Quan hệ căng thẳng Mỹ - Pakistan: Đằng sau những lời cáo buộc

Thứ Ba, 04/10/2011, 16:30

Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan vốn đã rạn nứt do một loạt sự cố trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Pakistan, nay tiếp tục lún sâu hơn, với những cáo buộc gay gắt mà các chỉ huy quân sự Mỹ nhắm vào Pakistan nhằm buộc Islamabad tăng cường cuộc chiến thanh trừng khủng bố cực đoan ở vùng bộ lạc rừng núi tây bắc, nơi Mỹ xem là "thiên đường khủng bố".

Tuy nhiên, đằng sau những cáo buộc mới này, giới phân tích cho rằng đã có những "điều chỉnh" của Mỹ trong khi cuộc chiến tại Afghanistan đang đi vào hồi kết.

Ngày 28/9, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani đã phát một tín hiệu cứng rắn nhằm đáp trả đòn áp lực mạnh của Mỹ tuần trước. ông Gilani phát biểu rằng, Pakistan sẽ không khuất phục trước áp lực của Mỹ đòi tăng cường cuộc chiến chống nhóm phiến quân Haqqani. Gilani nói, người Pakistan đang đoàn kết trước những lời nói "đe dọa chủ quyền" của mình. Pakistan muốn những vấn đề nhạy cảm của quốc gia mình được tôn trọng, vì vậy Islamabad muốn Mỹ phải chấm dứt "trò đổ thừa". Phát biểu của ông Gilani đưa ra tại cuộc họp khẩn cấp giữa các đảng phái chính trị và tôn giáo Pakistan diễn ra hôm 28/9. Cuộc họp có sự góp mặt của Tổng tư lệnh quân đội Pakistan tướng Ashfaq Parvez Kayani và Giám đốc Cục Tình báo Liên cơ quan (ISI) tướng Ahmad Shuja Pasha - 2 nhân vật trung tâm trong cuộc chiến chống khủng bố ở Pakistan đồng thời là đầu mối hợp tác an ninh - tình báo giữa Pakistan và Mỹ.

Phát biểu của ông Gilani là động thái đáp trả những cáo buộc gay gắt của Đô đốc Mike Mullen - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Mỹ. Tại cuộc điều trần chung với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta trước Quốc hội Mỹ ngày 22/9, Đô đốc Mullen đã cáo buộc mạng lưới phiến quân Haqqni ở Pakistan - thủ phạm gây ra vụ tấn công hàng loạt vào đại sứ quán Mỹ, trụ sở NATO và vài tòa nhà khác ở Kabul ngày 13/9 làm chết 7 người, là một "cánh tay nối dài" của ISI và rằng vụ tấn công đó là một màn "dàn dựng" của an ninh Pakistan.

Cáo buộc của Đô đốc Mullen ngay lập tức tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội ở Pakistan. Quân đội Pakistan và ISI đều tỏ ra tức giận trước thái độ và những lời cáo buộc của người Mỹ, trong khi người dân Pakistan cũng ngày càng căm thù người Mỹ vì hàng loạt vụ tấn công tiêu diệt phiến quân gây thương vong trên lãnh thổ Pakistan. Cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan của Mỹ và NATO đang bước vào giai đoạn cuối và lực lượng liên quân đang rút quân ra khỏi Afghanistan theo kế hoạch đã định sẵn là sẽ kết thúc vào năm 2014.

Vấn đề đáng quan tâm nhất chính là tình hình an ninh tại Afghanistan. Mỹ luôn lo ngại những đợt tấn công của phiến quân từ vùng "thiên đường khủng bố" giáp biên giới Afghanistan-Pakistan gây bất ổn cho an ninh ở Afghanistan, làm hỏng kế hoạch "bình định" Afghanistan và khu vực Nam á nói chung. Nhưng làm thế nào để dẹp hoàn toàn các nhóm phiến quân tại vùng này, trong đó bao gồm các nhóm khét tiếng như Haqqani, Lashkar e-Taiba (Taliban Pakistan),… là điều không đơn giản. Mỹ đã nhiều lần thúc ép Pakistan tăng cường các chiến dịch bố ráp vùng rừng núi tây bắc này nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân được giải thích là một phần do quân đội Pakistan không nhiệt tình chống lại các phiến quân, phần còn lại là do những hoạt động quân sự như thế thường kéo theo những hành động khủng bố trả thù.

Từ tháng 7/2008, khi Taliban thực hiện vụ đánh bom Đại sứ quán ấn Độ tại Kabul, Mỹ cũng đã cáo buộc Pakistan có liên quan. Sau đó, năm 2010, Mỹ tiếp tục cáo buộc Cơ quan Tình báo ISI của Pakistan đứng đằng sau tiếp sức cho Taliban thực hiện hàng loạt vụ tấn công liên quân ở các tỉnh miền Nam và miền Đông Afghanistan. Tuy nhiên, dù liên tục đưa ra các cáo buộc nhưng Mỹ vẫn cố giảng hòa và tiếp tục viện trợ về quân sự lẫn dân sự cho Pakistan. Một đồng minh quan trọng như Pakistan trong khu vực Nam Á, lại đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân, buộc Mỹ phải có cách đối xử khéo léo. Washington nhận thức rõ rằng dùng sức mạnh để dồn ép Pakistan không mang lại kết quả nào, thậm chí nếu lỡ quá mạnh tay có thể làm đứt quan hệ và gây hậu quả khó lường cho những lợi ích của Mỹ tại Nam Á.

Đô đốc Mike Mullen (bên phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Bây giờ, giới phân tích cho rằng đã có những thay đổi trong cách xử lý mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Pakistan. Sự thật là khi nhìn vào tương lai mối quan hệ giữa 2 nước, giới chức Mỹ bắt đầu thấy một khoảng không mờ mịt. Trong khi sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực đang giảm dần và tương lai sẽ không còn hiện diện nhiều tại đây, ảnh hưởng về chính trị cũng đang có dấu hiệu suy giảm, và mối quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan sau những trục trặc khó sửa chữa thời gian qua cũng sẽ theo chiều hướng đi xuống. Vì vậy, người Mỹ cũng không còn nghĩ đến việc làm cho nó tốt hơn.

Với việc Đô đốc Mullen công khai cáo buộc Pakistan, độ mạnh của lời cáo buộc đã gia tăng hơn trước. Việc ông Mullen cáo buộc ISI tiếp tay cho phiến quân Haqqani chẳng khác nào cho rằng chính quân đội Pakistan đã ngầm cho phép và đã được giới chức lãnh đạo ở Islamabad bật đèn xanh. Lời nói mạnh phải có "căn cứ" thuyết phục, và căn cứ đó chính là những vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Afghanistan do nhóm Haqqani gây ra (như lời cáo buộc của Đại sứ Mỹ tại Pakistan Cameron Munter hôm 17/9), và giữa ISI và nhóm này cũng từng có quan hệ trong quá khứ. Người Mỹ cho rằng mình có bằng chứng về mối quan hệ giữa ISI và nhóm Haqqani. Nhưng cho dù Mỹ có gây sức ép mạnh và đưa ra những bằng chứng thuyết phục thì cũng không làm thay đổi được chiều hướng là Pakistan cũng đang quay lưng với Mỹ và “hướng Đông” qua động thái bắt tay với Trung Quốc

Văn Trương (tổng hợp)
.
.