Thế giới dõi theo cuộc đảo chính ở Mali

Thứ Hai, 24/08/2020, 13:55
Mali, quốc gia khá rộng với vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Tây Phi, vừa trải qua thêm cuộc đảo chính thứ 2 trong vòng chưa tới 10 năm. Ngày 18-8, quân đội Mali đã bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cissé. Nửa đêm 18-8, Tổng thống Keita lên truyền hình quốc gia tuyên bố từ chức.

Ngay sau khi Tổng thống Keita tuyên bố từ chức, cộng đồng quốc tế bắt đầu lên tiếng đối với cuộc đảo chính. Phương Tây đặc biệt quan tâm bởi Mali có những mối quan hệ khá đặc thù với họ. Lần lượt Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nam Phi đã lên án cuộc đảo chính “êm dịu” do quân đội tiến hành, yêu cầu những người tiến hành đảo chính và đang nắm quyền điều hành đất nước sớm trao trả quyền điều hành đất nước cho các chính khách dân sự nhằm khôi phục lại nền dân chủ.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi khôi phục ngay lập tức trật tự hiến pháp và pháp luật tại Mali. Các quốc gia láng giềng trong khu vực Tây Phi, còn gọi là vùng Sahel, đã đóng cửa biên giới với Mali, đồng thời tạm đình chỉ tư cách thành viên của nước này trong Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECWAS).

Lãnh đạo nhóm đảo chính, đại tá Assimi Goita đã tự xưng là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia cứu nguy nhân dân (NCWP) đã lên truyền hình tuyên bố nhóm của ông “không quan tâm đến việc nắm quyền lực mà chỉ quan tâm đến sự an nguy quốc gia”, đồng thời hứa với người dân Mali và cộng đồng quốc tế sẽ tiến hành một cuộc “chuyển giao chính trị dân sự” và sẽ tiến hành tổng tuyển cử sau một “thời gian thích hợp”.

Các lãnh đạo đảo chính cũng tuyên bố sẽ tôn trọng thỏa thuận hòa bình đang có hiệu lực tại Mali và sẽ hợp tác với lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ và quân đội Pháp đóng tại Mali.

Báo chí quốc tế đặt câu hỏi: Tại sao cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, Pháp và một số nước phương Tây, lại đặc biệt quan tâm theo dõi tình hình đảo chính tại Mali?

Người dân thủ đô Bamako và binh sĩ Mali reo mừng sau khi Tổng thống Keita tuyên bố từ chức.

Trong hàng chục năm sau khi giành độc lập từ tay Pháp năm 1960, Mali đã từng được xem là mô hình thành công của nền dân chủ hậu thuộc địa và cũng là một “ốc đảo bình yên”, một nền kinh tế năng động giữa vùng Sahel đầy biến động. Tuy nhiên, câu chuyện thành công đó đã trở nên thất bại kể từ sau cuộc binh biến năm 2012, lật đổ Tổng thống Amadou Touré ngay trước khi Mali bước vào cuộc bầu cử.

Cuộc đảo chính năm đó được cho là hiệu ứng dây chuyền của làn sóng “Mùa xuân Arab”, nói chính xác hơn đó là hệ lụy từ cuộc nội chiến lật đổ nhà lãnh đạo Mouammar Gaddafi của Libya năm 2011. Sau khi ông Gaddafi bị lật đổ, các nhóm lính đánh thuê Mali thất nghiệp, quay trở về quê hương và bắt đầu gây chuyện, đánh chiếm và cát cứ các khu vực ở miền Bắc Mali. Sau cuộc đảo chính năm 2012, các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan có liên hệ với Al-Qaeda đã lợi dụng tình hình nắm quyền kiểm soát các khu vực miền Bắc Mali.

Từ đây chúng gây ra những vụ khủng bố không chỉ ở Mali mà cả ở châu Âu. Nước Pháp năm 2015 nhận lãnh hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu, làm chết hàng trăm người tại thủ đô Paris, đã hiểu rõ hơn ai hết mối nguy hại từ nhũng khu vực bất ổn của Mali kể từ sau cuộc binh biến năm 2012.

Cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Bắc Phi đã chuyển hướng sang Mali. Pháp đưa hàng ngàn quân đến Mali truy quét phiến quân Hồi giáo cực đoan; Mỹ cũng đưa hàng trăm đặc nhiệm, cố vấn quân sự đến Mali để hỗ trợ chống khủng bố và LHQ cũng đưa quân gìn giữ hòa bình đến đây để giúp kiểm soát mối nguy cơ từ thành phần Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc Mali.

Trong tình hình đó, Mali đã tìm được lãnh đạo mới: ông Keita đã được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2013 với tỉ lệ 78% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, niềm hy vọng ban đầu đã nhanh chóng lụi tàn từ sau khi ông Keita tái đắc cử năm 2018. Người dân cũng như nhiều giới trong xã hội phẫn nộ trước sự yếu kém của chính phủ, cũng như việc ông Keita không thực hiện tốt lời hứa chống tham nhũng đưa ra khi tranh cử.

Tham nhũng trở thành quốc nạn đã khiến cho lời hứa của ông trở thành vô nghĩa. Người ta tố cáo chính phủ của ông bè phái, tố cáo ông Keita vì lợi ích cá nhân để cho con trai là Karim Keita (Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi cá nhân.

Sự mất niềm tin đã được thể hiện bằng lá phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 3 và 4-2020, với việc đảng của ông Keita nhận lãnh những kết quả tệ hại và Tòa án Hiến pháp tuyên hủy kết quả bầu cử dẫn đến dân chúng nổi giận, biểu tình phản đối rầm rộ vào tháng 7. Đó cũng là giọt nước tràn ly. Ông Keita hy vọng rằng những nhượng bộ của ông và những đề xuất hòa giải của phái đoàn các lãnh đạo trong khu vực sẽ giúp dập tắt làn sóng bất bình nhưng các lãnh đạo phe phản đối không chấp nhận các đề nghị và không tham gia chính quyền chia sẻ quyền lực của ông.

Trước sự bất ổn xã hội ngày càng có chiều hướng gia tăng sau phán quyết của Tòa án, quân đội bắt đầu “ra tay”. Lực lượng nổi loạn trong quân đội xuất phát từ doanh trại đóng tại thị trấn Kati, cách thủ đô Bamako chừng 15km. Các binh sĩ nổi loạn đã nổ súng, bắt giữ các chỉ huy cao cấp. Vài giờ sau, người ta thấy một đoàn xe quân sự chở Tổng thống Keita và Thủ tướng Cissé tiến vào Kati.

Giới phân tích cho rằng, sự quan tâm của Mỹ, Pháp và châu Âu ở Mali nằm ở vấn đề sự ổn định chính trị tại Bamako có tầm quan trọng hàng đầu đối với cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc Mali. Cộng đồng quốc tế lo ngại sự bất ổn ở Bamako sẽ tạo cơ hội cho Al-Qaeda cũng như Nhà nước Hồi giáo (IS) thừa cơ trỗi dậy hoạt động.

Các lực lượng khủng bố này lâu nay vẫn chưa thể bị quét sạch dù có mặt hàng ngàn quân của Pháp, Mỹ và LHQ. Người ta còn lo ngại rằng đảo chính còn có thể gây tác động dây chuyền sang các nước láng giềng trong vùng Sahel, vốn đã trải qua thời gian dài bất ổn.

An Châu (Tổng hợp)
.
.