Thủ đoạn của bọn tội phạm rửa tiền trên thế giới

Thứ Tư, 29/11/2006, 08:30
Hiện nay, hoạt động của bọn tội phạm có tổ chức hoạt động xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, các băng đảng xã hội đen, thế giới ngầm... đang diễn ra hết sức phức tạp và nguy hiểm.

Nguồn thu từ các hoạt động bất hợp pháp của bọn tội phạm rất lớn. Tại một số ít quốc gia, các chuyên gia tội phạm học ước tính rằng, thu nhập của “thế giới ngầm” tương đương thậm chí lớn hơn tổng thu nhập quốc nội (GDP) của quốc gia đó. Do vậy, để hợp thức hóa số tài sản phi pháp này, che mắt cơ quan bảo vệ pháp luật và xóa dấu vết phạm tội, bọn tội phạm có xu hướng tăng cường các hoạt động rửa tiền.

 

Đi đầu trong việc rửa tiền và rửa với số lượng lớn là các loại tội phạm buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tội phạm buôn người, buôn bán ma túy và tội phạm kinh tế. Ước tính, số lượng tài sản tham gia rửa tiền của bọn tội phạm trên thế giới khoảng 700 - 1.000 tỉ USD/năm, trong đó chỉ tính riêng tội phạm ma túy quốc tế đã “góp” tới 200 tỉ USD. Các băng đảng tội phạm ở Hoa Kỳ và Canada được coi là các đại gia trong lĩnh vực rửa tiền với số lượng khoảng 100 - 300 tỉ USD/năm.

 

Để hợp pháp hóa số tiền do phạm tội mà có, bọn tội phạm có rất nhiều thủ đoạn để lách những khe hở trong văn bản pháp quy phòng chống rửa tiền mà các quốc gia đã ban hành. Nếu chỉ muốn rửa tiền khoảng vài triệu USD một năm, cách đơn giản nhất là bọn tội phạm sử dụng phương pháp “đa tài khoản” bằng cách mở nhiều tài khoản đứng tên nhiều người với số dư thông thường là  ít hơn 10.000 USD tại  nhiều ngân hàng khác nhau. Sau đó, chúng thực hiện các giao dịch chuyển tiền vào tài khoản nhiều lần với số tiền thấp hơn số tiền sẽ bị theo dõi quy định trong luật pháp về phòng chống rửa tiền của quốc gia đó.

 

Các chủ tài khoản “ảo” này sẽ rút dần số tiền từ tài khoản và nhờ một người trung gian hợp pháp chuyển vào một tài khoản ở quốc gia an toàn theo sự lựa chọn của chúng. Một số băng đảng câu kết với nhân viên kiểm soát của các ngân hàng để thực hiện các giao dịch với số tiền lớn mà không bị báo cáo kiểm soát hoặc hối lộ nhân viên hải quan cửa khẩu để đem tiền mặt ra khỏi biên giới tới quốc gia thứ ba để gửi vào tài khoản ở nước ngoài.

 

Tại Mỹ và Costa Rica, để tránh sự kiểm tra của hải quan, bọn tội phạm thiết lập một đường dây chuyên vận chuyển lậu tiền mặt qua biên giới đường bộ sang Mexico, sau đó gửi vào tài khoản dưới dạng USD tại một số ngân hàng tư nhân trá hình do chính chúng tạo dựng. Các ngân hàng này luôn có báo cáo tài chính gian dối và không thông báo về nhiều giao dịch vượt quá số tiền quy định.

 

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ước tính, số tiền gửi dạng này tại Mexico lên tới khoảng 10 tỉ USD/năm. Tại nhiều nước, do chính sách kiểm soát  tiền tệ qua biên giới của chính phủ hết sức chặt chẽ nên các băng đảng tội phạm phải dùng tiền phạm pháp để mua các loại hàng hóa đắt tiền, khối lượng nhỏ như kim cương, vàng, tem cổ và các bộ sưu tập quý, sau đó hợp pháp hóa để vận chuyển ra nước ngoài. Tại đây, các đồ vật này được bán thu về  tiền mặt rồi lại  chuyển vào các tài khoản trong nước. 50% số lượng tiền dùng để tiến hành các giao dịch này là dưới dạng USD.

 

Có một xu thế rất đáng lo ngại là ngày càng có  nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng trên thế giới vô tình hoặc hữu ý để bọn tội phạm lợi dụng làm trung gian cho hoạt động rửa tiền của chúng. Thủ đoạn thường là sử dụng giấy ủy nhiệm chi hoặc phương thức khác để chuyển tiền qua ngân hàng quốc tế giữa các quốc gia; dùng séc du lịch để chuyển tiền qua biên giới; tạo nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng sau đó thực hiện các giao dịch thương mại giả...

 

Tại Canada, năm 2005, cảnh sát phát hiện một trùm buôn bán ma túy đã rửa tiền 100 triệu USD thành công trong suốt 6 năm tại một chi nhánh ngân hàng tư nhân đặt tại thành phố Nassau. Các khoản tiền này được chuyển tiếp đến chi nhánh Ngân hàng đảo Cayman rồi về chi nhánh ngân hàng New York. Tại đây, chúng bị xé lẻ và chui vào túi các công ty “ma” được sở hữu bởi nhiều cá nhân trên khắp nước Mỹ.

 

Lợi dụng khe hở trong quá trình hiện đại hóa ngành ngân hàng, bọn tội phạm thực hiện rửa tiền qua các giao dịch vắng mặt chủ tài khoản với điện chuyển tiền hoặc lệnh điện tử. Chính điều này cũng gây khó khăn và phức tạp đối với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, phát hiện và truy tìm nguồn gốc, đặc biệt là các giao dịch điện tử thông qua bên thứ ba bằng việc đầu tư tiền bất hợp pháp vào các loại hình bảo hiểm nhân thọ.

 

Các băng đảng tội phạm cũng lợi dụng chính sách nhân đạo để thành lập một số quỹ từ thiện hoặc lợi dụng các quỹ này để tiến hành các hoạt động rửa tiền. Tháng 12/2005, Cảnh sát bang Nevada (Mỹ) phát hiện các băng đảng buôn người và lợi dụng 2 quỹ từ thiện địa phương để rót tiền tài trợ vào các quỹ này, sau đó lại chuyển hoặc yêu cầu chuyển vào một địa chỉ nhận tiền định sẵn mà từ đó chúng có thể rút tiền ra và số tiền đó đã được coi là tiền “sạch”. Tổng số tiền bị tẩy rửa trong vụ này là 140.000USD.

 

Ngoài các thủ đoạn trên, bọn tội phạm còn rửa tiền bằng cách đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư ra nước ngoài thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc dự án có giá trị cao nhưng không có tính bền vững. Trước tiên, bọn tội phạm đầu tư cực lớn để chuyển tiền bất hợp pháp thành hợp pháp, sau một thời gian ngắn, chúng tìm cách rút vốn từ các dự án này để ung dung hưởng thụ.

 

Hiện nay, có một xu hướng cực kỳ nguy hiểm là tại một số nước kém phát triển, các băng đảng tội phạm nước ngoài và trong nước tìm cách rửa tiền thông qua thủ đoạn đầu cơ chính trị, mua quan bán chức để đưa người của chúng vào bộ máy công quyền rồi từ đó lợi dụng để tiến hành các hoạt động bao che, dung túng cho các hoạt động phi pháp hoặc tham nhũng tiền của nhà nước. Đây là thủ đoạn rửa tiền cao cấp mà lợi nhuận của chúng có thể được nhân lên theo cấp số nhân và là mối nguy hại khôn lường với sự tồn vong của quốc gia đó.

 

Với tất cả những thủ đoạn tinh vi trên, tội phạm rửa tiền đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình an ninh, trật tự trên thế giới. Cuộc chiến chống loại tội phạm này sẽ còn lâu dài và phải vượt qua nhiều khó khăn, phức tạp mới có thể đạt kết quả

Nguyễn Hoàng Đoàn
.
.