Âu. Nhưng ngày nay, tình hình đã khác với tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao và ngân sách bị bội chi quá tiêu chuẩn của EU.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp Arnaud Montebour, chính khách đầu tiên của Pháp công khai chỉ trích sự áp đặt của Đức lên chính sách của Paris. |
Khi lên lãnh đạo từ giữa năm 2012, Tổng Thống Hollande của đảng Xã hội đã theo bài bản cũ của cánh tả, là đòi tăng thuế tới 75% và chỉ giảm chi rất ít rồi thắng cử, một phần cũng vì cử tri bất mãn với đường lối trung hữu của Sarkozy. Nhưng tăng thuế khi kinh tế bị suy thoái là giải pháp tai hại nên từ đầu năm 2014, ông Hollande chỉ định thủ tướng mới để thi hành chính sách trái ngược, giảm chi và giảm thuế cho các doanh nghiệp tuyển thêm nhân công.
Chủ trương đó gây căm phẫn cho cánh tả - giảm thuế cho nhà giàu, và thắt lưng buộc bụng thành phần công nhân chỉ để chấp hành chính sách của EU do nước Đức áp đặt.
Gian nan bảo vệ “cổ vật châu Âu”
Nội các mới của Pháp bao gồm 16 bộ trưởng, 8 nam, 8 nữ và 17 quốc vụ khanh. Giới quan sát đặc biệt chú ý tới việc ông Emmanuel Macron, 36 tuổi, làm Bộ trưởng Kinh tế và cho rằng việc bổ nhiệm này phản ánh quyết tâm của Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls đi theo xu hướng xã hội tự do kinh tế, gạt bỏ cựu Bộ trưởng Arnaud Montebourg.
Ông Macron trước đây làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, sau đó, trở thành cố vấn kinh tế của Tổng thống Hollande, rồi được bổ nhiệm làm Phó Tổng thư ký Phủ Tổng thống Pháp. Chính ông là một trong những người chủ trương, thúc đẩy thực hiện "khế ước trách nhiệm", theo đó, giới chủ được giảm đóng góp xã hội, chi phí lao động, để đổi lấy việc gia tăng tuyển dụng, giải quyết nạn thất nghiệp, mối đau đầu của Tổng thống và Chính phủ Pháp hiện nay.
Trong tháng tới, nội các mới có thể xin Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm để duy trì chính sách cũ, với hy vọng rất mong manh nếu người ta đếm ra “số phiếu nổi loạn” từ cánh tả. Nếu không đủ đa số, Tổng thống Hollande có quyền giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử lại. Một vụ khủng hoảng chính trị có thể xảy ra nếu Hollande không nhượng bộ áp lực của cánh tả.
Nếu càng nhượng bộ thì càng khó giải quyết hồ sơ kinh tế. Mà từ nay đến đó, dân chúng Pháp lại chẳng ngồi yên xem các chính khách xoay trở thế nào. Theo truyền thống, họ xuống đường biểu tình phản đối, với sự tham gia của các nghiệp đoàn cực tả và đường phố Paris sẽ ngập ngụa lựu đạn cay từ nay đến đầu năm tới.
Nhưng vấn đề không chỉ thu hẹp vào khả năng xoay trở luồn lách của Tổng thống Hollande với hai áp lực tả hữu bên trong đảng từ nay đến khi ông mãn nhiệm vào năm 2017. Áp lực từ cánh hữu của chính trường Pháp là một chuyện cũng nên chú ý. Cho đến nay, khuynh hướng trung hữu của chính trường Pháp rất hài lòng với vụ khủng hoảng nội bộ của đảng Xã hội và phe cánh tả gồm các lực lượng cực tả, cộng sản và bảo vệ môi trường. Nhưng trong khi họ chưa phải đề nghị giải pháp hay nhân vật có khả năng thay thế thì phe bảo thủ đã vùng lên cướp diễn đàn.
Từ phía cực hữu, Mặt trận dân tộc của Marine Le Pen đã bành trướng ảnh hưởng từ năm 2011 qua các cuộc bầu cử nội bộ và dẫn đầu cuộc bầu cử vào Quốc hội châu Âu hồi tháng 5/2014. Là chính đảng thứ ba của Pháp sau đảng Xã hội trung tả và đảng UMP trung hữu, Mặt trận của Le Pen được quần chúng tả và hữu ủng hộ vì đã phá sự bất lực của các chính đảng truyền thống và nhất là chống lại EU.
Với chủ trương quốc gia quá khích, hạn chế di dân để bảo vệ bản sắc văn hóa Pháp và phá vỡ sự áp đặt của châu Âu, Mặt trận cực hữu này là một thế lực chính trị mới, và là bài toán cho cả nước Pháp, châu Âu và Đức.
Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo thuộc cánh trung hữu cũng không hẳn là có toàn quyền quyết định dù đang giữ đa số trong một chính phủ liên hiệp với cánh hữu. Người dân Đức có thể ủng hộ chủ trương duy trì khối Euro và đòi hỏi các nước lâm nạn phải cải cách, miễn là họ không mãi trả thuế để cứu trợ nước khác.
Bà Merkel chẳng muốn phá vỡ thế liên minh Pháp - Đức nhưng cũng khó chiều lòng một nước Pháp đang bế tắc mà chối từ cải cách trong khi vẫn đòi đứng đầu trào lưu chống Đức. Lãnh đạo của Pháp và Đức đều muốn nhượng nhau để bảo vệ "cổ vật" châu Âu. Nhưng dân chúng đã hoài nghi. Phản ứng của họ là một ẩn số cho tương lai của EU và khối đồng tiền chung Euro