Thỏa thuận hạt nhân Iran và thế khó của ông Biden

Thứ Tư, 03/02/2021, 18:25
Chính quyền ông Biden cuối cùng đã lên tiếng về vấn đề hạt nhân Iran. Ngày 27-1, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói rằng “nếu Iran một lần nữa đáp ứng đầy đủ các cam kết của mình theo thỏa thuận thì Mỹ cũng vậy”.


Lời nói này được gửi tới Iran là phản ứng trực tiếp đầu tiên đối với những áp lực quốc tế từ các bên kí kết thỏa thuận hạt nhân, với Nga, vốn thúc giục Washington quay trở lại Hiệp định Vienna 2015, bị chính quyền ông Trump rút lui vào năm 2018 và với châu Âu, những nước kêu gọi Iran tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận trước đó. 

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Anthony Blinken cũng đáp lại những lời đe dọa của Iran về việc chế tạo bom hạt nhân và những lời đe dọa sẽ chuẩn bị cho cuộc chiến với kẻ thù Iran của Israel.

Như để khẳng định quyết tâm bình ổn vấn đề hạt nhân Iran, 3 ngày sau phát biểu của Ngoại trưởng Blinken, ngày 30-1, Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm ông Robert Malley, một chuyên gia về Trung Đông và là quan chức của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, làm Đặc phái viên về Iran. Ông Malley sẽ dẫn đầu nhóm quan chức của chính quyền mới trong các cuộc đàm phán với Iran nhằm nỗ lực đưa nước này tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Bệ phóng tên lửa Arrow-3 của Israel.

Một dấu hiệu khác cho thấy ý định nhanh chóng tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran của ông Biden là việc ông đề cử ông William Burns, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, vào vị trí người đứng đầu Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Ông Burns chính là người đã kết nối các cuộc đàm phán bí mật trước kia với Tehran để tạo cơ sở cho việc ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ông Biden đã đề cập khả năng Mỹ quay trở lại JCPOA chỉ sau khi Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận.

Nhưng, những mong muốn của tân chính quyền Mỹ đang vấp phải những trở ngại lớn từ chính đồng minh Israel của mình. Ngay sau phát biểu của Ngoại trưởng Blinken về Iran, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel Aviv Kohavi cho biết, quân đội nước này đang điều chỉnh kế hoạch hoạt động để đối phó với Iran. Ông Kohavi đồng thời cho rằng ý định của Mỹ trở lại Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran sẽ là “sai lầm”.

“Việc trở lại Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay cho dù là một thỏa thuận tương tự có thay đổi một vài chi tiết, đều là tồi tệ và sai lầm trên quan điểm chiến lược và thực tiễn”, tướng Aviv Kohavi cho biết trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Đại học Tel Aviv. Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin, người đứng đầu Cơ quan tình báo Mossad của nước này, cũng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Yossi Cohen dự kiến đến thủ đô Washington, Mỹ vào tháng tới, để trình bày lên chính quyền Tổng thống Biden bản thảo điều kiện liên quan tới một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng với Iran.

Ông Cohen dự kiến cũng sẽ gặp Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và một lần nữa đưa ra bản đánh giá tình báo về chương trình hạt nhân Iran. Đội ngũ tới Washington của Israel sắp tới sẽ yêu cầu “thay đổi triệt để” thỏa thuận 2015, với những điều kiệt khắt khe hơn đối với Tehran, bao gồm ngừng hoàn toàn việc làm giàu urani và sản xuất máy ly tâm tiên tiến. Trên hết, Israel muốn Iran ngừng “hỗ trợ các nhóm khủng bố” và “chấm dứt hiện diện quân sự ở Iraq, Syria và Yemen”.

Phản ứng trước phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, Tehran tuyên bố không chấp nhận yêu cầu đảo ngược quyết định đẩy nhanh chương trình hạt nhân do Mỹ đưa ra nếu họ vẫn chịu các lệnh trừng phạt. Yêu cầu của Mỹ là điều “không thực tế và sẽ không xảy ra”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ở Istanbul ngày 29-1. Iran lần lượt phá vỡ các cam kết để phản ứng với việc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Iran hồi đầu tháng 1 tiếp tục làm giàu uranium lên mức 20% tại cơ sở hạt nhân Fordow, cấp độ nước này đã đạt được trước khi ký thỏa thuận.

Tuy nhiên, Iran cho biết có thể nhanh chóng đảo ngược việc phá vỡ cam kết nếu Mỹ dỡ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. “Nếu Mỹ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình”, Ngoại trưởng Zarif nói. Quốc hội Iran hồi tháng 12-2020 thông qua đạo luật yêu cầu chính phủ nước này phải tiếp tục lập trường cứng rắn về chương trình hạt nhân nếu Mỹ không nới lỏng các lệnh trừng phạt trong vòng hai tháng.

Ông Joe Biden sẽ gặp không ít khó khăn với di sản của người tiền nhiệm.

Liên quan đến phát biểu của Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel, Thiếu tướng Iran Abolfazl Shekarchi cảnh báo: “Nếu Israel phạm sai lầm nhỏ nhất đối với Cộng hòa Hồi giáo, chúng tôi sẽ tấn công các căn cứ tên lửa mà họ nói rằng họ sẽ sử dụng để tấn công Iran, đồng thời san phẳng Haifa và Tel Aviv trong thời gian ngắn nhất có thể”. Ông cho biết thêm rằng, Israel chưa nhận ra khả năng quân sự của Iran và cảnh báo Israel sẽ “sụp đổ” vì đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho người Hồi giáo.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: “Giờ quả bóng đang ở trong chân Mỹ và Washington nên trở lại và thực hiện nghĩa vụ của mình. Chính quyền của ông Donald Trump đã kết thúc nhưng thỏa thuận hạt nhân vẫn còn sống. Tất cả những nỗ lực của ông Trump để phá bỏ thỏa thuận này đã không thành công. Hiện, đến lúc nhóm P5+1 thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu họ làm được, họ biết rằng chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”.

Bất chấp những khó khăn nhưng rõ ràng hoàn toàn có cơ hội cho hai bên hóa giải mâu thuẫn. Những nỗ lực này cũng đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng quốc tế. Các cường quốc trong Liên minh châu Âu đang rất trông chờ được làm việc với nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ nhằm nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Nga hy vọng Mỹ sẽ trở lại tuân thủ đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc liên quan đến hồ sơ hạt nhân Tehran, tạo điều kiện để Iran thực hiện những nghĩa vụ theo khuôn khổ của JCPOA. Trong khi Văn phòng Tổng thống Pháp hối thúc phía Iran thực thi đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận này về việc hạn chế chương trình hạt nhân của mình để chứng kiến Mỹ quay trở lại sau khi quay lưng rời bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với P5+1.

Nhận định về khả năng tái gia nhập Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Ngoại trưởng Blinken cho rằng Mỹ còn “một chặng đường dài” để đi. Phát biểu này cho thấy có khả năng tình hình sẽ khó giảm nhiệt trong một sớm một chiều và Mỹ sẽ còn tiếp tục gia tăng áp lực lên Iran trong thời gian tới.
Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.