Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Muốn làm bồ câu không dễ
Thủ tướng Shinzo Abe đang từng bước thay đổi chính mình để trở thành một trong những vị Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ II. Sự chuyển mình đó có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng mà đòi hỏi phải có quá trình lâu dài, không thể diễn ra trong một ngày một buổi.
Giới phân tích nhận định việc ông Shinzo Abe có ngồi lâu trên ghế thủ tướng Nhật Bản hay không tùy thuộc vào 2 việc: thứ nhất là ông có dung hòa được tư tưởng bảo thủ và quan điểm chính trị ôn hòa, cởi mở hay không; và thứ hai là ông có giữ được lời hứa sẽ chấm dứt nhiều thập niên trì trệ về kinh tế hay không.
Kể ra, ông Abe đã hai lần làm Thủ tướng Nhật Bản. Lần thứ nhất ông làm Thủ tướng vừa đúng 1 năm, từ tháng 9/2006 đến tháng 9/2007, khi đó ông từ chức một phần vì vấn đề sức khỏe, phần nữa là vì những "sóng gió" trong một năm cầm quyền. Ở nhiệm kỳ đó, Abe chú tâm vào những ưu tiên gây tranh cãi, bao gồm cả việc gác lại quá khứ chiến tranh của Nhật Bản và nới lỏng Hiến pháp hòa bình. Không ai chú ý nhiều đến nỗ lực đó của Abe, vì giai đoạn đó người ta còn bận tâm về công ăn việc làm và hưu bổng nhiều hơn. Abe trở lại ghế Thủ tướng Nhật Bản từ tháng 12/2012.
Ở nhiệm kỳ thứ hai này, các trợ lý của ông cho rằng, Abe sẽ vẫn tập trung vào khôi phục kinh tế. Bản thân ông Abe cũng hiểu rõ rằng, với tư cách Thủ tướng Nhật Bản, ông không thể chỉ chú tâm vào những mục tiêu của bản thân mình mà còn phải dung hòa lợi ích chung.
Tình hình hiện tại cho thấy ông Abe đang trong giai đoạn phân vân giữa 2 chọn lựa "bảo thủ" hay "cởi mở". Tháng 7/2014, tỉ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông tụt xuống dưới 50% sau khi nội các của ông thông qua việc nới lỏng một số giới hạn về quân sự trong Hiến pháp hòa bình. Sự sụt giảm tỉ lệ ủng hộ của cử tri được cho là sẽ gây khó khăn cho Abe, làm xói mòn khả năng thực thi những cải cách mạnh mẽ mà nhiều người cho là cần thiết để bảo đảm tăng trưởng của nền kinh tế.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm đền Yasukuni vào tháng 12/2013. |
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Bungei Shunju gần đây, ông Abe viết: "Chính nền kinh tế là sợi dây tiếp năng lượng cho xã hội. An ninh và kinh tế không phải là 2 vấn đề tách riêng, mà trên thực tế có thể nói chúng là 2 mặt của một đồng xu".
Thật vậy, giai đoạn đầu nhiệm kỳ này của Abe gặp phải thử thách lớn về mặt an ninh với việc Trung Quốc có những hành động khiêu khích, tranh chấp lãnh thổ quyết liệt. Đồng thời, nền kinh tế Nhật Bản cũng có những dấu hiệu hồi phục sau nhiều năm trì trệ.
Tuy nhiên, bước sang năm 2014 này, kinh tế đang khiến cho ông Abe đau đầu trở lại, với bức tranh tăng trưởng không mấy sáng sủa làm ảnh hưởng đến kế sách mang tên "Abenomics" của ông. Kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng âm trong quý vừa rồi. Abe sẽ tiến hành một đợt cải tổ nội các vào tháng 9/2014 tới và tiếp tục xúc tiến những việc phải làm theo kế hoạch đã định.
Ông sẽ phải quyết định có nên tiếp tục tăng thuế hàng hóa tiêu dùng lên 10% vào năm tới (hiện tại là 8%) hay không, và năm tới cũng là năm bầu cử. Lèo lái con thuyền LDP vượt qua "bãi cạn" chính trị đó với tỉ lệ cử tri ủng hộ trên 50% sẽ là chìa khóa giúp Abe giành chiến thắng trong kỳ bầu cử nội bộ đảng LDP vào tháng 7 năm tới để tiếp tục làm Thủ tướng cho đến năm 2018.
Những người biết rõ Abe không ai tin rằng ông sẽ từ bỏ đường lối bảo thủ, cho dù ưu tiên hàng đầu hiện nay được ông lặp đi lặp lại là chấn hưng nền kinh tế. Ông Abe đang rất nỗ lực làm mềm hóa hình ảnh "diều hâu" sau khi đã thực hiện một số động thái khiến dư luận không đồng tình và phản đối dữ dội.
Vào ngày 1/7/2014, nội các của Thủ tướng Nhật đã nhất trí thông qua nghị quyết diễn giải Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản theo cách mới để bỏ đi điều khoản "cấm phòng vệ tập thể", điều này có nghĩa là Nhật Bản có thể đưa quân ra nước ngoài để "hỗ trợ một quốc gia bạn bè đang bị tấn công". Điều khoản cấm đưa quân ra nước ngoài được đưa vào Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản đã buộc Nhật không được đưa quân ra nước ngoài suốt từ năm 1945 đến nay nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái diễn chiến tranh thế giới. Việc gỡ bỏ điều khoản cấm này được xem là một thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của Nhật Bản.
Chính vào lúc này, mong muốn "chuyển mình" của ông Abe đang gặp thử thách nghiêm trọng bởi những thách thức an ninh thôi thúc ông quay trở lại với tinh thần dân tộc bảo thủ. Nhưng Abe đã kịp thể hiện ý muốn thỏa hiệp trong vấn đề an ninh để đạt được thỏa thuận với đảng nhỏ theo đường lối hòa bình: đảng Tân Komeito.
Những người thân cận với Abe cho biết, sự thỏa hiệp đó đã được dọn sẵn từ vài tháng trước khi 2 đảng ký kết thỏa thuận, với việc Phó chủ tịch LDP Masahiko Komura đưa ra ý tưởng "phân hai" là cho phép thực thi cơ chế phòng vệ tập thể nhưng ở mức độ "hạn chế", có nghĩa là không hoàn toàn như đề xuất ban đầu. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chính quyền Mỹ ngay lập tức hoan nghênh sáng kiến này nhằm khuyến khích Nhật Bản từng bước chia sẻ trách nhiệm "bảo vệ đồng minh" cùng với Mỹ.
Từ nhiều năm nay, các chuyến viếng thăm đền Yasukuni của lãnh đạo Nhật Bản đều gây nên những phản ứng gay gắt từ phía Hàn Quốc và Trung Quốc. Để "sửa sai" cho chuyến thăm đền Yasukuni được xem là hành động “diều hâu”, ông sẽ không trực tiếp đến đến viếng đền nữa mà chỉ làm nghi thức tại Dinh Thủ tướng.
Đối với vấn đề phục hưng kinh tế, ông Abe đang thay đổi cách tiếp cận so với những người tiền nhiệm. Ông cho vận dụng lại mô hình "Tư bản Mizuho no Kuni", tức "Tư bản vựa lúa", quay trở lại với văn hóa nông nghiệp sản xuất lúa thời xa xưa, từ bỏ mô hình hợp tác tham lam vì lợi nhuận theo kiểu phương Tây.
Trong mô hình này có khái niệm gọi là "Abenomics địa phương", có ý nghĩa rằng "những người bên ngoài Tokyo, những người ở vùng nông thôn sẽ không bị lãng quên trong chiến lược tăng trưởng của đất nước". Và đây được xem là một bước chuyển mình của ông Abe nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri vùng nông thôn