Thêm động thái mở rộng của Bộ tứ

Thứ Ba, 08/06/2021, 09:33
Từ sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi tháng 3-2021, Đối thoại an ninh 4 bên (gọi tắt là Bộ tứ - quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia một mặt mở rộng các chủ đề hợp tác, thúc đẩy cơ chế đối thoại theo hướng thiết thực hơn, mặt khác tăng cường sự tương tác với các nước ngoài nhóm, xây dựng khuôn khổ theo hướng “Bộ tứ mở rộng” với nhiều động thái náo nhiệt.

Một trong những động thái đó là thúc đẩy các hội nghị thượng đỉnh được tổ chức thường xuyên hơn và thành lập các nhóm công tác, mức độ thể chế hóa không ngừng được nâng lên. Kể từ khi khởi động lại Đối thoại an ninh 4 bên vào năm 2017, Bộ tứ đã nâng từ cấp độ nhóm công tác lên cấp ngoại trưởng vào năm 2019. 

Đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền với việc thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nước đều bày tỏ sự ủng hộ và thái độ tích cực trong việc thúc đẩy Bộ tứ tiếp tục phát triển. 4 nước còn tuyên bố thành lập 3 nhóm công tác: nhóm công tác chuyên gia vaccine, nhóm công tác khí hậu và nhóm công tác công nghệ then chốt và mới nổi, cho thế giới thấy rằng họ có khả năng cung cấp các sản phẩm công cộng đích thực, chứ không phải chỉ tập trung vào vấn đề ứng phó với những thách thức đến từ Trung Quốc.

Lễ đón tàu chiến Pháp tham gia cuộc tập trận La Perouse tại cảng Kochi.

Thứ hai là các chủ đề dần được mở rộng, từ an ninh hàng hải đến cơ sở hạ tầng, hợp tác vaccine, an ninh mạng và biến đổi khí hậu. Ban đầu chỉ tập trung vào an ninh hàng hải, giờ đây lãnh đạo các nước này đã thảo luận về các vấn đề như tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, công nghệ then chốt, chống khủng bố, đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Lãnh đạo 4 nước đã nhất trí khởi động chương trình hợp tác vaccine cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với cam kết tập hợp lực lượng để sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 trước năm 2022, đồng thời thúc đẩy việc cung ứng vaccine và hợp tác để đưa vaccine đến tay người tiêu dùng, tập trung vào các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.

Các nước thành viên Bộ tứ còn không ngừng mở rộng đồng minh và đối tác, tăng cường mạng lưới nhanh chóng. Đầu tháng 4, Bộ tứ cùng Pháp tổ chức cuộc tập trận La Perouse ở vịnh Bengal. Sau đó tàu chiến Pháp lại tham gia cuộc tập trận Varuna của Ấn Độ và tiến hành tuần tra hướng về phía Tây Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và đồng cấp Philippines điện đàm về tình hình Biển Đông và khởi động lại cuộc tập trận chung “Vai kề vai” đã bị gián đoạn vào năm 2020... Các đối tác song phương, 3 bên, thậm chí là 4-5 bên không những giúp các bên có thể phối hợp với nhau trong hành động, bổ trợ và hình thành trụ cột quan trọng cho cơ chế Đối thoại an ninh 4 bên, mà còn mở đường cho các đối thoại trong tương lai.

Đối thoại an ninh 4 bên được khởi động trong bối cảnh các bên đều thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đặc biệt là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc. Điều này quyết định việc Bộ tứ với vai trò trụ cột của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là công cụ chính để Mỹ thực hiện chiến lược ngăn chặn và bao vây đối với Trung Quốc. 

Mặc dù tuyên bố chung được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Bộ tứ chưa nhắc đến cụm từ “Trung Quốc” nào nhưng các nguyên tắc mà nó nhấn mạnh như tự do, cởi mở, giá trị dân chủ và không ép buộc, cũng như các vấn đề đang quan tâm như ngoại giao vaccine, an toàn hàng hải, công nghệ then chốt, an ninh chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng đều dường như ám chỉ và nhắm đến Trung Quốc. Các biện pháp của Bộ tứ nhằm kiềm chế Trung Quốc có vẻ như không chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh hàng hải, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng như công nghệ then chốt, với ý đồ hợp lực để đối phó một cách toàn diện với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Đội hình Hải quân Pháp và Hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận Varuna.

Cả 4 nước của Bộ tứ đều là thành viên của các cơ chế an ninh chủ yếu của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là nòng cốt. Để xóa tan sự hoài nghi của các nước ASEAN về sự bất ổn địa chính trị, lãnh đạo các nước Bộ tứ một lần nữa nhấn mạnh ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.

Tuy nhiên, thực tế khi tham gia và gây ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh khu vực, họ sẽ thường nghiêng về các hợp tác trên phạm vi nhỏ như hợp tác song phương, 3 bên và 4 bên, cũng nhằm lôi kéo các nước châu Âu can thiệp các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những hành động này (nếu có) có thể làm đảo lộn khuôn khổ hợp tác an ninh khu vực hiện có, làm suy yếu vài trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và đe dọa đến sự tiến triển của cơ chế hợp tác an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm. 

Ngoài ra, các vấn đề được đề cập trong Đối thoại an ninh 4 bên còn trùng lặp với cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt, điều này có thể làm giảm sự quan tâm của một số nước đối với cơ chế ASEAN.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.