Sự trỗi dậy của một vương quốc Hồi giáo xuyên quốc gia ISKP
- 57 nước Hồi giáo công nhận Đông Jerusalem là thủ đô Palestine
- “Đội quân cứu rỗi ARSA” mang ẩn số Hồi giáo thánh chiến
IS rõ ràng đang trở thành vấn đề mới của chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump ở Afghanistan. Chi nhánh của IS ở Nam Á khiến các nỗ lực của khu vực nhằm đưa Afghanistan hướng tới hòa bình trở nên phức tạp. Chính quyền Trump ủng hộ lời kêu gọi đàm phán với Taliban của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nhằm đem lại hòa bình cho Afghanistan.
Một số cường quốc trong khu vực cũng chìa tay ra với nhóm này. Mối quan tâm đến việc đàm phán với Taliban phần nào là kết quả của những mối quan ngại về IS ở Afghanistan.
Tự xưng là Wilayat Khorasan, chi nhánh của IS ở Nam Á thường được giới truyền thông phương Tây gọi là ISIS-K hoặc ISKP (viết tắt của Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan). ISKP đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với một lãnh thổ bao gồm các vùng thuộc Iran, 3 nước cộng hòa Trung Á, Afghanistan, Pakistan và, trong một số bản đồ, các vùng thuộc Kashmir ở Ấn Độ, Tân Cương ở phía tây Trung Quốc.
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pakistan và Iran đã bày tỏ mối quan ngại về ISKP. Afghanistan và Ấn Độ coi đây là một phe ly khai của Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP). Chính phủ Afghanistan ước tính có khoảng 3.000-5.000 chiến binh thuộc nhóm này ở Afghanistan, quân số của nhóm tăng nhanh cùng với việc các chiến binh rời khỏi Iraq và Syria.
Sự trỗi dậy của vương quốc Hồi giáo xuyên quốc gia ISKP đã tuyên thệ trung thành với Baghdadi với tư cách một vương quốc Hồi giáo trực thuộc một Nhà nước Hồi giáo xuyên quốc gia tiềm năng. Trái lại, Taliban coi mục tiêu lật đổ chính phủ ở Kabul là một phần của nghị trình hoàn toàn theo chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc của người Pashtun.
ISKP là hiện tượng mới trong một khu vực nơi các nhóm Hồi giáo có các lợi ích dân tộc hoặc sắc tộc hạn hẹp mà họ cố gắng đạt được thông qua các phương thức bạo lực. ISKP được thành lập vào đầu năm 2014 bởi những kẻ đào ngũ từ các nhóm như Lữ đoàn Al Tawhid và Ansar ul-Khilafat Wal-Jihad.
Thành công bước đầu của IS ở Syria và Iraq, cũng như những tin đồn về cái chết của Mullah Omar (mà phải tới tháng 8-2015 Taliban mới chính thức công bố), cũng dẫn tới tình trạng đào ngũ khỏi Taliban, TTP, Jundullah (chính là một chi nhánh của TTP) và các nhóm khác vốn bị thu hút bởi ISKP vì các mục tiêu tôn giáo-chính trị của nhóm này.
Trong những tháng gần đây, chính ISKP cũng đã bị chia rẽ sau khi lựa chọn Aslam Farooqi làm người đứng đầu tỉnh Khorasan. Sự nổi lên của Farooqi, từng là một chỉ huy của Lashkar-e-Tayyiba (LeT), đã khơi lên nỗi giận dữ giữa những người Trung Á thuộc nhóm này, đặc biệt là những người từng là thành viên của Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU).
Lính Mỹ tại một địa điểm đóng quân ở Afghanistan. Ảnh: Hindustan Times. |
Hiện nay có 2 phe ISKP - một do Farooqi lãnh đạo, chủ yếu gồm các chiến binh Pashtun đến từ Afghanistan/Pakistan và một do Moawiya, từng là chỉ huy của IMU, lãnh đạo, bao gồm các chiến binh người Uzbek, Tajik và Baloch, có căn cứ ở miền Bắc Afghanistan.
Taliban cũng bị chia rẽ, với việc một số nhóm ở miền Bắc và miền Đông vẫn duy trì quyền tự trị của mình và tự coi mình là không bị ràng buộc với Quetta Shura do Akhundzada đứng đầu. Điều này đã gây khó khăn cho họ trong việc tiêu diệt ISKP, vốn là một nhóm nhỏ hơn đáng kể về số lượng chiến binh.
Cũng có mối quan ngại rằng nếu Taliban mở ra các cuộc đàm phán với chính quyền Kabul và/hoặc Mỹ, thì nhóm này có thể bị các thành viên coi chính quyền Ghani là tham nhũng xa lánh, do đó mở ra cơ hội cho các vụ đào tẩu sang ISKP vào thời điểm mà đã tồn tại mối quan ngại về dòng chiến binh từ Iraq và Syria vào khu vực này.
Bất chấp tình trạng chia rẽ gần đây, ISKP vẫn là một nhóm đa quốc gia. Các nhóm mà người Pashtun chiếm ưu thế như TTP cũng như LeT ở Pakistan đã cam kết trung thành với Baghdadi.
Trong nhóm Moawiya của ISKP hiện nay có những người từng là thành viên của IMU, chủ yếu là người Uzbek và Tajik. Nhóm này cũng có một số người Baloch, một vài trong số đó là những người chống đối đến từ nhóm Jundullah mà trong lịch sử từng nhắm mục tiêu vào Iran và Pakistan. Gần đây hơn, nhóm này đã tuyển mộ cả những tân binh từ những người Duy Ngô Nhĩ.
Sự đa dạng của ISKP là đáng quan ngại vì hàng ngũ chiến binh của nhóm này, những người đã di chuyển từ khu vực này tới Syria rồi quay trở lại sau khi IS sụp đổ ở Syria và Mosul thuộc Iraq, có kinh nghiệm đáng kể. Các quan chức quân sự Mỹ quan ngại vì các khu vực ở miền Bắc Afghanistan (chẳng hạn như Jowzjan) và miền Đông Afghanistan (như Nangarhar) đã thu hút các chiến binh đến từ Sudan, Chechnya, Uzbekistan và Tajikistan.
ISKP đang cạnh tranh với Taliban và al-Qaeda, nhưng đồng thời - như cuộc tấn công chung của ISKP và Taliban vào tháng 8/2017 ở tỉnh Sar-e-Pul ở miền Bắc đã cho thấy - sự hợp tác có thể và đã diễn ra. Cuộc tấn công này đã giết chết 50 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Do đó, nhóm này có tiềm năng gây bất ổn không chỉ ở Afghanistan và Pakistan mà còn trong khu vực rộng lớn hơn.
Theo Antonio Giustozzi, năm 2016, ISKP đã thu được gần 271 triệu USD từ một tập hợp gồm các nhà tài trợ cá nhân, các nước Arập Vùng Vịnh, các khoản đóng góp từ IS ở Syria và Iraq cũng như các khoản thuế địa phương thu được từ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của nhóm này.
Việc phát hiện ra nơi ẩn nấp của IS chứa đầy thuốc nổ và áo dành cho những kẻ đánh bom cảm tử ở một khu dân cư nghèo ở Kabul vào tháng 2/2018 cho thấy nhóm này có khả năng hoạt động và vận chuyển tiền bạc cùng các nguồn lực một cách tự do ngay cả bên trong thủ đô vốn được canh gác nghiêm ngặt.