Sau Hiệp ước START mới sẽ là gì?

Thứ Hai, 27/07/2020, 11:02
Hiện tại chỉ có một hiệp ước có hiệu lực trong việc giới hạn các kho vũ khí hạt nhân: Hiệp ước START mới đối với các kho vũ khí chiến lược của Mỹ và Nga. Theo các thanh sát viên, hiệp ước này đang hoạt động hiệu quả. Còn theo Nga, hiệp ước này là "tiêu chuẩn vàng" trong việc kiểm soát vũ khí.

Tăng cường tính linh hoạt

Về mặt khái niệm, có thể cho rằng START mới bắt nguồn từ cả START và Hiệp ước Moscow năm 2002, trong đó, Hiệp ước Moscow được cho là hiệp ước thay thế tạm thời sau khi START-II hết hiệu lực. Hiệp ước Moscow quy định rằng cả hai bên về cơ bản được tự do xác định thành phần và cấu trúc các lực lượng hạt nhân của mình nhưng sẽ duy trì tổng số đầu đạn hạt nhân chiến lược trong khoảng từ 1.700 đến 2.200 đầu đạn. Còn START đặt ra mức trần riêng đối với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hạng nặng và được hai bên nhất trí.

Mức trần đó đã được bỏ đi trong START mới. Ngoài ra, START mới được cho là đơn giản hơn START: START đòi hỏi 12 kiểu kiểm tra với tổng cộng 28 lần một năm và 152 kiểu thông báo, trong khi START mới chỉ đòi hỏi 2 kiểu kiểm tra với tổng cộng 18 lần một năm và 42 kiểu thông báo.

Nga cho biết tuân thủ chặt chẽ việc kiểm soát ICBM.

Thành tựu chính của START mới là tiếp tục hạ mức trần đối với ICBM và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), các phương tiện phóng hai loại tên lửa này cũng như máy bay ném bom hạng nặng và đầu đạn đi kèm. Cụ thể từ 1.600 thiết bị phóng và máy bay ném bom trong START xuống còn 800 chiếc; và 6.000 đầu đạn xuống còn 1.500 đầu đạn. Trong START mới cũng như trong START, số lượng đầu đạn hạt nhân tối đa là con số được tính toán cụ thể, không phải mức trần cho số lượng đầu đạn thực tế.

Ví dụ, trong START mới, mỗi máy bay ném bom hạng nặng triển khai được tính là mang một đầu đạn. Xét tới việc một máy bay Tu-160 có thể mang theo 12 tên lửa hành trình hạt nhân, mỗi tên lửa mang 1 đầu đạn, so với một B-52H mang 20 đầu đạn thì số lượng đầu đạn thực tê có thể cao hơn rất nhiều so với số lượng tối đa cho phép được thống kê. Sau START mới, thời hạn 7 năm giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân của hai nước đã chấm dứt vào ngày 5-2-2018. Trong các thông cáo báo chí, hai bên đều khẳng định tuân thủ việc cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân như trong hiệp ước và đang tiếp tục tuân thủ.

10 năm một hiệp ước

START mới có hiệu lực 10 năm và sẽ hết hạn vào ngày 4-3-2021. Điều XIV của hiệp ước này cho phép các bên có thể đàm phán gia hạn nó thêm tối đa 5 năm nữa. Liệu việc gia hạn 5 năm có phải là lựa chọn tốt nhất khi mà cho tới nay vẫn chưa có cuộc đàm phán nào để đi đến thống nhất về một hiệp ước mới?

Ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên với ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất gia hạn START mới. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đã tỏ thái độ thờ ơ. Theo các quan sát viên, một trong những lý do đó là việc Mỹ cho đến nay vẫn đổ lỗi cho Nga liên quan đến Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Báo cáo đánh giá tình trạng hạt nhân (NPR) năm 2018 cho biết: "Khó có thể hình dung về sự tiến triển hơn nữa trong một môi trường mà trong đó các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đang tìm cách thay đổi biên giới và đảo ngược các quy tắc hiện có và tiếp tục không tuân thủ các nghĩa vụ cũng như các cam kết hiện có về việc kiểm soát vũ khí".

Trên thực tế, cho đến nay, chưa rõ nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến việc Hiệp ước INF sụp đổ. Theo các quan sát viên, cả hai bên đều trở nên kém hào hứng với INF bởi ngoài 2 bên tham gia, các quốc gia khác đều không bị chịu ràng buộc gì bởi hiệp ước này. Sự sụp đổ của INF tất nhiên sẽ ảnh hưởng ngay đến việc kiểm soát vũ khí chiến lược, vì quy định không được có vũ khí hạt nhân (trên đất liền) trong tầm cận chiến lược (500 đến 1.000km) đã không còn.

Một B-52H có thể mang được 20 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.

Lý do thứ hai đó là mối lo ngại của Mỹ về vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Việc bao gồm cả các lực lượng hạt nhân phi chiến lược dĩ nhiên sẽ làm thay đổi bản chất của các cuộc đàm phán về các lực lượng hạt nhân chiến lược được hình thành từ cuối những năm 1960 và do đó sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, trích dẫn của NPR nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hóa cả về lượng lẫn chất các lực lượng hạt nhân (phi chiến lược) chiến thuật của cả 2 bên.

Yếu tố thứ ba đó là Trung Quốc. Năm 2019, Tổng thống Donald Trump đã cho xây dựng một khuôn khổ kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc. Ngày 10-4-2020, ông Trump đã giao cho Đặc phái viên Marshall Billingslea nhiệm vụ khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề này nhưng chưa có tiến triển. Trung Quốc lập luận rằng kho vũ khí hạt nhân của họ còn nhỏ so với Nga và Mỹ.

Mở rộng START mới là điều mà cả Nga và Mỹ có thể làm một cách dễ dàng. Điều này đã được tính đến và chấp nhận khi hiệp ước được thông qua vào thời điểm năm 2011. Trên thực tế, không dễ để đàm phán một hiệp ước mới trước khi chính quyền hiện tại ở Mỹ mãn nhiệm vì thời gian không còn nhiều. Nhưng ngay cả khi chính quyền mới sẵn sàng đàm phán thì quá trình đó cũng sẽ mất khá nhiều thời gian.

Bất kỳ hiệp ước mới nào cũng sẽ phải được đàm phán trên cơ sở những kế hoạch lớn nhằm hiện đại hóa bộ ba hạt nhân ICBM, SLBM và máy bay ném bom tầm xa ở cả hai bên. Mặc dù trong cả hai trường hợp các kế hoạch hiện đại hóa này đều rất tốn kém trong khi tiền có thể được sử dụng cho các mục đích khác nhưng điều quan trọng là chúng không vi phạm START mới. Và ngay cả khi có những kế hoạch này, số lượng vũ khí hạt nhân vẫn có khả năng tiếp tục giảm. Nhìn chung, việc gia hạn START mới vẫn là lựa chọn tốt nhất hiện nay.

Vũ Dũng (Tổng hợp)
.
.