Sóng dậy Địa Trung Hải

Thứ Tư, 12/08/2020, 12:57
Ngày 10-8, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez xác nhận tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis đã “tới điểm đến trên biển Địa Trung Hải, nơi nó sẽ nối lại các hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt...”.

Cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ phát đi thông điệp trên hệ thống thông tin hàng hải quốc tế (NAVTEX), trong đó tuyên bố tàu Oruc Reis sẽ thực hiện các hoạt động địa chất ở khu vực nêu trên trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 23-8.

Trước đó, trong một bài phát biểu ở Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi đã nối lại các hoạt động khoan thăm dò bằng tàu nghiên cứu địa chấn Oruc Reis”.

Hành động trên của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận hàng hải giữa Ai Cập và Hy Lạp được ký kết. Ngày 6-8, Ai Cập và Hy Lạp đã ký thỏa thuận phân định hàng hải nhằm thiết lập khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias tại thủ đô Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết thỏa thuận này nhằm khai thác các tiềm năng sẵn có tại khu vực Đông Địa Trung Hải, đồng thời các điều khoản của thỏa thuận là phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trên cơ sở đó, thỏa thuận sẽ cho phép Ai Cập và Hy Lạp hướng tới tối đa hóa những lợi ích từ các tài nguyên trên khu vực đặc quyền kinh tế của cả hai nước, đặc biệt là nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đầy tiềm năng.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (bên phải) và người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias tại lễ ký thỏa thuận phân định hàng hải ở Cairo ngày 6-8.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập khẳng định thỏa thuận đã mở đường cho hợp tác khu vực giữa Ai Cập và Hy Lạp trong lĩnh vực năng lượng, khi cả hai nước đều là thành viên của Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải. Ngoại trưởng Hy Lạp Dendias mô tả thỏa thuận này là “lịch sử” và được hiện thực hóa sau nhiều vòng đàm phán giữa hai nước. Tiến trình đàm phán EEZ giữa Ai Cập và Hy Lạp được khởi động từ 3 năm trước trong khuôn khổ chuyến thăm Athens của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi.

Thỏa thuận giữa Hy Lạp và Ai Cập dường như là một sự đáp trả trực tiếp đối với thỏa thuận tương tự đạt được hồi tháng 11 năm ngoái giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Libya được Liên Hợp quốc công nhận và có trụ sở tại Tripoli. Hiệp ước Thổ Nhĩ Kỳ - Libya này giúp lãnh thổ trên biển của Thổ Nhĩ Kỳ được mở rộng đáng kể, đã làm dấy lên sự giận dữ của hầu hết các quốc gia nằm ở phía đông Địa Trung Hải, dẫn đầu là Hy Lạp.

Ngay sau động thái của Ai Cập và Hy Lạp, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày ra tuyên bố khẳng định thỏa thuận phân định hàng hải nói trên nằm trong khu vực thềm lục địa của quốc gia này. Ankara coi thỏa thuận này là “vô giá trị”, đồng thời cho rằng nó cũng vi phạm chủ quyền hàng hải của Libya. Hôm 8-8, ông Erdogan phủ nhận thỏa thuận Hy Lạp - Ai Cập và nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ thực hiện mạnh mẽ” thỏa thuận đã đạt được với Chính phủ Libya.

Tuần trước, Ankara đã thông báo rằng họ đang tạm ngừng hoạt động thăm dò dầu khí ở phía Đông Địa Trung Hải để khởi động vòng đàm phán mới với Athens. Chính quyền Hy Lạp cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm số lượng tàu hải quân trong một khu vực ở Đông Địa Trung Hải, nơi họ tranh chấp quyền tài phán với Hy Lạp về quyền khoan dầu khí.

Trong phát biểu ngày 8-8, ông Erdogan cáo buộc Athens “không giữ lời hứa” và cho biết rằng ông đã đồng ý đình chỉ hoạt động này theo yêu cầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm “tạo điều kiện thuận lợi” cho các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Trước đó, 3 hội nghị về các biện pháp xây dựng lòng tin song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã lần lượt được tổ chức 2 lần tại Athens và Ankara.

Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã tiến hành hội đàm dưới sự trung gian của Đức nhằm giải quyết những bất đồng ở phía Đông Địa Trung Hải. Quan chức quân đội hai nước cũng đã thực hiện các cuộc đàm phán để hiện thực hóa các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ngăn chặn đối đầu trên Biển Aegean. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hiện tồn tại một loạt bất đồng liên quan đến thềm lục địa của mỗi nước ở Biển Aegean, cũng như hoạt động quân sự hóa một số đảo Aegean và Síp.

Tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông báo của Thổ Nhĩ Kỳ về việc điều tàu Oruc Reis để tìm kiếm dầu khí ở khu vực ngoài khơi đảo Meis (mà phía Hy Lạp gọi là Kastellorizo) đã vấp phải sự phản đối của Athens và Liên minh châu Âu (EU). Ngày 10-8, Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp thông báo Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã có cuộc họp với các lãnh đạo quân đội nước này để chuẩn bị đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan chức cấp cao Hy Lạp George Gerapetritis cho biết các tàu hải quân nước này đang giám sát tàu nghiên cứu Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ.

Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp thông báo Thủ tướng Mitsotakis đã thảo luận vấn đề trên với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cũng như sẽ trao đổi với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg.

Cùng ngày, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Josep Borrell đã bày tỏ lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ nối lại các hoạt động thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải. Ông Josep Borrell cho rằng, các hoạt động triển khai lực lượng mới nhất ở Đông Địa Trung Hải trong đó có việc nối lại hoạt động thăm dò năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ là cực kỳ đáng lo ngại. Những hoạt động như vậy sẽ không phục vụ lợi ích của Liên minh châu Âu cũng như của Thổ Nhĩ Kỳ, nó chỉ dẫn đến sự đối kháng và mất lòng tin lớn hơn giữa các quốc gia liên quan tại khu vực này.

Ông Josep Borrell cũng nhấn mạnh, biên giới trên biển phải được xác định thông qua đối thoại và đàm phán, không phải thông qua các hành động đơn phương. Các bên liên quan phải làm việc cùng nhau vì mục đích chung là giữ an ninh ở Địa Trung Hải.

Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ trong khu vực này trong những năm gần đây đã làm dấy lên một cuộc tranh giành nguồn tài nguyên giữa Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, cũng như Cộng hòa Síp và Israel. Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường khoan thăm dò ngoài khơi đảo Síp, gây ra sự phẫn nộ của hầu hết các nước trong khu vực và Liên minh châu Âu, vốn tố cáo các hoạt động này là “bất hợp pháp”.

Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ “vi phạm” chủ quyền của Hy Lạp và Síp ở Đông Địa Trung Hải, đồng thời kêu gọi trừng phạt Ankara. Cuối tháng 7 vừa qua, Síp đã kêu gọi Nga giúp nước này xoa dịu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ về thăm dò khí đốt tự nhiên ở phía đông Địa Trung Hải.

Theo giới phân tích, việc Thổ Nhĩ Kỳ nối lại các hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp có nguy cơ khiến cơ hội đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp chết yểu. Điều này sẽ đẩy các bên leo thang căng thẳng tại vùng biển vốn đã không hề yên ổn trong thời gian gần đây.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.