Thủ phủ Barcelona của vùng Catalonia trước nguy cơ bạo loạn và khủng bố
- Lãnh đạo Catalonia lên án hành động của chính phủ Tây Ban Nha
- Tây Ban Nha nhượng bộ, không tước quyền tự trị của Catalonia
- Tây Ban Nha dọa tước quyền tự trị của Catalonia
Trên website của Bộ Ngoại giao Anh cũng đưa ra lời khẳng định: "Các cuộc biểu tình đang xảy ra ở Barcelona cũng như các vùng khác trong khu vực Catalonia vẫn tiếp tục diễn ra mà không có cảnh báo trước, thậm chí có thể chuyển sang đối đầu. Do vậy, quý vị nên thận trọng, hãy tránh xa các khu vực quảng trường trung tâm, điểm tụ tập đông người hay các điểm bỏ phiếu, mít tinh có diễn giả".
Tây Ban Nha được xác định vẫn nằm trong tầm ngắm của các vụ khủng bố, đặc biệt ở nơi có đông người nước ngoài và du khách, vì vậy chuẩn bị tới Tây Ban Nha, du khách được khuyến cáo cần nhận thức "về mối đe dọa khủng bố ở đây" và phải hết sức cảnh giác trong mọi thời điểm. Còn nhớ, tháng 8 vừa qua, hai vụ khủng bố tấn công đã xảy ra ở Barcelona và Cambril.
Người dân Catalonia biểu tình tại Barcelona để phản đối việc Madrid bắt hai thủ lĩnh phong trào ly khai hôm 21-10. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, chính quyền trung ương Tây Ban Nha đã ra thông báo sẽ tước quyền tự trị đối với Catalonia do ông Carles Puigdemont, lãnh đạo khu vực này, vẫn muốn độc lập theo kết quả trưng cầu dân ý hôm 1-10.
Và đến ngày 10-10, ông Puigdemont ký tuyên bố tách khỏi Tây Ban Nha trong phiên họp nghị viện Catalonia, dựa trên kết quả cuộc trưng cầu dân ý với 90% trong 2,26 triệu người Catalonia đi bỏ phiếu ủng hộ độc lập, nhưng hoãn thi hành.
Cc đảng ủng hộ ly khai ở Catalonia thông báo sẽ đồng thời nhóm họp vào ngày 26-10 này để quyết định phương án đáp trả Madrid. Đảng cực tả CUP, ủng hộ liên minh cầm quyền của ông Puigdemont, cho rằng hành động của chính quyền Madrid sau khi diễn ra các cuộc trưng cầu dân ý là "cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào người dân Catalonia kể từ thời nhà độc tài Francisco Franco", người lãnh đạo Tây Ban Nha từ năm 1939 -1975, đã trấn áp nền tự trị, ngôn ngữ cũng như văn hóa của Catalonia.
Trong khi đó, vào ngày 21-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố rằng, Madrid muốn giải tán nghị viện Catalonia và tổ chức bầu cử sớm để khôi phục trật tự tại khu vực. Ông đề nghị Thượng viện thông qua quyết định trên, các bộ trưởng chính quyền trung ương sẽ tiếp quản quyền lực của giới chức Catalonia và Thượng viện Tây Ban Nha dự kiến đình chỉ quyền tự trị đối với Catalonia trong cuộc họp ngày 27-10. Phó thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria còn cho biết, ông Puigdemont sẽ "bị bãi chức sớm nhất vào cuối tuần này".
Tình hình không có dấu hiệu hạ nhiệt khi ngày 23-10, ông Raul Romeva, phụ trách vấn đề đối ngoại Catalonia, phát biểu với đài BBC: "Mọi thể chế, bao gồm cả cảnh sát, cần nghe theo chỉ đạo từ chính quyền Catalonia dân cử và hợp pháp".
Theo ông Romeva, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể có nền dân chủ thật sự nếu giới lãnh đạo EU cho phép Madrid áp đặt thẩm quyền trực tiếp lên Catalonia. "Họ có còn đáng tin không nếu cho phép điều này xảy ra?" - ông Romeva nói - "Bởi vì tôi có thể nói rằng, người dân và các thể chế ở Catalonia sẽ không để chuyện đó diễn ra".
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo chính quyền tự trị, lực lượng cứu hỏa, giáo viên và sinh viên ở Catalonia tuyên bố sẽ tham gia vào nỗ lực đòi ly khai. AFP dẫn lời người phát ngôn lực lượng cứu hỏa Catalonia nói: "Điều đó còn phụ thuộc họ đề nghị chúng tôi làm gì. Nếu có một con đường bị phong tỏa và họ muốn chúng tôi dọn dẹp (ý nói 'dọn dẹp' những cuộc biểu tình) có thể chúng tôi sẽ không đi".
Trong khi đó, hiệp hội giáo viên và sinh viên ở Catalonia kêu gọi xuống đường tuần hành vào ngày 26-10. Trước đó, vào ngày chủ nhật 22-10, 450.000 người đã tham gia biểu tình tại Barcelona, thủ phủ của Catalonia, sau khi chính quyền Tây Ban Nha công bố kế hoạch tước bỏ quyền lực của các lãnh đạo khu vực và tiến hành cuộc bầu cử mới.
Theo kế hoạch của Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Puigdemont và các quan chức cấp cao của Catalonia sẽ bị mất chức, trụ sở làm việc sẽ bị thu hồi. Madrid có thể kiểm soát trực tiếp lực lượng cảnh sát của Catalonia và thay thế các quan chức truyền thông tại đây. Mặc dù phản đối việc đòi độc lập, thị trưởng Barcelona Ada Colau cũng chỉ trích quyết định của Madrid. Bà gọi hành động của Madrid là "tấn công nghiêm trọng vào quyền và tự do của tất cả mọi người".
Trước nguy cơ bạo lực tiếp tục lan rộng ở thủ phủ Barcelona và các thành phố, thị trấn thuộc Catalonia, giới chức an ninh Tây Ban Nha lẫn khu tự trị không thể xem thường các phần tử khủng bố sẽ nhân cơ hội này hành động. Được biết, Tây Ban Nha hiện được đặt trong tình trạng báo động ở cấp độ 4 trên thang cảnh báo 5 mức về nguy cơ tấn công khủng bố.
Và vào ngày 23-8, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đăng video đe dọa trả thù cho 8 phần tử khủng bố bị cảnh sát Tây Ban Nha tiêu diệt sau các cuộc tấn công tại Barcelona và Cambrils.
"Chúng ta sẽ trả thù cho vụ tàn sát này. Các người đang làm gì với Nhà nước Hồi giáo?"- một phiến quân IS, xưng tên là al-Qurtubi, nói bằng tiếng Tây Ban Nha trong video có những hình ảnh về vụ tấn công ở Barcelona khiến 13 người thiệt mạng cùng hơn 100 người bị thương cùng các "mục tiêu tấn công" là Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Vua Felipe VI…