Quả bom khủng “Panama Papers”

Thứ Tư, 06/04/2016, 15:00
Ngày 3-4, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin 11,5 triệu tài liệu bí mật của công ty luật Mossack Fonseca đóng tại Panama bị một nguồn vô danh tiết lộ cho tờ báo Suddeutsche Zeitung (Nhật báo Nam Đức) và sau đó được tổ chức Tổ hợp Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) chia sẻ cho hơn 100 tổ chức truyền thông khắp thế giới.

Bộ tài liệu được mệnh danh là Panama Papers chứa đựng những thông tin nhạy cảm về các tài sản của hàng trăm người giàu nhất thế giới, các nguyên thủ quốc gia, chính khách, người thân và bạn bè của họ.

Ngày 4-4, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã tuyên bố tiến hành điều tra những thông tin có liên quan đến công dân nước mình để làm rõ những sai phạm nếu có về trốn thuế, né thuế và rửa tiền sau khi những tiết lộ được báo chí đăng tải.

Cụ thể, Bộ Tư pháp Mỹ đang bắt đầu xem xét các tài liệu được tiết lộ để xác định chứng cứ tham nhũng và các vi phạm pháp luật Mỹ nếu có. Các công tố viên tài chính ở Pháp, Đức cũng đang xem xét điều tra dựa vào các tài liệu được công bố. Còn Áo, Thụy Điển và Hà Lan thì tuyên bố đã mở cuộc điều tra theo các cáo buộc dựa vào tài liệu được tiết lộ.

Jurdgen Mossack và Ramon Fonseca, hai ông chủ của công ty luật Mossack Fonseca.

Các ngân hàng tại các quốc gia này đang trở thành tâm điểm chú ý do bị cáo buộc giúp khách hàng che giấu tài sản ở hải ngoại. Argentina, Brazil và Ukraine cũng đang có nhiều lời kêu gọi điều tra.

Tại Australia, Văn phòng Thuế Quốc gia tuyên bố đang tiến hành điều tra 800 khách hàng của Mossack Fonseca và đã phát hiện khoảng 120 có liên hệ với các với một nhà cung cấp dịch vụ offshore ở Hồng Công. 

Vụ tiết lộ hồ sơ Panama Papers được xem là vụ lớn nhất trong lịch sử thế giới được ghi nhận cho đến nay, quy mô tài liệu vượt gấp nhiều lần vụ tiết lộ hồ sơ ngoại giao của WikiLeaks năm 2010 và vụ tiết lộ hồ sơ tình báo của Edward Snowden năm 2013; mức độ ảnh hưởng cũng rộng rãi không kém.

11,5 triệu tài liệu Panama Papers bao gồm nhiều loại giấy tờ, thư tín, chứng từ khác nhau ghi nhận các giao dịch của các tổ chức và cá nhân, sự hình thành và hoạt động của nhiều công ty cảnh ngoại (offshore company) trong suốt khoảng thời gian từ năm 1977, năm Công ty luật Mossack Fonseca ra đời và đi vào hoạt động cho đến tháng 12-2015.

Sau 40 năm hoạt động, Mossack Fonseca đã giúp khách hàng khắp thế giới thành lập 240.000 công ty offshore. Công ty này hiện có văn phòng đại diện tại 42 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia được xem là “thiên đường thuế” như Thụy Sĩ, Síp, British Virgin Islands và cụm đảo quốc phụ thuộc Vương Quốc Anh (Guernsey, Jersey và Ise of Man). Lãnh đạo công ty Mossack Fonseca đã chối bỏ mọi sai phạm và cho rằng mình cũng là nạn nhân của một chiến dịch bôi xấu. Thông tin trên website của công ty cho rằng truyền thông quốc tế đã cố tình “diễn dịch sai bản chất hoạt động của công ty”.

Thủ tướng Iceland David Gunnlaugsson và vợ, Anna Sigurlaug Pálsdóttir. Ảnh Reuters.

Từ lâu, giới lãnh đạo các quốc gia trên thế giới luôn tìm nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng tổ chức, công dân của họ tẩu tán tài sản, giấu giếm của cải nhằm né tránh nghĩa vụ nộp thuế cho ngân khố quốc gia, gây thất thu nhiều tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Nhóm nghiên cứu Global Financial Integrity (GFI) đưa ra con số các dòng giao dịch tài chính ngầm từ các quốc gia đang phát triển được đánh giá khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm và còn tăng hơn nữa. Lãnh đạo thế giới đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp tại các hội nghị nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong các giao dịch tài chính để giảm thiểu tình trạng che giấu tài sản nhằm né thuế, trốn thuế và rửa tiền.

Nhưng đâu đó trên thế giới cũng tồn tại những quốc gia tuy nhỏ nhưng lại là những điểm đến lý tưởng, những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế, trong đó được nêu danh chủ yếu là các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Trung Mỹ và vùng Caribbe.

Panama là một trong những quốc gia được xem là “thiên đường thuế” như thế. Luật pháp Panama dành ưu đãi cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực offshore như Công ty luật Mossack Fonseca. Luật pháp nước này cho phép Mossack Fonseca giữ bí mật tuyệt đối thông tin về khách hàng và các giao dịch tài chính của họ tại Panama, chỉ cần mỗi năm đóng một khoản phí gọi là phí quản lý giao dịch và tài sản.

Giữ bí mật tuyệt đối và hết sức cẩn thận trong mọi hành động giao dịch đã tạo cho Mossack Fonseca sức hấp dẫn đối với nhiều khách hàng có liên quan đến né thuế, gian lận, che giấu xung đột lợi ích và các vấn đề khác về tài sản nhạy cảm. Bản thân các công ty chuyên cung cấp dịch vụ offshore lại không nghĩ rằng họ tiếp tay cho tình trạng trốn thuế, và biện minh rằng hoạt động của mình là chân chính và hợp pháp. Các luật sư, kế toán viên và các nhà băng đều xem vai trò của mình là “che chắn” cho khách hàng trước các quy định về tài chính. Chính vì thế mà những nỗ lực chống né thuế, gian lận thuế, rửa tiền cho đến nay vẫn còn gian nan.

Tài liệu Panama Papers nêu danh tính hàng ngàn doanh nhân, tổ chức doanh nghiệp và đặc biệt là khoảng hơn 140 chính khách của nhiều quốc gia, đó có 12 vị nguyên thủ quốc gia đã và đang tại vị, cùng người thân gia đình và bạn bè, thân tín của họ. Bởi thế, tuy mức độ ảnh hưởng chính trị không lớn, chủ yếu là về kinh tế, tài chính, nhưng tài liệu Panama Papers lại được truyền thông thế giới biến thành “quả bom chính trị” tại nhiều quốc gia.

Cộng hòa Iceland là quốc gia đầu tiên chứng kiến chính trường xáo trộn vì vụ tiết lộ tài liệu Panama Papers. Hiện dư luận Iceland đang soi rất kỹ tình hình hoạt động tài chính của Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson và vợ là Anna Sigurlaug Pálsdóttir. Người ta đang đặt nhiều câu hỏi xung quanh số tài sản mà vợ chồng Thủ tướng David Gunnlaugsson có được và đã đầu tư như thế nào, tại sao lại phải đầu tư vào một công ty offshore ở hải ngoại.

Theo tài liệu Panama Papers, Thủ tướng David Gunnlaugsson và bà Anna Sigurlaug Pálsdóttir đồng sở hữu Công ty Wintris Inc thành lập năm 2007, có trụ sở hoạt động tại đảo Tortola trong quần đảo British Virgin Islands thuộc Anh. Lúc đó, vợ chồng David Gunnlaugsson sinh sống tại Anh và đã được tư vấn thành lập công ty tại “thiên đường thuế” để đầu tư khoản tài sản có được do bán doanh nghiệp của gia đình bà Pálsdóttir ở Iceland.

Ông David Gunnlaugsson nắm giữ 50% cổ phần trong Công ty Wintris, còn bà Pálsdóttir nắm 50%. Tháng 4-2009, David Gunnlaugsson được bầu vào Quốc hội Iceland, và cuối năm đó đã chuyển nhượng 50% cổ phần công ty cho bà Pálsdóttir với giá chỉ 1 USD. Hiện cơ quan thuế Iceland đang tiến hành điều tra các hoạt động của công ty Wintris dựa theo tiết lộ của tài liệu Panama Papers, và thủ tướng David Gunnlaugsson tuyên bố ông hoàn toàn ủng hộ việc làm của cơ quan thuế.

Thủ tướng Anh David Cameron và bố, ông Ian Cameron. Ảnh Reuters.

Mặc dù vậy, các lãnh đạo đảng đối lập đã thảo luận việc kêu gọi Thủ tướng David Gunnlaugsson từ chức và tổ chức bầu cử sớm. Cựu Bộ trưởng Tài chính Steingrimur Sigfusson cho rằng ông không thể chấp nhận việc Thủ tướng David Gunnlaugsson có hành động né tránh thuế trong giao dịch mua bán, đầu tư kinh doanh tại thiên đường thuế như thế.

Một nhóm chính khách trong nghị viện Iceland chống Thủ tướng David Gunnlaugsson do Bộ trưởng Tài chính Bjarni Benediktsson dẫn đầu đang nổi loạn đòi phế truất ông. Tuy nhiên, ngay cả ông Bjarni Benediktsson cũng có tên trong tài liệu Panama Papers do trước đây từng sở hữu một phần công ty Falson & Co đặt tại Quồc đảo Seychelles.

Sau Thủ tướng Iceland, Tổng thống Ukraine Petro Poroschenko cũng đang bị Quốc hội điều tra vì đã thành lập một công ty offshore có tên là Prime Asset Partners Limited để chuyển công ty sản xuất bánh kẹo Roshen của mình sang đảo quốc British Virgin Islands vào tháng 8-2014 giữa lúc Ukraine đang ngập trong khủng hoảng cả về kinh tế lẫn an ninh, chính trị. Các nghị sĩ quốc hội Ukraine đang kêu gọi ông Poroschenko từ chức để chịu trách nhiệm việc làm của  mình.

Ngoài ra còn nhiều chính khách khác bị truyền thông phương Tây công kích kịch liệt không phải vì có tên trong Panama Papers mà vì những người thân, bạn bè, quen biết có tên trong Panama Papers. Trong đó, báo chí phương Tây đặc biệt tập trung làm nổi bật những thông tin về các giao dịch của những người có quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và tô đậm, sắp xếp, đặt để thông tin để tạo thành một luồng xoáy thông tin hướng vào mục tiêu cuối cùng là “Putin”, nhưng thực ra không có thông tin nào xác định được có những mối liên hệ nào đó với ông Putin.

Ngày 4-4, Điện Kremlin đã phát đi tuyên bố bác bỏ những luận điệu bôi xấu nhắm vào Tổng thống Putin. Phát ngôn viên Dmitry Peskov thẳng thừng tuyên bố: “Mục tiêu chính của loạt thông tin sai trái này là tổng thống của chúng tôi, đặc biệt là trong bối cảnh sắp đến kỳ bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống Nga hai năm tới”.

Ông Peskov cũng chỉ thẳng ra rằng, thái độ “Putinophobia” (bài xích Putin) là động lực chính của chiến dịch thông tin sai lệch nhằm bội nhọ ông Putin, làm suy giảm uy tín ông trước các kỳ bầu cử. Tất cả đều chung mục đích phải nói những điều xấu về nước Nga, về Putin.

An Châu (tổng hợp)
.
.