Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên:

Sẵn sàng cho những thay đổi lớn

Thứ Tư, 13/06/2018, 08:15
Sau nhiều thập niên chờ đợi, sau nhiều động thái bất ngờ tưởng như phá vỡ kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cuối cùng thì sự kiện này - vốn không chỉ được người dân 2 miền trên Bán đảo Triều Tiên, mà còn cả thế giới mong đợi - đã diễn ra theo kế hoạch.

1. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra theo đúng kế hoạch, tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa, Singapore vào lúc 9 giờ sáng, ngày 12-6, dưới sự bảo đảm an ninh nghiêm ngặt và sự có mặt chứng kiến của hơn 3.000 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đánh dấu rất nhiều dấu mốc sự kiện, lịch sử đặc biệt, chính vì thế, hội nghị là lý do mà nó tạo ra nhiều cảm xúc cho tất cả những ai quan tâm, theo dõi sự kiện này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên khi mà trước đó chỉ ít ngày, hai nước vẫn luôn ở trong tình trạng đối địch và có rất nhiều thời điểm coi nhau là "kẻ thù" khi một bên tuyên bố sẵn sàng bắn tên lửa, còn kia không e ngại tuyên bố chiến tranh và đánh phủ đầu.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay tại khách sạn Capella. Ảnh: AFP.

Để hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc gặp này, cần nhớ lại rằng, chưa từng có một cuộc gặp nào giữa Tổng thống Mỹ đương nhiệm và nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên trong lịch sử. Các đời Tổng thống Mỹ trước đó từ Bill Clinton đến Geogre W.Bush và Obama đều né tránh các cuộc gặp gỡ với Triều Tiên. Cũng đã có 2 Tổng thống Mỹ là ông Bill Clinton và ông Jim Carter đến Triều Tiên, nhưng đó là khi họ không còn đương chức.

2. Tưởng chừng như cuộc gặp đã không thể diễn ra. Nhưng, sự mềm mỏng của Triều Tiên khi Tổng thống Mỹ tuyên bố hủy bỏ hội nghị cách đây một tháng đã cho thấy rõ thiện chí. Thiện chí về một nền hòa bình dài lâu cho một bán đảo đã chịu nhiều đau thương do chiến tranh, chia cắt. Chính sự thành tâm ấy đã lay động thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ.

Và ở những giây phút khó khăn nhất, rất nhiều người Hàn Quốc, Triều Tiên và nhân dân tiến bộ trên thế giới này vẫn chung một niềm tin mãnh liệt, dù có thế nào và bằng cách nào đó, hội nghị này sẽ vẫn diễn ra, cho dù có phải là ngày 12-6 lịch sử hay không... Bởi thiện chí của Mỹ, của Triều Tiên, của Hàn Quốc, của nhiều quốc gia khác, đối với cuộc gặp này là quá lớn. Như Tổng thống Mỹ nói trước khi tới Singapore: Là cơ hội duy nhất!

Xét trong bối cảnh hiện nay, không quá khi Tổng thống Mỹ đánh giá cơ hội hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên trong cuộc gặp này là quá quý giá bằng một câu ngắn gọn mà đủ ý nghĩa như thế. Và cuối cùng, cơ hội quý giá ấy đã thành giây phút lịch sử.

Một lý do khác nữa, có lẽ đây là cuộc gặp không chỉ được nhân dân hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, mà cả thế giới mong chờ, đó là ai cũng hiểu, tầm quan trọng của cuộc gặp này có thể quyết định sự thành công hay thất bại tương lai của Bán đảo Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay trong phòng hội đàm. Ảnh: Straits Times.

3. Để đi tới được cuộc gặp thượng đỉnh này, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã trải qua không ít chông gai, sóng gió. Cách đây một tháng, ít ai có thể ngờ mọi thứ lại đang diễn ra một cách suôn sẻ như ngày lịch sử này. Đúng như Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định “mọi thứ đã sẵn sàng”. Singapore và thế giới ủng hộ cho sự sẵn sàng và thành công của cuộc gặp.

Đây không phải chỉ đơn thuần là việc sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mà sâu sa hơn, cả hai nước và thế giới cùng sẵn sàng cho những thay đổi lớn lao hơn. Một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng và không có vũ khí hạt nhân.

Những lo ngại về sự thất bại hoàn toàn của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khiến cho thế giới “khiếp đảm”; sự thất bại làm tái diễn sự thù địch ở mức độ cao hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng, hơn cả những gì thế giới từng chứng kiến hồi năm ngoái và một cuộc chiến ngay tức thì đã không diễn ra.

Thay vào đó là việc lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ cùng thảo luận quan hệ song phương "mới". Đó là việc hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi quan điểm về việc xây dựng một "cơ chế gìn giữ hòa bình lâu dài và bền vững" trên Bán đảo Triều Tiên" và thực hiện phi hạt nhân hóa.

4.Mặc dù những điều đã đạt được trong hội nghị này chưa thể làm thỏa mãn hết các bên. Nhưng, tiến trình phi hạt nhân hóa nhận được sự ủng hộ của hai nhà lãnh đạo đã mở ra cánh cửa hòa bình cho một khu vực rộng lớn ở Đông Bắc Á, nơi có những nền kinh tế cực kỳ quan trọng của thế giới. Nơi trong suốt mấy chục năm qua khó có phút nào bình yên.

Đúng như lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jia-in rằng, cứ yên tâm kê cao gối mà ngủ, bởi sẽ không còn những vụ thử hạt nhân hay bắn tên lửa nữa.

Rất có thể tới đây, trong những bước đi cụ thể tiếp theo, tiến trình nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ diễn ra sau khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Điều này hoàn toàn có thể diễn ra trong thời gian ngắn tới đây khi Tổng thống Trump đã thể hiện sự tin tưởng rất rõ rằng, ông sẵn sàng cung cấp cho Triều Tiên những sự đảm bảo an ninh và quan hệ chính trị nồng ấm mà Bình Nhưỡng mong muốn, với một điều kiện duy nhất mà Triều Tiên đang đi đúng hướng: Tiến hành những hành động cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa theo lịch trình cụ thể.

5.Một tương lai tươi sáng, một Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn không còn dấu hiệu của chiến tranh đang hiện ra trước mắt. Để Bán đảo này thịnh vượng, chung sống hòa bình, rất cần sự chung tay của các bên liên quan như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và đặc biệt là Mỹ khi nước này dần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng trong khuôn khổ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này, hàng loạt vấn đề liên quan tới lịch sử giữa Bình Nhưỡng với các nước cũng sẽ được từng bước giải quyết.

"Sứ mệnh hòa bình" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mang tới hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ này và là một "cơ hội duy nhất" của hai nước đã cho thấy thiện chí của phía Mỹ. Rõ ràng Triều Tiên cũng đã cân nhắc và tính toán rất kỹ để không mất đi cơ hội ngàn vàng - cơ hội để phát triển; cơ hội để nhận được sự đảm bảo về an ninh và thể chế thông qua phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tưởng rằng thời gian ngắn sẽ làm khó cho các nhà đàm phán hai bên, nhưng rõ ràng sự song trùng về lợi ích đã cho phép họ nhanh chóng hợp nhau tại rất nhiều điểm chung. Chính những điểm chung rất "chụm" này, là cơ hội thúc đẩy hai nước tiến sát về phía nhau, cùng nhìn về một hướng, coi đó là nền tảng quan trọng, là mong muốn chung, trở thành cơ hội tốt để thông qua cuộc gặp thượng đỉnh lần này cùng nhau xây dựng nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Chính việc hai nhà lãnh đạo hai nước cùng mang tới những tư tưởng cầu thị, mong muốn đạt được sự tiến bộ cho một tiến trình bị bế tắc rất lâu cho thấy, ngay từ đầu đã có cơ sở để tin rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này sẽ không bị gián đoạn như các cuộc gặp trong quá khứ và sẽ trở thành cơ hội rất quan trọng, hết sức có ý nghĩa.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một vị Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên thực sự là thời điểm mang tính lịch sử vì từ kết quả này nó mở ra cơ hội chấm dứt tình trạng đối đầu quân sự kể từ sau chiến tranh Triều Tiên và vì thế nó nhận được sự ủng hộ sâu rộng của cộng đồng quốc tế.

Trước và trong quá trình diễn ra cuộc gặp này, hai bên đã nhận được sự ủng hộ từ các cường quốc trong khu vực. Tất cả các nhà lãnh đạo từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Hiêp Quốc, đặc biệt là Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Singapore... đã nỗ lực không biết mệt mỏi, chắp mối cho sự thành công mang tính lịch sử này.

Sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức sự kiện của nước chủ nhà Singapore, những phát biểu tích cực của Tổng thống Nga, Thủ tướng Nhật Bản hay sự sát cánh của Trung Quốc bên Triều Tiên đã dường như báo trước một tiến trình khó có thể thuận lợi hơn, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp.

7. Để tới được cuộc gặp này, không thể không nhắc tới vai trò đặc biệt dũng cảm của hai nhà lãnh đạo. Nói như vậy là bởi, trước kia không phải không từng có cơ hội, nhưng thật khó bởi vì nhiều yếu tố mà sự thành công vẫn chưa đến. Tất nhiên, để có cái kết "viên mãn"; để dành cho nhau tin tưởng cao nhất mà hai bên có thể cùng nhau đi tận con đường thực hiện “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng, không thể đảo ngược” cũng như việc Mỹ sẽ đáp ứng thế nào với yêu cầu được bảo đảm an ninh của Triều Tiên là một con đường rất dài và nhiều chông gai.

Mỗi bước đi tiếp theo vì thế cần rất thận trọng nếu không bên nào muốn bị tổn thương. Nói hình tượng như vậy để thấy, cho dù đã có thỏa thuận giữa hai bên, tuy nhiên các chi tiết của thỏa thuận cũng như việc triển khai những nội dung này như thế nào vẫn còn là vấn đề cần bàn bạc và thực thi.

Muốn thực thi tốt, cần phải tin nhau, chia sẻ với nhau, cùng nhau nỗ lực với thiện chí thực sự. Ngay cả khi hai bên đạt được nhất trí về những việc sẽ làm và cách thức tiến hành, việc thực hiện tuyên bố vẫn sẽ là một thử thách. Vấn đề là lãnh đạo hai nước cần nhận được sự ủng hộ trong bộ máy chính quyền cũng như dân chúng. Bởi, có thể thấy rõ, sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, quá trình thực hiện sau này sẽ gặp những khó khăn nhất định vì giải quyết vấn đề phi hạt nhân là hết sức khó khăn và cần có quá trình.

Phái đoàn Triều Tiên và Mỹ dự cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: CNN.

Cả Mỹ và Triều Tiên đều không thể từ bỏ lập trường của mình một cách dễ dàng. Nhà Trắng vẫn "loay hoay" với khái niệm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược”, trong khi Triều Tiên luôn cố gắng né tránh điều này. Như vậy, khi hai nhà lãnh đạo ngồi vào bàn đàm phán, sẽ không có gì bảo đảm rằng mọi việc đi đúng hướng.

Hơn nữa, vấn đề đảm bảo an ninh thể chế và bồi thường kinh tế cho Triều Tiên cũng hết sức nan giải vì có liên quan chặt chẽ với vấn đề phi hạt nhân hóa, vấn đề dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Chỉ khi nào hai bên thực sự tin cậy lẫn nhau thì kết quả quá trình đàm phán mới trở thành hòa bình cho một vùng đất, hạnh phúc và thịnh vượng cho những người dân. Đó mới là ý nghĩa thực sự của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều; đó mới là một cơ hội lịch sử để mang lại sự thay đổi tốt đẹp hơn, mở ra một giai đoạn hòa bình lâu dài, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

8.Cuộc gặp này kỳ vọng đạt được kết quả hài lòng cho hai bên, theo các chuyên gia, đó là việc hai bên cùng quyết tâm và đặc biệt là giữ đúng các cam kết. Thêm vào đó, trước thềm cuộc gặp, hai bên đã thảo luận và dàn xếp bất đồng thông qua các cuộc tiếp xúc nghiệp vụ giữa các quan chức của Mỹ và Triều Tiên tại Panmunjom.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã gặp Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-Chol. Đặc biệt, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gửi thư tay cho Tổng thống Mỹ thể hiện sự thiện chí”.

Hội nghị này đã chỉ ra rằng, để không có thêm bất cứ một chiều hướng tiêu cực mới ra đời, cần có nhận thức mới, tôn trọng mục đích khi đến với nhau. Nếu Mỹ muốn cuộc gặp này giải quyết được vấn đề vũ khí hạt nhân, thực hiện được phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, thì Triều Tiên cũng rất chính đáng khi được gỡ bỏ lệnh cấm vận từ Mỹ và Liên Hiệp Quốc.

Trong những năm qua, dưới ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, người dân Triều Tiên đã phải rất vất vả. Cho nên việc đối thoại với Hàn Quốc, giải tỏa căng thẳng với Mỹ, hay việc dỡ bỏ cấm vận của cộng đồng quốc tế sẽ là cách để tạo điều kiện cho nền kinh tế Triều Tiên phát triển. Đúng như quan điểm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại kỳ đại hội đảng ưu tiên đặt trọng tâm phát triển kinh tế lên trước.

Rõ ràng, cơ hội đang được cả hai nước nắm giữ. Kịch tính của cuộc gặp trực tiếp này được đẩy lên cao trào và sau đó được giải quyết cũng cho thấy sự đồng điệu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về quan điểm chính trị cởi mở và nhu cầu chia sẻ sự đồng thuận khi đưa ra những quyết định mang tính chiến lược. Cả hai nhà lãnh đạo và người dân hai nước đã sẵn sàng cho những thay đổi lớn lao hơn.

Nguyễn Hòa
.
.