“Quân đội châu Âu” giấc mộng phòng ngự độc lập

Thứ Năm, 27/11/2008, 08:15
Kế hoạch thành lập Quân đội châu Âu mà Pháp đề nghị đã được quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Anh John Hutton ủng hộ. Đây là lần đầu tiên kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của giới quân sự bên ngoài nước Pháp. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều quan sát viên châu Âu.

Trên thực tế, Quân đội châu Âu không còn là một đề tài mới nữa. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, công tác phòng ngự của châu Âu được bảo đảm nhờ vào Mỹ và NATO. Tuy nhiên, vấn đề  phòng ngự độc lập của khu vực này đã được đề xuất từ trước đây rất lâu rồi.

Năm 1948, một số nước Tây Âu đã dự định xây dựng một hệ thống phòng ngự liên hợp Tây Âu, nhưng cuối cùng dự định này đã không thành công.

Tháng 11/1987, Pháp và Đức  đề xuất thành lập quân đội liên hiệp Pháp - Đức với 5.000 quân. Đội quân này chính thức ra đời vào tháng 10/1989. Quân đội liên hiệp Pháp - Đức đã tham gia một số động thái quân sự ở Nam Tư cũ và các cuộc diễn tập quân sự được tổ chức ở châu Âu, do đó lực lượng này được coi là khởi đầu cho công tác phòng ngự độc lập của châu Âu.

Năm 1992, lực lượng Quân đội liên hiệp Pháp - Đức được đổi tên thành "Quân đoàn châu Âu" đồng thời kết nạp thêm 3 quốc gia là Bỉ, Tây Ban Nha và Luxembourg.

Nếu nhìn từ góc độ phát triển, Quân đội châu Âu sẽ không bao gồm Mỹ, toàn bộ đều là do quân đội các nước châu Âu hợp thành, tương lai có khả năng sẽ thành lập lực lượng lái máy bay vận tải, cơ cấu vệ tinh và học viện quốc phòng. Điều này chứng tỏ Quân đội châu Âu có khả năng hoạt động độc lập. Việc xây dựng vệ tinh quân sự lại nói lên khả năng đối phó khi xảy ra hàng loạt cơ cấu tình báo của họ sẽ hoạt động độc lập với Mỹ. Còn sự ra đời của Học viện Quốc phòng là để quân nhân đến từ các quốc gia khác nhau của châu Âu thông qua việc học tập và rèn luyện để thống nhất các phương án chiến thuật cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Quân đội châu Âu về cơ bản còn  do lục quân, không quân hình thành nên. Vậy hải quân sẽ ra sao? Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 6/2008, Tổng thống Pháp Sarkozy đã đề xuất thành lập lực lượng hải quân châu Âu từ một hạm đội tàu chiến treo cờ của liên minh châu Âu (EU).

Ông Sarkozy hy vọng Đức sẽ cử tàu bảo vệ đến tham gia và bảo đảm công tác hậu cần. Thế nhưng Pháp lại không thể cung cấp những tàu nòng cốt của mình cho lực lượng này vì hiện nay họ chỉ có một chiếc tàu mang tên Charles de Gaulle dù rất mới nhưng còn một số vấn đề trong quá trình thiết kế cũng như thường xuyên trong trạng thái cần sửa chữa. Do đó, nước có thể cung cấp tàu cho lực lượng hải quân châu Âu chỉ có thể là Anh. Như vậy, Anh sẽ giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong lực lượng này.

Đồng thời, Tổng thống Pháp Sarkozy cũng dự định rằng nước Pháp sẽ đóng một chiếc tàu nữa vào khoảng năm 2012 để làm giảm sự phụ thuộc của lực lượng hải quân châu Âu vào các tàu của Anh.

Xét từ phương diện nhu cầu, hiện nay châu Âu là một lực lượng vô cùng quan trọng trên thế giới. Trước đây, khi đề cập đến lý luận "đa cực hóa", người ta liền xem châu Âu là "một cực rất quan trọng" của thế giới. Còn xét về tiềm lực kinh tế và kỹ thuật thì châu Âu là một chỉnh thể gần nhất so với Mỹ. Nhờ vào đó, châu Âu khẳng định được tiếng nói của mình trong các sự việc quốc tế và khả năng chi phối mạnh hơn trong việc định ra các quy tắc hành vi.

Trong khi đó, châu Âu chưa hề có lực lượng phòng ngự nào của riêng mình. Họ trở thành "một cực khập khiễng" mà vẫn luôn phải dựa dẫm và bị hạn chế bởi Mỹ. Muốn giải quyết vấn đề nêu trên cần phải giải quyết được những vấn đề về quân sự; muốn giải quyết vấn đề về quân sự cần phải chấm dứt tình trạng độc tài của Mỹ và NATO trong công tác phòng ngự ở châu Âu.

Tuy nhiên, phản ứng về mong ước đó trong nội bộ các nước châu Âu là không giống nhau. Những nước lớn ở Tây Âu như Pháp, Đức thì tương đối ủng hộ. Còn một số nước lớn khác như Anh lâu nay vẫn đi theo Mỹ và thu được lợi ích thông qua mối quan hệ "đồng minh thân cận" với Mỹ thì có tư tưởng "nước chảy bèo trôi", "gặp sao hay vậy". Vì vậy, "con chim đầu đàn" của việc thành lập lực lượng "Quân đội châu Âu" nên là tổng hợp gồm Pháp, Đức, Anh.

Vì sao vấn đề này vẫn được nghị bàn không dứt?

Ý tưởng về Quân đội châu Âu khiến Mỹ lo ngại. Mỹ không bao giờ mong muốn xuất hiện một lực lượng phòng ngự liên hợp như vậy bởi vì một khi lực lượng này xuất hiện thì ảnh hưởng của Mỹ với châu Âu và các sự việc quốc tế chắc chắn sẽ giảm xuống rất mạnh. Trước đây, đặc biệt là khi ý tưởng xây dựng lực lượng này vào năm 1948 không thành công, vấn đề lớn nhất cũng nằm ở nước Mỹ. Ngày nay, Mỹ chắc chắn sẽ có thái độ phản đối mạnh hơn.

Kế hoạch thành lập "Quân đội châu Âu" không phải là một sự việc có thể hoàn thành trong ngày một ngày hai. Tuy trên danh nghĩa "Quân đội châu Âu" đã ra đời rồi nhưng nếu muốn phát huy tác dụng mong muốn của nó thì còn cần cả một quá trình dài nữa. Dù vậy, một khi "Quân đội châu Âu" xuất hiện và phát huy tác dụng phòng ngự của mình, nó sẽ có ảnh hưởng lớn đối với cục diện chiến lược quốc tế của thế giới ngày nay, đồng thời làm cho tiến trình phát triển theo chiều hướng đa cực hóa cục diện chiến lược quốc tế tăng tốc nhanh hơn

T.H.T. (Theo Tân Hoa xã)
.
.