Rahul Gandhi - Thủ tướng của Ấn Độ trong tương lai?

Thứ Hai, 01/10/2007, 20:10
Vừa bước lên ghế Tổng thư ký đảng Quốc đại hôm 24/9, Rahul Gandhi đã được giới báo chí và bình luận Ấn Độ đánh giá là một "ngôi sao mới" vừa tỏa sáng trên bầu trời chính trị nước này. Đáng chú ý hơn, Rahul còn được nhiều người dự đoán là thành viên thứ tư của gia đình Nehru - Gandhi làm Thủ tướng Ấn Độ trong tương lai không xa.

Ngoài việc được bầu làm Tổng thư ký đảng Quốc đại, Rahul còn kiêm chức Chủ tịch Liên đoàn Sinh viên toàn quốc và Thanh niên Quốc đại Ấn Độ. Sắp tới, Rahul sẽ còn kiêm thêm công việc trong ban vận động tranh cử của đảng Quốc đại phục vụ cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Người ta cho rằng, việc nắm giữ các chức vụ và công việc này đã tạo điều kiện cho Rahul tiếp xúc gần gũi và nắm được giới trẻ, được giới trẻ Ấn Độ hiểu và tin tưởng nhiều hơn.

Điều này được xem là rất quan trọng vì giới trẻ đang là lực lượng cử tri đông đảo nhất Ấn Độ hiện nay, hoàn toàn có lợi cho đảng Quốc đại.

Năm nay 37 tuổi (sinh ngày 19/6/1970), thuở nhỏ Rahul Gandhi học tại Trường Doon ở New Delhi - ngôi trường mà cha anh, Thủ tướng Rajiv Gandhi, từng học, nhưng được 2 năm thì gia đình phải mời thầy về dạy tại nhà vì lý do an ninh.

Lớn lên, Rahul theo học tại Đại học Harvard (Mỹ), nhưng sau khi Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát (1984), Rahul buộc phải chuyển đến học tại Trường Rollins College, bang Florida, vì lý do an ninh, và lấy bằng cử nhân khoa học tại đây.

Sau đó, Rahul tiếp tục sang Anh để theo học và lấy bằng thạc sĩ về kinh tế phát triển tại Trường Trinity College, Cambridge, và bắt đầu làm việc ở Công ty Monitor Group tại London.

Cuối năm 2002, Rahul trở về Ấn Độ, bắt đầu khởi nghiệp ở công ty kỹ thuật công nghệ tại Mumbai, chuyên gia về sản phẩm công nghệ cho các tập đoàn công nghệ của Mỹ.

Sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống chính trị bậc nhất của Ấn Độ - vừa có công giành độc lập cho đất nước, vừa lãnh đạo đất nước gần như xuyên suốt trong thời bình (cha (Rajiv Gandhi) và bà nội anh (Indira Gandhi) đều là Thủ tướng Ấn Độ, còn ông cố nội (Jawaharlal Nehru) là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập) - nhưng cho đến trước khi xuất hiện trên chính trường, Rahul hoàn toàn không tỏ ra có ý định tiếp nối truyền thống gia đình như bao thanh niên “con nhà nòi” trên thế giới.

Là một người say mê thể thao và công nghệ, Rahul thường được giới bình luận gọi bằng bí danh “hoàng tử bất cần” - ám chỉ việc anh không màng gì đến sự nghiệp chính trị hàng trăm năm của gia đình, và vì thế anh cũng chưa từng được xem là người kế thừa tương lai chính trị của gia đình Nehru - Gandhi.

Thay vào đó, người chị Priyanka lại thường xuyên xuất hiện bên cạnh mẹ mình trong các chuyến công tác, các cuộc vận động cử tri tại quê nhà, khiến cho mọi người nghĩ rằng Priyanka nhiều khả năng sẽ là một “Indira” thứ hai của gia đình Nehru - Gandhi.

Đùng một cái, thông tin hậu trường lan nhanh về việc Rahul bước vào chính trường. Lời đồn đại được minh chứng: Rahul thay thế Priyanka xuất hiện thường xuyên hơn bên cạnh mẹ trong các lễ hội và các cuộc họp đảng Quốc đại.

Tháng 3/2004, Rahul thông báo cho mọi người biết quyết định ứng cử ghế Lok Sabha (Hạ viện) tại cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5/2004. Và anh đã đắc cử với số phiếu cao, đại diện cho thị trấn Amethi, bang Uttar Pradesh - quê nhà và cũng là khu vực cử tri mà cha và mẹ đều đã từng đại diện.

Giống cha như đúc, nhìn thấy Rahul là người Ấn Độ như nhìn thấy lại hình ảnh của vị Thủ tướng đáng kính năm xưa của họ. Vì vậy, sự xuất hiện của anh đã tạo nên một làn sóng phấn chấn không chỉ trong nội bộ đảng Quốc đại mà còn trong thành phần các đảng phái trong liên minh cầm quyền, và cả của dân chúng Ấn Độ.

Chính những điều đó đã giúp cho Rahul đóng vai trò tích cực giúp đảng Quốc đại giành được 22 ghế trong cuộc bầu cử bang Uttar Pradesh tháng 4/2007.

Tuy vậy, chính bản thân Rahul lại không tỏ ra mặn mà với việc nắm chức vụ cao trong đảng Quốc đại. Anh đã ba lần bảy lượt từ chối lời đề nghị của ban lãnh đạo đảng (gần đây nhất là tháng 1/2006). Thế nhưng, lần này, tháng 9/2007, có lẽ do tình hình chính trị đang cấp bách, thời gian lại không còn nhiều, nên Rahul đã không thể từ chối.

Việc Rahul Gandhi được bầu làm Tổng thư ký đảng Quốc đại không gây ngạc nhiên cho giới quan sát chính trị Ấn Độ, mà ngược lại khiến người ta nghĩ đến một cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo đảng Quốc đại và đất nước Ấn Độ trong gia đình Nehru - Gandhi đang sắp diễn ra.

Nói cách khác, đảng Quốc đại đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc bầu cử Quốc hội sớm giữa nhiệm kỳ nhằm xúc tiến việc thay đổi lãnh đạo và cải thiện tình trạng kinh tế, xã hội đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.

Rahul và mẹ.

Và người ta cho rằng, bà Sonia Gandhi và đảng Quốc đại đang kỳ vọng khá nhiều vào vị lãnh đạo trẻ tuổi - con trai bà - trong thời gian sắp tới với việc vực dậy hình ảnh của đảng và Chính phủ. Sự kỳ vọng của bà Sonia là có cơ sở.

Trong cuộc bầu cử bang Uttar Pradesh vừa qua, nếu không có sự xuất hiện kịp thời của Rahul Gandhi thì có lẽ đảng Quốc đại còn thất bại nặng nề hơn. Quan trọng hơn, đảng Quốc đại đang nhắm đến các cuộc bầu cử sắp đến, trước mắt là kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ, và xa hơn là cuộc tổng tuyển cử vào năm 2009.

Với sức hút của Rahul, nhiều người cho rằng đảng Quốc đại đang nhắm đến mục tiêu giành trọn quyền lãnh đạo đất nước trong tay, không cần phải liên minh với các đảng phái khác

An Châu (tổng hợp)
.
.