Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ đứng sau cuộc đảo chính
- Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống cảnh báo về nguy cơ đảo chính mới
- Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bàn việc đền bù trong vụ bắn hạ máy bay Su-24
- Thổ Nhĩ Kỳ: Phát lệnh truy nã Giáo sĩ Fethullah Gulen
Cũng tờ báo này, trên trang nhất giật tít "Mỹ đã cố ám sát Tổng thống Erdogan vào đêm xảy ra vụ đảo chính". Một tờ báo khác cũng của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc khảo sát bạn đọc trên mạng xã hội Twitter, với câu hỏi "Cơ quan nào của Mỹ đã hỗ trợ những kẻ âm mưu đảo chính?", thì có đến 69% trả lời là CIA, kế đến là Nhà Trắng với 20% người khẳng định.
Giáo sĩ Fethullah Gulen, ngòi nổ căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. |
Những thuyết âm mưu kiểu trên đây không phải là sản phẩm của một bộ phận những kẻ chuyên trục lợi bằng cách tung tin đồn thất thiệt, mà là quan điểm chính thống của đại bộ phận người dân Thổ Nhĩ Kỳ - cho dù xuất thân thành phần khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về tôn giáo, ngành nghề, quan điểm, tư tưởng.
Thổ Nhĩ Kỳ là một đất nước bị chia rẽ sâu sắc bởi nhiều nhóm xã hội khác nhau - Hồi giáo, thế tục, tự do, dân tộc chủ nghĩa - nhưng họ có chung quan điểm là Mỹ đã trực tiếp hoặc gián tiếp dính líu đến cuộc đảo chính hụt vừa qua.
"Cứ hễ có chuyện động trời gì xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngay tức thì người ta gọi đó là một âm mưu" - ý kiến của Akin Unver, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has ở Istanbul. Kiểu phản ứng mà giáo sư Unver nhắc đến có nguồn gốc từ cách đây gần một thế kỷ, vào cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi phương Tây chia nhau xâu xé đế quốc Ottoman bại trận.
Kế hoạch phân chia Thổ Nhĩ Kỳ thành nhiều quốc gia nhỏ đã thất bại khi Mustafa Kemal Ataturk lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại các thế lực chiếm đóng, lập ra nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Ký ức đó mãi mãi in sâu vào tâm khảm người Thổ Nhĩ kỳ nỗi lo sợ các âm mưu xâm chiếm trở lại của người phương Tây.
Thuyết âm mưu về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính đã được đẩy lên mức đỉnh cao, với phát biểu của Tổng thống Erdogan cáo buộc "Mỹ đứng sau cuộc đảo chính" dựa trên cơ sở chính quyền Mỹ chứa chấp Gulen, đồng thời từ chối dẫn độ Gulen theo yêu cầu của Ankara.
Mức độ lan truyền của thuyết âm mưu, lời cáo buộc của người đứng đầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama phải lên tiếng công khai cải chính. Tuy nhiên, lời cải chính của ông Obama chẳng khiến người Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng, và người ta vẫn cứ cho rằng CIA đã thò bàn tay vào công việc nội bộ của Ankara.
Tâm điểm để người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Erdogan cáo buộc Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính chính là việc Mỹ đang dung túng cho giáo sĩ Fethullah Gulen - người mà Ankara nhất quyết cho là đứng sau cuộc đảo chính, bởi những kẻ gây ra và tham gia cuộc binh biến vừa rồi đều là người theo đường hướng, tư tưởng của Gulen, còn gọi là "phong trào Hizmet".
Cho dù ông Gulen trong nhiều cuộc nói chuyện trước báo chí gần đây đã một mực khẳng định mình không liên can gì trong cuộc binh biến đêm 14-7, nhưng đa số người ủng hộ Tổng thống Erdogan vẫn buộc tội ông.
Bởi vì, ông đang sống ở Mỹ, và một số quan chức Mỹ làm việc ở CIA và một cựu Đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp ông trở thành công dân Mỹ. Và vì vậy nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Gulen là một điệp viên của Mỹ. Từ lập luận này, người ta dễ dàng suy luận rằng người Mỹ đã cùng với Gulen lập mưu để hạ bệ Tổng thống Erdogan. Như một chủ tiệm tạp hóa ở Istanbul nói: "Không nghi ngờ gì nữa, Mỹ đứng sau cuộc đảo chính. Và chắc chắn CIA có vai trò trong đó".
Gulen đã trở thành vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Ngay sau cuộc đảo chính, Ankara đã đưa ra cáo buộc Gulen chỉ huy cái gọi là "Fethullah Terror Organization", và yêu cầu Washington dẫn độ ông ta về Thổ Nhĩ Kỳ để luận tội. Để củng cố lời cáo buộc của mình, Ankara đã gửi cho Nhà Trắng một bộ hồ sơ chứng cứ, nhưng chưa đưa ra yêu cầu pháp lý chính thức.
Gần đây nhất, cuối tháng 7-2016, một phái đoàn nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Mỹ để thúc đẩy việc dẫn độ Gulen, nhưng Mỹ không chấp nhận. Đây là một vấn đề phức tạp, bởi việc bắt giữ ông Gulen phải tuân thủ đúng luật tố tụng của nước Mỹ, trong đó yêu cầu quan trọng là phải có bằng chứng xác đáng, đủ thuyết phục để chứng minh ông Gulen phạm tội, nếu không, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó lòng đưa được ông ra khỏi nước Mỹ.
Giới bình luận cho rằng, do suy nghĩ chung ở Thổ Nhĩ Kỳ rằng Gulen đứng sau cuộc đảo chính, nên việc nước Mỹ không cho dẫn độ ông ta khiến người Thổ rất tức giận và sẵn sàng làm bất cứ việc gì họ cảm thấy "hả giận".
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ còn "dị ứng" hơn với Mỹ, và cả các đồng minh châu Âu vì các quốc gia này thay vì ủng hộ Ankara trong cuộc đại thanh trừng sau đảo chính, đã lên tiếng chỉ trích Ankara vì cuộc đại thanh trừng này, yêu cầu Ankara phải tuân thủ các công ước quốc tế về nhân quyền mà Ankara đã tham gia ký kết. Thái độ và động thái này, cộng với việc không cho dẫn độ Gulen, càng khiến người Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Washington về cùng phe với ông ta.
Một nguyên nhân nữa khiến người Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ ủng hộ phe đảo chính, đó là việc các quan chức quân đội Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik đã "bình chân như vại" suốt quá trình cuộc đảo chính diễn ra và cả sau khi đảo chính thất bại. Khi cuộc đảo chính nổ ra, đại tá David Trucksa, một chỉ huy chiến dịch ném bom IS thuộc căn cứ này, đã được thuộc cấp báo cáo về tình hình đảo chính đang diễn ra.
Một chiếc máy bay từ căn cứ Incirlik đã tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu tham gia đảo chính. Sau khi đảo chính thất bại, tướng Bekir Ercan Van, Chỉ huy trưởng căn cứ không quân Incirlik đã bị bắt. Ankara ra lệnh cắt nguồn điện cung cấp cho căn cứ và tạm đình chỉ mọi chuyến bay quân sự từ căn cứ.
Sau khi tướng Joseph F. Danford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) tiếp xúc và nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, mọi hoạt động quân sự của quân Mỹ và NATO tại căn cứ này mới được khôi phục.
Giờ đây, khi trong dư luận Thổ Nhĩ kỳ lan truyền lời cáo buộc Mỹ can dự vào đảo chính, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lại chơi bài "nước đôi", một mặt công khai khuyến khích thuyết âm mưu, nhưng mặt khác lại trấn an giới chức Mỹ rằng "không có gì thay đổi trong quan hệ hai nước". Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan gần đây còn nói với báo chí: "Chúng tôi không nghĩ rằng Mỹ có dính líu gì trong cuộc đảo chính hụt vừa rồi".
Giới chức quân sự Thổ Nhĩ kỳ cũng đã bảo đảm với tướng Danford khi ông đến Ankara rằng Thổ Nhĩ Kỳ có ý muốn duy trì quan hệ khăng khít với Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Nhưng khi một tướng chỉ huy chống khủng bố của quân Mỹ tại căn cứ Incirlik bày tỏ lo ngại khi người hợp tác tích cực nhất với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố là tướng Bekir Ercan Van bị bắt, Tổng thống Erdogan đã vin vào câu phát biểu đó, cộng với việc Mỹ chứa chấp giáo sĩ Gulen, để khẳng định Mỹ đứng về phe đảo chính.