Thương chiến Mỹ - Trung, toàn cầu dịch chuyển

Thứ Tư, 26/09/2018, 15:48
Trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có thêm các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào Bắc Kinh sau hàng loạt đòn tấn công thuế khóa trước đó khi thông báo cấm vận một tổ chức quân đội Trung Quốc do đã mua vũ khí của Nga, rồi chỉ trích vấn đề nhân quyền…

Vì sao Washington lại mở các mặt trận mới với Bắc Kinh vào lúc này?

Giương đông kích tây

Ngày 24-9-2018, thuế nhập khẩu của Mỹ áp lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Trước đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đánh thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa của nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa áp thêm thuế với 267 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa. Trong một động thái đáp trả, Trung Quốc đã thông báo áp thuế từ 5-10% đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cũng trong ngày 24-9, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng bao gồm nội dung chính đề cập đến tình hình thực tế về quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, cách ứng xử của Mỹ trong hoạt động thương mại, cùng quan điểm của Trung Quốc trong các vấn đề này.

Trong khi Trung Quốc nhập khẩu ít hàng hóa từ Mỹ hơn, đồng nghĩa, họ không thể áp thuế trả đũa với quy mô tương đương thì đáng lý Mỹ còn “dư đạn để bắn” vì mỗi năm Washington nhập trên 500 tỷ USD từ Trung Quốc nhưng trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu mở 2 mặt trận mới tấn công Bắc Kinh.

Đầu tiên, ngày 20-9, Washington tuyên bố xử phạt Cục Phát triển thiết bị, một tổ chức giám sát công nghệ quân sự của Trung Quốc, cùng giám đốc tổ chức này, ông Li Shangfu. Theo lý giải của chính quyền Mỹ, Cục Phát triển thiết bị Trung Quốc đã thực hiện “các giao dịch quan trọng” với Rosoboronexport, nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.

Rosoboronexport nằm trong số các tổ chức bị Mỹ cấm theo lệnh trừng phạt chống lại Moscow được thông qua vào năm ngoái. Theo đó, Chính phủ Hoa Kỳ cấm bất kỳ giao dịch nào với 33 cá nhân và tổ chức quân sự, tình báo của Nga. Những ai vi phạm đều bị trừng phạt.

Nhiều doanh nghiệp EU cho biết sẽ rời khỏi Trung Quốc nếu các yêu cầu không được đáp ứng. Ảnh: Euobserver.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Cục trên đã mua 10 máy bay chiến đấu SU-35 vào năm 2017 và các thiết bị liên quan đến hệ thống tên lửa đất đối không S-400 vào năm 2018. Bộ Ngoại giao Mỹ cấm Cục nói trên của Trung Quốc và ông Li xin giấy phép xuất khẩu và tham gia vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bổ sung Cục Phát triển thiết bị Trung Quốc và ông Li vào danh sách đặc biệt của Bộ Tài chính nêu tên các cá nhân mà người Mỹ bị cấm làm ăn, kinh doanh cùng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi đây là một quyết định gây ra “những hậu quả nghiêm trọng”. “Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ với những động thái phi lý của phía Mỹ và đã phản đối kịch liệt”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu với các phóng viên ở Bắc Kinh ngày 21-9. Ông nói thêm là động thái của Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng tới các mối quan hệ song phương và quân sự.

“Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục phía Hoa Kỳ sửa chữa sai lầm ngay lập tức và hủy bỏ các lệnh trừng phạt, nếu không phía Mỹ sẽ nhất thiết phải chịu trách nhiệm về hậu quả”, ông nói nhưng không đi vào chi tiết. Trung Quốc trao đổi và hợp tác quân sự bình thường với Nga nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực, không trái với luật pháp quốc tế hoặc nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào, ông Cảnh Sảng nói thêm. Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Nga để thúc đẩy hợp tác chiến lược ở mức cao hơn nữa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc quả quyết.

Sang ngày 23-9, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang đã triệu Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh lên Bộ Ngoại giao để chính thức phản đối lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố triệu hồi Phó Đô đốc hải quân Thẩm Kim Long đang thăm Mỹ, đồng thời hoãn cuộc đối thoại quốc phòng song phương dự kiến kéo dài từ ngày 25 đến 27-9 tại Washington D.C.

Trong thông cáo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh có quyền áp dụng các biện pháp trả đũa tiếp theo tùy diễn biến tình hình. Đối với Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Hoa Kỳ không có quyền can thiệp vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga - hai nước có chủ quyền.

Nga cũng ngay lập tức lên tiếng phản đối. Ngày 21-9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo rằng Mỹ chớ có “đùa với lửa”. “Chúng tôi đề nghị những người vận hành bộ máy trừng phạt của Washington ít nhất cũng cần làm quen với lịch sử của chúng tôi để ngừng việc đi vào những vòng tròn luẩn quẩn”, ông Ryabkov nói.

Tại Moscow, nghị sĩ Nga Franz Klintsevich nói các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến các thỏa thuận về S-400 và SU-35. “Tôi chắc chắn rằng các hợp đồng này sẽ được thực hiện đúng lịch trình”, ông Klintsevich được hãng tin Interfax của Nga trích lời cho hay. “Việc sở hữu các thiết bị quân sự này rất quan trọng đối với Trung Quốc”, ông nói.

Một quan chức giấu tên của chính quyền Mỹ cho biết rằng các biện pháp trừng phạt đối với Cục Phát triển thiết bị của Trung Quốc thực ra nhằm vào Moscow, chứ không phải Bắc Kinh hay quân đội Trung Quốc, cho dù đang có cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc hủy bỏ đàm phán thương mại và quân sự với Mỹ.

Các nhà phân tích an ninh ở châu Á cho biết động thái này chủ yếu có tính biểu tượng và sẽ chỉ càng đẩy Moscow và Bắc Kinh lại gần nhau hơn. Ông Ian Storey, thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, nói: “Việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến việc bán vũ khí của Nga cho Trung Quốc”.

Ông nói thêm rằng Moscow cần tiền của Trung Quốc, còn Bắc Kinh muốn có công nghệ quân sự tiên tiến. Ông Collin Koh, một nhà phân tích an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore, cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không làm được gì nhiều để chống lại mối quan hệ về nghiên cứu và phát triển đang phát triển giữa Trung Quốc và Nga.

EU ở đâu giữa cuộc thương chiến

Các nhà kinh tế châu Âu cảnh báo tình hình căng thẳng sẽ tiếp diễn không chỉ với Mỹ và Trung Quốc mà còn lan rộng ảnh hưởng tới các nền kinh tế toàn cầu trong khi tâm lý lo ngại bắt đầu làm chao đảo thị trường tài chính. Suốt thời gian qua, các nền kinh tế EU đang nín thở chờ đợi bởi những lo ngại tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang, quan hệ kinh tế EU-Trung Quốc đang khác đi. Nhiều nước EU gần đây nhận định quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc không công bằng và đã nỗ lực tìm biện pháp xử lý. Điển hình nhất là việc Ủy ban châu Âu vừa đưa ra phương án cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo Ủy ban châu Âu, mục đích của phương án là nhằm bảo đảm cạnh tranh công bằng. Phương án bao gồm một số kiến nghị, trong đó có việc áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các nước tiến hành trợ cấp phát triển những ngành nghề đặc thù. Tuy phương án không “điểm mặt chỉ tên” Trung Quốc, nhưng dư luận cho rằng phương án đã nhằm thẳng vào Trung Quốc, nhất là chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.

Giống như Mỹ, EU quan tâm, lo ngại tình trạng đánh cắp bản quyền tri thức, các nước châu Âu cũng rầm rộ ngăn chặn Trung Quốc mua doanh nghiệp của nước mình. Hãng tin Reuters của Anh dẫn nguồn từ Berlin (Đức) cho biết, Chính phủ Đức đang xem xét việc thành lập một quỹ giúp đỡ các doanh nghiệp khoa học công nghệ gặp khó khăn về tài chính nhằm tránh bị Trung Quốc lợi dụng thời cơ để thâu tóm nhằm giành lấy công nghệ, kĩ thuật mới của Đức.

Ngoài lĩnh vực thương mại và công nghệ, châu Âu cũng hoài nghi về mặt chiến lược đối với Trung Quốc. Sự hoài nghi không còn giới hạn trong phạm vi dư luận. Ngày 12-9 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua Báo cáo Quan hệ EU-Trung Quốc, chỉ rõ Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng chính trị ở châu Âu.

Để đối chọi lại, Ủy ban châu Âu đưa ra chính sách ngoại giao phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, với lượng vốn đầu tư lên tới 300 tỷ euro nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Từ hàng loạt sự kiện nêu trên, có thể thấy một thực tế: châu Âu đã cảnh giác và lo lắng về Trung Quốc. Hệ quả có thể là khả năng Mỹ và châu Âu sẽ đứng cùng trận tuyến trong một số vấn đề cá biệt. Đây là kịch bản mà Trung Quốc không bao giờ mong muốn và Trung Quốc tuyên bố xoa dịu bằng cách đề nghị sẽ mở cửa thị trường nhiều hơn nữa như là một cử chỉ thiện chí.

Chưa rõ Trung Quốc sẽ “mở” như thế nào, nhưng các tập đoàn châu Âu thì rất biết cách “tranh thủ” có thêm sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc.

Và khi yêu cầu này không đạt được, các công ty EU sẽ rời Trung Quốc. Nghiên cứu của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Trung Quốc cho biết các công ty châu Âu có thể hủy việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc Đại lục sang Đông Nam Á.

Theo khảo sát, có nhiều công ty châu Âu đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như Việt Nam và Philippines. Bằng cách đó, họ có thể tránh thuế bổ sung đánh vào các phụ tùng chủ chốt và bán thành phẩm nhập khẩu từ Mỹ để lắp ráp và chế biến sản phẩm tại Trung Quốc. Cuộc khảo sát cho thấy, gần 54% trong số 200 công ty được hỏi cho rằng cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 23-9, Trung Quốc triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, ông Terry Branstad, đến bộ Ngoại giao để phản đối lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Xuất phát từ những lo ngại đó, khoảng 7% công ty châu Âu đã di chuyển hoặc lên kế hoạch rút các nhà máy của mình ra khỏi thị trường Trung Quốc Đại lục. Tỷ lệ này có thể tăng lên vì nhiều công ty vẫn đang đánh giá tình hình và chưa đưa ra quyết định.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái chính trị này của EU xuất phát hoàn toàn từ mục tiêu cơ hội. Châu Âu cho rằng họ có thể đạt được một số lợi ích trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Sau tuyên bố áp thuế lịch sử của Tổng thống Mỹ, EU dường như cũng muốn ra đòn quyết định về kinh tế với Trung Quốc khi trong báo cáo vừa công bố của Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết, trái với mức thặng dư thương mại khổng lồ mà Trung Quốc đã đạt được trong nhiều năm qua, các cam kết từ phía Bắc Kinh hướng tới năm bản lề về cải cách và tự do hóa đang diễn tiến quá chậm chạp.

Báo cáo dài 394 trang mô tả những vấn đề mà doanh nghiệp các nước thành viên EU phải đối mặt tại Trung Quốc và đại diện cho ý kiến của khoảng 1.600 doanh nghiệp châu Âu.

Theo Phòng Thương mại châu Âu, họ nhận được lời khẳng định rõ ràng từ các công ty thành viên về việc không được cạnh tranh công bằng tại Trung Quốc. Các công ty châu Âu phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, bao gồm đặc quyền mà các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc được nhận, rào cản tiếp cận thị trường và tình trạng quan liêu trong cơ quan chính phủ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và áp lực buộc phải chuyển giao công nghệ... Những nhận định trên cho thấy rõ, EU đã chọn đứng về Mỹ trong cuộc chiến lớn đang diễn ra.

Các quan chức Mỹ cũng đã không che giấu ẩn ý khi cho rằng châu Âu có thể hưởng lợi khi họ dừng chống Mỹ trong bối cảnh này. Sự im lặng của EU lúc này quả “quý như vàng” với cả Mỹ và EU. Ngược lại, Mỹ cũng được lợi khi ổn định mặt trận châu Âu để tập trung sức lực cho một cuộc chiến gay gắt hơn  với Trung Quốc.

“Liên hoàn cước”?

Các mặt trận mới nhắm vào Bắc Kinh của chính quyền Tổng thống Trump mở ra khi một phái đoàn Trung Quốc đi tiền trạm chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để đàm phán về tranh chấp thương mại giữa hai nước vào tuần này đã bị hủy.

Giới phân tích nhận định, cuộc “chiến tranh mậu dịch” Mỹ-Trung Quốc không thể giải quyết trước ngày bầu Quốc hội Mỹ, đầu tháng 11 tới. Vì dân Mỹ sắp đi bỏ phiếu cho nên Tổng thống Donald Trump phải tỏ ra cứng rắn hơn trong bất kỳ cuộc thương thuyết mậu dịch nào. Ông cần bảo vệ lòng tín nhiệm trong khối cử tri “nền tảng” của mình, bảo đảm họ sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà ông ủng hộ.

Thái độ này tỏ rõ trong cuộc thương thuyết NAFTA với Canada và Mexico, cho tới vụ đánh thuế nhập khẩu xe hơi của hai nước đó và châu Âu. Nhưng đặc biệt nhất là trong cuộc chiến quan thuế với Trung Quốc.

Sở dĩ ông Trump mở những mặt trận mới nhắm vào Trung Quốc vì sợ rằng một khi đã lún sâu vào cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh thì kiểu gì Mỹ cũng bị thiệt hại. Đảng Cộng hòa của ông có thể giành nhiều phiếu bầu hơn nhưng sau cuộc bầu cử việc dọn dẹp chiến trường thương mại với Trung Quốc là rất nặng nề.

Mặc dù “hết đạn thương mại” nhưng Trung Quốc vẫn còn nhiều loại “đạn khác để đấu” với Mỹ. Chẳng hạn các biện pháp phi thuế quan như gây khó dễ về thủ tục với các doanh nghiệp Mỹ, kêu gọi sự tẩy chay hàng Mỹ của người tiêu dùng Trung Quốc, giảm đầu tư vào Mỹ...

Tuy nền kinh tế Mỹ có vẻ hết sức bền bỉ, hầu hết có thể có nguyên nhân từ những kích thích tạm thời qua giảm thuế và tăng chi, nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào một cuộc chiến kéo dài, sự bình tĩnh của thị trường lúc đó có lẽ sẽ bị lung lay.

M.T. - Hoa Huyền (tổng hợp)
.
.