Thỏa thuận 5 điểm giảm căng thẳng Ấn-Trung
Đàm phán gấp
Theo tin từ hãng DW, tối 10-9, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí về 5 điểm để hướng dẫn cách tiếp cận tình hình trên đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), bao gồm cả việc giải tán quân đội và giảm bớt căng thẳng. Đồng thuận đạt được trong cuộc hội đàm kéo dài 2 tiếng rưỡi giữa Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Moscow (Nga). Sau đó, một tuyên bố chung đã được đưa ra vào sáng sớm 11-9 cho biết, các ngoại trưởng nhất trí rằng “cả hai bên nên thực hiện chỉ đạo từ một loạt các đồng thuận của các nhà lãnh đạo về phát triển quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc, bao gồm cả việc “không để những khác biệt trở thành tranh chấp”.
Ngoại trưởng hai nước cũng nhất trí thêm rằng “lực lượng biên phòng hai bên nên tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và xoa dịu căng thẳng”. Chưa hết, New Delhi và Bắc Kinh cam kết “tuân thủ tất cả các thỏa thuận và giao thức hiện có về các vấn đề biên giới Trung Quốc-Ấn Độ; duy trì hòa bình, yên tĩnh ở khu vực biên giới và tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang vấn đề”; tiếp tục trao đổi thông qua cơ chế đại diện đặc biệt và các cuộc họp của cơ chế làm việc về tham vấn và điều phối (WMCC) về các vấn đề biên giới và “khi tình hình dịu đi, hai bên cần xúc tiến việc ký kết các biện pháp xây dựng lòng tin mới”.
Ấn Độ triển khai thêm quân đội khi căng thẳng gia tăng với Trung Quốc ở đường Ranh giới kiểm soát thực tế. Ảnh: AAP. |
Giới quan sát nhận định, với những điều kiện này, Ấn Độ đã thẳng thắn nêu bật mối quan ngại của họ trước việc Trung Quốc ồ ạt đưa quân đội và thiết bị quân sự đến dọc LAC mà không có bất kỳ lời giải thích đáng tin cậy nào. “Sự hiện diện của lượng quân tập trung lớn như vậy không phù hợp với các thỏa thuận năm 1993, 1996 và tạo ra các điểm nóng dọc theo LAC. Hành vi khiêu khích của quân đội tiền tuyến Trung Quốc tại nhiều nơi xảy ra xung đột dọc LAC cho thấy sự coi thường các hiệp định và nghị định thư song phương” bài báo trên hãng DW viết. Vì thế, nhiệm vụ trước mắt của Trung Quốc để có được lòng tin từ Ấn Độ là đảm bảo rút quân toàn diện trên tất cả các địa bàn đang có đụng độ. Điều này cũng là cần thiết để ngăn chặn bất kỳ sự cố không đáng có trong tương lai. New Delhi cho biết, họ hy vọng Bắc Kinh tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận về quản lý các khu vực biên giới và ở chiều ngược lại, quân đội Ấn Độ cũng sẽ thực hiện một cách thận trọng các thỏa thuận và giao thức trên khu vực biên giới.
Ngã rẽ mới
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ thời gian qua đã tăng cao một cách nguy hiểm, khi quân đội hai bên đối đầu ở vùng xa xôi hẻo lánh trên dãy Himalaya và cáo buộc nhau bắn cảnh cáo dọc biên giới tranh chấp. Chưa hết, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ còn xung đột tại nhiều địa điểm dọc theo LAC. Vụ việc lên đến đỉnh điểm vào hôm 7-9 khi hai bên cáo buộc nhau nổ súng trên không ở khu vực Ladakh. Sau đó 3 ngày, quân đội hai bên tiếp tục tập trung gần nhau ở ít nhất 4 địa điểm phía Nam hồ Pangong Tso - nơi cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Srikanth Kondapalli, GS nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru của New Delhi nói: “Hôm 9-9, không quân Trung Quốc đã ở mức báo động thứ hai và các tên lửa đất đối không đã được kích hoạt để chống lại bất kỳ động thái nào từ không quân đối phương. Mặc dù vụ bắn trước đó diễn ra trên không và không nhằm vào nhau nhưng chắc chắn đó là một sự leo thang”.
Các cuộc giao tranh không phải là mới đối với biên giới dài 3.488 km giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hai nước từng có chiến tranh vào năm 1962 nhưng đến nay các vấn đề biên giới vẫn kéo dài. Trung Quốc tuyên bố khoảng 90.000 km2 ở bang Arunachal Pradesh được gọi là Nam Tây Tạng còn Ấn Độ lại khẳng định chủ quyền trên 38.000 km2 của Aksai Chin Plateau. Hơn một chục vòng đàm phán đã được thực hiện nhưng không đạt được tiến bộ đáng kể. Lần bế tắc mới nhất trước vụ việc hôm 7-9, bắt đầu vào ngày 5-5, khi một cuộc ẩu đả nổ ra tại hồ Pangong Tso, nằm ở độ cao 4.270m so với mực nước biển ở vùng Ladakh thuộc dãy Himalaya. Các binh lính Ấn Độ và Trung Quốc sau đó đã đụng độ bằng gậy sắt và đá viên.
Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đàm phán trong 2,5 tiếng đồng hồ tối 10-9. Ảnh: PTI. |
Đến ngày 9-5, hàng chục binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã bị thương trong các cuộc giao tranh và ném đá khi một cuộc giao tranh khác nổ ra tại đèo Nathu La ở bang Sikkim, Ấn Độ, gần 1.200 km về phía Đông dọc theo LAC. Ngày 15-6, một cuộc đụng độ giữa hai bên tại thung lũng Galwan đã dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và một số chưa rõ của quân Trung Quốc...
“Căng thẳng được kích hoạt bởi các hoạt động cơ sở hạ tầng của Ấn Độ dọc theo LAC cũng như khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và quyết định thay đổi tình trạng của Kashmir do Ấn Độ quản lý vào năm 2019. Một số vòng đàm phán giữa các quan chức quân sự và ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa phá vỡ được bế tắc. Cả hai bên tiếp tục cáo buộc nhau khiêu khích đối phương bằng các chiến thuật gây hấn.
Vài ngày trước khi bùng phát trở lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc tại Moscow, nơi cả hai bên đã đồng ý “giảm leo thang” tình hình. Cuộc gặp vào ngày 5-9 là cuộc tiếp xúc chính trị trực diện đầu tiên giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ khi bế tắc nổ ra cách đây 4 tháng. Tuy nhiên, khi đó, không có bất kỳ thỏa hiệp nào được thực hiện vì tình hình đang được Bộ Quốc phòng xử lý. Bộ Ngoại giao chỉ đóng vai trò bên lề. Rất may là hai ngoại trưởng đã giảm nhẹ ngôn ngữ và tiến tới được giải pháp ngoại giao chỉ 5 ngày sau đó”, ông Derek Grossman nhận định.
GS Srikanth Kondapalli khẳng định, quan hệ song phương Ấn Độ - Trung Quốc đã phát triển trên một “quỹ đạo phần lớn tích cực”. “Mặc dù thỉnh thoảng có những sự cố xảy ra nhưng hòa bình và yên tĩnh chủ yếu chiếm ưu thế ở các khu vực biên giới và hợp tác Ấn Độ - Trung Quốc đã phát triển trên nhiều lĩnh vực để mang lại cho mối quan hệ một đặc điểm thực chất hơn. Những khác biệt là điều bình thường nhưng quan trọng là phải đặt những khác biệt này vào bối cảnh thích hợp đối với quan hệ song phương. New Delhi và Bắc Kinh một lần nữa lại đi đến ngã rẽ nhưng miễn là hai bên tiếp tục đưa mối quan hệ đi đúng hướng, sẽ không có khó khăn hay thách thức nào có thể xảy ra mà không được khắc phục được”, GS Srikanth Kondapalli lưu ý.