Sau vụ tấn công khủng bố Paris, kinh tế châu Âu bị tác động nặng nề
Ngoài ra, còn phải kể đến sự tổn hại về kinh tế cho Pháp, Bỉ và phần còn lại của châu Âu. Ảnh hưởng rõ rệt nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc mạnh vào ngành du lịch. Đây là ngành cực kỳ quan trọng đối với Pháp, nhất là Paris, đặc biệt vào mùa Giáng sinh đang đến gần.
Rất nhiều tour du lịch và các du khách tiềm năng đã hủy bỏ kế hoạch đến Paris hay thủ đô Brussels của Bỉ đón Giáng sinh. Tại Brussels, 40% hợp đồng đăng ký giữ chỗ trước tại các khách sạn đã bị hủy vì lý do an ninh - theo số liệu từ Olivier Willocx, lãnh đạo Phòng Thương mại Brussels.
Karen Arkelyan, chủ cửa hiệu kinh doanh mặt hàng da thuộc ở Brussels, than phiền tình hình an ninh xấu đi khiến cho du khách ngần ngại không dám ra đường mua sắm và rất nhiều cửa hiệu phải đóng cửa vì không có khách. Paris cũng lâm vào tình cảnh tương tự, du khách thưa thớt gây thất thu nặng cho các nhà hàng, cửa hiệu, điểm du lịch và xe taxi. Ví dụ như hệ thống khách sạn Accor của Pháp và Công ty Hàng không Air France KLM.
Thủ đô Paris trở nên thưa thớt du khách sau vụ tấn công khủng bố. |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định tác hại về kinh tế có lẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, họ viện dẫn có một số sự kiện khủng bố xảy ra trước đó ở New York (Mỹ), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha) và Boston (Mỹ) chỉ tác động tiêu cực trong thời gian ngắn. Peter Praet, thành viên Ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), phát biểu với Hãng thông tấn Bloomberg của Mỹ rằng thông thường những vụ khủng bố như thế chỉ tác động trong thời gian ngắn đến nền kinh tế và không thể làm suy sụp sự tiến hóa của kinh tế châu Âu.
Ví dụ, Hãng Hàng không vận tải Đức Lufthansa tuột dốc ngay lập tức sau những vụ tấn công ở Paris nhưng nay đã dần hồi phục. Hay như IAG - công ty nắm giữ cổ phần đa quốc gia 2 hãng hàng không British Airways (Anh) và Iberia (Tây Ban Nha) - chỉ bị suy thoái ở mức vừa phải.
Mặc dù vậy, giới đầu tư tài chính vẫn bày tỏ mối lo ngại đối với ngành du lịch châu Âu. Bởi lẽ có một số dấu hiệu cho thấy khả năng về sự tác động kinh tế rộng hơn và kéo dài hơn vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn. Khu vực đồng euro (eurozone) đang phục hồi song vẫn còn chưa đủ mạnh. Niềm tin là yếu tố quan trọng bậc nhất.
An ninh được thắt chặt ở Bỉ gây lo ngại cho du khách. |
Trong một cuộc phỏng vấn của Financial Times, Anh, ông Joe Kaeser - Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghiệp khổng lồ Đức Siemens - nhận định: "Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là hậu quả của tai họa địa-chính trị. Người ta dễ nhận ra nét đặc trưng mới sau thảm họa khủng bố ở Paris. Những người không có tâm trạng tốt thì sẽ không dám đầu tư bởi vì đầu tư là phải tin tưởng vào tương lai".
Mối lo ngại khác nữa là nếu tăng cường chi tiêu cho an ninh quốc gia sẽ dẫn đến 3 hệ quả - đó là, thuế cao hơn, những khoản tiền vay tăng thêm và phải cắt giảm chi tiêu trong một số lĩnh vực. Tương lai của sự đi lại tự do giữa các biên giới trong Liên minh châu Âu (EU) cũng được đặt ra.
Giới chức chính quyền châu Âu đều tập trung vào Hiệp ước Schengen ký kết tại Luxembourg, giữa 26 quốc gia châu Âu cho phép lưu thông hàng hóa tự do và tự do đi lại cho người dân mà không cần hộ chiếu từ thành phố Helsinki - Phần Lan đến Malaga - Tây Ban Nha. Việc kết thúc hiệp ước đi lại tự do Schengen của EU được dự đoán sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế cho một số quốc gia thành viên đặc biệt là tầng lớp lao động nhập cư xuyên biên giới.
Joe Kaeser, Giám đốc điều hành tập đoàn Siemens của Đức. |
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng dân nhập cư cũng làm đau đầu các chính quyền EU. Hugo Erken, chuyên gia kinh tế học Ngân hàng Rabobank của Hà Lan, cảnh báo môi trường thương mại EU sẽ gánh chịu tác động lâu dài nếu như biện pháp kiểm soát các biên giới được thực hiện gắt gao hơn, thường xuyên hơn.