“Phép thử” Iran

Thứ Ba, 20/04/2021, 14:05
Trong báo cáo gửi tới các nước thành viên, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho hay Iran đã thông báo tới cơ quan này rằng Tehran có kế hoạch bắt đầu làm giàu urani ở mức tối đa 60%.


Cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbass Araqchi cũng khẳng định nước này bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%. Iran dự kiến triển khai thêm 1.000 máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz, địa điểm vừa phải gánh chịu vụ tấn công hôm 11-4.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng vụ tấn công của Israel nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz của Iran là một “canh bạc tồi”. Ông này cho rằng vụ việc sẽ trái lại, giúp nâng cao vị thế của Tehran trong các cuộc đàm phán với các cường quốc. Ngoại trưởng Zarif nói: “Tôi đảm bảo rằng trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều máy ly tâm làm giàu urani tiên tiến được lắp đặt tại cơ sở hạt nhân Natanz...”.

Động thái trên diễn ra ngay trước khi các bên dự kiến tiếp tục cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Thỏa thuận này vốn cho phép Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước này khỏi thỏa thuận trên và tái áp đặt trừng phạt đối với Iran, Tehran đã dần giảm bớt việc tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận. Những tháng gần đây, Iran đã tăng mức làm giàu urani lên 20% theo mỗi động thái phản ứng của các bên liên quan. Thông báo về việc làm giàu urani lần này được đưa ra sau cáo buộc Israel phá hoại cơ sở hạt nhân chủ chốt của Tehran.

Sẽ có thêm nhiều máy ly tâm làm giàu urani tiên tiến được lắp đặt tại cơ sở hạt nhân Natanz, Ngoại trưởng Iran tuyên bố.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo “các hành động phá hoại” và các lệnh trừng phạt sẽ không mang lại cho Mỹ cũng như các nước phương Tây ưu thế trong cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Zarif nói: “Chúng tôi không có vấn đề gì về việc quay lại thực hiện các cam kết trong JCPOA nhưng người Mỹ nên biết rằng các lệnh trừng phạt hay hành vi phá hoại sẽ không mang lại cho họ các công cụ đàm phán. Những hành động này chỉ khiến tình hình khó khăn hơn cho họ”.

Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov cho biết, tuy cuộc đàm phán tại Vienna nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 bị hoãn một ngày, song về thể thức và nội dung không có gì thay đổi.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow kỳ vọng thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được cứu vãn, đồng thời lên án những biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Tehran. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thì tuyên bố Nhà Trắng quan ngại về thông báo “mang tính khiêu khích” của Iran về việc nước này sẽ bắt đầu làm giàu urani lên mức 60%, song Mỹ vẫn nỗ lực đối với các cuộc đàm phán hạt nhân với nước này.

Phát biểu với báo giới, bà Jen Psaki nêu rõ: “Dĩ nhiên, chúng tôi quan ngại về những thông báo mang tính khiêu khích này. Chúng tôi tin rằng con đường ngoại giao là lộ trình duy nhất để tiến lên và việc có một cuộc thảo luận, dù là gián tiếp, cũng là cách tốt nhất để dẫn tới một giải pháp”.

Trước đó, Pháp tuyên bố đã phối hợp với các cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ, nhằm đưa ra phản ứng sau khi Iran thông báo sẽ bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%. Phủ Tổng thống Pháp cho biết động thái của Iran là một diễn biến “nghiêm trọng” và cần một sự phối hợp giữa các bên còn lại để giải quyết vấn đề.

Về phần mình, truyền thông nhà nước Iran đưa tin, nước này đã triệu Đại sứ Bồ Đào Nha, quốc gia hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của EU nhằm phản đối các biện pháp trừng phạt của khối này đối với 8 chỉ huy quân đội và cảnh sát của Iran liên quan tới vụ trấn áp gây chết người hồi năm 2019. Bộ Ngoại giao Iran đã bày tỏ với Đại sứ Bồ Đào Nha về quan điểm phản đối của Iran đối với các lệnh trừng phạt, bao gồm lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản, cũng như việc liệt ông Hossein Salami, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách đen.

Trong khi đó, Hãng thông tấn Tasnim đưa tin Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng với Nga. Khi xem xét việc chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Iran vào tháng 10 năm ngoái. Ông Rouhani cho biết trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phía Iran bày tỏ sự kỳ vọng mở rộng hợp tác quân sự và quốc phòng giữa Tehran và Moscow. Ông cũng kêu gọi tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai nước, đồng thời cho rằng quan hệ song phương cần phải được phát triển bất chấp những áp lực.

Nhiều người cho rằng, cách tiếp cận của Washington đối với những mối quan ngại này là coi JCPOA là một sáng kiến ngoại giao cần thiết nhưng không chưa đầy đủ. Nếu rút ra được bài học từ các cuộc đàm phán JCPOA thì đó là mặc dù hồ sơ hạt nhân đã đủ phức tạp nhưng một thỏa thuận thành công không thể tách rời khỏi những cân nhắc chính sách rộng lớn hơn nếu nó bền vững và các đồng minh của Mỹ trong khu vực không coi đó là vấn đề được mất ngang nhau.

Một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng ở Vùng Vịnh có thể là điểm khởi đầu khả thi nhất. Ví dụ, sự can dự mang tính xây dựng của Mỹ và Iran đối với Yemen, vốn là đấu trường thứ yếu đối với Tehran nhưng lại là mối lo hàng đầu đối với Riyadh, có thể thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập một phương thức hợp tác mới mẻ hơn, hiệu quả hơn.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.