Sự xáo trộn trong các liên minh thế giới

Thứ Hai, 18/06/2018, 10:45
Trước đây, cuộc đối đầu Đông - Tây rất rõ ràng với sự dẫn đầu của Mỹ và Liên Xô. Trong những năm gần đây, thế giới đơn cực đã kết thúc, Mỹ dần co lại trong chiếc vỏ của mình để nhường chỗ cho những đồng minh khác. Từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống, nước Mỹ một lần nữa co cụm, thậm chí tới mức đẩy cả những đồng minh lâu đời ra ngoài.

Chủ trương “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump đang làm xáo trộn toàn bộ các liên minh trên thế giới.

Lãnh đạo các nước dự Hội nghị SCO tại Trung Quốc ngày 10-6.

EU - Mỹ: Cạn “tình” dẫn đến đối đầu

Sau khi xảy ra xung đột Ukraine, Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea. Điều này đã khiến Nga bị ra khỏi nhóm G8, tức 8 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu của thế giới bao gồm (Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ, Canada và Nga). Còn nhớ trong cuộc họp năm 2014, một mình Nga chống lại 7 quốc gia còn lại trong G8.

Điều tương tự đã lặp lại trong năm nay, chỉ có điều Mỹ thế vào chỗ Nga để đối đầu 6 nước còn lại. Một điều khác nữa, 6 quốc gia này là đồng minh lâu đời của Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga suốt nhiều thập niên qua. Lý do là vì chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump. Không phân biệt bạn hay thù, ông Trump áp đặt một mức thuế cao với nhôm và thép nhập khẩu từ Canada, châu Âu... vào Mỹ.

Ngay khi khai mạc thượng đỉnh G7 tại Ottawa ngày 7-6-2018, Canada và Pháp huy động một mặt trận chung đối phó với thái độ áp đặt của Mỹ. Tổng thống Pháp Emannuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau ký một bản tuyên bố kêu gọi hành động chung.

Lời kêu gọi nhấn mạnh đến chiến tranh thương mại trong bối cảnh phức tạp liên hệ đến tương lai thế giới, kêu gọi các nước liên kết để đưa ra một giải pháp cho cuộc chiến tranh thương mại đối đầu với Tổng thống Donald Trump. Theo nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, Hội nghị G7 tài chính tại Canada lần này “thực chất là G6 + 1, với Mỹ một mình chống lại tất cả”.

Không chỉ bằng lời nói suông, trước khi thượng đỉnh G7 bắt đầu, Canada và EU đã thông báo đánh thuế cao đối với rất nhiều sản phẩm của Mỹ. Mặc dù ông Trump cố gắng giữ thái độ hòa nhã khi tham dự thượng đỉnh G7 và đồng ý ký vào tuyên bố chung nhưng đang trong lúc bay tới Singapore dự thượng đỉnh với Triều Tiên, Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi tuyên bố chung của G7 vì những lời công kích của Canada và những lời qua tiếng lại với Đức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các nước Pháp, Đức.

Kể từ khi Tổng thống D.Trump thắng cử, hồi tháng 11-2016, Liên minh châu Âu (EU) đã vội vạch ra chiến lược để đối phó với một ông chủ Nhà Trắng khó đoán định vốn là người đã xé toạc sự ổn định lâu đời trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tuy hiểu được tình thế hiểm nguy này, nhưng không một lãnh đạo châu Âu nào lại làm đủ mọi cách để chiếm được cảm tình của ông Trump.

Rất nhiều Nhà lãnh đạo EU đã làm mọi cách để vận động, níu kéo Tổng thống Trump “ở lại” với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và không thể thuyết phục D.Trump bãi bỏ các biện pháp thuế quan áp vào sản phẩm nhôm thép của châu Âu... nhưng tất cả chỉ còn lại cái lắc đầu với tình cảm “nguội lạnh” sau những tranh cãi nảy lửa để bảo vệ quan điểm mà mỗi bên đưa ra.

Giờ đây thay vì chọn cách “chung sống hòa bình”, EU dường như đang bắt đầu chọn cách đối đầu với Tổng thống Trump. Các nước châu Âu đã lớn tiếng hơn cả, thậm chí sẵn sàng lâm vào cuộc đụng độ với Trump về vấn đề thương mại. Sau khi ông Trump tuyên bố áp đặt thuế quan vào nhôm thép nhập khẩu của EU hồi tháng 5 vừa qua, Chủ tịch EU Donald Tusk đã gọi quyết định này là “ngớ ngẩn” trong khi Pháp và Đức coi hành động này là “bất hợp pháp”.

EU cũng đã đệ đơn kiện lên WTO như một bước đi đầu tiên. EU cũng đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng để đưa ra các biện pháp trả đũa nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Thế nhưng, ông Trump đã cảnh báo rằng Washington đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại mà giới chuyên gia dự đoán sẽ gây ra các tác động kinh tế thảm khốc đối với cả hai phía.

Nếu “dấn thân” vào cuộc xung đột, các nước thành viên EU cần phải đoàn kết chứ không phải theo đuổi những lợi ích quốc gia hẹp hòi như họ vẫn thường làm trước đây khi đối mặt với cuộc khủng hoảng.

Thực tế cho thấy, trong suốt hơn một năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ và châu Âu vẫn giữ được hòa khí, dẫu chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng”. Nhưng vốn là một thương nhân trước khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump luôn coi thâm hụt thương mại là một thất bại lớn về kinh tế. Sau những lời đe dọa, Mỹ gần đây đã công khai mở “mặt trận” tấn công trực diện các đồng minh.

Mức thuế mà Mỹ vừa áp đặt với đồng minh xuyên Đại Tây Dương không chỉ gây những hậu quả khó lường về mặt kinh tế mà còn cả mặt chiến lược. Hành động “quay lưng” của Washington dường như đã vượt quá sức chịu đựng của các quốc gia vẫn được coi là “đồng minh” lâu năm với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm khác biệt với lãnh đạo các nước còn lại trong G7.

Và rõ ràng cách hành xử của Mỹ đã khiến các đồng minh xuyên Đại Tây Dương từ tâm trạng băn khoăn chuyển sang tâm thế đối đầu. Hội nghị G7 2018 ở Canada có thể được coi là một cột mốc của sự thay đổi. Nếu như trước đây, thế giới sau Chiến tranh Lạnh được hình dung như một khối đoàn kết giữa Mỹ với các quốc gia châu Âu, NATO, thì nay, bản đồ chính trị toàn cầu đang chứng kiến sự chia rẽ rõ rệt giữa Washington và phần còn lại của thế giới.

Có một chi tiết thú vị là tại thượng đỉnh G7 ở Canada năm nay, Tổng thống Mỹ đã đề xuất đưa Nga trở lại nhóm để thành G8 như trước. Theo ông Trump, các nước thành viên G7 cần để Nga trở lại tham gia bởi sự cần thiết của Moskva trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, theo ông, việc có trở lại G7 hay không phụ thuộc hoàn toàn vào Nga.

Tổng thống Pháp đáp rằng giờ chưa là thời điểm để mời Nga trở lại và nếu có thì cũng phải năm sau và rằng Nga phải đáp ứng điều kiện. Tuy nhiên, Nga cũng tế nhị khước từ vì cho rằng họ đang “bận” hợp tác ở những liên minh khác.

Việc ông Trump không ký vào bản tuyên bố chung nhóm G7 giống như một “nhát dao” chặt đứt mối liên hệ của Mỹ với 6 nước còn lại trong nhóm.  Được ra đời năm 1973 để đối phó với vụ khối Arập Hồi giáo phong tỏa dầu khí, bảy nước có sản lượng kinh tế lớn nhất thời đó ngày nay đã tụt hậu.

Nói về sản lượng thì thiếu Trung Quốc đứng hàng thứ hai, Ấn Độ đứng thứ bảy, Italia tụt xuống hạng 8 còn Canada chỉ là hạng 10. Trong khi có bốn quốc gia đang gặp vấn đề nan giải là Nhật, Đức, Anh và Italia.

Chia rẽ trong thế giới phương Tây

Có thể thấy rằng, việc lạnh lùng "xử" các quốc gia EU, trong đó có cả những đồng minh, hoàn toàn phù hợp với cái nhìn của Tổng thống D.Trump về châu Âu. Trong con mắt của ông, dường như Lục địa già đang thực sự suy yếu khi Anh chuẩn bị khăn gói ra đi, dân số đang trên đà lão hóa và chỗ đứng trên bàn cờ quốc tế dần mờ nhạt. Đem lá bài thương mại ra mặc cả cũng có nghĩa là ông chủ Nhà Trắng biết rằng “đại gia đình” châu Âu sẽ không dám rời xa nước Mỹ.

Công khai đối đầu với một châu Âu trên đà suy yếu như vậy cũng là cách để Tổng thống Donald Trump chứng minh với các cử tri Mỹ rằng, ông mới là người nắm thế thượng phong và xứng đáng là người “đứng mũi chịu sào” để bảo vệ quyền lợi cho người dân Mỹ. Điều này rất quan trọng với cá nhân ông Donald Trump, bởi chỉ còn vài tháng nữa là sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Nước cờ đầy rủi ro mà Mỹ đang áp dụng đang đẩy nguy cơ leo thang về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các đồng minh, với những đòn “ăn miếng trả miếng” không chỉ làm phương hại tới tăng trưởng của cả đôi bên, mà còn đẩy thương mại toàn cầu vào một vòng xoáy nguy hiểm. 

Các đồng minh lâu dài bị Mỹ bỏ rơi, hoang mang không rõ phải làm gì trong một trật tự thế giới mới nơi “nước Mỹ trước tiên” đã trở thành “chỉ riêng nước Mỹ”. Các đồng minh truyền thống của Mỹ không còn được xem là yếu tố cần thiết để Mỹ thể hiện ảnh hưởng và các mối quan hệ này cũng không còn được Washington đánh giá cao.

“Nước Mỹ trước tiên” hay “chỉ riêng nước Mỹ” là tín hiệu cho thấy một nước Mỹ đang hướng về chủ nghĩa biệt lập, nơi các cam kết quốc tế chỉ được xem xét trên khía cạnh chúng có thể mang lại gì cho chính họ.

Ủy viên phụ trách thương mại của EU, Cecilia Malmstroem tỏ ra không hài lòng với các chính sách thương mại của Mỹ với EU.

Đặc biệt, sau chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Trung Đông và châu Âu, năm 2017, có sự chuyển đổi sâu sắc đang diễn ra trong nền chính trị thế giới. Các mối quan hệ và các thể chế vốn đã cấu trúc đời sống kinh tế và chính trị thế giới trong nhiều thập kỷ qua đang bị sụp đổ nhanh chóng.

Việc nổi lên mối nguy hiểm về một cuộc chiến tranh thương mại cũng như những tham vọng về quân sự của tất cả các cường quốc đang chứng tỏ tính phức tạp hiện nay của cuộc khủng hoảng diễn ra ở các thể chế vốn ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khi mà Mỹ tiến hành xây dựng quyền bá chủ thế giới.

Cuộc hôn nhân xuyên Đại Tây Dương sẽ không tan vỡ, nhưng nó cần thêm tình yêu thương.

SCO mở rộng hợp tác

Nếu như G7 với những rạn nứt rõ ràng nhìn thấy thì Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) kết thúc ngày 10-6 tại Thanh Đảo, Trung Quốc, lại thông báo kết nạp hai thành viên mới. Thông cáo báo chí của thượng đỉnh nêu rõ SCO đang đứng trước cơ hội mở rộng hợp tác không ngừng với việc kết nạp thêm hai thành viên là Ấn Độ và Pakistan, và SCO đã trở thành một tổ chức khu vực đơn nhất, có ảnh hưởng và quyền lực.

Các thành viên SCO kiên định ủng hộ tiến trình hòa giải các cuộc xung đột ở Afghanistan, Syria, Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, cũng như những khu vực khác, và phải được thực hiện trong khuôn khổ các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận. Bên cạnh đó, các nước thành viên SCO đều nhận định chung về tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

SCO được thành lập năm 2001, là một tổ chức quốc tế liên chính phủ thường trực tập trung vào tăng cường lòng tin giữa các nước thành viên và thúc đẩy hợp tác hiệu quả về chính sách, thương mại, kinh tế, nghiên cứu, công nghệ và văn hóa, cũng như có những nỗ lực chung để duy trì và đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều xem tổ chức này là một công cụ làm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, NATO.

Hiện SCO có 8 thành viên gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan. Tham gia hoạt động của SCO còn có bốn nước quan sát viên là Afghanistan, Belarus, Iran, Mông Cổ và 6 nước đối tác đối thoại gồm Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka. Trong tương lai, nhóm này sẽ còn mở rộng hơn nữa bằng việc kết nạp thêm nhiều thành viên, sắp tới có thể là Iran.

Một số ý kiến cho rằng G7 và phương Tây bị chia rẽ chưa hẳn là cơ hội tốt cho Trung Quốc và Nga. Theo họ, nền kinh tế của 8 nước thành viên và 4 nước quan sát viên Tổ chức SCO thuộc vào loại “đang lên”, chủ yếu sống nhờ tài nguyên và năng lượng, mà vẫn duy trì chế độ bảo hộ.

Bên cạnh những liên minh lớn đang rã đám và hình thành mới, còn có những nhóm nhỏ khác cũng đang hình thành với nhiều sắc thái khác nhau. Ngày 8-6, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vừa kết nạp thêm 5 thành viên không thường trực. Trong nhiệm kỳ 2 năm, kể từ ngày 1-1-2019, Nam Phi, Indonesia, Cộng hòa Dominicana, Bỉ và Đức sẽ tham gia Hội đồng Bảo an. Pháp phấn khởi trước việc Đức quay lại định chế đa quốc gia này.

Hội đồng Bảo an đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết: một bên là Mỹ đơn thương độc mã, Anh đang vướng vào vòng luẩn quẩn Brexit, còn bên kia là nước Nga đang bị cô lập vì vai trò của Moskva tại Syria. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đặc biệt là 5 thành viên thường trực đang bị chia rẽ, bị tê liệt, khi cần tìm ra đồng thuận để giải quyết các khủng hoảng lớn.

Đối với Paris, việc Berlin trở lại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong quy chế thành viên không thường trực là một tin vui. Pháp có thêm được một đồng minh châu Âu có trọng lượng, vào lúc mà nước Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu vào tháng 3-2019. Các nhà ngoại giao cũng hy vọng là Đức sẽ khai thác mối quan hệ  được bầu vào Hội đồng Bảo an sau khi Israel không hội đủ số phiếu để hiện diện trong định chế này.

Các thành viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng tiếng nói của họ có trọng lượng hơn so với các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc.

M.T. – Hoa Huyền (tổng hợp)
.
.