Sự bất lực của phương Tây

Thứ Ba, 01/05/2018, 08:07
Đúng thời điểm Tổng thống Pháp đang thăm Mỹ sau vụ Pháp giúp Mỹ khi tấn công bằng tên lửa vào Syria, hôm 14-4, nước Nga công bố bằng chứng những quả tên lửa xịt của Mỹ trong vụ không kích Syria. Một “gáo nước lạnh” dội vào những tính toán liên minh phương Tây trong cuộc chiến can thiệp kiểu mới của họ, cũng như phá vỡ ảnh hưởng của Nga và các đồng minh của Nga ở Trung Đông.

Các chuyên gia cho rằng, phương Tây đang dần mất đi ảnh hưởng của mình khi càng ngày càng có nhiều sai lầm chiến lược.

Thất bại trong chính sách can thiệp kiểu mới

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau buổi hội đàm tại Nhà Trắng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông muốn rút các binh sĩ nước này khỏi Syria "tương đối sớm".

Ông Trump nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ sớm trở về sau khi hoàn thành hầu hết nhiệm vụ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết việc làm này sẽ không diễn ra ngay lập tức bởi Mỹ "muốn để lại một dấu ấn mạnh mẽ và lâu dài" tại Syria.

Cũng về vấn đề này, tuần trước, Tổng thống Macron nói với một đài truyền hình Pháp rằng ông đã thuyết phục Tổng thống Mỹ ở lại Syria lâu dài để duy trì ổn định trong khu vực, nhưng sau đó đã rút lại bình luận này.

Nhìn lại chiến dịch không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp tại Syria, có thể thấy rõ, chiến dịch được tiến hành với mục đích rất rõ ràng là trả đũa hành động sử dụng vũ khí hóa học một cách liều lĩnh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Phát biểu trước báo giới sau khi chiến dịch này kết thúc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rõ rằng cuộc không kích được "tiến hành đồng loạt" nhằm răn đe chính quyền Tổng thống Assad tiếp tục dùng đến loại vũ khí này trong tương lai.

Nga trưng bày các bộ phận của tên lửa “xịt” của Mỹ và phương Tây. Ảnh: AP.

Thực tế, nhiều người ở Washington cho rằng quyết định tấn công Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ là một phần trong một chiến lược toàn diện và ông Assad cũng chỉ là một nhân tố nhỏ. Trong khi đó, những người có tư tưởng cứng rắn hơn trong đội ngũ hoạch định chiến lược của Washington lại xem cuộc tấn công nhằm vào Syria không chỉ là để buộc tội Assad và trừng phạt chính quyền tại Damascus vì phá vỡ Công ước về vũ khí hóa học mà còn là để thể hiện cho cộng động quốc tế năng lực quân sự của Mỹ và phương Tây, đồng thời phải cân nhắc tới những cảnh báo mà Nhà Trắng đưa ra.

Tổng thống Trump trên thực tế đã gửi một thông điệp đến “tận tay” các nhà lãnh đạo không cùng phe với Mỹ rằng, Mỹ nói được và làm được. Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc tấn công Syria diễn ra trước thềm các cuộc họp quan trọng với Triều Tiên rất có thể là một cuộc tập dượt lớn của Mỹ và phương Tây, nếu như các kết quả không thuận lợi.

Ảo tưởng về chiến thắng trước IS

Nhìn lại thế cục tại Syria, rõ ràng Mỹ và phương Tây đang ảo tưởng về chiến thắng ở Syria. Ngày càng nhiều quan chức Chính phủ Mỹ cho rằng IS đã bị đánh bại và Mỹ nên rút khỏi Syria và chuyển trọng tâm sang các đối thủ cạnh tranh cấp quốc gia như Trung Quốc và Nga. Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ nêu rõ: "Chúng ta đã tiêu diệt lực lượng khủng bố IS trên các chiến trường Iraq và Syria".

Tương tự, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhận định rằng "Mỹ, dưới thời của tôi, đã tống khứ IS ra khỏi khu vực này". Tuy nhiên, IS vẫn chưa bị tiêu diệt. Mặc dù tổ chức khủng bố này đã mất gần như toàn bộ lãnh thổ mà chúng từng kiểm soát ở Iraq và Syria, hiện vẫn còn khoảng từ 5.000 đến 12.000 chiến binh nhà nước Hồi giáo ở Syria khi cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này bước sang năm thứ 7.

Theo dữ liệu của CSIS, khoảng 40.000 đến 60.000 phần tử thánh chiến Hồi giáo Salafi đang hoạt động ở Syria. Những con số này cho thấy Syria vẫn tiếp tục là nơi ẩn náu chính của các phần tử khủng bố, điều có thể đe dọa Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.

Trong số các nhóm liên quan nhiều nhất đến IS hiện nay có Hayat Tahrir al-Sham (còn có tên là Tổ chức Giải phóng Levant). Trong khi một chi nhánh chính thức của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang hoạt động dưới cái tên Jabhat al-Nusrah, Hayat Tahrir al-Sham bao gồm phần lớn mạng lưới thánh chiến Hồi giáo Salafi ở Syria, với khoảng từ 12.000 đến 15.000 chiến binh.

Thành lập năm 2017 và được dẫn dắt bởi Muhammad al-Jawlani, một phần tử Al-Qaeda trước đây, Hayat Tahrir al-Sham trung thành với mục tiêu lật đổ chế độ Syria và thiết lập một phiên bản cực đoan của luật Hồi giáo, còn gọi là sharia, tại chỗ. Nhóm này có địa bàn hoạt động chính ở tỉnh Idlib của Syria, nơi chúng đã thành lập một lực lượng cảnh sát tôn giáo, cấm hút thuốc và mang mặt nạ trùm đầu. Một số đặc điểm của Hayat Tahrir al-Sham khiến chúng trở nên đáng lo ngại đối với Mỹ.

Trước hết, nhóm này có mối liên kết sâu sắc với các nhóm thánh chiến ở Syria và có thể là nơi che giấu các phần tử khủng bố đang âm mưu tấn công Mỹ và các nước phương Tây khác. Một trong những tổ chức tiền nhiệm của Hayat Tahrir al-Sham là Jabhat al-Nusrah đã cho phép các cá nhân liên quan đến Al-Qaeda lên kế hoạch tấn công khủng bố từ những nơi ẩn náu ở Syria. Các cơ quan tình báo Mỹ gọi những kẻ âm mưu khủng bố này là "Nhóm Khorasan".

Mỹ đã nhắm mục tiêu vào các thủ lĩnh của Khorasan ở Syria, như Muhsin al-Fadli và Abdul Mohsen Abdullah Ibrahim al-Sharikh. Hiện nay, một số thủ lĩnh Al-Qaeda, như Hamza bin Laden, con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden đã kêu gọi tiến hành các cuộc tấn công thường xuyên ở cả bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ.

Các thủ lĩnh của Hayat Tahrir al-Sham, như Muhammad al-Jawlani, trong quá khứ đã cho phép các chiến binh Al-Qaeda vạch kế hoạch tấn công nước ngoài từ lãnh thổ của chúng - khiến chúng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng có thể tấn công Mỹ trong tương lai.

Sự nổi lên của Hayat Tahrir al-Sham và sự tồn tại dai dẳng của các nhóm thánh chiến Salafi cho thấy sự bất ổn của Syria và sự bất lực của phương Tây. Số lượng đáng kể các mạng lưới thánh chiến Salafi, như Hayat Tahrir al-Sham, cho thấy Syria sẽ vẫn là một chiến trường trong tương lai gần. Nhiều chiến binh trong số 40.000 đến 60.000 phần tử thánh chiến Salafi ở Syria đã cải thiện được khả năng chiến đấu, chế tạo bom và hoạt động tình báo của họ và đã và đang trở thành những kẻ thù nguy hiểm.

Trong bối cảnh này, tuyên bố giành chiến thắng trước IS của Mỹ quả là không phù hợp(!?). Sự nổi lên của Hayat Tahrir al-Sham sau tổn thất của IS cho thấy có một hàng dài các nhóm khủng bố sẵn sàng lấp chỗ trống này.

Nguy cơ đại chiến ở Trung Đông từ một nước cờ sai

Trang mạng dailystar dẫn phân tích của giới chuyên gia cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lớn nổ ra ở Trung Đông nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân Iran, đẩy Iran vào thế đối đầu. Ngoài ra, không giải quyết vấn đề an ninh tại Syria khi đối đầu trực diện với Nga, nước Mỹ rất có thể sẽ khơi mào cho cuộc chiến với cả khu vực Trung Đông.

Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Pháp E.Macron trong cuộc gặp vừa diễn ra tại Mỹ. Ảnh: The Hill.

Các nhà phân tích về chiến tranh dự đoán rằng khu vực này có thể lâm vào tình cảnh chiến tranh nếu Mỹ ngày càng lúng túng và có thêm những động thái không phù hợp trong cuộc khủng hoảng Syria. Jennifer Cafarella, nhà phân tích kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, đã đưa ra một đánh giá ảm đạm về cuộc xung đột đang bùng phát tại Trung Đông, đồng thời cảnh báo Tổng thống Mỹ phải "cài đặt lại toàn bộ chiến lược Syria của nước Mỹ" để ngăn chặn một cuộc xung đột đang nhen nhóm các nước Vùng Vịnh với những nước đang cơ mặt tại Syria.

Nga có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông khi nước này đã giúp chế độ Syria mấy năm qua tấn công khủng bố; giúp bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tìm cách kết thúc cuộc nội chiến Syria theo hướng có lợi cho Assad, nhưng không có nước Vùng Vịnh nào muốn điều này diễn ra.

Nhà phân tích Cafarella cho rằng nếu Mỹ không góp phần ngăn chặn căng thẳng leo thang ở Trung Đông bằng việc kích động thêm ngòi nổ mới, những dấu hiệu "tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực và tạo tiền đề cho một cuộc xung đột giữa các cường quốc" chắc chắn sẽ ngày một phát triển.

Bà Cafarella cho rằng, "nếu chiến tranh tiếp tục leo thang, trên chiến trường, các lực lượng ủng hộ chính quyền Syria sẽ tấn công các lực lượng đối lập do Mỹ ủng hộ. Lúc này, những nhân tố “bên lề” như Israel và Iran rất có thể leo thang căng thẳng, thành “nhân vật chính” nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh khu vực, lôi toàn bộ các nước có ảnh hưởng can dự.

Bà Cafarella chỉ rõ: "Tổng thống Trump hiện đang đối mặt với những quyết định không hề dễ dàng liên quan đến tình hình Syria. Syria đã trở thành một "điểm gây cháy" lớn giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh các mối quan ngại ngày càng tăng về việc hai cường quốc này xung đột, gây ra Thế chiến III. Trong một bối cảnh địa chính trị được đánh dấu bởi hành động của Mỹ, Pháp và Anh trả đũa việc chế độ Syria vượt giới hạn đỏ sử dụng vũ khí hóa học, phương Tây đang đối mặt với một loạt giải pháp tồi.

Trong cuộc khủng hoảng này, 3 cường quốc phương Tây đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và do vậy họ đều được trao những trách nhiệm cụ thể. Họ đã đề cao các tương quan quyền lực, đặc biệt trong mọi hành động can thiệp của họ. Do vậy, những nước quan trọng nhất được hưởng các đặc quyền, một nước có ghế thành viên thường trực đồng nghĩa với việc có một quyền phủ quyết, nhưng những nước này được coi là dùng sức mạnh của họ để phục vụ cho các mục đích của một hệ thống an ninh tập thể, mà cụ thể ở đây là Liên Hiệp Quốc.

Trong bối cảnh xuất hiện dấu hiệu một cuộc chiến tranh lạnh mới, các cường quốc phương Tây đã rút lui trong thất bại và rõ ràng phương Tây đã đánh mất khả năng kiểm soát thế giới hiện nay. Thực tế cho thấy, trong khi tình hình tiếp tục xấu đi ở Syria, phương Tây dường như trở nên suy yếu và không còn dễ dàng gây ảnh hưởng trong khu vực. Các cuộc tấn công do Pháp, Mỹ và Anh cùng phối hợp thực hiện không làm thay đổi gì.

Cách thức can thiệp của phương Tây nhắc lại những ký ức buồn về các cuộc chiến tại Iraq và Libya, được phát động và bào chữa bằng cái gọi là "những bằng chứng" sử dụng và tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt (Iraq-2003) hay "cuộc thảm sát sắp xảy ra" (Libya-2011). Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi trái với các cuộc chiến tranh của phương Tây tại Nam Tư, Iraq và Libya. Lần này, người Nga kiểm soát bầu trời Syria, đã tiến trước và khiến cho một kịch bản "thay đổi chế độ" về mặt chiến lược không thể diễn ra.

Nếu như các nước phương Tây ngày càng tỏ ra thù địch với một chế độ gắn bó với Nga như hiện nay, và ngược lại, đi giúp đỡ các lực lượng Hồi giáo dòng Sunni, vốn được các cường quốc Vùng Vịnh đỡ đầu như tại Libya và trong suốt thời gian "Mùa xuân Arập"... thì sự khác biệt lớn là mục đích của cuộc chiến rất không rõ ràng và nhất quán, bởi chúng chỉ giới hạn ở việc răn đe ông Assad không nhằm lật đổ chế độ này.

Rõ ràng, người dân các nước phương Tây họ có lý khi tổ chức các cuộc biểu tình chống chiến tranh, bởi họ không biết, những người lính con em của họ đang làm gì tại những chiến trường khốc liệt ở Trung Đông hay Nam Á...

Một số chuyên gia đã nói về "mục đích của một cuộc chiến rất hạn chế", "tối thiểu", thậm chí là một "chiến dịch có mục đích giữ thể diện", hay là một chiến lược hầu như mang tính biểu diễn, nhằm "phô trương cơ bắp" hơn là thay đổi sự việc. Tại chiến trường thực tế, khi Nga kiểm soát bầu trời Syria,  phương Tây không thể tái tạo kịch bản Libya, bởi từng cho thấy cuộc không kích của Anh-Pháp-Mỹ là rất hạn chế và do đó không làm thay đổi căn bản tình thế.

Trước những ghi nhận này, người ta có thể tự hỏi liệu các đòn "tấn công" của phương Tây đã làm thay đổi tình thế. Câu trả lời là không. Sau đó, người ta có thể tự hỏi liệu các nước đồng minh Anh-Pháp-Mỹ có các mục tiêu chiến lược đồng nhất và rõ ràng tại Syria, câu trả lời là không. Liệu họ đã xác định từ trước kẻ thù chính của mình trong khu vực này: câu trả lời là không.

Tác động duy nhất trong các cuộc tấn công của phương Tây tại Syria là việc chi hàng trăm triệu USD cho một chiến dịch bên ngoài chống lại một chế độ, vốn không tấn công phương Tây trong khi phương Tây lại thiếu các phương tiện cần thiết để để giám sát những "đối tượng nguy hiểm đe dọa an ninh quốc gia" tấn công ngay bên trong lãnh thổ của họ.

Và hậu quả từ các đợt tấn công của những đế quốc phương Tây kiểu mới chống lại một chế độ có chủ quyền, có tác động đặc biệt, có thể làm tăng hoặc khởi động lại Chiến tranh Lạnh nhằm vào Nga qua trung gian là Syria.

Hòa Nguyễn
.
.