Syria: Thành lập chính phủ lâm thời, nước cờ táo bạo của phe đối lập
Cuộc nội chiến Syria đang trong tình thế bế tắc, cả về chiến cuộc lẫn về mặt chính trị. Trong khi phe đối lập đang cố gắng tìm mọi cách nhằm phá thế giằng co, tìm kiếm ưu thế trước quân đội chính phủ, thì bên ngoài, các đồng minh phương Tây lại chia rẽ trong việc tài trợ vũ khí cho phiến quân chống Chính phủ Syria.
Sáng sớm ngày 19/3, phe đối lập đã bầu chọn một người Mỹ gốc Syria, ông Ghassan Hitto, làm Thủ tướng cho cái gọi là “chính phủ lâm thời” của họ. Ông Hitto năm nay 50 tuổi, từng là kỹ sư công nghệ, di cư sang Mỹ trên 20 năm và hiện là công dân Mỹ, cư trú tại bang Texas. Hitto được cho là người góp nhiều công sức cho hoạt động nhân đạo quốc tế cứu trợ cho những người Syria tị nạn tại các quốc gia láng giềng của Syria. Con trai cả của Hitto tên là Obaida cũng đang tham gia chiến đấu trong hàng ngũ phe đối lập chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong những ngày sắp tới, Hitto sẽ tiến hành tuyển chọn người trong hàng ngũ liên minh đối lập (bao gồm Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Syria - SNC và nhiều tổ chức đối lập khác) để thành lập chính phủ.
Năm 2012, phe đối lập đã vài lần nỗ lực thành lập chính phủ riêng để tạo thế lực chính trị đối trọng với chính phủ hiện tại của Tổng thống Assad nhưng đều không thành công. Nguyên nhân chủ yếu của những lần thất bại đó là do những bất đồng nội bộ không thể giải quyết được giữa các phe phái đối lập. Mặc dù được phương Tây và nhiều nước trong khu vực hậu thuẫn, nhưng để thống nhất được lực lượng chống chính phủ đa dạng, bao gồm hàng trăm nhóm, phe phái khác nhau, kể cả các nhóm, tổ chức Hồi giáo cực đoan là một việc không dễ.
Phe đối lập, với sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước đồng minh, đã nỗ lực tối đa thành lập ra liên minh các lực lượng cách mạng và đối lập (NCSROF) nhằm thống nhất các phe phái chống chính phủ. Tuy nhiên, ngay cả khi liên minh này được thành lập thì hầu như mọi hoạt động cũng không hoàn toàn thống nhất, mà chủ yếu chỉ là thống nhất trong hành động chống chính phủ mà thôi.
![]() |
Giao tranh ác liệt ở thành phố Homs. |
Tình hình chính trị bây giờ lại khác so với thời điểm năm 2012. Các nước đồng minh hậu thuẫn phe đối lập hiện đang trở nên phân hóa trong nhiều vấn đề. Chẳng hạn như trong vấn đề cung cấp vũ khí cho các lực lượng đối lập, nhiều nước từng ủng hộ vấn đề này như Mỹ và Liên minh châu Âu nói chung, ngoại trừ Pháp, nay thay đổi thái độ và quyết định không tài trợ vũ khí cho phe đối lập. Mỹ đưa ra lập luận rõ ràng và hợp lý: với thành phần hết sức phức tạp như thế, trong đó các tổ chức Hồi giáo cực đoan lại đang đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động chống quân đội chính phủ, số vũ khí cung cấp chắc chắn sẽ rơi vào tay khủng bố, và điều này là hoàn toàn không phù hợp với chủ trương chống khủng bố toàn cầu của Mỹ.
Trong khi đó, một đồng minh khác của Mỹ là Anh tuyên bố tiếp tục tăng cường các hỗ trợ quân sự cho phe đối lập, nhưng chỉ giới hạn ở các trang thiết bị bảo vệ chống sát thương, thiết bị kiểm tra phòng chống hóa chất độc hại trong chiến tranh, hoàn toàn không cung cấp vũ khí chiến đấu cho các lực lượng đối lập, tránh rơi vào tay khủng bố.
Về việc phe đối lập Syria thành lập chính phủ lâm thời, nước Mỹ có vẻ không mặn mà lắm. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trên báo chí rằng, việc đó tuy là một bước tiến mới của phe đối lập, nhưng đó không phải là cách đúng để "tiến tới". Ông Kerry nhấn mạnh quan điểm của nước Mỹ về việc thành lập một thực thể chính phủ mới bên trong lãnh thổ Syria là: đó phải là một thực thể độc lập và phải được chính ông Assad đồng ý thành lập. Thực thể chính phủ độc lập đó sẽ phải là một chính phủ liên hiệp hòa giải dân tộc, bao gồm sự tham gia của tất cả các bên liên quan, kể cả thành phần chính phủ hiện nay.
Đây chính là điểm thỏa thuận mà Mỹ và Nga cùng các bên liên quan đã đạt được tại hội nghị quốc tế về Syria tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vào đầu tháng 7/2012, được xem là giải pháp tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria hiện nay. Vì thế, nước cờ của phe đối lập Syria dù có thể xem là táo bạo, nhưng sẽ không phù hợp trong bối cảnh các giải pháp được các cường quốc nhất trí thông qua.
Trong khi đó, tình hình chiến sự tại các mặt trận ở Syria vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, giao tranh vẫn đang trong thế giằng co. Các lực lượng đối lập tiếp tục đẩy mạnh tiến công vào các mục tiêu phòng tuyến bao vây và phòng thủ của quân đội chính phủ ở các thành phố lớn. Ngày 18/3, lãnh đạo phe đối lập tuyên bố trên báo chí rằng, lực lượng đối lập đã mở nhiều đợt tấn công và đã phá vỡ một phần vòng vây của quân đội chính phủ tại thành phố Homs ở miền Trung.
Tại Aleppo, thành phố lớn nhất Syria, lực lượng đối lập cũng từng bước mở rộng khu vực chiếm đóng, lấn dần khu vực do quân đội chính phủ kiểm soát. Còn tại vùng đồng bằng Hauran ở miền Nam, sau nhiều ngày giao chiến giằng co quyết liệt, lực lượng đối lập đã tăng cường lực lượng và đã đánh chiếm được một khu căn cứ lớn của tình báo quân đội Syria.
Đây là những thắng lợi quan trọng nhất của lực lượng đối lập Syria trong vòng 2 tuần qua, nhưng vẫn chưa đủ để xoay chuyển tình thế, vì ngay sau những đợt tấn công được tuyên bố ầm ĩ của phe đối lập là những đợt oanh tạc của quân đội chính phủ, và tình hình quay trở lại như cũ