Rất khó quản lý người lao động nước ngoài?

Thứ Bảy, 13/03/2010, 20:35
PV Chuyên đề ANTG đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tước - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

PV: Thưa đồng chí Giám đốc, nói đến Quảng Ninh thì phải nói đến than và du lịch. Trước hết là về hòn than. Hiện nay chuyện hòn than đã đỡ “nóng” chưa?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tước: Cho đến giờ này tôi có thể khẳng định với bạn đọc của ANTG rằng, trật tự khai thác than trái phép trong khai trường của mỏ và trong các khu dân cư đã được thiết lập. Việc xuất than ra nước ngoài - đặc biệt là sang Trung Quốc đã được quản lý tốt hơn nhiều. Trong chiến dịch lập lại trật tự khai thác và xuất nhập khẩu than ở Quảng Ninh, Công an tỉnh đã khởi tố 72 vụ gồm 300 đối tượng, đã đưa ra truy tố 50 vụ, điều đáng chú ý là trong số này có 50 người là cán bộ, đảng viên. Bạn đọc sẽ có thể thắc mắc rằng tại sao việc quản lý hòn than lại bị buông lỏng trong suốt một thời gian dài như vậy?

Những nguyên nhân gây ra tình trạng "hỗn loạn" trong khai thác than trái phép và xuất nhập khẩu, trước hết đó là do sự lỏng lẻo trong việc quản lý xuất nhập khẩu than. TKV (Tập đoàn  Than - Khoáng sản Việt Nam) nhiều năm nay chỉ là đơn vị sản xuất và sau đó đóng vai trò là một trung tâm kho vận lớn. Họ cứ việc bán than, nhưng hòn than đó chạy đi đâu thì không ai biết.

Công an - Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh trao đổi thông tin tội phạm với Công an Quảng Tây (Trung Quốc).

Nói ví dụ thế này cho dễ hiểu. Một công ty A từ một tỉnh, một bộ nào đó xin mua than, họ nói là mua than về để sản xuất, nung gạch, nung vôi hay làm việc gì đó ở trong nước và việc bán than cho đơn vị đó được các cấp có thẩm quyền  phê duyệt. Việc rót than xuống tàu được cảng vụ và hải quan làm đúng thủ tục. Nhưng khi tàu ra ngoài biển, nó rẽ đi đâu thì có trời mới biết. Bây giờ thì không thể như vậy được. TKV sẽ quản lý hòn than đến tận điểm cuối cùng. Hơn nữa trong năm qua, giá hòn than đã được điều chỉnh 3 lần và tăng tới 30% cho nên việc xuất than sang Trung Quốc cũng đã giảm bớt.

Cũng phải nói thêm rằng, từ trước đến nay việc xuất than là do hải quan, cảng vụ và TKV chịu trách nhiệm, Công an thì chả có quyền gì. Còn việc đào bới than tự do thì cũng phải nói thế này, hiện Quảng Ninh đang có hàng chục ngàn  người  dân sống từ nhiều năm nay bằng nghề nhặt than ở bãi thải. Số lượng than hiện nay tồn đọng trong dân theo ước tính cũng phải là 60-70 vạn tấn.

Ở Quảng Ninh bãi thải trải rộng trên một chiều dài khoảng gần 100km. Năm ngoái, ngành than bóc đất đá đổ ra bãi thải khoảng 200 triệu tấn và trong này có lẫn khoảng 10% than. Đây là một số lượng không nhỏ chút nào. Vừa rồi Chính phủ đã chỉ đạo TKV thành lập 3 công ty ở khu vực Cẩm Phả, Đá Bạc. Công ty phải mua lại than cho dân nhưng họ cũng chỉ mua được 30% bởi năng lực tài chính của các công ty này không mạnh, hơn nữa thủ tục mua than cho dân cũng nhiêu khê lắm. Người bán than phải có được giấy xác nhận của chính quyền địa phương về nguồn gốc than, rồi thủ tục mua bán là "tiền tươi, thóc thật", nhiều thì vài chục tấn, ít thì 1, 2 tấn cho nên hóa đơn chứng từ cũng rất khó.

Đã có khai mỏ là có chuyện phức tạp, ở đâu cũng vậy. Có khai thác than trôi nổi, có khai thác than thổ phỉ thì sẽ có  tranh mua, tranh bán, có thông đồng với người có trách nhiệm để nâng giá; để xuất hàng... từ đó nảy sinh ra tội phạm hình sự. Hơn nữa do tính chất công nghiệp của ngành khai khoáng cho nên công nhân nhiều khi ở lán trại và trong tay thì sẵn các loại dao, búa rồi kể cả súng cho nên việc dùng vũ khí, hung khí để xử lý nhau là dễ xảy ra. Tác động của kinh tế vào tội phạm hình sự là rất lớn.

Việc khai khoáng đã phức tạp nhưng càng phức tạp hơn khi chỉ cần vài ba giờ là hàng đã có thể chuyển qua biên giới. Bốn nguyên nhân gây nên sự "hỗn loạn" ở ngành than đã được trung ương chỉ ra, đó là: Phát triển quá nóng, không quản lý nổi; Cơ chế quản lý không phù hợp; Việc khai thác than không phép diễn ra trong một thời gian dài và sự phối hợp giữa ngành than với địa phương rất kém.

Trong chiến dịch lập lại trật tự vùng than, có lúc Công an tỉnh chúng tôi phải huy động 300 cán bộ, chiến sĩ, 50 cán bộ điều tra vào cuộc. Năm 2008, Công an tỉnh đã nộp cho tỉnh 140 tỉ đồng, năm 2009 nộp 120 tỉ trong đó chống buôn lậu thu 30 tỉ, phạt giao thông 51 tỉ, 12 tỉ lệ phí xuất nhập cảnh - ấy là năm nay còn giảm nhiều do kinh tế suy thoái, năm 2007 chúng tôi thu 40 tỉ tiền giấy phép thông hành xuất nhập cảnh. Trong dịp tết Canh Dần, ngày mùng 2 tết, anh em công an cũng đã bắt hàng trăm tấn than vận chuyển trái phép.--PageBreak--

PV: Có một vấn đề đang được dư luận quan tâm, đó là người nước ngoài vào lao động rồi sinh cơ lập nghiệp ở Việt Nam. Tình hình này ở địa bàn Quảng Ninh như thế nào, xin đồng chí Giám đốc cho biết rõ?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tước: Đây là vấn đề rất đáng lưu ý. Hiện nay trên địa bàn Quảng Ninh có 4.000 người Trung Quốc vào Việt Nam làm ăn, trong đó 90% là người Trung Quốc, họ làm việc ở các nhà máy điện, ximăng do Trung Quốc thắng thầu xây dựng. Trong số này có một ít là công nhân kỹ thuật còn lại là lao động thủ công. Số người lao động Trung Quốc này đưa sang làm việc tại các nhà máy, công trường là theo các dự án mà được Bộ Công thương phê duyệt và được cơ quan cấp trên cấp phép, Công an tỉnh không được biết. Trong số này chỉ có 30% là có giấy phép lao động, còn lại thì chỉ có đăng ký lao động.

Sẽ có bạn đọc thắc mắc rằng, chả lẽ ta không có đủ công nhân làm việc hay sao mà phải thuê người nước ngoài.

Vâng, đúng là ở một số công trường nhà máy điện, chúng ta không đủ công nhân kỹ thuật, còn lao động thủ công thì phải làm việc rất nặng nhọc. Người Việt Nam không thể  làm nổi  mỗi ngày 18 tiếng để nhận đồng lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Đã có 48 trường hợp người Trung Quốc lấy vợ Việt Nam ở tại đây. Việc cấp giấy đăng ký kết hôn do Sở Nội vụ chịu trách nhiệm. Nhưng có một vấn đề thế này. Khi các nhà máy xây xong thì công nhân nước ngoài sẽ ở lại vận hành một thời gian, vậy quản lý thế nào đây? Người lao động nước ngoài đến đây đông, cũng có mặt tích cực là làm tăng nguồn thu cho khối  dịch vụ, nhưng cái đó chả đáng là bao, còn tiêu cực thì trong số 4.000 công nhân Trung Quốc này  có không ít người đã phạm các tội như buôn lậu, trộm cắp, cướp của giết người ở bên Trung Quốc rồi trốn sang Việt Nam.

Công an Quảng Ninh kiểm tra một điểm khai thác than trái phép trong khai trường doanh nghiệp than.

Chúng tôi đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc điều tra một số vụ trọng án. Có thể nói, sự phối hợp giữa công an 2 tỉnh trong thời gian qua là rất có hiệu quả và đã góp phần chặn đứng việc người Trung Quốc sang Việt Nam để đi nước thứ ba. Năm vừa rồi có 7 vụ người Trung Quốc đánh nhau ở Quảng Ninh và tết vừa rồi thì 2.800 người ở lại Việt Nam ăn tết. Chúng tôi rất lo rằng nếu chúng ta không có những chính sách kịp thời để quản lý người lao động nước ngoài ở Việt Nam thì sẽ có lúc phải trả giá. Không quản lý thật chặt ngay từ bây giờ mà để đến lúc sinh ra phức tạp rồi lúc đó mới lại ngồi kiểm điểm, rút ra bài học kinh nghiệm, rồi mới nghĩ ra những biện pháp để quản lý thì muộn mất.

PV: Thưa đồng chí Giám đốc. Trở lại vấn đề trật tự an toàn xã hội, Quảng Ninh là tỉnh có nền kinh tế phát triển "nóng", cho nên hình như  sự phát triển của các loại tội phạm hình sự cũng "nóng"?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tước: Đúng là các loại tội phạm hình sự phát triển có "nóng" thật. Trước hết là cái "nóng" trong chống tiêu cực, tham nhũng. Do đặc điểm là tỉnh kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cho nên nảy sinh ra các loại tiêu cực trong đền bù giải phóng mặt bằng, rồi do đặc điểm là tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc lớn nhất trong tuyến biên giới phía Bắc, cho nên tội phạm kinh tế như buôn lậu, vận chuyển hàng gian, hàng giả, tiền vàng trái phép phát triển như... nấm sau mưa. Năm nay, số lượng hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái lên tới gần 40 tỉ USD. Mỗi ngày có hàng trăm container hàng tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu Móng Cái... Như vậy thì làm sao mà không nảy sinh tội phạm được? Đó là điều lý giải cho con số là tỉnh Quảng Ninh đứng hàng thứ 5 về số vụ phạm pháp hình sự.

Thiếu tướng Ngyễn Hữu Tước, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh (bên phải) thăm và kiểm tra công tác tại một đơn vị vũ trang tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh có 1,2 triệu dân,  diện tích đất đai bằng 5 tỉnh Ninh Bình - Hà Nam - Nam Định - Thái Bình - Hải Dương cộng lại. Hiện nay tỉnh có 2 thành phố, 2 thị xã, 59 phường và thị trấn... Nhưng quân số của Công an tỉnh thì mới chỉ bằng năm 1997, ít hơn Công an Hải Phòng 2.000. Theo như chỉ tiêu biên chế của Bộ, thì Công an Quảng Ninh còn thiếu rất nhiều quân. Đã đô thị hóa thì phải có công an chính quy, nhưng làm gì có người? Ai lại vào thời buổi này, có công an phường mà chỉ nhõn 5 cán bộ chiến sĩ, có cảnh sát khu vực phải đảm nhiệm khu vực dân cư rộng...15km2?

Nhà giam bây giờ cũng quá tải. Hiện có 27 phạm nhân đang chờ ngày... ra pháp trường. Có tử tù bị giam lâu quá mà vẫn không  "được" thi hành án, nên cũng chỉ mong được "đi" sớm để nhẹ nợ?! Tội phạm hình sự ở tỉnh ngoài sang Quảng Ninh gây án cũng khá nhiều. Năm 2009, riêng số đối tượng là người Hải Phòng bị bắt về tội buôn lậu, vận chuyển hàng cấm và phạm các tội hình sự khác là 230... Vận chuyển pháo, chúng tôi thu 6,9 tấn, bắt 122 vụ, khởi tố 54 vụ... nhưng cũng chủ yếu là ở tỉnh ngoài.

Trong trật tự an toàn giao thông. Đường sá của Quảng Ninh - đặc biệt là tuyến đi Móng Cái - đã bị quá tải gấp nhiều lần và xe container đang ngày đêm băm nát đường. Tuyến quốc lộ chính lại có chiều rộng mặt đường nhỏ, cho nên cảnh sát giao thông của Quảng Ninh làm việc rất vất vả và chịu ô nhiễm nặng nề. Chỉ cần ra đứng tuần tra kiểm soát ở địa bàn Mạo Khê, Uông Bí, Hà Lầm, Cẩm Phả... một giờ đồng hồ thôi, thì mặt mũi đã đen nhẻm vì bụi than. Theo quy định mới của Bộ, khi đi hộ tống nguyên thủ quốc gia, ngoài xe ôtô dẫn, bảo vệ, còn phải có 12 xe môtô hộ tống. Nhưng với địa bàn như Quảng Ninh, thì không thể dùng xe môtô hộ tống như vậy được...

PV: Nghe những điều đồng chí Giám đốc vừa cho biết thì đúng là trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng có những cái khó rất riêng, và rõ ràng, nếu một mình Quảng Ninh tự lo thì rất khó...?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tước: Đúng là rất khó, nhưng không phải là không làm được. Mục tiêu năm nay của chúng tôi là "hai giữ". Giữ vững an ninh chính trị, không để xảy ra đột xuất bất ngờ như khủng bố, gây rối có tính chất chính trị... Và giữ gìn nội bộ tốt. Kiên quyết không để xảy ra hiện tượng "đối tượng kinh tế điều chỉnh việc quản lý của chính quyền"; bảo vệ nội bộ tốt, quản lý  chặt chẽ người nước ngoài; khách du lịch... trong Lực lượng Công an, phải phấn đấu làm giảm  tỉ lệ  cán bộ chiến sĩ vi phạm kỷ luật. Năm 2009 là 0,43%, nhưng sang năm nay phải thấp hơn nữa.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Giám đốc về cuộc đối thoại này. Xin chúc Công an tỉnh Quảng Ninh năm nay sẽ trở thành "điểm nguội" trong trật tự an toàn xã hội

N.P.
.
.