"Sự cố hạt nhân" hay thuyết âm mưu toàn cầu?

Thứ Tư, 27/11/2019, 20:10
Những tin đồn về một "sự cố hạt nhân" ở Biển Đông trong tuần qua đã khiến vấn nạn tin giả đang gây hoang mang về thuyết âm mưu toàn cầu. Tạo ra một mẩu tin giả (fake news) rất khó - nó phải đủ "nóng" để thu hút sự chú ý và đủ độ tin cậy để không bị lật tẩy ngay lập tức.

Nỗi sợ hãi xung quanh một "sự cố phóng xạ" ở Biển Đông xem ra có thể tạo ra một câu chuyện gần như hoàn hảo.

Câu chuyện về "sự cố" ở Biển Đông đã được phát đi bởi kênh phát thanh Hal Turner Radio Show hôm 20-11, nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và cuối cùng được khá nhiều đài phát thanh phát lại, thậm chí còn gây ra phản ứng chính thức.

Mẩu "tin" của Hal Turner Radio Show - kênh phát thanh của phe cánh hữu, từng nhiều lần bị cáo buộc đưa tin giả và thuyết âm mưu, quả thực là giật gân. Tin cho biết có một "vụ nổ dưới biển khá nghiêm trọng" trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, kéo theo đó là sự gia tăng bức xạ yếu trong môi trường trên khắp bờ biển.

Những tin đồn có tính toán có vẻ như đang gây ra một thuyết âm mưu toàn cầu.

Bản tin được minh họa bằng một bản đồ nơi xảy ra "vụ nổ dưới biển", cũng như một sự cố khác, cho thấy "mức độ phóng xạ" đang gia tăng. Mẩu "tin" cũng phát đi một loạt cáo buộc rằng Bắc Kinh đang gửi một thông điệp tới Mỹ bằng cách kích nổ một thiết bị hạt nhân nhỏ trong vùng biển tranh chấp...

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, câu chuyện có vẻ không đáng tin cậy chút nào. Bản tin đã trích dẫn "các nguồn tin quân sự" giấu tên và những dự đoán từ một số "công cụ hải dương học", cho rằng một thiết bị hạt nhân nặng từ 10 đến 20 kiloton đã phát nổ ở độ sâu khoảng 50 mét dưới mặt biển. Về cơ bản, nó có lẽ đã xảy ra trên mặt biển và điều đó gần như không thể xảy ra khi không ai thực sự nghe thấy tiếng nổ hoặc nhìn thấy tia sáng lóe lên ở khu vực biển này, nơi giao thông hàng hải rất nhộn nhịp.

Mặc dù các nguồn tin quân sự và tình báo giấu tên được viện dẫn khá thường xuyên trong thời gian gần đây nhưng không có sự kiện gây địa chấn nào - điều không thể tránh khỏi nếu đó là một vụ nổ hạt nhân thực sự - đã được ghi nhận trong khu vực. Hơn nữa, vị trí của "vụ nổ" có vẻ như trùng khớp với vị trí mà Google Maps mặc định ở Biển Đông.

Về phần mình, các chỉ số phóng xạ đã được lấy từ trang web uRADMonitor. Mặc dù cái tên nghe có vẻ ấn tượng - Mạng lưới quan trắc môi trường toàn cầu (Global Environmental Monitoring Network) nhưng trên thực tế, trang web này là một dự án nguồn mở dành cho những người nghiệp dư đam mê đo phóng xạ.

Trang web bán các thiết bị để đo phóng xạ nhưng cũng cho phép những người đóng góp sử dụng các dụng cụ tự chế. Không cần phải nói, cách tiếp cận như vậy khiến cho nó trở thành một nguồn thông tin rất không đáng tin cậy, vì về cơ bản nó được cung cấp bởi người dùng ẩn danh, những người có thể không được đào tạo thích hợp để thực hiện các phép đo như vậy và sử dụng các thiết bị giám sát có khả năng bị trục trặc.

Chỉ số phóng xạ trong khu vực - ngay cả khi chúng chính xác - cũng không đáng lo ngại, với mức đo cao nhất chỉ 0,24 microsievert/giờ, nằm trong mức phóng xạ tự nhiên và không được coi là có hại cho con người.

Khi toàn bộ câu chuyện dễ dàng sụp đổ sau "cú hích" nhẹ nhất, một số kênh phát thanh tin tức đã gỡ tin xuống thì uRADMonitor cũng phủ nhận sự dính líu, khi đăng một tuyên bố bác bỏ trách nhiệm đặc biệt trên trang web của họ. Tuy nhiên, những tin đồn về một "sự cố hạt nhân" là một vấn đề quá nghiêm trọng, khiến các quan chức chính phủ khó có thể hoàn toàn phớt lờ.

uRADMonitor thực chất là một dự án nguồn mở dành cho những người nghiệp dư đam mê đo phóng xạ.

Thật không may, bất cứ phản ứng chính thức nào cũng chỉ như thêm dầu vào lửa cho những kẻ gieo hoang mang sợ hãi. Chẳng hạn, cơ quan giám sát người tiêu dùng Nga Rospotrebnadzor hôm 22-11 đã ra một tuyên bố ngắn gọn về vấn đề này, có tựa đề là "Về sự cố phóng xạ ở Biển Đông".

Tuyên bố của Rospotrebnadzor nêu rõ: "Theo thông tin nhận được từ Mạng lưới quan trắc môi trường toàn cầu, sự gia tăng mức phóng xạ yếu trong môi trường liên quan đến sự cố phóng xạ đã được ghi nhận ở Biển Đông". Rospotrebnadzor nói thêm rằng họ "đã tăng cường giám sát tình hình mức phóng xạ ở các khu vực biên giới" nhưng không phát hiện mối đe dọa thực sự nào đối với người dân Nga.

Thông cáo của Rospotrebnadzor có thể không phải là thích hợp nhất nhưng về cơ bản nó cho biết họ đã nghe thấy những tin đồn và tăng cường theo dõi. Tuy nhiên, một số kênh phát thanh tin tức đã thêu dệt tin đồn này thành sự xác nhận về "sự cố phóng xạ", tung ra các bài báo với tiêu đề kỳ quặc như "cú sốc ở biển Biển Đông: Nga phát hiện 'sự cố phóng xạ' bí ẩn trong lúc những lo ngại về hạt nhân gia tăng" hay "Cơ quan giám sát Nga phát hiện “sự cố phóng xạ' ở Biển Đông".

Giám đốc Cục Tình báo đối ngoại Nga Sergey Naryshkin tuyên bố với RIA Novosti khi được hỏi về các tin tức trên: Không có "thông tin đáng tin cậy nào" về sự cố này trực tiếp có giá trị. Do đó, Moscow đã tiến hành "kiểm tra và kiểm tra kỹ lưỡng" những tin đồn.

Có vẻ như, những thông tin đồn đại có tính toán đang gây ra một thuyết âm mưu toàn cầu mà người có lợi không ngoài các thế lực phương Tây.

Nguyễn Hòa
.
.