Sương mù vẫn bao phủ Brexit

Thứ Tư, 03/04/2019, 13:11
Vậy là thời hạn chót 29-3 đặt ra cho Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) đã bị bỏ lỡ. Mọi nỗ lực của “xứ sở sương mù” và “Ngôi nhà chung” trong suốt gần 3 năm qua nhằm chuẩn bị cho một sự ra đi “suôn sẻ” đã đổ xuống sông xuống bể. Nước Anh rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có, còn EU cũng ở vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Xem ra những thời hạn chót mới  12-4 và 22-5 mà hai bên vừa định ra để Anh hoặc ra đi hoặc kéo dài Brexit đều khó khả thi.

Liệu Anh có tổ chức bầu cử sớm?

Ngày 29-3, đúng thời điểm Brexit xảy ra nếu mọi việc diễn ra theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, nước Anh dường như đã bẽ bàng hơn cả thời điểm gần 3 năm trước khi người dân bỏ phiếu quyết định rời khỏi “ngôi nhà chung” sau 46 năm chung sống, khi Hạ viện Anh lần thứ ba bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đạt được với EU tháng 11 năm ngoái.

Với thất bại này, cả hai thời hạn chót mới đặt ra cho nước Anh đều trở nên vô nghĩa. 12-4  là thời điểm định ra để Anh phải ra đi nếu không không đạt được thỏa thuận hoặc sẽ phải tiếp tục đàm phán để gia hạn Brexit. 22-5, thời hạn đặt ra để Anh có đủ thời gian chuẩn bị cho kế hoạch “ra ở riêng” nếu 2 bên đạt được một thỏa thuận hôm 29-3. Giờ thì cả 2 kế hoạch này giờ đều không thể xảy ra trừ một khả năng duy nhất tiếp tục đàm phán để kéo dài Brexit.

Trong bối cảnh mọi con đường mà Chính phủ Anh nỗ lực tìm kiếm cho Brexit dường như rơi vào ngõ cụt, lại xuất hiện những suy đoán rằng Thủ tướng Theresa May có thể kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm để phá vỡ thế bế tắc này. Tuy nhiên, trong khi Giám đốc truyền thông của bà May là Robbie Gibb cùng cố vấn chính sách Stephen Parkinson đang thúc đẩy việc tổ chức một cuộc bầu cử, Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ là James Cleverly lại phát biểu rằng không có kế hoạch tiến hành một cuộc bầu cử.

Bộ trưởng Tư pháp David Gauke cũng lên tiếng cảnh báo rằng việc tổ chức bầu cử sớm sẽ không giải quyết được vấn đề liên quan đến hướng đi tiếp theo cho Brexit. Năm 2017, bà May đã đánh mất thế đa số của đảng mình tại Quốc hội trong một cuộc bầu cử mà bà đã không cần kêu gọi tổ chức. Kể từ đó, bà luôn phải trông cậy vào sự ủng hộ của đảng Liên đoàn Dân chủ Bắc Ireland, vốn bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit của bà trong cả 3 lần bỏ phiếu.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước hạ viện ngày 29-3.

Đến nay kịch bản tổng tuyển cử sớm chỉ có thể xảy ra khi 2/3 trong số 650 nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu ủng hộ tổ chức bầu cử sớm hoặc một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ được quá bán các nhà lập pháp thông qua và không đảng nào giành chiến thắng trong việc có được sự tín nhiệm tại Hạ viện trong vòng 14 ngày sau đó, một cuộc bầu cử sẽ được kích hoạt.

Trong bối cảnh nhiều ý kiến trong đảng Bảo thủ của bà May phản đối ý tưởng tiến hành bầu cử sớm, nếu không thể thuyết phục đủ số thành viên trong đảng ủng hộ tổ chức bầu cử, bà May sẽ buộc phải ủng hộ một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính chính phủ của bà để có thể kích hoạt một cuộc bầu cử.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xúc tiến một cuộc bầu cử sớm là câu hỏi chủ trương của đảng Bảo thủ về Brexit trong cuộc bầu cử này là gì? Hiện đảng này vẫn bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Một nửa số nhà lập pháp của bà May ủng hộ một Brexit “không có thỏa thuận nào” khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu về những lựa chọn thay thế cho Brexit hồi tuần trước.

Trong khi có 34 nhân vật ủng hộ tìm kiếm một liên minh thuế quan với EU và 8 người khác ủng hộ tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến quyết định của công chúng đối với bất cứ thỏa thuận nào.

Brexit giậm chân tại chỗ, lĩnh vực tài chính vẫn lạc quan

Gần 3 năm sau khi người dân Anh bỏ phiếu với tỷ lệ 52% phiếu thuận và 48% phiếu chống về việc chấm dứt 46 năm thành viên EU của Anh, tương lai của Brexit hay chuyện gì xảy ra sau đó vẫn là điều “khó đoán định”.

Giới phân tích cho rằng từ 3 năm qua, mọi việc “giậm chân tại chỗ”, trừ lĩnh vực tài chính vẫn có dấu hiệu lạc quan. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng “không nhất thiết phải di dời cơ sở khỏi London” mặc dù đã có một số ngân hàng, cơ quan tài chính dời cơ sở của mình sang châu Âu nhưng số này không nhiều.

Theo các chuyên gia tài chính, có thể mọi người nhận thấy viễn cảnh bấp bênh do rơi vào tình trạng hoảng hốt. Tuy nhiên, một số khác nhận định rằng sớm hay muộn các bên cũng sẽ đàm phán tìm ra được một giải pháp. Đương nhiên, trong một số lĩnh vực, các giải pháp đề xuất sẽ không được như mong đợi nhưng xét cho cùng, cả phía Anh lẫn EU đều không có lợi ích gì khi rơi vào tình thế hỗn loạn.

Không thể phủ nhận một thực tế là EU đã đem lại những lợi ích hết sức to lớn cho các thành viên của liên minh. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế khác nữa là EU gần đây đang suy yếu khi phải đối mặt với hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Cuộc khủng hoảng nhập cư có ảnh hưởng rất lớn với nhiều nước buộc phải ngừng áp dụng chế độ Schengen trong khi các nhà lãnh đạo EU không thể thống nhất được với nhau về việc làm thế nào chia sẻ được gánh nặng của cuộc khủng hoảng này.

Nền kinh tế EU cũng đang đi theo chiều hướng xấu với tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới thanh niên ở Nam Âu và nền kinh tế đầu tàu - Đức đang có nguy cơ chững lại. Việc Anh rời EU là một đòn giáng mạnh đối với EU. EU sẽ bị mất đi một thành viên chủ chốt và điều đó làm liên minh này bị suy yếu đi.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.