Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte – Nỗi đau và lý trí

Thứ Tư, 06/08/2014, 09:15

Những ngày qua, dường như cả thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng khi dõi theo từng bản tin, từng hình ảnh liên quan đến chiếc máy bay mang số hiệu MH17 cùng 298 hành khách xấu số. Trong khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trên hết là nguyên thủ các nước có công dân tử nạn, trong những lời phát biểu đã lên án nguyên thủ Nga phải gián tiếp chịu trách nhiệm trong thảm họa này, thì Thủ tướng Hà Lan, đất nước có đến 193 nạn nhân, lại phản ứng chừng mực hơn cả.

Giấu nỗi đau thương vào sâu tận đáy lòng và chỉ dùng những ngôn từ ghìm nén nhất, cô đọng nhất, ông hiểu rằng, nếu mọi tuyên ngôn hoàn toàn bị cảm tính cá nhân chi phối sẽ đánh đồng thảm họa với sự quy chụp và chính trị hóa mối quan hệ đang trong giai đoạn tồi tệ nhất giữa Liên bang Nga cùng phần còn lại của cựu lục địa.

Vội vã bỏ dở kỳ nghỉ hè tại Đức, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte xuất hiện giữa rừng ống kính và micro ghi âm tại sân bay Schipol trong vẻ u uất của một người vừa nhận được hung tin về thảm kịch ập xuống ngay những người thân yêu nhất của mình. "Ngày 17/7 là một ngày đen tối của Hà Lan. Tất cả chúng ta sẽ để tang cho các nạn nhân xấu số. Chưa bao giờ mùa hè chấm dứt một cách đen tối như thế này".

Có lẽ khi phát biểu những lời này, ông chưa hề biết và đọc được dòng chữ ngắn gọn nhưng hàm chứa tâm trạng đầy háo hức và hồn nhiên của cô bé Jinte Wals, học sinh lớp 8 ở tỉnh lỵ Deurne, gửi lên trang Twitter chia sẻ với bạn bè là "Tôi đang ngồi trên máy bay và sẽ đến Malaysia chỉ trong vài giờ đồng hồ nữa thôi".

Nhưng hành trình của cô bé đã vĩnh viễn dừng lại trên không phận Donesk cùng với bố mẹ cô, anh trai Brett, chị gái Amel, em gái Solenn, 80 bạn bè cùng trang lứa và hơn 200 hành khách khác đi cùng cô trên chuyến bay tử thần.

Những lời đầu tiên của ông trĩu nặng đau thương, nó không giống với những lời cứng rắn của các nguyên thủ đồng cấp. Báo Sunday Times dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron đầy hàm ý: "Đây là thời điểm Nga phải biết tận dụng để tìm một con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng (ý nói về những biện pháp cấm vận đang không ngừng gia tăng đối với Nga). Tôi hy vọng họ sẽ làm những điều đáng làm, nếu không thì chúng ta phải phản ứng mạnh hơn".

Tương tự, Thủ tướng Pháp cũng kêu gọi hành động cứng rắn hơn của châu Âu chống lại Moskva. "Nếu Tổng thống Putin không thay đổi cách tiếp cận của ông ta về Ukraine, thì châu Âu và phương Tây buộc phải thay đổi cơ bản cách tiếp cận của chúng tôi về Nga". Thật vậy, sự đòi hỏi của người dân và kế hoạch áp chế Nga sẽ khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phản ứng mạnh hơn nữa.

Và theo như lời nhận định của người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Anders Fogh Rasmussen, mức độ thể hiện thiện chí của Nga trong vấn đề này sẽ quyết định Nga có bị cô lập hơn hay không. Mặt khác, NATO sẽ tính đến chuyện can thiệp giúp Ukraine giải quyết bài toán với phe nổi dậy.

Phát biểu tại sân bay Schiphol, Thủ tướng Mark Rutte gọi ngày 17/7 là "một ngày đen tối" đối với Hà Lan. "Chưa bao giờ mùa hè chấm dứt một cách đen tối như thế này". Theo: Reuters.

Nhưng trong khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói với Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans rằng, ông sẽ không tha thứ cho hành vi của quân ly khai "can thiệp thô bạo" vào hoạt động của các quan sát viên quốc tế và chuyên gia điều tra thảm họa máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng Hàng không Malaysia rơi ở địa phận Donetsk miền Đông Ukraine thì Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo các trợ lý của ông kể lại, mặc dù khẩu khí giữa hai nguyên thủ khá căng thẳng nhưng ông Rutte cuối cùng vẫn bày tỏ hy vọng, Nga sẽ hợp tác và làm mọi điều có thể cho một cuộc điều tra đáng tin cậy.

Trước đó, ngày 19/7, tại buổi họp báo diễn ra ở Quốc hội Hà Lan, Thủ tướng Rutte nhấn mạnh: "Nếu đây là một vụ tấn công, những kẻ thủ ác sẽ phải được mang ra trước công lý. Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tìm ra những kẻ thủ ác. Chúng tôi mắc nợ điều này đối với những nạn nhân và thân nhân của họ".

Như vậy, trong khi Mỹ và nguyên thủ các nước châu Âu luôn bóng gió xa xôi về những biện pháp trừng phạt Nga thì ông Mark Rutte trước sau vẫn mong mỏi tìm ra chân tướng của những kẻ đã gây ra cái chết tức tưởi cho đồng bào ông cùng những nạn nhân mang nhiều màu da khác.

Có lẽ vì quá đau đớn và nóng lòng chờ đợi những tín hiệu đầu tiên từ các đoàn chuyên gia điều tra và thanh sát viên mà giới truyền thông và dư luận Hà Lan những ngày này tỏ vẻ không đồng tình với biểu hiện "thiếu sức nặng răn đe" từ vị thủ tướng của mình. "Quá đủ rồi!" là dòng chữ in to và đậm trên trang đầu ấn bản ngày Chủ nhật của tờ De Telegraaf.

Một trong những tờ báo có lượng độc giả đông đảo nhất ở xứ sở hoa tulip mạnh miệng kêu gọi NATO lập tức điều quân đến ngay vùng máy bay MH17 bị bắn rơi, và những người lính đặc nhiệm của NATO sẽ hộ tống các nạn nhân Hà Lan về an táng ở quê nhà.

Ông Matk Rutte lập tức làm dịu nộ khí của dư luận bằng câu phát biểu ngắn: "Chúng ta chưa cần đến NATO, mặc dù với tư cách là thành viên NATO, Hà Lan hoàn toàn có thể được đáp  lời".

Hiện trường vụ rơi máy bay MH17.

Chưa nguôi, tờ báo trên trưng ngay bức ảnh những tay súng ly khai vây quanh Alexaner Borodai, thủ tướng tự phong của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" bị khoanh trong vòng đầu lâu xương chéo và bên dưới là dòng chú thích "Những kẻ giết người". Nó đi liền với bài báo ngắn chỉ trích nặng nề Thủ tướng Mark Rutte tuy "sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tìm ra những kẻ thủ ác" nhưng lại lừng khừng không dám chỉ thẳng người nối giáo cho kẻ thủ ác là ai.

"Ông Rutte sao mà yếu ớt! Lẽ ra ông ta phải buộc tội ông Putin cùng giới lãnh đạo Nga nặng nề hơn", là câu nói đầy giận dữ của Louisa Helgadotter, nhân viên một công ty du lịch lữ hành có văn phòng ngay tại sân bay Schiphol, nơi chiếc máy bay xấu số cất cánh đi vào cõi chết. Có lẽ cô không giấu được sự thất vọng khi so sánh Thủ tướng của mình với Thủ tướng Australia Tony Abott. Australia là quốc gia có 28 công dân nằm trong số những người thiệt mạng thuộc hàng chục quốc tịch khác nhau trong thảm họa MH17.

Các quan sát viên OSCE tại hiện trường vụ máy bay MH17 rơi ở Ukraine. Nguồn: AP.

Thủ tướng Australia trước đó đã bày tỏ bất bình khi cho rằng Nga thiếu hợp tác trong cuộc điều tra thảm họa MH17. Ông giận dữ miêu tả điều này là "phạm tội" và cáo buộc Nga "cố gắng phủi tay đối với thảm họa" cũng như không đảm bảo hiện trường vụ tai nạn. Hơn nữa, vào ngày 19/7 Australia đã đưa ra một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, yêu cầu quân ly khai Ukraine phải để các nhà điều tra tiếp cận không giới hạn hiện trường vụ tai nạn.

Phản ứng của người dân Hà Lan là hoàn toàn có cơ sở, họ muốn Thủ tướng Mark Rutte không nên phản ứng như một nước nhỏ trong khi nỗi đau họ đang gánh là quá lớn. Tiếng nói của họ phải hòa điệu cùng cộng đồng quốc tế đồng loạt biểu thị sự phẫn nộ về việc quân ly khai từ chối cho các đặc phái viên tiếp cận hiện trường máy bay MH17 rơi.

Quân ly khai cũng bị cáo buộc giả mạo bằng chứng tại hiện trường vụ tai nạn. Bởi vì vào sáng 19/7, phái đoàn của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã có mặt tại hiện trường với 10 chuyên gia hỗ trợ công tác điều tra. Nhiệm vụ của họ là thu thập bằng chứng và xem xét tình hình ở khu vực xảy ra tai nạn. Thế nhưng, tại đây có rất nhiều tay súng của lực lượng ly khai bảo vệ xung quanh hiện trường.

Trái với thỏa thuận ban đầu, những tay súng này không cho phép điều tra viên của OSCE tiếp cận gần khu vực máy bay rơi. Các quan sát viên đã bị hạn chế trong khu vực dưới sự kiểm soát của những người có vũ trang. Thậm chí, khi có người muốn tiến sâu hơn vào bên trong, những người canh gác đã bắn súng chỉ thiên để cảnh cáo. Nhóm công tác buộc phải rút khỏi hiện trường chỉ sau một giờ quan sát vì bị quân ly khai ngăn cản quyết liệt. Vì vậy, họ không thể làm gì hơn khi không tiếp cận được toàn bộ khu vực. Được biết, nhóm chuyên gia của OSCE và 4 nhà phân tích pháp y của Ukraine là nhóm người hiếm hoi được tiếp cận hiện trường. Tiếp sau đó sẽ là các chuyên gia từ các nước Hà Lan, Pháp, Đức và Anh.

Trong tình thế hiện nay, Moskva đang đối mặt áp lực lớn từ Mỹ và các đồng minh châu Âu khi bị cáo buộc là “hỗ trợ cho lực lượng ly khai” ở miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 19/7 khẳng định hệ thống tên lửa bắn rơi máy bay MH17 do Nga cung cấp cho phe nổi dậy. Quân ly khai cũng được cho là không thể điều khiển hệ thống tên lửa nếu không có sự giúp sức từ Nga.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố không triển khai tên lửa Buk sang Ukraine và cảnh báo các nước không nên phán xét khi chưa có kết quả điều tra cuối cùng…

Trong dòng tranh cãi không dứt về trách nhiệm gián tiếp và trực tiếp gây ra thảm kịch MH17, có thể thấy rằng, Thủ tướng Hà Lan đã giữ cho mình cách ứng xử bình tĩnh và chừng mực, bởi vì tầm nhìn của một vị nguyên thủ buộc ông phải nhìn xa hơn, vượt qua cả nỗi đau mất mát hàng trăm công dân, là ai đó đang tận dụng thảm kịch này để đạt được thế thượng phong trên bàn cờ chính trị.

Hộp đen MH17 được giao cho Malaysia

Ông Aleksander Borodai bàn giao hộp đen của MH17 cho Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia, ở Donetsk, Ukraine hôm 22/7. Ảnh: Reuters.

"Chúng đây, những chiếc hộp đen", ông Aleksander Borodai, Thủ tướng của nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự phong tuyên bố trước đông đảo phóng viên và đặt chiếc hộp màu da cam lên bàn tại một khu đồn của phe ly khai.  Ông Borodai và các chuyên gia Malaysia sau đó ký vào một văn bản được xem là thỏa thuận nhằm kết thúc các thủ tục sau những cuộc đàm phán kéo dài giữa hai bên.

"Các hộp đen vẫn còn nguyên vẹn, dù hơi trầy xước. Chúng ở trong điều kiện tốt", đại tá Mohamed Sakri, thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia cho biết và cảm ơn Borodai vì đã trao trả các thiết bị này.

Thủ lĩnh phe ly khai cũng cho biết thêm rằng, một chuyến tàu chở thi thể của 282 nạn nhân trên chiếc máy bay của Malaysia Airlines đã có mặt ở Donetsk và đang trên đường đến Kharkov, cách đó khoảng 300 km về phía tây bắc. Các chuyên gia Malaysia và Hà Lan sẽ đi cùng đoàn tàu. Hiện còn thi thể của 16 người đang được tìm kiếm.

Trong cuộc họp báo hôm qua, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte xác nhận đoàn tàu chở thi thể sẽ đến Kharkov, khu vực do chính quyền Ukraine kiểm soát, rồi từ đó trở về Hà Lan để nhận dạng các nạn nhân.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.