Dự thảo Luật tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự:

Tăng thẩm quyền cho Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao

Thứ Bảy, 06/06/2015, 15:05
Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự. Một trong những nội dung mới của dự thảo luật là bổ sung quy định Cục, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra...

Những cơ quan nào có quyền điều tra?

Theo dự thảo luật, ngoài hệ thống các cơ quan điều tra gồm: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân; Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân; Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, còn các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm:

Các cơ quan của Bộ đội Biên phòng: Cục Trinh sát Biên phòng; Cục Phòng, chống tội phạm ma túy; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Đồn Biên phòng.

Các cơ quan của Hải quan: Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan cấp tỉnh; Chi cục Hải quan cửa khẩu.

Các cơ quan của Kiểm lâm: Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm.

Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Vùng Cảnh sát biển; Phòng phòng, chống tội phạm ma túy; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.

Công an Hà Nội bắt nhóm chuyên nhắn tin lừa đảo trúng thưởng qua các trang mạng xã hội.

Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm các cục, phòng: Cảnh sát giao thông; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trại giam; Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an, các phòng nghiệp vụ an ninh ở Công an cấp tỉnh và Đội An ninh Công an cấp huyện.

Các cơ quan trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Trại giam; đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.

Dự thảo Luật quy định Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát Biển, các cơ quan của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định của Luật này và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự án Luật, có hai loại ý kiến khác nhau về bổ sung các cơ quan: Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Vì vậy, dự thảo Luật đưa ra hai phương án để xin Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này:

Phương án 1: Không quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Phương án 2: Bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao cần được giao nhiệm vụ điều tra 

Một nội dung mới của dự thảo luật là bổ sung quy định về Cục, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo tờ trình của Chính phủ, đây là quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này làm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình hiện nay.

Từ năm 2010 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã kiểm tra, xác minh 1.193 vụ việc, xác lập và đấu tranh 75 chuyên án.

Cùng với sự phát triển của đất nước, việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật ở Việt Nam ngày càng được quan tâm đầu tư, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông đã và đang là lĩnh vực phát triển nhanh nhất hiện nay. Hiện cả nước có gần 31,5 triệu người sử dụng Internet (chiếm 1/3 dân số cả nước), hơn 5,17 triệu thuê bao Internet băng thông rộng, trên 15,5 triệu địa chỉ IPv4 và 1,2 tỉ địa chỉ IPv6 đã cấp, hơn 967 nghìn tên miền Việt Nam (.vn) được đăng ký, hơn 115 triệu thuê bao ĐTDĐ…

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông, đặc biệt là mạng Internet, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong và ngoài nước cũng phát triển với nhiều phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt, thay đổi thường xuyên thậm chí là thay đổi hàng giờ, lợi dụng vào sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng Internet, có thể coi đây như là một thế giới phẳng không biên giới, tội phạm trong và ngoài nước liên kết hình thành nhiều đường dây, tổ chức phạm tội xuyên quốc gia, phạm tội trong nhiều lĩnh vực kinh tế, trật tự an toàn xã hội kể cả an ninh quốc gia.

Theo thống kê của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế - Interpol năm 2012 thì thiệt hại do tội phạm công nghệ cao gây ra mỗi năm lên đến 400 tỉ USD, nhiều hơn số tiền mà tội phạm buôn bán ma túy quốc tế thu được và trung bình trên toàn thế giới cứ 14 giây lại xảy ra một vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đòi hỏi hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ đối với hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội, giảm thiểu hậu quả thiệt hại, cũng như kịp thời phát hiện thu giữ tang vật, tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội phục vụ công tác điều tra, bảo đảm hiệu quả, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tháng 2/2010, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được thành lập. Từ khi thành lập đến nay, Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên cả nước đã phát hiện, xác minh hàng nghìn nguồn tin liên quan đến hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao và các loại tội phạm khác, trong đó đã trực tiếp tiến hành kiểm tra, xác minh 1.193 vụ việc, xác lập và đấu tranh 75 chuyên án, triệt phá nhiều đường dây tội phạm lớn với số tiền phạm tội lên đến hàng nghìn tỉ đồng; chuyển Cơ quan điều tra các cấp tổng số 365 vụ, trong đó đã khởi tố 266 vụ án hình sự với 978 bị can. Chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý hành chính 265 vụ. Thu giữ hàng ngàn máy tính xách tay, máy tính bảng, ĐTDĐ linh kiện điện tử, các loại hàng hóa và máy móc thiết bị chuyên dụng trị giá hàng chục tỉ đồng.

Lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tuy đã được thành lập, nhưng do chưa được quy định là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, không bảo đảm tính kịp thời trong đấu tranh chống loại tội phạm này do đặc thù của tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ yếu hoạt động trên môi trường mạng viễn thông, Internet, tội phạm sử dụng các thiết bị điện tử công nghệ cao nên thời gian gây án thường diễn ra rất nhanh, rất dễ thay đổi, che giấu thông tin, trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng; các dấu vết liên quan đến hoạt động phạm tội chủ yếu là các dữ liệu điện tử nên rất dễ sửa chữa hoặc tẩy xóa.

Rất nhiều vụ phạm tội được phát hiện nhưng do không có thẩm quyền điều tra ban đầu như tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu… nên sau khi báo Cơ quan điều tra để phối hợp thì thời cơ đã qua, tài liệu, chứng cứ đã bị tội phạm che giấu hoặc xóa mất.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay đa số các quốc gia trên thế giới đều thành lập các cơ quan đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có thẩm quyền tiến hành điều tra, như Nga, Mỹ đều có cơ quan điều tra tội phạm mạng; Nhật Bản, Trung Quốc thành lập Cục Bảo vệ an ninh mạng; Australia thành lập Trung tâm Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Hàn Quốc, Sri Lanka, Lào, Philippines... cũng đều có Cục Cảnh sát điều tra tội phạm mạng. Tất cả các cơ quan này đều là các cơ quan có thẩm quyền điều tra để thuận lợi, chủ động hơn trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao. Xu hướng của các nước trên thế giới là tăng cường hợp tác nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình hiện nay, đồng thời đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, việc bổ sung quy định Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan của lực lượng Cảnh sát được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là rất cần thiết. Việc bổ sung quy định này nhằm ghi nhận thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu của Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, không làm tăng thêm tổ chức bộ máy, biên chế.

Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao mới xuất hiện nhưng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều trường hợp có tính chất xuyên quốc gia. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp nhất trí với đề nghị bổ sung lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với một số tội phạm có sử dụng công nghệ cao theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Cơ quan này có nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày (không tiến hành điều tra toàn diện một vụ án hình sự); đồng thời điều tra, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Cơ quan điều tra chuyên trách.

Theo chương trình, tại kỳ họp này, dự thảo luật sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý kiến.

Nguyễn Thiêm
.
.