THAAD có thể phá vỡ quan hệ Trung – Hàn
Kinh tế Hàn Quốc hứng chịu đầu tiên hậu quả từ “đòn trừng phạt”
Trong một tuyên bố bằng thư điện tử, người phát ngôn USFK, Đại tá Rob Manning nêu rõ USFK xác nhận hệ thống THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc, có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của quá trình bay, được lắp đặt tại thị trấn Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, cách thủ đô Seoul 300km về phía đông nam, đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Manning, hiện hệ thống mới đạt được khả năng đánh chặn ở mức sơ bộ và sẽ được nâng cấp vào cuối năm nay, khi các thiết bị và bộ phận cấu thành bổ sung tiếp tục được đưa đến Hàn Quốc. Thông báo trên đưa ra trong bối cảnh người dân địa phương, dư luận Hàn Quốc, và các nước láng giềng như Nga, Trung Quốc phản đối quyết liệt.
Bộ phận đánh chặn của THAAD được nhìn thấy ở huyện Seongju phía nam Hàn Quốc ngày 26-4. |
Trong một diễn biến mới nhất, giới chức Hàn Quốc đã bác bỏ tồn tại mâu thuẫn giữa Seoul và Washington liên quan tới chi phí cho THAAD của Mỹ triển khai ở Hàn Quốc. Trả lời báo chí trong nước vào ngày 4-5, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cho biết "về cơ bản, nước nào vận hành hệ thống THAAD thì nước đó sẽ phải chịu chi phí, có nghĩa là nếu Mỹ làm điều này thì Mỹ sẽ chịu chi phí".
Ngoài ra, ông cũng bác bỏ khả năng sẽ tiến hành đàm phán lại thỏa thuận song phương về chi phí triển khai THAAD với Mỹ, đồng thời khẳng định Hàn Quốc sẽ làm hết sức có thể để triển khai hiệu quả THAAD mà không tạo thêm gánh nặng cho người dân. Phía Mỹ cũng đã cam kết không bắt Hàn Quốc chi phí triển khai hệ thống tên lửa THAAD.
Một thông báo từ văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng cho hay, cả Mỹ và Hàn Quốc đều nhận thấy rõ, liên minh Mỹ-Hàn là ưu tiên hàng đầu của Washington tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngay sau khi THAAD tại Hàn Quốc chính thức vận hành, Trung Quốc đã kêu gọi dừng ngay lập tức Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Quan điểm của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán: Chúng tôi phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, hối thúc các bên liên quan dừng ngay lập tức việc triển khai này".
Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình. Trung Quốc cho rằng hệ thống này gây phương hại đến an ninh quốc gia, và đã áp dụng nhiều biện pháp trả đũa kinh tế đối với Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn cảnh báo sẽ tiến hành 5 cuộc tập trận bắn đạn thật và thử các thiết bị quân sự mới nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.
Hậu quả mà các “đòn trừng phạt” từ Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế có thể nhìn thấy ngay. Nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Hyundai (HRI) của Hàn Quốc đưa ra cảnh báo, sự trả đũa của Bắc Kinh đối với quyết định của chính quyền Seoul liên quan tới việc cho phép lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc có thể khiến nền kinh tế lớn thứ tư châu Á thiệt hại khoảng 8,5 nghìn tỷ won (7,5 tỷ USD) trong năm 2017, làm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sụt giảm khoảng 0,5%.
Trong khi đó, phía Trung Quốc có thể tổn thất khoảng 1,1 nghìn tỷ won, tương đương 0,01% GDP. Các chuyên gia cũng cho rằng quy mô của hệ thống phòng thủ tên lửa càng lớn thì những hệ quả tiêu cực đối với Hàn Quốc sẽ càng nhiều hơn so với những gì mà Trung Quốc phải đối mặt.
Người dân Hàn Quốc phản đối triển khai THAAD ở nước này. Ảnh: xinhuanet.com. |
Trên thực tế, du lịch là ngành phải hứng chịu những hệ quả nghiêm trọng nhất từ sự việc nói trên khi các hãng lữ hành Trung Quốc kể từ giữa tháng 3 vừa qua đã ngừng tất cả các tour du lịch tới Hàn Quốc. Theo ước tính của HRI, nếu lượng du khách giảm khoảng 40% từ tháng 4 đến tháng 12 năm nay, thì ngành "công nghiệp không khói" của Hàn Quốc sẽ mất đi nguồn thu 7,1 nghìn tỷ won.
Trong khi đó, nếu lượng khách Hàn Quốc giảm 20% so với năm 2015, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ mất đi nguồn thu 1,04 nghìn tỷ won. Trong lĩnh vực thương mại, Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp siết chặt nhập khẩu các mặt hàng mỹ phẩm và thực phẩm từ Hàn Quốc, khiến nguồn thu của các doanh nghiệp "xứ Kim Chi" ước tính sụt giảm khoảng 1,4 nghìn tỷ won.
Nhiều công ty du lịch trực tuyến như Huề Trình, Đồ Ngưu và Đồng Trình của Trung Quốc đã tẩy chay tất cả các sản phẩm du lịch của Hàn Quốc, công ty du lịch Vạn Chúng tại Bắc Kinh cũng ra quyết định tẩy chay du lịch Hàn Quốc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, tuyến đường bay nhộn nhịp nhất giữa Trung Quốc và Hàn Quốc là từ Thượng Hải, Bắc Kinh, Thanh Đảo, Quảng Châu, Đại Liên tới Seoul hoặc Jeju, trong đó 44% coi Seoul như một điểm đến, 41% là đảo Jeju.
Có thể nhận thấy cách sắp xếp chuyến bay giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như các địa điểm du lịch Hàn Quốc của du khách Trung Quốc rất phù hợp với nhau, còn hiện nay tất cả điều này đã thay đổi cùng với việc Hàn Quốc triển khai THAAD.
Đối với Hàn Quốc, điều cực kỳ tồi tệ là nhiều hãng hàng không và sân bay Hàn Quốc vốn dĩ đang sống dựa vào du khách Trung Quốc. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch quốc gia và ngành du lịch, năm 2013, Trung Quốc là nước có lượng du khách lớn nhất đến Hàn Quốc, đạt 4,32 triệu lượt người; ba năm sau con số này tăng gần gấp đôi, năm 2016 lượng du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc đạt 8,06 triệu lượt người, chiếm một nửa trong tổng số du khách Hàn Quốc, trong khi tổng dân số của Hàn Quốc là 50 triệu người. Hãng Yonhap ước tính do chịu tác động của THAAD, lượng du khách Trung Quốc có thể sụt giảm 50%, thậm chí 60%-70%.
Khách sạn Lotte City tại Myeong-dong cho biết kể từ khi tập đoàn Lotte ký thỏa thuận đổi đất cho chính phủ triển khai THAAD, tỷ lệ hủy đặt phòng đã tăng lên 30%. Không còn nghi ngờ gì, sự sụt giảm của du khách Trung Quốc đã gây tổn thất nặng nề cho các thương nhân Hàn Quốc.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch quốc gia Hàn Quốc, năm 2015, bình quân mỗi du khách Trung Quốc chi tiêu tại Hàn Quốc tới khoảng 2300 USD, cao gấp đôi so với du khách chi tiêu ở nước khác; về phương diện chỗ ở, đi lại và mua sắm, lợi ích kinh tế tổng thể mà du khách Trung Quốc mang lại cho Hàn Quốc là 22 tỷ USD, chiếm khoảng 1,6% GDP của Hàn Quốc. 1,6% GDP này mang lại công ăn việc làm cho những người làm trong ngành dịch vụ, ngành chiếm khoảng 70% dân số Hàn Quốc.
Hãng Yonhap chỉ tính riêng các cửa hàng miễn thuế, năm 2016 quy mô thị trường của các cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc là 12.270 tỷ won (khoảng 10,6 tỷ USD), với lượng mua của du khách Trung Quốc chiếm đến 70%, số tiền vào khoảng 8.600 tỷ won (khoảng 7,4 tỷ USD).
Rất đông du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc trước thời điểm Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Ảnh: The Korea Herald. |
Không chỉ du lịch, chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn cả là thương mại Trung-Hàn. Hàn Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, theo số liệu thống kê của các cơ quan có liên quan của Hàn Quốc, năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này là 495,426 tỷ USD, Trung Quốc chiếm 1/4 là 124,433 tỷ USD, là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc.
Theo số liệu thống kê của Sinomex, tổng thâm hụt thương mại từ khi Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay đã vượt trên 700 tỷ USD, năm 2016 là 37,5 tỷ USD. Có thể thấy việc triển khai THAAD rõ ràng đã khiến nước này gặp thách thức lớn về kinh tế khi đất nước láng giềng Trung Quốc có tiềm lực rất mạnh.
Cảnh báo leo thang quân sự gia tăng
Trung Quốc và Nga nhiều lần bày tỏ sự phản đối bởi phạm vi theo dõi của hệ thống radar băng tần X thuộc THAAD bao trùm nhiều vùng lãnh thổ của Trung Quốc và Nga, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của các nước láng giềng. Seoul tuyên bố rằng họ sẽ lắp đặt radar ở trạng thái có thể phát hiện tên lửa “giai đoạn cuối” với phạm vi tác chiến là khoảng 600-800 km.
Tuy nhiên, hệ thống này có thể được thay đổi bất cứ lúc nào, và thậm chí có thể mất chưa đầy một ngày, để điều chỉnh và chuyển sang trạng thái phát hiện sớm, với khả năng trinh soát và rà quét ở tầm xa lên tới 2.000 km. Hệ thống THAAD sẽ do Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) vận hành.
Giáo sư Lee Nam-ju, chuyên nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc tại Đại học Sungkonghoe, nói: “Câu hỏi cần đặt ra là liệu liên minh Mỹ-Hàn có thể làm dịu căng thẳng hay không. Việc triển khai THAAD sẽ gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sự ổn định của Đông Bắc Á”.
Ông Lee cho rằng việc Seoul tham gia chiến lược của Washington có thể mang lại nhiều nguy cơ cho Bán đảo Triều Tiên và khu vực. Ông nhấn mạnh việc triển khai hệ thống THAAD là một hành động phá vỡ cân bằng khu vực bởi radar của THAAD có phạm vi rà quét bao trùm cả các vùng lãnh thổ của Trung Quốc và Nga.
Giáo sư Kim Yong Hyun, chuyên nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên tại Đại học Dongguk lại cho rằng: “Việc triển khai THAAD sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ nhất, song Hàn Quốc sẽ chịu rất nhiều thiệt hại. Ông nhắc đến việc khoảng 23.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động ở Trung Quốc sẽ gặp không ít rắc rối trong tương lai do quyết định triển khai này. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
Theo tờ Văn hối (Hong Kong) số ra mới đây, đại diện quân đội Trung Quốc và Nga đã thống nhất quan điểm cho rằng việc Mỹ và Hàn Quốc quyết định bố trí THAAD ở Hàn Quốc sẽ làm xấu đi môi trường an ninh toàn cầu, phá hủy sự ổn định an ninh khu vực và cân bằng chiến lược toàn cầu đồng thời cản trở tiến trình phòng ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân và kích động chạy đua vũ trang.
Thiếu tướng Thái Quân, Phó Cục trưởng Cục tác chiến thuộc Bộ tổng tham mưu liên hợp quân ủy trung ương Trung Quốc cho biết, hệ thống phòng thủ tại châu Á-Thái Bình Dương là mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. THAAD có ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến mối quan hệ giữa các nước lớn, an ninh và hòa bình quốc tế cũng như tiến trình khống chế và giải trừ quân bị.
Hãng tin Yonhap dẫn lời một học giả Trung Quốc cảnh báo nước này có thể gia tăng các đầu đạn hạt nhân trong trường hợp THAAD chính thức được triển khai tại Hàn Quốc. Đặng Kiến Quân, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc nhấn mạnh, nếu cần thiết, Trung Quốc sẽ có một số biện pháp mạnh mẽ để chống lại sức mạnh của chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ, bao gồm cả việc nâng cấp và tăng số lượng đầu đạn hạt nhân và thông thường của mình.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây ra thông báo sẽ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật và thử các thiết bị quân sự mới nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.