Thấy gì từ gói cứu trợ 15 tỉ USD của Nga dành cho Ukraina?

Thứ Ba, 24/12/2013, 18:35

Nga vừa chính thức viện trợ cho Ukraina 15 tỉ USD để nước này giảm bớt khó khăn về vốn trong lúc quốc gia này đang ở bờ vực phá sản, đồng thời giảm 1/3 giá khí đốt mà Moskva bán cho Kiev. Tổng thống Putin đang đi nước cờ mạo hiểm bằng gói cứu trợ này?

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraina Viktor Yanukovich ở thăm Nga ngày 17/12, Tổng thống Nga Putin hứa sẽ giảm 1/3 giá khí đốt thiên nhiên xuất khẩu sang Ukraina. Cụ thể là giá giảm xuống còn 268,5 USD/1.000m3. Ông cho biết đó là một biện pháp tạm thời. Ukraina có một nền công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt (với các ngành ngốn nhiều năng lượng như luyện kim hay phân bón). Hiện tại, Kiev phải mua khí đốt của Nga với giá hơn 400 USD/1.000m3.

Ông Putin cũng cho biết Nga sẽ đầu tư 15 tỉ USD từ Quỹ Phúc lợi Quốc gia để mua trái phiếu Chính phủ Ukraina. Ukraina cần ít nhất 10 tỉ USD để tránh phá sản. Nợ công của Ukraina là gần 180% GDP và dự trữ ngoại tệ chỉ còn đủ cho hai tháng rưỡi nhập khẩu. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế - một chủ nợ của Kiev - từ chối giải ngân số tiền 11,8 tỉ USD dự kiến cho Ukraina, với lý do Kiev tăng lương cho viên chức, giữ giá đồng tiền quá cao và không tạo thuận lợi cho kinh doanh.

Giải thích về lý do Nga hỗ trợ Ukraina, Tổng thống Putin tuyên bố sự hỗ trợ lớn mà Moskva dành cho Ukraina được đưa ra chủ yếu là do đất nước anh em đang trong tình hình tài chính và chính trị khó khăn. Nga đồng ý giảm giá khí đốt cho Kiev không phải vì lợi ích của các nhà lãnh đạo Ukraina, mà vì lợi ích của nhân dân Ukraina.

Tổng thống Nga đồng thời cũng nhấn mạnh rằng, không có sự lãng phí nào từ phía Nga khi đầu tư vào trái phiếu của Ukraina, vì đó là tiền hồi quy. Về lâu dài Nga và Ukraina cần phải tìm một giải pháp để duy trì mức giảm giá.

Trong những ngày qua, Moskva vẫn bị chỉ trích là đã gây áp lực lên Kiev để Ukraina không ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Ông Putin đã bác bỏ lời cáo buộc này, khẳng định: "Không ai tìm cách bóp nghẹt nước láng giềng". Đồng thời ông tuyên bố là Nga không hề chống lại thỏa thuận liên kết Ukraina với EU, nhưng Nga sẽ bảo vệ thị trường của mình.

Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Viktor Yanukovych tại Moskva, Nga, ngày 17/12.

Về phần Tổng thống  Yanukovych trong cuộc họp báo hôm 18/12 tại Kiev cũng khẳng định là các thỏa thuận với Nga không mâu thuẫn gì với tiến trình hội nhập của Ukraina vào EU Nhưng ông lên án phương Tây can thiệp vào chuyện nội bộ của Ukraina qua việc ủng hộ phong trào biểu tình chống chính phủ.

Hôm 18/12, Thủ tướng Ukraina Mykola Azarov đã tuyên bố trước phiên họp chính phủ rằng: "Chúng ta sẽ không còn để cho bất kỳ ai làm mất ổn định tình hình đất nước", lời lẽ cứng rắn ám chỉ đến phong trào biểu tình thân châu Âu đang diễn ra tại nước này.

Theo các nhà quan sát, xu hướng kinh tế Ukraina ngày càng gắn chặt hơn với nhóm các nước thuộc khối Liên Xô cũ, với xuất khẩu vào khu vực này tăng 36% trong 10 năm gần đây, trong khi xuất khẩu sang châu Âu giảm 25% trong cùng thời gian. Nước Nga chiếm đến 1/4 xuất khẩu của Ukraina, một loạt các ngành kinh tế chủ chốt của Ukraina sống nhờ đơn đặt hàng từ Nga.

Nga rất hy vọng Ukraina chấp nhận gia nhập liên minh thuế quan cùng với Belarus và Kazakhstan, tiền thân của một Liên minh Âu - Á rộng lớn và hứa hẹn nhiều lợi ích cho Kiev. Một Liên minh Âu - Á bao gồm các quốc gia Xôviết cũ, trong đó có Ukraina, để đối trọng lại với EU, Trung Quốc và Mỹ là mục tiêu lớn của Tổng thống Nga Putin.

Những lãnh đạo đối lập của Ukraina đã lên tiếng công kích gói viện trợ của Nga. Ông Vitaly Klitschko, một trong những lãnh đạo đối lập tại Ukraina, nói rằng ông Yanukovych đã giao đi quyền lợi quốc gia của Ukraina, nền độc lập và mọi triển vọng về một cuộc sống tốt hơn của người Ukraina. Ông nói người Ukraina có quyền được biết những gì mà ông Yanukovych hứa hẹn với điện Kremlin để đổi lấy sự hỗ trợ tài chính. Ông kêu gọi bầu cử sớm và lên tiếng: chính ông sẽ làm đối thủ thách thức Tổng thống Ukraina đương nhiệm.

Về phần các lãnh đạo EU  thì phản ứng có chừng mực hơn. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức hôm 18/12, Thủ tướng Angela Merkel đã tỏ ý lấy làm tiếc rằng, Tổng thống Yanukovych đã quyết định không ký hoặc chưa ký thỏa thuận liên kết với EU. Nhưng tân Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì đặc biệt chỉ trích Nga là đã lợi dụng tình trạng kinh tế khẩn cấp của Ukraina hiện nay.

Còn Litva, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, thì cho rằng thỏa thuận ký giữa Kiev với Moskva chỉ là một "giải pháp tạm thời", cho cuộc khủng hoảng, chứ không giải quyết những thách đố dài hạn đối với Ukraina.

Điều đáng chú ý là trong thỏa thuận hôm 17/12, Tổng thống Yanukovych không đề cập đến vấn đề gia nhập Liên minh Hải quan do Nga lãnh đạo. Theo giới quan sát, ông Yanukovych đang muốn dùng điều này để kiếm tiền từ Moskva.

Thực tế sau khi đã buộc Ukraina hủy thỏa thuận với EU, ông Putin không còn giải pháp nào khác ngoài việc mở hầu bao. Nhưng hiệu quả của nó vẫn chưa rõ. Không giống với các khoản vay IMF thường gồm các điều khoản cải cách ràng buộc, Nga không đưa ra những điều kiện gì, cũng như không đề cập đến hiệp định tự do thuế quan mà Nga đang muốn Ukraina tham gia.

Với tình trạng khó khăn của nền kinh tế và tình hình bấp bênh về mặt chính trị của ông Yanukovych, mọi khoản vay với Ukraina lúc này hoàn toàn có thể là công cốc. Chính vì thế, nhiều người cho rằng Tổng thống Putin đang đi nước cờ mạo hiểm, nhưng có lẽ không còn cách nào khác và cũng không là quá đắt với 15 tỉ USD, để giữ Ukraina tiếp tục trong vòng ảnh hưởng của mình

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.