Thủ tướng Israel Netanyahu khuấy động nước Mỹ

Thứ Hai, 02/03/2015, 14:45
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ đến Mỹ vào đầu tháng 3/2015, trước đó 1 tháng, ông đã khiến cho chính trường Mỹ dậy sóng, vì ngay khi Mỹ và Iran đạt được một số tiến bộ trong đàm phán về chương trình hạt nhân, ông Netanyahu đã lên tiếng tố cáo tố cáo Mỹ và “các nước đối tác” từ bỏ cam kết ngăn Iran phát triển khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Việc ông dự định phát biểu trước Quốc hội Mỹ về vấn đề đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Iran đang được giới quan sát quốc tế cho là động thái gây chia rẽ các đảng phái ở Mỹ.

Mũi dao cứa ngang chính trường Mỹ

Đây không phải là chuyến thăm chính thức nước Mỹ như thường lệ mà là một chuyến thăm cá biệt nhằm mục đích chính trị của ông Netanyahu.

Một điều bất thường là ông Netanyahu đến Mỹ không phải để thăm Nhà Trắng như bao nguyên thủ quốc gia khác thường làm, mà đến theo “lời mời” của ông John A. Boehner để trình bày trước Quốc hội Mỹ về những vấn đề mà ông cho là “gây nguy hiểm cho sự tồn tại của Israel”, và ông dự kiến sẽ có bài phát biểu “gây bão” trước Quốc hội và toàn thể nhân dân Mỹ thông qua truyền hình trực tiếp vào ngày 3/3 tới đây.

Netanyahu đã tuyên bố hôm 25/2 rằng, ông thực hiện chuyến đi Mỹ là vì “bổn phận của tôi là làm mọi việc có thể để ngăn chặn một thỏa thuận hạt nhân với Iran”.

Và đề tài mà ông Netanyahu trình bày chắc chắn sẽ là “mối đe dọa từ Iran đối với sự tồn vong của Israel”, vì vậy ông sẽ đưa ra những lập luận sắc bén để yêu cầu Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát ngăn chặn tiến trình đàm phán đi đến ký kết thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) với Iran, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2015.

Đặc biệt, chuyến đi này và bài phát biểu dự kiến của ông Netanyahu trước Quốc hội Mỹ được lên kế hoạch gần kề giai đoạn nước rút của đàm phán nhằm tạo thêm sức ép đối với các nhà đàm phán Mỹ.

Các trợ lý của Tổng thống Barack Obama gọi chuyến thăm này không mang lại lợi ích gì mà chỉ “góp phần phá hoại mối quan hệ giữa Mỹ và Israel”. Bởi lẽ, mục đích chính của ông Netanyahu đang khiến cho quan hệ giữa 2 nước càng căng thẳng thêm.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2014, đưa ra một hình minh họa để trình bày sự lo ngại về chương trình phát triển hạt nhân của Iran.

Ngay từ khi kế hoạch được thông báo khoảng 1 tháng trước khi chuyến thăm diễn ra, giữa ông Netanyahu và Chính phủ Mỹ đã bắt đầu một cuộc khẩu chiến kéo dài đến hôm nay chưa dứt.

Tổng thống Obama đã chỉ trích việc ông Netanyahu đến Mỹ không theo lời mời của Nhà Trắng mà theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Boehner nhưng không thông qua Nhà Trắng là hành động rất bất thường và vi phạm các nguyên tắc căn bản trong quan hệ giữa hai nước.

Hơn nữa, ông Obama rất tức giận việc Netanyahu cố tình phá hỏng chính sách của nước Mỹ trong đàm phán với Iran và đang gần đi đến ký kết thỏa thuận hạt nhân toàn diện với nước này. Sự bất đồng và tranh cãi này càng làm cho mối bất đồng giữa Tổng thống Obama với Thủ tướng Netanyahu sâu sắc thêm.

Chuyến đi Mỹ của ông Netanyahu như một mũi dao cứa ngang chính trường Mỹ, khoét sâu thêm mối bất đồng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ xoay quanh vấn đề đàm phán hạt nhân với Iran.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain thể hiện sự đồng tình, ủng hộ Thủ tướng Israel với tuyên bố việc đảng Cộng hòa chủ động mời ông Netanyahu đến Mỹ nói chuyện về vấn đề đàm phán hạt nhân với Iran là bởi “không có sự tin tưởng từ phía đảng Cộng hòa đối với tiến trình đàm phán”.

Trong khi đó, đa số nghị sĩ đảng Dân chủ không đồng tình với chuyến đi và vấn đề mà ông Netanyahu muốn đề cập vào thời điểm đầu tháng 3/2015.

Một loạt nghị sĩ đảng Dân chủ cũng đã bày tỏ sự không hài lòng, triệu tập Đại sứ Israel tại Washington Ron Dermer đến để phản đối chuyến đi. Một số nghị sĩ ở Mỹ cùng với một số chính khách tại Israel cũng lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Netanyahu ngừng hoặc hoãn chuyến đi hoặc thay đổi lịch phát biểu tại Quốc hội Mỹ, vì lợi ích của cả Israel và Mỹ.

Trung tuần tháng 2/2015, ông Netanyahu đã gọi điện cho các nghị sĩ cao cấp của đảng Dân chủ, như thủ lĩnh đảng Dân chủ ở Hạ viện Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe Dân chủ ở Thượng viện Harry Reid, và các thượng nghị sĩ Richard Durbin (bang Illinois), Chuck Schumer (New York) để mời dự buổi nói chuyện của ông nhưng tất cả đều viện lý do để lánh mặt.

Đặc biệt, Chủ tịch Thượng viện, Phó tổng thống Joe Biden được cho là sẽ phải có mặt nhưng ông Biden đã thể hiện sự bất bình của mình bằng tuyên bố không đến dự.

Steve Israel, Thượng nghị sĩ gốc Do Thái trong đảng Dân chủ cho rằng, cần phải tính lại thời gian và địa điểm cho chuyến đi và cuộc nói chuyện của ông Netanyahu, bởi thời diểm đầu tháng 3 là rất nhạy cảm, sẽ có nhiều vấn đề gây “hiểu nhầm” trong mối quan hệ giữa 2 nước cũng như đối với cuộc bầu cử ở Israel.

Tổng thống Obama cũng cảnh báo: Chuyến đi Mỹ của ông Netanyahu vào thời điểm 2 tuần trước ngày bầu cử ở Israel là một động thái có nguy cơ đưa chính trị chen vào mối quan hệ giữa 2 nước.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, người đứng đầu ngành hạt nhân của Iran Ali Akbar Salehi và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz tại cuộc đàm phán ở Geneve, ngày 23/2.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Ngày 24/2, Mỹ và Iran cho biết đã có một số tiến bộ trong các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận vẫn còn một chặng đường dài.

Hai bên mô tả cuộc đàm phán ngày 23/2 ở Geneve, Thụy Sĩ, giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif “nghiêm túc, hữu ích và xây dựng”. Tuy nhiên, ông Zarif nói rằng “con đường đi đến thỏa thuận chung cuộc còn dài”.

Một viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó nói rằng, hai bên thảo luận sâu rộng các vấn đề còn chưa được giải quyết, nhưng “vẫn phải chờ xem” liệu có đạt được thỏa thuận hay không.

Họ đang cố gắng đáp ứng hạn chót, tự đề ra là ngày 31/3/2015, để đạt một thỏa thuận khung, với ngày 1/7/2015 cho một thỏa thuận chung cuộc, bảo đảm là các hoạt động hạt nhân của Iran nhắm mục tiêu hòa bình, để đổi lại việc các nước phương Tây sẽ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đã làm suy yếu nền kinh tế Iran. Một vòng đàm phán mới được ấn định vào ngày 2-3 tới ở Thụy Sĩ.

Mỹ và 5 cường quốc khác từ lâu đã tìm cách chấm dứt khả năng Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi Iran nói rằng chương trình hạt nhân của họ nhằm các mục tiêu dân sự.

Các cuộc đàm phán giữa Iran và Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Đức và Mỹ tập trung vào lượng uranium Iran được phép tinh chế, số máy ly tâm có thể vận hành và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nước này sẽ được bãi bỏ mau chóng ra sao.

Một ngày sau thông báo của Mỹ về kết quả đàm phán với Iran, tối ngày 25/2, trong cuộc nói chuyện tại trụ sở đảng Likud ở Jerusalem, Thủ tướng Netanyahu tố cáo Mỹ và các quốc gia trong cuộc thương thuyết đã bỏ qua cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Họ có thể chấp nhận việc ấy nhưng tôi không muốn chấp nhận”. Phát biểu của ông Netanyahu lập tức gây phản ứng từ Mỹ.

Sáng ngày 26/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã sai lầm trong nhận định của mình về các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Iran.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chưa đến Mỹ đã gây “bão”.

Phát biểu trước một phiên điều trần của Quốc hội, ông Kerry cho rằng những gì đã đạt được cho tới nay trong các cuộc đàm phán với Tehran thực sự giúp Israel an toàn hơn bằng cách ngăn chặn Iran xúc tiến chương trình hạt nhân của mình.

Ông nói những người chỉ trích các cuộc đàm phán đang diễn ra với Iran, trong đó có ông Netanyahu, có lẽ không biết mình đang nói gì.

"Chính sách là Iran sẽ không có được vũ khí hạt nhân. Và những người đi rêu rao rằng "chúng tôi không thích thỏa thuận này"... thực sự không biết thỏa thuận này là gì cả" - ông Kerry nói với Quốc hội.

Ngày 26/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice nói với truyền thông Mỹ rằng, ông Netanyahu đã khơi lên tính đảng phái trong mối quan hệ giữa Israel và Mỹ. Ông Netanyahu đang vận động tái tranh cử, với cuộc bầu cử diễn ra 3 tuần nữa.

Bà Rice nói việc Thủ tướng Netanyahu đọc diễn văn tại Quốc hội và việc ông chống cuộc thương lượng với Iran là không phù hợp với tình đồng minh bền chặt Mỹ - Israel.

Bà tuyên bố: “Thủ Tướng Netanyahu đã có một mức độ can dự vào sinh hoạt đảng phái mà lẽ ra ông phải đứng ngoài”. Bà cho rằng “đây là sự phá hoại mối quan hệ đồng minh”.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest thì nói rằng, mối quan hệ giữa Israel và Mỹ không thể bị hạ xuống mức quan hệ giữa đảng Likud của Israel và đảng Cộng hòa của Mỹ - hai đảng bảo thủ.

Josh Earnest cũng nói luôn là Tổng thống Obama sẽ không tiếp Thủ tướng Netanyahu tuần tới, theo đường lối chính thức từ lâu là không gặp các nhà lãnh đạo thế giới trong thời gian sắp bầu cử tại nước họ.

Chiêu thức “Lá bài an ninh quốc gia”

Dư luận không quá ngây thơ trước động thái được cho là vận động tranh cử từ xa của ông Netanyahu. Nathan B.

Sachs phân tích trên Newsweek.com rằng, không kể việc sắp xếp chuyến thăm và nói chuyện trùng dịp hội nghị hàng năm của Tổ chức AIPAC (tổ chức vận động cho quyền lợi Israel tại Mỹ), thì chuyến đi và vấn đề ông Netanyahu sẽ phát biểu tại Quốc hội Mỹ mang 2 ý nghĩa:

Thứ nhất, vào thời điểm cận ngày bầu cử ở Israel, đối mặt với đối thủ sừng sỏ Isaac Herzog của Công đảng, ông Netanyahu đang vận động chính trị cho chính bản thân mình bằng việc chuyển trọng tâm chú ý sang các vấn đề đối ngoại để đối phó với chiêu bài tranh cử nhắm vào các vấn đề về kinh tế và đối nội đang rất khó khăn cho ông.

Isaac Herzog, đối thủ sừng sỏ của ông Netanyahu.

Thực tế là cử tri Israel đang quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề kinh tế và đối nội, từ đó tạo cho liên minh đối lập Liên minh Zionist do Công đảng của ông Herzog đứng đầu đang có lợi thế, trong đó cuộc so kè giữa Herzog và Netanyahu đang được giới quan sát đánh giá là ngang ngửa.

Để tránh một kết quả ngoài mong muốn, thậm chí một thất bại ê chề vào ngày 17/3 tới, ông Netanyahu buộc phải chơi lại lá bài an ninh quốc gia, vốn là lợi thế lớn do là lĩnh vực ông có nhiều kinh nghiệm nhất.

Lần này, ông Netanyahu không thể dùng lại “mối đe dọa từ Hamas và Hezbollah nữa, vì những động thái gây chiến với 2 tổ chức này trong năm 2014 đã bộc lộ nhược điểm chết người của ông, trong đó, cuộc chiến Gaza vào tháng 7 và 8/2014 là thất bại ê chề nhất, đang được phe đối lập sử dụng như một vũ khí công kích Netanyahu và đảng Likud của ông.

Trong bối cảnh đó, việc sử dụng lại “quả bom Iran” được xem là hiệu quả nhất, bởi Iran là “kẻ thù truyền kiếp”, là “mối đe dọa nguy hiểm trực tiếp, trước mắt và lâu dài” đối với an ninh Israel.

Thứ hai là, hơn nửa dân Israel không mong muốn Thủ tướng của họ tranh cãi với nước Mỹ về các vấn đề chính sách này nọ, mà chỉ mong muốn nhìn thấy Thủ tướng của họ thể hiện thật “hiên ngang” và mạnh mẽ trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Đây sẽ là hình ảnh ghi đậm dấu ấn nhất trong lòng cử tri đối với một ứng cử viên trong cuộc bầu cử. Vì vậy, thành công trong bài phát biểu ngày 3/3 tới cũng đồng nghĩa với “một nửa thành công” ở quê nhà đối với ông Netanyahu.

Từ khi ông Hassan Rouhani, một giáo sĩ theo đường lối ôn hòa, lên làm Tổng thống Iran, quan hệ giữa Iran và phương Tây đã giảm nhiệt rõ rệt. Bởi ông Hassan Rouhani là con người thực dụng.

Trong bài diễn văn đầu tiên trên cương vị Tổng thống ngày 4/8/2013, ông Rouhani cho biết quyết tâm làm việc để gỡ bỏ những chế tài của phương Tây đối với Iran. Ông nhấn mạnh, Iran mong muốn đạt được sự ổn định trong mọi lĩnh vực, xóa bỏ tất cả những quan ngại và nút thắt cổ chai mà Tehran phải đối mặt, nhất là các lệnh cấm vận của Mỹ, EU.

Từ đó đến nay, tiến trình đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới đã đạt nhiều tiến bộ. Quốc tế cũng đã nới lỏng khá nhiều các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Tuy nhiên, nếu mối quan hệ trên càng dễ chịu bao nhiêu thì không khí giữa Israel và Mỹ lại trở nên ngột ngạt bấy nhiêu.

Iran và Israel là hai đối thủ “không đội trời chung” tại Trung Đông. Thủ tướng Israel Netanyahu là người liên tục chỉ trích việc đàm phán với Iran, ông cho rằng trong các cuộc đàm phán gần đây, Mỹ đã nhượng bộ nhiều trong khi Tehran vẫn có tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân và điều này không chỉ đe dọa an ninh của Israel mà còn gây bất ổn tình hình khu vực Trung Đông và toàn thế giới.

Các nhà quan sát cho rằng tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran là một phép thử khó khăn cho quan hệ đồng minh Mỹ-Israel.

Nếu vượt qua được thử thách này, mối dây liên kết giữa Washington và Tel-Aviv sẽ thêm bền chặt, bằng không quan hệ đồng minh này sẽ bị đổ vỡ.

An Châu - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.