Quan hệ đặc biệt Nga-Ấn Độ vượt qua mọi chướng ngại vật
Ngày 4-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp nhau trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Nga.
Diễn đàn kinh tế phương Đông là một sự kiện kinh tế lớn được Nga tổ chức trong 5 năm qua nhằm cố gắng phát triển vùng Viễn Đông rộng lớn. Thủ tướng Ấn Độ cho biết ông muốn nắm bắt "cơ hội lịch sử" này để tăng cường quan hệ giữa hai nước. Đối với Tổng thống Vladimir Putin, đây là cơ hội để xác nhận rằng ông có thể tìm được đối tác ngoài các nước phương Tây.
Kết thúc cuộc họp, hai nhà lãnh đạo tuyên bố đã đưa quan hệ giữa Nga và Ấn Độ "lên một tầm cao mới". Moscow và New Delhi dự định cùng nhau sản xuất một loại máy bay dân dụng và nghiên cứu khả năng cùng sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Hai nước cũng sẽ hợp tác sản xuất và phân phối dầu khí, quốc phòng, sản xuất kim cương và du lịch. Nga đã mời Ấn Độ tham gia vào các dự án sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Bắc Cực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vladivostok, ngày 4-9. |
Việc tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa hai nước cũng đang được thảo luận. Thương mại song phương vẫn còn hạn chế, chỉ đạt 11 tỷ USD vào năm 2018. Hai nước dự kiến sẽ tăng kim ngạch thương mại lên gấp 3 lần vào năm 2025, đạt 30 tỷ USD. Theo Tổng thống Nga, điều quan trọng trong hợp tác Nga-Ấn là sử dụng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch thương mại song phương.
"Chúng tôi coi việc giới thiệu về sử dụng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch song phương là một thành phần quan trọng trong công việc với các đối tác Ấn Độ, đảm bảo các giao dịch liên ngân hàng diễn ra suôn sẻ, giúp Ấn Độ gia nhập hệ thống chuyển tin nhắn tài chính của ngân hàng Nga" - Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Nga hiện là một trong những đối tác quan trọng của Ấn Độ về năng lượng hạt nhân và cũng sẵn sàng phát triển hợp tác hơn nữa. Việc xây dựng 4 trong số 6 đơn vị năng lượng còn lại tại nhà máy điện hạt nhân Kudankulam (NPP) hàng đầu đang tiến triển tốt đẹp. Nga dự định sẽ xây dựng ít nhất 12 đơn vị năng lượng hạt nhân tại Ấn Độ trong khoảng thời gian 20 năm tới.
Ngoài ra, Nga và Ấn Độ cũng hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Trong ngày 4-9, Moscow và New Delhi đã ký bản tuyên bố chung, mang tên “Thông qua sự tin cậy và quan hệ đối tác - hướng đến những đỉnh cao hợp tác mới”, kêu gọi hợp tác trong lĩnh vực quân sự và công nghệ.
Ấn Độ là một khách hàng chủ chốt của ngành sản xuất vũ khí Nga và trao đổi song phương trong lĩnh vực này cũng dựa trên thanh toán bằng đồng nội tệ. Các hợp đồng quốc phòng giữa 2 nước sẽ được chi trả bằng đồng rúp Nga hoặc rupee Ấn Độ thông qua một thỏa thuận mà ngân hàng trung ương của 2 nước đã thông qua. Với phương thức thanh toán mới, hai bên sẽ không còn phụ thuộc vào các giao dịch bằng đồng USD khi thực hiện thanh toán hợp đồng vũ khí. Điều này giúp khách hàng của Nga có thể hạn chế khả năng bị Mỹ trừng phạt. Mỹ đã đưa ra đạo luật để cảnh báo rằng, bất cứ nước nào mua vũ khí Nga sẽ có thể bị trừng phạt.
Vốn là nước nhập khẩu vũ khí lớn trên thế giới và đang tìm cách hiện đại hóa quân đội, Ấn Độ muốn tăng cường sản xuất vũ khí trong nước và tháng 3-2019 nước này đã khởi động một công ty liên doanh với Nga để sản xuất súng máy AK-203. Năm ngoái, Ấn Độ đã mua hệ thống tên lửa phòng không tân tiến S-400 của Nga với giá 5 tỷ USD, sẽ giao hàng vào năm 2023. Trước đó, theo thỏa thuận liên chính phủ năm 2015, Ấn Độ sẽ được cung cấp 200 trực thăng Ka-226T, trong đó 140 chiếc được lắp ráp tại Ấn Độ.
Ấn Độ là khách hàng chủ chốt của ngành công nghiệp vũ khí Nga. |
Ngày 5-9, người đứng đầu cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga, ông Dmitry Shugayev cho biết, Ấn Độ đã đặt mua số lượng vũ khí và thiết bị quân sự của Nga trị giá 14,5 tỉ USD. Ông Shugayev nói: "Hôm nay, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của một hợp đồng khổng lồ so với tất cả các năm trước. 14,5 tỉ USD là một con số ấn tượng và là một sự đột phá".
"Chúng tôi hiện đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc cung cấp và cấp phép sản xuất đối với hệ thống phòng không Igla-S cho Ấn Độ”, ông Shugayev nói thêm.
Nga là nguồn cung cấp vũ khí truyền thống của Ấn Độ. Từ những năm 1950, New Delhi và Moscow luôn là những đồng minh thân thiết. Năm 2014, trong lúc Nga bị phương Tây tẩy chay vì Ukraine, Ấn Độ là một điểm tựa quý giá của Nga cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao.
Từ năm 2017, Quốc hội Mỹ thông quan một đạo luật trừng phạt Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và can thiệp vào bầu cử Mỹ. Đạo luật này áp đặt biện pháp trừng phạt các nước mua vũ khí của Nga. Ấn Độ hy vọng sẽ được Mỹ đặc cách nhưng cho đến nay chỉ nhận được những lời cảnh cáo. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Washington sẽ không thể phạt chính quyền của Thủ tướng Modi vì nhiều lý do.
Thứ nhất là yếu tố Trung Quốc. Washington cần New Delhi để kềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về mặt kinh tế lẫn quân sự trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 9-2018, Mỹ và Ấn Độ thông báo đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin quân sự mang tính nhạy cảm cao. Đôi bên cũng đã đồng ý tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô vào năm 2019. Với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ khó mà mạnh tay với New Delhi.
Cái khó thứ nhì đặt ra với chính quyền Tổng thống Donald Trump là việc Ấn Độ tăng cường khả năng phòng thủ cũng chính là nhằm để đối phó với đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và đấy là điều buộc Washington phải quan tâm. Những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa quân đội hai nước trong khu vực biên giới Ấn-Trung. Chưa kể là theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng với Pakistan, mà trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần tuyên chiến với nhau.
Điểm kẹt thứ ba của Mỹ là Ấn Độ hiện đang là một trong những quốc gia mua vũ khí hàng đầu thế giới, đang có nhu cầu hiện đại hóa khả năng phòng thủ rất lớn. Đây là một thị trường mà các nhà sản xuất vũ khí Mỹ không muốn bỏ qua. Còn Nga thì từ lâu nay vẫn là đối tác ưu tiên của New Delhi.
Cũng trong cuộc hội đàm ngày 4-9, Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) để thượng phong "chủ nghĩa đa phương". Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải củng cố hơn nữa vai trò điều phối trung tâm của LHQ trong các hồ sơ quốc tế.
Hai bên nhấn mạnh sự tối thượng của luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định sự trung thành của mình với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, bao gồm cả nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên.