Quan hệ Nga – Thổ: Lợi ích dân tộc là trên hết

Thứ Hai, 04/07/2016, 17:15
Ngày 27-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi thư cho Tổng thống Nga Putin, xin lỗi về việc máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi khiến phi công Oleg Peshkov thiệt mạng. Sau đó, hai người đã có cuộc điện đàm trực tiếp. Sau hơn 9 tháng căng thẳng, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã được nối lại.

Lời xin lỗi chính thức đến sau 7 tháng

Thư xin lỗi từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về vụ việc đã nêu, đại ý nói rằng Nga là đất nước bạn bè và là đối tác chiến lược, vì thế Thổ Nhĩ Kỳ không muốn mối quan hệ bị phá hỏng.

Bức thư có những đoạn như sau (do văn phòng quan hệ báo chí Điện Kremlin cung cấp cho báo giới): “Tôi xin nói lời xin lỗi. Hãy tha lỗi cho chúng tôi. Tôi xin chia sẻ nỗi đau từ trái tim mình. Chúng tôi coi gia đình của phi công anh hùng liệt sĩ Nga như một gia đình của người Thổ Nhĩ Kỳ. Để giảm gánh nặng đau thương, mất mát, chúng tôi sẽ thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ phía Nga”… “Chúng tôi chưa bao giờ có ý định cố tình bắn hạ bất cứ chiếc máy bay nào của Nga”… và “Những kẻ giết chết phi công Nga Oleg Peshkov sẽ bị pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ trừng trị đích đáng”.

Tổng thống Putin điện đàm với Tổng thống Erdogan ngày 29-6.

Ngày 24-11-2015, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria, và sau khi nhảy dù, phi công Oleg Peshkov bị bắn chết từ mặt đất. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đó là một "cú đâm ở phía sau" của kẻ đồng lõa với bọn khủng bố. Quan hệ hai nước rơi vào khủng hoảng, gây cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khó khăn kinh tế.

Tổng thống Putin tuyên bố rằng để quan hệ hai nước được trở lại bình thường thì Ankara phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất là phải công khai xin lỗi Nga. Thứ hai là bồi thường thiệt hại về người và của (cụ thể là sinh mạng của một phi công Nga bị bắn chết và chiếc Su-24 bị cháy) và cuối cùng là phải trừng trị thủ phạm.

Ngoài thư xin lỗi nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cam kết sẽ trừng phạt kẻ đã gây ra cái chết cho phi công Nga Oleg Pechkov. Kẻ tham gia giết chết phi công Nga cũng là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Alparslan Celik. Vào đầu tháng 4-2016, Celik bị bắt ở Izmir về tội sở hữu và mang vũ khí trái phép.

Trả lời thẩm vấn điều tra, Celik tuyên bố rằng bản thân y không bắn Peshkov và ra lệnh cho thuộc hạ không được bắn (nhưng chúng vẫn cứ bắn). Tuy nhiên, là người chỉ huy của nhóm chiến đấu, y nhận trách nhiệm về vụ việc này. Văn phòng Công tố ở Izmir đã rút lại tội danh giết người đối với Celik vì "không đủ bằng chứng", nhưng vào ngày 27-6, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã xét xử lại vụ án này.

Chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi gần biên giới Syria ngày 24-11-2015 đã khiến quan hệ hai nước căng thẳng trong suốt thời gian qua.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ đáp ứng 2 trong 3 điều kiện của Tổng thống Putin. Việc bồi thường ban đầu được Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đưa ra nhưng sau đó phía Ankara lại rút lại. “Sẽ không có chuyện bồi thường cho người Nga. Chúng tôi chỉ đơn thuần gửi tới họ những lời xin lỗi” - Thủ tướng Yildirim tuyên bố trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình CNN bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28-6.

Theo truyền thông Nga, tuyên bố trên của ông Yildirim hoàn toàn trái ngược với những gì chính ông này nói vào ngày hôm trước với kênh truyền hình nhà nước TRT, trong đó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng bồi thường cho nước Nga “nếu cần thiết”.

Ngày 29-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm đầu tiên sau hơn 9 tháng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Trong cuộc điện đàm này, hai nguyên thủ đã đồng ý thực hiện các bước để khôi phục lại quan hệ giữa hai quốc gia.

"Hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Liên bang Nga, Tayyip Erdogan và Vladimir Putin đã thực hiện cuộc điện đàm, cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục quan hệ song phương cũng như hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực. Hai bên đã nhất trí về sự cần thiết phải duy trì quan hệ song phương và hai nguyên thủ đã đồng ý tổ chức một cuộc gặp mặt để hội đàm. Qua Tổng thống Erdogan, Tổng thống Putin cũng bày tỏ lời chia buồn đến gia đình những người Thổ Nhĩ Kỳ là nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố mới đây tại sân bay Istanbul" - trang web của Tổng thống Erdogan cho biết.

Ngay sau khi kết thúc cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Chính phủ Nga tiến hành đàm phán với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để khôi phục hợp tác thương mại và các lĩnh vực khác.

Theo thông báo của Văn phòng quan hệ báo chí Điện Kremlin, vào cuối cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc gặp mặt cá nhân của hai nguyên thủ. Thông báo này cũng cho biết, cuộc điện đàm vừa qua mang tính chất xây dựng, thân thiện, với định hướng phục hồi mối quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực.

Hai vị tổng thống cũng nhất trí thỏa thuận về việc ngoại trưởng hai nước sẽ gặp gỡ, hội đàm vào ngày 1-7 tới ở thành phố Sochi (Nga) trong khuôn khổ cuộc họp của ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế khu vực Biển Đen. Tại cuộc họp này, các bên sẽ thảo luận về tình hình trong khu vực và điểm nhấn quan trọng sẽ là kế hoạch ổn định tình hình ở Syria, kết hợp với vấn đề thời sự là các bước phát triển tiếp theo trong quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ.

Về vấn đề phục hồi quan hệ song phương. Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Nga nói rằng sẽ chỉ thị cho chính phủ tiến hành đàm phán với phía Thổ Nhĩ Kỳ để khôi phục sự hợp tác song phương cùng có lợi trong thương mại, kinh tế và các lĩnh vực khác.

Nga cũng sẽ quan tâm đến việc loại bỏ các biện pháp hạn chế du khách Nga đến nghỉ dưỡng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thông cáo của Điện Kremlin cũng lưu ý rằng, trong trường hợp này, phía Nga mong muốn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho công dân Nga khi họ có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Putin lưu ý: bức thư mà ông nhận được từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó ông Erdogan bày tỏ sự hối hận về sự cố bi thảm với chiếc máy bay Su-24 của Nga, đã "mở đường cho việc dập tắt cuộc khủng hoảng trong quan hệ song phương và bắt đầu quá trình khôi phục hợp tác về các vấn đề quốc tế và khu vực cũng như sự phát triển toàn diện trong mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ".

"Trong bối cảnh này, phía Nga hy vọng cuộc điều tra tư pháp đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc về cái chết của phi công Nga sẽ trở nên khách quan hơn" – thông cáo của Văn phòng báo chí điện Kremlin cho biết.

"Cả hai bên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại tất cả các mối đe dọa khủng bố" – thông cáo của điện Kremlin nhấn mạnh.

Di ảnh phi công Nga Oleg Peshkov.

Ngay sau cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã yêu cầu Chính phủ Nga bắt đầu xúc tiến quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. "Sau khi nhận được thư của Tổng thống Erdogan, chúng ta quyết định bắt đầu quá trình bình thường hoá quan hệ với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ” – Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp của Chính phủ, được bắt đầu ngay sau khi cuộc điện đàm kết thúc.

"Đối với mối quan hệ song phương, tôi muốn bắt đầu với các vấn đề về du lịch, mặc dù điều đó có vẻ hơi đáng ngại trong bối cảnh các yếu tố khủng bố đang gia tăng... Tuy nhiên, rất nên loại bỏ những hạn chế về mặt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Và tôi yêu cầu chính phủ bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ thương mại và kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ về tổng thể" - Tổng thống Nga phát biểu.

Ông cũng yêu cầu Thủ tướng Medvedev chuẩn bị đề xuất những thay đổi trong các khuôn khổ pháp lý về vấn đề này. Tổng thống Putin cũng cho biết, ông Erdogan đã đảm bảo với ông rằng "ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để đảm bảo sự an toàn cho các công dân Nga trên lãnh thổ của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ".

Ankara đang cố vùng vẫy thoát lầy do bị cô lập

Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động tiêu cực như hiện nay, dư luận Nga và thế giới đã nhìn nhận khá tích cực về bước đầu của sự hồi phục mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng loạt cơ quan thông tấn trên thế giới nhận xét rằng, trong hơn nửa năm trở lại đây, ông Erdogan đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ đến tình cảnh bị cả thế giới ngấm ngầm (và cả công khai) cô lập, vì vậy, lời xin lỗi của Ankara trước nước Nga đã thể hiện nỗ lực làm dịu dư luận quốc tế nhằm thoát khỏi hoàn cảnh bị cô lập do chính mình tạo ra.

Báo The Washington Post viết: “Một trong những nhà lãnh đạo có uy tín nhất trong khu vực” đã phải “xắn tay áo” giải quyết những xung đột ngoại giao dồn nén lại trong thời gian gần đây. Nhiều tờ báo lớn trên thế giới cũng nhận xét rằng việc Erdogan quyết định đưa ra lời xin lỗi với Moscow đã thể hiện những toan tính về địa chính trị của ông ta, vì rằng Nga đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế hiện nay, đặc biệt là các cuộc xung đột ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng, trong đó có không ít lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Điều mà ông Erdogan ghét nhất trên đời là việc phải đưa ra lời xin lỗi về hành động của mình. Nhưng giờ đây, ông ta buộc phải làm điều này để cải thiện quan hệ với Điện Kremlin, trong bối cảnh tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông và của Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng ngày càng bị đe dọa nặng nề trước mối nguy IS” – Tạp chí Foreign Policy viết.

Tờ báo này cũng bình luận rằng, Erdogan buộc phải xuống nước trước Moscow là vì hiện nay, mối quan hệ giữa Ankara với các nước châu Âu đã trở nên vô cùng lỏng lẻo, điều đó mỗi ngày một đẩy xa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vòng hợp tác cả về kinh tế lẫn chính trị, và quốc gia này cũng bị tước dần đi cơ hội tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải chịu áp lực từ những chỉ trích công khai hoặc ngấm ngầm từ cộng đồng quốc tế, thí dụ như việc mới đây Quốc hội Đức đã ra nghị quyết công nhận nạn diệt chủng người Armenia (do người Thổ gây ra) từ thời Đế quốc Ottoman, năm 1915.

Một bình luận viên của hãng thông tấn Al Jazeera (Qatar) viết rằng đối với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, nhu cầu bình thường hóa quan hệ với Nga đã cấp thiết đến mức ông phải đặt điều này lên trên nỗi nhục quỳ gối (ngụ ý việc xin lỗi).

Alpaslan Celik – kẻ bắn chết phi công Nga Oleg Peshkov.

Các nhà báo quốc tế còn nhận ra một nguyên nhân quan trọng nữa khiến Ankara phải xuống nước – đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Moscow đã áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn rơi máy bay Nga. “Việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế (nếu điều đó xảy ra) sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Erdogan, người mà hiện đang chịu một áp lực vô cùng lớn trước những chỉ trích của dân chúng và các lực lượng đối lập về tình hình kinh tế đất nước đã trở nên đặc biệt thảm hại” – theo Hãng tin Fox News.

Báo Financial Times của Anh cũng có cùng quan điểm khi chỉ ra rằng, ngành du lịch vốn rất thịnh vượng của Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào “cảnh chợ chiều” và đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lĩnh vực này của đất nước tính từ năm 1999. “Không bao giờ muộn để nói lời xin lỗi” – Foreign Policy nhận xét về hành động vừa rồi của Erdogan trước Moscow.

Nói về tương lai Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, Alexander Shokhin, Chủ tịch Liên hiệp Công nghiệp Nga cho biết: “Tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp ngay tức khắc. Nhưng từng bước, từng bước, với sự thông hiểu lẫn nhau cả trong những vấn đề khác, mối quan hệ sẽ phục hồi nguyên vẹn sau vài năm nữa. Tôi tin là như thế. Theo tôi, trước sẽ là việc dỡ bỏ cấm vận đối với hàng hóa Thổ, tiếp đến là nới lỏng hoặc bỏ hẳn những quy định hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp thổ Nhĩ Kỳ trên đất Nga. Việc phục hồi dòng khách du lịch Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó khăn hơn, vì ở đó, nguy cơ từ các mối đe dọa khủng bố vẫn còn cao”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.