Thách thức cho tương lai đàm phán Mỹ – Triều
- Triển vọng cho thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3
- Hàn Quốc kêu gọi lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên tổ chức thượng đỉnh
- Đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều tiếp tục bế tắc
Trong bối cảnh Chính quyền ông Joe Biden hoàn tất quá trình xem xét lại chính sách đối với CHDCND Triều Tiên thì sức mạnh hạt nhân không ngừng gia tăng của Bình Nhưỡng và hiện trạng bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên đang phủ mây đen lên tương lại quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên.
Trước hết, thách thức lớn nhất mà chính quyền ông Joe Biden phải đối mặt là việc phải chấp nhận nguyên trạng hiện nay, đồng nghĩa với việc CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển quy mô, sự đa dạng và khả năng sát thương của các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Không ai nghi ngờ về việc Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa bất chấp các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra trong những năm qua. Bằng chứng là họ đã tiến hành thử nghiệm và trình diễn các tên lửa đạn đạo mới, công bố sắp hoàn thiện một tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo mới và hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động tiếp tục diễn ra xung quanh các cơ sở hạt nhân và tên lửa.
Những cuộc tập trận của liên quân Mỹ - Hàn được cho là không có lợi cho việc kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. |
Khi các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ càng phát triển, đặc biệt về năng lực tấn công tầm xa, sẽ làm gia tăng khả năng răn đe của Bình Nhưỡng đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực và dần làm suy giảm niềm tin vào năng lực răn đe mở rộng của Mỹ. Khả năng CHDCND Triều Tiên đe dọa lãnh thổ đất liền của Mỹ gia tăng, thì càng có nhiều câu hỏi dược đặt ra về những lựa chọn của Washington trong trường hợp các thành phố của các nước đồng minh trong khu vực của họ bị đe dọa. Hơn nữa, một điều hiển nhiên là càng mở rộng và đạt được nhiều tiến bộ trong các chương trình hạt nhân thì CHDCND Triều Tiên lại càng có nhiều lợi thế với các cuộc đàm phán trong tương lai.
Trong khi ngoại giao là biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề thì một trong những thách thức đầu tiên mà chính quyền ông Joe Biden phải đối mặt là làm thế nào để đưa CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Không có gì ngạc nhiên khi tin tức cho thấy Bình Nhưỡng không mấy mặn mà với đề nghị thương lượng của Washington vì vẫn tồn tại những rào cản lớn để nối lại đàm phán giữa hai bên.
Kể từ sau thất bại tại Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhiều lần bày tỏ rằng ông không còn nhiều niềm tin vào việc có thể thay đổi bản chất quan hệ Mỹ - Triều. Trên thực tế, nếu không có bằng chứng cho thấy người Mỹ nghiêm túc muốn thay đổi mối quan hệ - chứ không chỉ tìm kiếm nhượng bộ về chương trình hạt nhân - thì lời mời nối lại đàm phán sẽ ít có sức hấp dẫn đối với ông Kim.
Còn trong trường hợp Mỹ và CHDCND Triều Tiên có thể nối lại tiến trình đàm phán thì những thách thức nào đang chờ ở phía trước?
Trước hết, từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội, CHDCND Triều Tiên đã thay hầu hết các nhà lãnh đạo cấp cao từng tham gia đàm phán với Mỹ trước đây, đặc biệt là ở Bộ Ngoại giao nước này. Một trong những thay đổi nhân sự quan trọng là việc ông Ri Yong-ho được miễn nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao. Mặc dù ông Ri không đóng vai trò là người đối thoại với Mỹ trong vòng đàm phán cuối cùng nhưng kinh nghiệm đàm phán trước đây của ông với người Mỹ chắc chắn đã ảnh hưởng đến quan điểm ngoại giao và những vấn đề chính sách đối ngoại mà ông tham mưu cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Mặt khác, người kế nhiệm, ông Ri Son-qwon, là một cựu sĩ quan quân đội, được cho là có ít kinh nghiệm đàm phán với Mỹ hoặc các vấn đề hạt nhân.
Mặc dù Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên không tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ ở cấp chuyên gia nhưng khi xét đến các tuyên bố công khai và thành phần phái đoàn tham dự các hội nghị thượng đỉnh, Bộ Ngoại giao vẫn cho thấy ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình đàm phán. Và bất kể với vai trò gì hoặc tham mưu như thế nào về đàm phán với Mỹ, cách tiếp cận của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên có thể sẽ cứng rắn hơn nhiều so với trước đây.
Một diễn biến quan trọng khác phát sinh trong 3 năm qua có khả năng đặt ra thách thức lớn cho các cuộc đàm phán trong tương lai là việc chính Chủ tịch Kim Jong-un tham gia các cuộc đàm phán. Khả năng tiếp cận với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên có thể tạo ra kênh giúp đưa ra quyết định nhanh và có thể táo bạo hơn nhưng nó cũng hạn chế phạm vi và quyền hạn của các nhà đàm phán cấp chuyên gia.
Việc để một vấn đề kỹ thuật cho các nguyên thủ quốc gia đàm phán trong một hội nghị thượng đỉnh chính thức đồng nghĩa với việc không có gì đảm bảo rằng hội nghị sẽ kết thúc theo một kế hoạch cụ thể hay các phiên trù bị trước đó. Và cách thức đàm phán như vậy cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu một thỏa thuận, nếu có đạt được, có đủ những chi tiết cần thiết để đảm bảo hai bên có cách hiểu thống nhất về các nội dung trong thỏa thuận hay không? Rốt cuộc hiểu sai hoặc cách diễn giải khác nhau về các điều khoản và điều kiện có thể nhanh chóng dẫn đến sự thất vọng, hạn chế tính bền vững của thỏa thuận.
Nếu Bình Nhưỡng nối lại hoạt động thử nghiệm tên lửa hoặc có các hành vi khiêu khích khác làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, ngoại giao có thể tạm thời bị gạt sang một bên. Tuy nhiên, đó cũng là lời nhắc nhở rằng để mặc tình hình hiện nay thì không gian chính sách sẽ càng bị thu hẹp. Mặc dù vẫn có quan điểm ủng hộ, thậm chí áp lực thực hiện cách tiếp cận "được ăn cả, ngã về không" đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên nhưng chính sách này khó mà thành công. Thay vào đó, một cách tiếp cận dài hạn, theo từng bước, mang lại tiến bộ dần dần như được xác định trong Tuyên bố chung Singapore có thể mở ra cơ hội tốt nhất để thực sự bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa và cải thiện tình hình an ninh cho các bên.