Sau một năm đau đầu, nước Mỹ tiếp tục… nhức óc
Hợp chúng quốc không chấp nhận phân biệt chủng tộc
Sau chiến thắng của ông Donald Trump, trong ngày 9-11, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Mỹ để phản đối tổng thống tân cử và lên án những phát ngôn gây sốc của nhà tỷ phú trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Tại một loạt thành phố lớn như New York, Chicago, Seattle, Oakland hay Los Angeles, hàng ngàn người đã xuống đường phản đối thắng lợi bất ngờ của nhà tỷ phú Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8-11. Hai cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra ở Chicago và New York.
Cuộc biểu tình phản đối tổng thống mới đắc cử Donald Trump tại Oakland, California tối 9-11. |
Hàng ngàn người biểu tình đã tiến về tòa tháp Tower Trump ở New York và tư dinh của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ vừa đắc cử tại Fith Avenue. Trong khi đó tại một công viên trong khu Manhattan cũng có hàng trăm người tụ họp hô khẩu hiệu "không phải tổng thống của tôi".
Trong khi đó tại trung tâm thành phố Chicago, khoảng 2 nghìn người đã tập hợp bên ngoài cao ốc của nhà tài phiệt bất động sản, Trump International Hotel and Tower. Người biểu tình giương các khẩu hiệu "Không có Trump", "Không có nước Mỹ phân biệt chủng tộc".
Ở thủ đô Washington, DC, sinh viên đốt một lá cờ trong khuôn viên Đại học American University và bỏ lớp đi cùng học sinh các trường trung học biểu tình trên đường phố. Tại Đại học University of Louisville, Kentucky, chân bức tượng “The Thinker” (Người suy tư) của Auguste Rodin, nghệ sĩ người Pháp nổi danh là người khai sáng nghệ thuật điêu khắc mới, bị bôi sơn đen và viết hàng chữ “Trump làm bức tường này”.
Các học sinh trung học cũng kéo đến tòa thị chính thành phố Los Angeles, trưa 9-11, mang một biểu ngữ có hàng chữ “Hate Wont Win” (Căm thù không thể thắng).
Tại Oakland (California), khoảng 6.000 người biểu tình đã phong tỏa đường cao tốc, ném gạch đá vào cảnh sát, đập phá cửa hiệu. Cảnh sát đã phải can thiệp để giải tán biểu tình. Cũng tại bang California, trước đó trong ngày, hơn một nghìn học sinh trung học và giáo viên ở Berkeley đã bãi khóa, biểu tình phản đối chiến thắng của ông Donald Trump với các biều ngữ “Not My President!” (Không phải là tổng thống của chúng tôi).
Một nữ sinh tham gia biểu tình nói: “Ông Trump đã làm cho chúng tôi thấy rõ sự thù hận còn được phổ biến rộng rãi đến dường nào”. Những người biểu tình lên án mọi sự xâm phạm đến quyền của người nhập cư cũng như việc ông Trump tuyên bố “quân sự hóa” vùng biên giới với Mexico. Theo báo cáo của cảnh sát, không có vụ bắt giữ nào xảy ra vì hầu hết là biểu tình ôn hòa, không gây phá phách nguy hiểm.
Tuy nhiên, cũng có biểu tình của những người đón mừng chiến thắng của ông Trump. Riêng tại Washington, hai đoàn biểu tình ủng hộ và phản đối chạm trán nhau trên đại lộ Pennsylvania gần Nhà Trắng, nhưng không có va chạm xảy ra. Những người ủng hộ bà Hillary Clinton kêu gọi một cuộc thắp nến tưởng niệm vào buổi tối và cảnh sát sau đó đã tìm cách giải tán họ.
Như vậy sau cả năm đau đầu, nước Mỹ nay lại còn nhức đầu hơn nữa với những chia rẽ trong nội bộ người dân, giữa những người ủng hộ và chống ông Trump.
Dường như biết trước được sự chia rẽ trong nội bộ cư tri Mỹ, trong bài phát biểu mừng chiến thắng rạng sáng 9-11, tân Tổng thống Donald Trump nói: "Giờ là lúc nước Mỹ hàn gắn những vết thương của sự chia rẽ. Tôi nói rằng đây là lúc chúng ta đến bên nhau như một dân tộc đoàn kết".
Sự chia rẽ của cử tri Mỹ đối với hai ứng cử viên Trump và Clinton có thể được tóm gọn như sau. Bà Clinton có được sự hậu thuẫn cao nhất của phụ nữ từ trước tới nay, cùng với cử tri người da đen, người Hispanic và cử tri có bằng cấp đại học. Trong khi đó, ông Trump được hậu thuẫn mạnh mẽ của người Mỹ da trắng, thuộc giới lao động, thành phần mà theo các kết quả thăm dò có vẻ là chán ghét bà Clinton hơn bất cứ ai trong những người tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ trong lịch sử hiện đại Mỹ.
Tổng thống Barack Obama và tổng thống mới đắc cử Donald Trump hôm 10-11 đã gặp nhau để thảo luận về quá trình chuyển giao quyền lực. |
Sự chia rẽ giữa người Mỹ da trắng và những người vẫn được gọi là thành phần thiểu số, giữa nam giới và nữ giới, giữa những người có bằng cấp và những người chưa hề đặt chân tới cổng trường đại học, bắt đầu bén rễ trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama và đến năm nay khoảng cách này lớn hơn khiến cuộc đối thoại giữa hai bên trở nên nặng nề hơn.
Theo các nhà bình luận chính trị ở Mỹ, đảng Dân chủ như hiện thân của công bằng xã hội từ thời Roosevelt cũng đã biến chất. Hết còn là đảng của quần chúng lao động, đảng này giờ là của một thiểu số ưu tú ở chóp bu, kể cả nghệ sĩ trình diễn và truyền thông.
Chả thế mà trong chiến dịch tranh cử vừa qua, hầu hết giới truyền thông đều đứng về phe bà Clinton. Nhưng các chính trị gia Dân chủ, các cơ quan thông tấn đã không nhận thấy chiếc máy ủi Trump lừ lừ tiến tới. Hay đúng hơn là họ đã không nhận thức được một dân tộc đang nổi giận đứng sau lưng ông Trump.
Tình trạng lộn xộn này đã che giấu một thực tế xã hội. Đằng sau những ngọn lửa giận dữ theo “khuynh hướng Trump” xuất hiện một nước Mỹ hoàn toàn khác. Một tầng lớp công nhân bình dân cam chịu và lo lắng đủ thứ: từ sự phồn thịnh đang đi xuống đến mở cửa biên giới, từ toàn cầu hóa đến đa văn hóa và tình trạng nhập cư ồ ạt. Tiếp theo là một cộng đồng người, chủ yếu là da trắng, sống tách biệt và tự khép mình trong nỗi ám ảnh bị hạ thấp và gạt ra ngoài lề.
Ngày nay chỉ 0,1% người giàu Mỹ sở hữu khối tài sản tương đương với 90% tài sản của những người nghèo nhất. Tài sản trung bình của các gia đình Mỹ gốc da trắng cao hơn 13 lần so với các gia đình da đen. Tỉ lệ trẻ em da đen chết yểu cao gấp hai lần so với trẻ da trắng. Bất bình đẳng xã hội còn được thể hiện trong việc tách biệt về chỗ ở và trường học, thiếu phương tiện công cộng và vay tín dụng nhà đất...
Bài xã luận của nhật báo Le Figaro (Pháp, ra ngày 9-8) cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của ông Trump là hàn gắn nước Mỹ. Ngày tổng tuyển cử 8-11 là bằng chứng mới nhất cho thấy một nước Mỹ đầy thương tích. Một nước Mỹ phải gột rửa hết bùn để tìm ra những vết thương và chữa trị chúng, mà tân Tổng thống Mỹ phải đóng vai trò một “bác sĩ quân y”.
Thế giới thận trọng và lo âu
Do không có một chính sách đối ngoại rõ ràng cộng với những tuyên bố gây sốc, thế giới có lý do để lo lắng về quan hệ với nước Mỹ dưới thời ông Trump. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông đã hứa sẽ tái lập sự hùng mạnh cho Mỹ, nhưng điều này có nghĩa là phục hồi thịnh vượng cho dân Mỹ, chứ không phải theo hướng để cho cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này can dự ra bên ngoài. Nói cách khác, với Trump làm Tổng thống, Mỹ có thể sẽ thu mình lại, đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập.
Đối với châu Âu, ông Trump, vốn ủng hộ Brexit, vẫn cho rằng Liên minh châu Âu nên tự lo lấy thân và nhất là tự tài trợ cho phòng thủ của họ, hơn là cứ núp mãi dưới cây dù Mỹ. Nói cách khác, theo ông, khối NATO chỉ có thể vận hành được và Mỹ có thể ứng cứu một đồng minh bị tấn công, nếu các quốc gia châu Âu tăng ngân sách quốc phòng.
Trong thời gian qua, ông Trump vẫn chỉ trích chính sách can thiệp ra bên ngoài của Mỹ, cũng như không chấp nhận các chiến dịch quân sự do chính quyền George W. Bush tung ra. Tuy vậy, ông cũng đã tỏ ý muốn gia tăng lực lượng quân đội Mỹ và thề sẽ “hạ nốc ao” IS. Có điều tổng thống tân cử của Mỹ không nói rõ ông sẽ làm bằng cách nào.
Đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, ông Trump cũng đã từng yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc hãy tự bảo vệ lấy thân, nếu cần sẽ cho các nước này được trang bị vũ khí nguyên tử, hơn là dựa vào sự che chở của Mỹ. Nhưng ông cũng không nói rõ sẽ có chính sách như thế nào để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc vận động tranh cử của nhà tỷ phú New York một phần cũng là đi theo hướng bác bỏ toàn cầu hóa và các hiệp định thương mại quốc tế, mà ông cho là đã góp phần phá hủy việc làm của dân Mỹ. Ông Trump cũng đã tỏ ý muốn tái lập các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng đồng thời ông cũng bác bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với các nước châu Á. Nhiều nhà quan sát lo ngại, cương lĩnh cầm quyền của ông Trump có thể sẽ làm gia tăng làn sóng bảo hộ thương mại, gây khó khăn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có nước Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói sẵn sàng khôi phục quan hệ với Mỹ dưới thời Donald Trump. |
Toshihiro Nakayama, giáo sư Đại học Keiko tại Tokyo phân tích: “TPP không đơn thuần chỉ là một thỏa thuận thương mại mà nó còn có ý nghĩa rằng Mỹ và Nhật Bản, hai nước cùng chia sẻ những giá trị chung, cùng tạo ra một trật tự khu vực hoàn thiện liên quan không chỉ đến kinh tế mà cả ngoại giao và an ninh”.
Mối lo của các đồng minh châu Á đã thấy ngay. Ngay sau khi có kết quả bầu cử ở Mỹ, hôm 9-11 Seoul đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định rằng việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ vẫn phải được tiến hành như dự trù dưới chính quyền Trump.
Lãnh đạo nhóm nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền tại Hàn Quốc, ông Chung Jin-suk nhận định sắp tới sẽ phải có những thay đổi ngoạn mục trong bối cảnh an ninh khu vực. Nhưng ông nhấn mạnh “trong mọi trường hợp, liên minh quân sự Mỹ - Hàn không được lung lay vì đó là cơ sở cho sự thịnh vượng của Hàn Quốc”.
Còn tại Tokyo, một thành viên Chính phủ Nhật thậm chí còn lên tiếng trước khi có kết quả Donald Trump thắng cử để kêu gọi tổng thống tương lai của Mỹ hãy tuyên bố "bảo đảm các cam kết của Mỹ với các đồng minh sẽ vẫn mạnh mẽ và tin cậy". Nhân vật này cũng nói thêm là những phát biểu tranh cử của ông Trump tất nhiên đã gây lo ngại cho Chính phủ Nhật, nhưng giờ phải chờ xem liệu tân Tổng thống Mỹ có hành động đúng như những gì ông đã nói hay không.
Tuy nhiên theo một số nhà phân tích thì cam kết của Mỹ đối với các đồng minh châu Á, nền tảng cơ sở cho ổn định khu vực chắc sẽ không có gì thay đổi. Donald Trump đã thông báo sẽ tăng cường phương tiện cho hải quân Mỹ. “Chỉ riêng điều này cũng có thể trấn an tâm các đồng minh rằng Hoa Kỳ cam kết về lâu dài sẽ vẫn đóng vai trò người bảo lãnh trật tự tự do ở châu Á”, theo nhà phân tích chính trị Alexander Gray, giảng viên Đại học California.
Về Biển Đông, ông Trump cũng chưa nói rõ lập trường, trong khi đây là một trong những hồ sơ gai góc nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Nhà phân tích chính trị Matt Rivers nói với CNN rằng ông Trump sẽ không “giải quyết” vấn đề Biển Đông trong nhiệm kỳ đầu. Ông nhận định rằng việc hai cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng ở Biển Đông có tuyến hàng hải chiến lược là một trận đấu sẽ kéo dài.
Ông Rivers nêu ra thực tế là các đảo nhân tạo mới của Trung Quốc và các trang thiết bị của họ sẽ vẫn tồn tại, trong khi quân đội Mỹ chuyển trọng tâm sự chú ý của họ sang Trung Quốc. Cả hai điều đó, theo Matt Rivers, đều là chiến lược dài hạn, và cả hai nước đều có nguồn lực để thực hiện.
Khi tranh cử, ông Trump cam kết sẽ tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, nhất là hải quân, nhưng ông không cho biết chi tiết về cách tiếp cận của ông đối với hành động ngày càng táo bạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại quỹ Heritage Foundation ở Washington, nhận xét: “Tiếp cận về chính sách đối ngoại của ông Trump dường như chỉ mới trong giai đoạn phôi thai và vì vậy sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ông bổ nhiệm những nhân vật nào, và ai sẵn lòng phục vụ”.
Mặt khác, tuy nhà tỷ phú New York đã nhiều lần ca ngợi Tổng thống Putin, “một lãnh đạo xuất sắc hơn Obama”, nhưng chưa ai rõ là nước Mỹ với tân Tổng thống Trump sẽ có quan hệ ra sao với nước Nga.
Tổng thống Putin ngày 9-11 đã chúc mừng ông Trump và tuyên bố sẵn sàng khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ với Mỹ sau khi ông Trump chiến thắng. Tổng thống Nga nói các mối quan hệ song phương cải thiện sẽ có lợi cho cả hai nước. Trên các đường phố của Moskva, chiến thắng của ông Trump được hầu hết người Nga hoan nghênh.