Syria đang thuộc về ai?

Thứ Ba, 05/06/2018, 09:24
Syria đang trở thành miếng bánh ngon để các cường quốc gặm nhấm, chia chác. Rất nhiều thế lực lớn ở đây, nhưng không phải để giúp chính phủ và người dân Syria, mà họ bày binh bố trận, lợi dụng sự hỗn loạn ấy, để làm sao trục được nhiều lợi nhất, cho cả hiện tại và tương lai.

Mỹ ra tối hậu thư

Mỹ đã cảnh báo sẽ có các “biện pháp thích hợp và mạnh mẽ” để bảo vệ tình trạng ngừng bắn ở miền Nam Syria nếu các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad tiến về đánh đuổi phiến quân tại đây. Theo Bussiness Insider, khu vực ở phía Tây Nam Syria là lãnh thổ bao gồm từ thành phố Daraa cho đến vùng Cao nguyên Golan đang do Israel chiếm đóng đang nổi lên như là "điểm nóng tranh giành" giữa 2 đối thủ truyền kiếp của khu vực là Israel và Iran.

Mỹ, Nga và Jordan năm ngoái đã nhất trí đưa Daraa vào khu vực "giảm leo thang quân sự" để đóng băng các hệ thống xung đột. Tuy nhiên, các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad gần đây đã thả truyền đơn xuống các khu vực phiến quân kiểm soát ở đây để cảnh báo về một cuộc tấn công sắp diễn ra và yêu cầu các chiến binh nổi dậy hạ vũ khí đầu hàng.

Đáp lại, trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ quan ngại Chính phủ Syria đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự ở Tây Nam Syria. Theo đó, Bộ này đã gửi cảnh báo Chính phủ Assad phản đối bất cứ hành động nào có nguy cơ mở rộng xung đột.

"Chúng tôi cảnh báo Chính phủ Syria về bất kỳ hành động nào có nguy cơ mở rộng xung đột hoặc gây nguy hiểm cho việc ngừng bắn. Mỹ sẽ có biện pháp kiên quyết và thích đáng để đối phó với sự vi phạm của chính phủ ông Assad”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố.

Rõ ràng Mỹ rất ngại việc Syria hay Iran sẽ tấn công vùng đất này vì nó nằm sát biên giới với Israel. Chính vì thế, ngay sau khi được Mỹ bật đèn xanh, lực lượng vũ trang Israel cũng đưa ra tuyên bố mới về phạm vi tác chiến của họ trên lãnh thổ Syria, đe dọa đẩy tình hình Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực mới. Theo đó, ngày 17-5, Israel tuyên bố sẽ giáng đòn tấn công Iran trên toàn lãnh thổ Syria.

Tờ Asharq Al-Awsat của Arabia Saudi cho biết, chính quyền Israel thông báo cho Nga về quyết định rút lại “ranh giới đỏ” ngăn chặn Iran và tuyên bố mở rộng các hoạt động quân sự nhằm chống các lực lượng được Iran hậu thuẫn trên khắp lãnh thổ Syria.

Đánh giá về động cơ của Mỹ và các nước phương Tây, Tiến sĩ Friedman cho rằng sở dĩ Mỹ có các bước đi mạnh mẽ và táo bạo như vậy là vì vai trò của nước này tại Trung Đông hiện đang có phần mờ nhạt, trong khi vai trò của Nga và Iran lại ngày càng lớn. Đối với Iran, ông Friedman cho rằng Tehran sẽ tiếp tục ủng hộ Syria một cách mạnh mẽ.

Bom nổ tại khu vực dân thường ở miền Bắc Syria. Ảnh: Global Risk Insights.

Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ là Iran đã đầu tư rất nhiều vào cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria trong suốt 7 năm qua, vậy thì không có lý do gì mà Iran sẽ rút khỏi đây”. Ông dự báo các lực lượng Iran sẽ tiếp tục ở lại Syria trong một thời gian nhất định, dù ai cũng đều biết vụ tấn công vừa qua của Mỹ, Anh và Pháp vào Syria cũng có cả mục tiêu kìm hãm Iran.

Trong khi đó, Nga cũng đang tìm kiếm lợi ích riêng của mình từ chiến trường Syria. Về mặt chiến lược, Nga muốn tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực này cũng như trên toàn thế giới nhằm thuyết phục cả Mỹ và đồng minh phương Tây cần phải đối xử với Nga như một cường quốc. Vị trí chiến lược của Syria ở Trung Đông rất quan trọng để Nga đặt các căn cứ hải quân và quân sự của mình tại đây.

Ông nhận định, mặc dù vậy, “nếu Mỹ quyết tâm tiếp tục đồn trú ở phía Đông Syria một cách chắc chắn thì nước này có thể gây ảnh hưởng lớn hơn, bởi nhiều tài nguyên có giá trị của Syria đều nằm ở vùng mà binh lính Mỹ đang đóng quân với sự hỗ trợ của chính quyền tự trị người Kurd. Tài nguyên ở đây bao gồm nước, nguồn năng lượng từ dầu mỏ.

Iran sẽ không từ bỏ mục tiêu

Đúng như vậy, Iran đã điều động một lực lượng quân sự hùng hậu để hỗ trợ đồng minh của mình là Tổng thống Syria Bashar Assad, nhằm duy trì quyền lực của ông này trước lực lượng nổi dậy có vũ trang trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua. Với đà chiến thắng nghiêng về hướng có lợi cho Tổng thống Assad, Israel nhận ra rằng chiến thắng này đã đưa Iran tiến lại gần hơn với biên giới của Israel.

Do đó, Tel Aviv gia tăng cảnh báo rằng nước này coi tầm ảnh hưởng của Iran ở Syria là một mối đe dọa, viện dẫn sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria cũng như sự hiện diện của các tay súng bán vũ trang do Iran hậu thuẫn.

Giới chức Israel cũng nói rằng Iran kiểm soát 80.000 tay súng theo dòng Hồi giáo Shiite ở Syria, bao gồm các lực lượng  Hezbollah của Liban cùng các tay súng Iraq và Afghanistan.

Giới chức Iran và các đồng minh đã đề cập việc thiết lập một hành lang từ Iran đến Liban, thông qua Syria và Iraq. Do đó, Israel lo ngại rằng điều này sẽ cho phép Tehran tuồn vũ khí một cách dễ dàng hơn cho Hezbollah qua đó, giúp tăng cường tầm ảnh hưởng của lực lượng này trong khu vực. Đó là lý do vì sao mà Israel được cho là đã tiến hành hàng trăm vụ oanh kích ở Syria, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu là các tàu chở khí tài.

Vụ tấn công được cho là do Iran tiến hành vào các cứ điểm của Israel ở Cao nguyên Golan và cuộc oanh kích của Israel vào các cứ điểm của Iran ở Syria dường như là những lời cảnh báo của mỗi bên rằng họ sẵn sàng đáp trả song chưa đến mức dẫn đến một cuộc chiến. Tuy nhiên, nếu các hành động đối đầu leo thang thì khu vực có thể đối mặt với một trong những cuộc xung đột xuyên biên giới tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua, một diễn biến có thể kéo theo sự can dự của Mỹ, một đồng minh chính của Israel, cũng như sự can dự của Nga, vốn là đồng minh hùng mạnh nhất của Syria.

Mặc dù Iran có thể không bắt kịp sức mạnh quân sự của Israel, song Tehran có nhiều đồng minh và cách thức để đáp trả nếu bị Mỹ, Israel và Saudi Arabia, dồn vào chân tường. Xét về tương quan lực lượng, Iran có đồng minh là phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở Dải Gaza. Còn ở Liban, lực lượng Hezbollah sẽ sẵn sàng hậu thuẫn Tehran.

Ở Iraq, Iran có mối quan hệ gần gũi với ban lãnh đạo chính trị của Baghdad và là nhà tài trợ cho lực lượng bán quân sự theo dòng Hồi giáo Shiite tại Iraq. Trong khi đó, cuộc chiến giữa các lực lượng ủy nhiệm của Saudi Arabia và Iran đã bước vào năm thứ 4 ở Yemen và đây có thể là nơi để Tehran đáp trả và tăng cường sức ép đối với Saudi Arabia.

Trong một tuyên bố cứng rắn, Iran tuyên bố quyết không rời khỏi Syria theo yêu cầu của Mỹ. Ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, tuyên bố nước này sẽ duy trì “sự hiện diện cố vấn” ở Syria và tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm kháng chiến, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra yêu cầu 12 điểm đối với Tehran.

Theo ông Shamkhani “chừng nào mối đe dọa khủng bố còn tồn tại ở Syria và chính phủ hợp pháp nước này cần duy trì sự hiện diện của Iran với vai trò tư vấn, chúng tôi sẽ vẫn ở lại”, ông Shamkhani khẳng định.

Israel không chịu ngồi chờ

Theo tin của tờ Asharq Al-Awsat, không quân Israel sẽ mở rộng hoạt động tấn công các nhóm vũ trang mà Tel Aviv tin rằng là do Iran ủng hộ, chứ không còn giới hạn ở phần lãnh thổ phía nam Syria. Mục đích nhằm ngăn chặn Iran chuyển vũ khí và tên lửa cho các lực lượng vũ trang địa phương được hậu thuẫn và lực lượng Hezbollah; ngăn chặn việc thành lập các nhà máy sản xuất hoặc căn cứ tên lửa của Iran, nhằm vào lãnh thổ Israel. Syria đang trở lên nguy hiểm hơn bao giờ hết khi Israel quyết tâm can dự, với cái cớ tìm diệt lực lượng trung thành với Iran và vũ khí, khí tài của Iran...

Theo tờ Sky News, chỉ vài ngày khi Israel tấn công vào lãnh thổ Syria trong cuộc tấn công bất hợp pháp làm 9 chiến binh người Iran thiệt mạng nhưng các phương tiện truyền thông nhà nước Iran phủ nhận, tuyên bố rằng lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn không có thương vong nào trong cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây của Israel.

Theo các nhà bình luận chiến tranh Syria, thông báo ngày 26-5 của Asharq Al-Awsat là một bước đi khác trong chiến dịch lâu dài của Arabia Saudi phá hoại sự hợp tác giữa Iran và Nga trong cuộc chiến tranh với Syria. Các phương tiện truyền thông Israel và Arabia Saudi đưa ra nhiều thông tin và suy đoán trước đây, cho rằng liên minh Iran-Nga đang bị thu hẹp hoặc sắp sụp đổ. Họ phao tin rằng Nga đã không giúp Iran trong cuộc chiến giành ưu thế kiểm soát, giám sát không phận Syria.

Hầu hết các thành phố của Syria bây giờ đã là đống đổ nát. Ảnh: ABC News.

Theo các chuyên gia quân sự Syria, những tuyên bố mang tính tuyên truyền và kích động ngày càng tăng cùng những cuộc không kích vào các căn cứ, địa bàn của quân tình nguyện, cho thấy chính quyền Israel đang thất bại trong việc sử dụng các lực lượng Hồi giáo cực đoan và khủng bố nhằm xé nát lãnh thổ Syria và lật đổ chính quyền ông Assad.

Các cuộc không kích gần đây như một liều thuốc kích thích, thúc đẩy các lực lượng Hồi giáo cực đoan tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn nữa, nhằm ngăn chặn quân đội Syria tiến hành chiến dịch quân sự giải phóng được khu vực lãnh thổ thuộc tỉnh Daraa. Khi đó các nhóm Hồi giáo cực đoan sẽ bị di chuyển về vùng lãnh thổ phía bắc Syria, nơi nằm trong vùng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ mà Israel không thể đàm phán được.

Hơn thế nữa, Israel chuẩn bị đối đầu với các lực lượng dân quân Palestine được rèn luyện trong cuộc chiến Syria, quay trở về dải Gaza. Lúc đó, chiến sự sẽ diễn ra ngay trong lãnh thổ Israel.

2 năm gần đây, lực lượng phòng không quân đội Syria đang từng bước phát triển và lớn mạnh, những tuyên bố và các cuộc tấn công của Israel cho thấy. Trong một tương lai không xa, không quân Israel sẽ phải đối đầu với một lực lượng phòng không rất mạnh ở Trung Đông, có thể đủ sức cô lập và đánh bại máy bay hiện đại của quốc gia Do Thái này.

Quân đội Chính phủ Syria đang chứng minh khả năng làm chủ đất nước

Trong khi các bên liên quan tiếp tục  lún sâu vào “vũng lầy” Syria thì quân đội nước này đang có những chiến dịch cực kỳ quan trọng. Quân đội Syria với chủ công là lực lượng Tiger, sư đoàn cơ giới số 4, lực lượng Vệ binh Cộng hòa và các lực lượng quân tình nguyện tập trung binh lực cho cuộc tấn công lớn.

Quân đội Syria đặt mục tiêu giải quyết hoàn toàn lực lượng khủng bố thuộc tỉnh phía nam của Dara'a và Al-Quneitra. Quân đội Syria điều động nhiều sư đoàn, lữ đoàn, đặc nhiệm, hỏa lực... tăng cường cho chiến dịch lớn này. Ngoài ra, nhằm tăng cường sức tấn công cận chiến, quân đội Syria còn điều động các đơn vị quân tình nguyện như lữ đoàn Palestine Liwaa Al-Quds (lữ đoàn tình nguyện Palestine có trụ sở tại Aleppo), Quân Giải phóng Palestine (PLA), Lực lượng vũ trang địa phương (NDF), Đơn vị quân tình nguyện Bảo vệ dân tộc Arab (quân tình nguyện người Arab ở Trung Đông), Tiểu đoàn Al-Baath...

Chiến dịch tiến công được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên của chiến dịch tấn công bao gồm 2 trận tấn công riêng biệt và quan trọng trong tại chiến trường Dara'a. Trong thành phố, lực lượng Tiger tiến công giải phóng nửa phía nam thành phố Dara'a, do các tay súng Hồi giáo cực đoan của nhóm “Lữ đoàn Mặt trận phía Nam” thuộc tổ chức Quân đội Syria tự do chiếm đóng.

Giai đoạn 2: Sau kết quả của giai đoạn 1, mục đích tiếp theo của giai đoạn 2 bao gồm việc giải phóng thị trấn chiến lược Tal Al-Harrah, cùng khu vực tam giác Dara'a (trọng điểm là thị trấn Kafr Shams) và toàn bộ tỉnh Al-Quneitra. Cuộc tiến công giải phóng phần phía nam tỉnh Al-Quneitra.

Giai đoạn cuối cùng, những cuộc tấn công buộc các lực lượng nổi dậy phải đầu hàng, giao nộp địa bàn và di tản về miền Bắc Syria. Sử dụng kinh nghiệm của cuộc tấn công trong chiến trường nam Damascus, quân đội Syria có thể sẽ pháo kích và không kích dữ dội khu vực nhóm IS phía tây nam Dara'a để tìm kiếm một thỏa thuận đầu hàng của các lực lượng phiến quân trước sức ép từ hai phía, IS và quân đội Syria.

Giải quyết được các lực lượng Hồi giáo cực đoan, quân đội Syria sẽ tiêu diệt nhóm IS đang đóng quân trên biên giới với Jordan. Mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt IS và giải phóng toàn bộ vùng biên giới thuộc Cao nguyên Golan với Jordan. Tuy nhiên, nhiều chỉ huy, thủ lĩnh các nhóm Hồi giáo cực đoan có những tuyên bố quyết liệt chống lại quân đội Syria

Bất chấp việc Tổng thống Nga tuyên bố, tình hình tại Syria thuận lợi để bắt đầu tiến trình chính trị, các nhà phân tích nhận định, tình hình rất phức tạp và rất có thể xuất hiện những thay đổi đột ngột. Tương lai của Syria đi về đâu là câu hỏi cực kỳ khó trả lời. Tiến sĩ Brandon Friedman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Moshe Dayan thuộc Đại học Tel Aviv, đã đưa ra dự báo về những bước đi tiếp theo của Mỹ tại Syria.

Theo ông, rất khó để xác định tương lai của Syria trong thời gian tới, song hậu quả nhãn tiền là người dân Syria đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các cuộc khủng hoảng tại chính đất nước của mình.

Nguyễn Hòa
.
.