Syria: Ai phải chịu trách nhiệm vụ thảm sát Houla?

Thứ Sáu, 01/06/2012, 23:35

Một vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra tại ngôi làng Houla, gần thành phố Homs,miền Trung Syria hôm 25/5 vừa qua đang tạo nên cú sốc lớn trong cộng đồng thế giới, khiến cho những ai quan tâm đến tình hình Syria đều cảm thấy bị sốc vì mức độ tàn bạo, dã man của nó. Cùng với vụ việc này, cuộc chiến “quy trách nhiệm” cũng đang diễn ra khá quyết liệt.

Theo thông tin báo chí, vụ thảm sát xảy ra ngày 25/5 tại làng Houla, gần thành phố Homs ở miền Trung Syria với hơn 100 người bị giết chết. Điều khiến dư luận bị sốc nhất chính là việc có đến 49 nạn nhân là trẻ em. Đây là tội ác không thể dung thứ đã được thực hiện trong bối cảnh xung đột giữa quân đội Chính phủ Syria ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad với quân phiến loạn đối lập đang nhích dần theo hướng nội chiến, đặt ra một câu hỏi lớn: Ai thật sự là thủ phạm gây ra tội ác này?

Theo thông lệ, Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng quy trách nhiệm cho Chính phủ Syria. Ngày 27/5, Damascus đã chính thức lên tiếng phủ nhận trách nhiệm trong vụ thảm sát Houla, đẩy phe đối lập và các đồng minh hậu thuẫn vào thế bí.

Tại cuộc họp với Ngoại trưởng Anh William Hague tại Moskva hôm 28/5, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định Nga tiếp tục ủng hộ kế hoạch hòa bình của ông Annan, nhưng Nga không chấp nhận việc quy trách nhiệm cho một phía trong khi phía bên kia cũng gây ra không ít tội ác. "Tội ác phải được xác định một cách khách quan" - ông Lavrov nói.

Nga đã lên tiếng cáo buộc cả quân chính phủ và phe nổi loạn đối lập đều phải chịu trách nhiệm trong vụ thảm sát kinh hoàng này. Có những dấu hiệu chứng minh quân đội Chính phủ ủng hộ ông Assad đã nã đại bác vào Houla, nhưng phần nhiều chứng cứ tại hiện trường cũng cho thấy các nạn nhân đã bị giết bằng dao, súng ở cự ly gần - dấu hiệu cho thấy có sự tham gia của quân phiến loạn chống chính phủ.

Trong vụ việc nghiêm trọng này, rõ ràng LHQ đã không khách quan và có dấu hiệu bao che cho hành động gây tội ác của phe phiến loạn. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hội đồng Bảo an LHQ đã có cuộc họp kín khẩn cấp để nghe các quan sát viên làm nhiệm vụ tại Syria báo cáo tình hình thực tế tại Houla. Có nhiều dấu hiệu khác nhau tại hiện trường vụ thảm sát, trong đó phần lớn được cho là gây ra bởi các loại vũ khí ngắn nghi là của quân phiến loạn FSA. Vậy mà, trong thông báo hôm Chủ nhật 27/5 lên án hành động thảm sát tại làng Houla, LHQ đã cáo buộc Damascus nã pháo vào Houla, đồng thời kêu gọi Damascus "ngừng sử dụng vũ lực trong các khu vực đông dân cư" nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến vai trò của quân phiến loạn mặc dù có nhiều chứng cứ và nhân chứng chứng minh quân phiến loạn đã  ra tay tàn sát dân thường, mà chỉ nói rằng "không biết ai đã gây ra". Đã có nhiều tiếng nói kêu gọi LHQ mở cuộc điều tra đến nơi đến chốn vụ thảm sát này nhằm tránh tình hình bị đẩy theo chiều hướng tồi tệ hơn.

Những nạn nhân vụ thảm sát Houla.

Ngày 28/5, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Arập, cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, đã đặt chân đến Damascus để thị sát tình hình thực tế tại Syria sau vụ thảm sát Houla. Ông Annan đến Syria trước hết là để kiểm tra thực hư những lời cáo buộc, quy trách nhiệm trong vụ thảm sát Houla, và sau đó là kiểm tra việc triển khai kế hoạch hòa bình do ông đề xuất.

Trước vụ thảm sát Houla, sau gần 2 tháng triển khai kế hoạch hòa bình của ông Annan, tình hình bạo lực tại Syria đã tạm lắng một thời gian, nhưng trong 2 tuần gần đây, bạo lực bùng phát trở lại với hàng loạt vụ đánh bom làm rúng động trung tâm thủ đô Damascus (người ta quy trách nhiệm cho Al-Qaeda gây ra, nhưng mạng lưới khủng bố này đã lên tiếng phủ nhận). Nhìn chung, cho đến nay, kế hoạch hòa bình của ông Annan được đánh giá là mang lại hiệu quả tích cực, bất chấp những gièm pha từ phía chống Chính phủ Assad ở phương Tây cũng như bên trong Syria. Kết quả quan trọng nhất của kế hoạch hòa bình của ông Annan là việc ngăn chặn được đà tiến triển của xung đột vũ trang giữa quân đội ủng hộ Tổng thống Assad với phiến quân  FSA, từ đó làm giảm đáng kể thương vong dân thường.

Vấn đề là, kế hoạch hòa bình đó đã không thể giải quyết được mấu chốt gây nên bất ổn tại Syria, do phe đối lập và thành phần phiến quân FSA còn nhận được sự hậu thuẫn quá lớn từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Một khi được hậu thuẫn, họ chẳng dại gì bỏ cuộc. Trong bối cảnh như thế, vụ thảm sát Houla đang tạo ra cho các thế lực hậu thuẫn phe đối lập ở Syria tìm một cái cớ xác thực nhất để can thiệp vào Syria. Và trên các phương tiện truyền thông phương Tây, nhiều tiếng nói đã vang lên "phải hành động" nhằm gây sức ép lên Chính phủ Syria. Tất cả đều muốn có một hành động nào đó với chính quyền của ông Assad nhưng thực tế chưa biết đó sẽ là hành động gì.

Ngày 29/5, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp để nghe ông Annan báo cáo tóm tắt kết quả chuyến đi thị sát của mình. Sự thật chưa thể được phơi bày, nhưng những gì quan sát trong thực tế đã phần nào chứng minh ai đúng, ai sai, ai phải chịu trách nhiệm cho vụ thảm sát tại làng Houla. Điều quan trọng là sự thật sẽ được phơi bày đến đâu, như thế nào, để phục vụ lợi ích của các nhóm bên ngoài liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria, nhưng chắc chắn sẽ khó có được công lý cho những nạn nhân chết oan uổng trong ngày 25/5

Văn Trương (tổng hợp)
.
.