Pháp và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Khoảng 1,6 triệu công dân Pháp đang sinh sống ở các vùng lãnh thổ hải ngoại, trong đó hơn 200.000 công dân Pháp định cư tại các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và 9/11 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Pháp ở đây.
Khái niệm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Nam Đại Dương phù hợp hơn với tầm nhìn của Pháp về khu vực do nước này xác định có những lợi ích đặc biệt. Đối với Pháp, đây là khu vực an ninh mở rộng từ Djibouti đến Polynesia thuộc Pháp. Đây là nơi Pháp đang triển khai 3 đơn vị vũ trang hải ngoại (FAZSOI, FANC, FAPF) và 2 đơn vị vũ trang đại diện (FFEAU, FFDj).
Năm 2019, Pháp đã đưa hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. |
Pháp cũng duy trì một mạng lưới dày đặc gồm 18 tùy viên quốc phòng thường trú và không thường trú tại 33 quốc gia, với sự phối hợp của các tùy viên vũ khí và tùy viên hợp tác quân sự thường trực. Pháp coi đây là những công cụ nhằm bảo vệ và đảm bảo an ninh cho các quốc gia và vùng lãnh thổ của Pháp, kiểm soát các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thực hiện các hoạt động hợp tác quốc phòng.
Đây cũng là một khu vực quan trọng đối với nền kinh tế Pháp, chiếm 60% dân số thế giới và 1/3 thương mại quốc tế. Hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu của nước này ngoài EU và hơn 40% kim ngạch nhập khẩu của nước này đến từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mối quan hệ giữa Pháp và các quốc gia trong khu vực này được xây dựng trên cơ sở phụ thuộc về kinh tế.
Mặc dù các lợi ích trực tiếp của Pháp không trực tiếp bị đe doa ở đây, song họ vẫn cho rằng việc xác định một chiến lược quốc phòng hoàn chỉnh đối với khu vực này là cần thiết. Toàn cầu hóa làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia và mọi quan hệ gần như ngay lập tức chịu ảnh hưởng của các sự kiện xảy ra trên toàn thế giới. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng không nằm ngoại lệ.
Pháp tiếp tục khẳng định 5 ưu tiến chính trong chiến lược của mình, đó là bảo vệ công dân, lãnh thổ và lợi ích Pháp; góp phần đảm bảo an ninh cho những khu vực xung quanh các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp thông qua sự hợp tác quân sự và tăng cường ngoại giao quốc phòng; duy trì quyền tự do tiếp cận và khai thác ở các khu vực chung trên biển, trên không hoặc trong không gian mạng, đặc biệt là việc đảm bảo giao thông hàng hải; tăng cường các cơ chế đa phương để duy trì sự ổn định khu vực và cuối cùng là tìm kiếm kinh nghiệm trong việc xử lý các thảm họa thiên nhiên đã xảy ra trong khu vực để chuẩn bị đối phó hiệu quả hơn với những thảm họa trong tương lai do biến đổi khí hậu.
Tham vọng lớn của Pháp là tập trung nỗ lực vào việc đảm bảo sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, như quy định về quyền tự do hàng hải và hàng không, nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng cường thúc đẩy tiến trình đối thoại và thống nhất đa phương.
Lực lượng vũ trang hải ngoại của Pháp chú trọng hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nước. |
Theo quan điểm của Bộ Quốc phòng nước này, chiến lược của Pháp không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Mục tiêu trước hết là bảo vệ công dân, lãnh thổ và lợi ích Pháp, đồng thời thúc đẩy hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Việc đảm bảo đối thoại và quan hệ ngoại giao hòa bình là điều cần thiết trong tình hình hiện nay. Chiến lược của Pháp phản ánh ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ đối với sự cân bằng an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc làm thay đổi hoàn toàn sự cân bằng giữa các nhóm nước trong khu vực và dẫn đến sự thay đổi sức mạnh của lực lượng Mỹ. Nguy cơ là các đối thủ cạnh tranh lớn sẽ được khuyến khích tăng cường các hành động đơn phương và giảm bớt các hình thức hợp tác đa phương.
Trong khi đó, thúc đẩy đối thoại và chủ nghĩa đa phương là vấn đề cốt lõi trong chiến lược của Pháp. Việc nước này tham gia thường xuyên vào các diễn đàn khác nhau trong khu vực là một minh chứng cụ thể. Năm 2019, Pháp còn đưa cả hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đến khu vực này. Pháp cũng đang hợp tác để tăng cường Hội nghị chuyên đề hải quân Ấn Độ Dương (IONS) mà nước này sẽ chủ trì trong hai năm nữa kể từ 2020.
Là cường quốc hàng hải chịu trách nhiệm về EEZ lớn thứ 2 trên thế giới, Pháp trên thực tế đã nhiều lần lên tiếng về tầm quan trọng của việc tôn trọng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không. Pháp thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào khi cần thiết, kể cả ở Biển Đông. Gần đây, trọng tâm chính của Pháp là phản ứng: Các lực lượng vũ trang của Pháp đã can thiệp gần như có hệ thống vào khu vực sau mỗi thảm họa tự nhiên.
Pháp cũng đã đưa ra một số sáng kiến nhằm dự báo rủi ro một cách chính xác, tiến tới khả năng phòng ngừa và ngăn chặn những rủi ro đó. Việc xây dựng đài quan sát quốc phòng và khí hậu, lập bản đồ về rủi ro môi trường và hỗ trợ các chương trình khoa học có mục tiêu chỉ là những cột mốc đầu tiên của một chính sách an ninh môi trường đầy sáng tạo và tham vọng do Bộ Quốc phòng nước này đưa ra.