Thượng đỉnh NATO: Tổng thống Donald Trump đã đạt được mục tiêu?

Thứ Hai, 16/07/2018, 11:08
Ngày 11 và 12-7, thượng đỉnh NATO diễn ra tại Brussels (Bỉ) trong bầu không khí căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh châu Âu. Giới phân tích cho rằng để tránh trở thành “sân chơi của các siêu cường”, các thành viên châu Âu của NATO cần tạo ra một trật tự mới, trong đó có khả năng đề xuất một thỏa thuận về an ninh với Nga.

“Chúng ta là đồng minh” - Khẩu hiệu liệu có thừa?

“We are allies” (chúng ta là đồng minh) là dòng chữ to đùng viết trên nền tấm phông tại trụ sở NATO ở Brussels, để chào đón các đại biểu đến tham dự thượng đỉnh NATO trong 2 ngày 11 và 12-7. Với một tổ chức hơn 70 năm tồn tại, khẩu hiệu trên là thừa? Không! Với những gì diễn ra giữa Mỹ và các đồng minh còn lại trong NATO trong một năm rưỡi qua, thông điệp trên là lời nhắc nhở rất đúng lúc.

Đặc biệt, các đồng minh của Mỹ hẳn còn nhớ rất rõ rằng, ngay cả khi đã lên máy bay, ông Donald Trump vẫn có thể phá nát thượng đỉnh G7 tại Canada hồi đầu tháng trước. Rồi ngay sau khi rời Brussels, Tổng thống Donald Trump sẽ tới Phần Lan để họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga V.Putin, người mà cả khối NATO đang tìm cách đối phó.

Với một người ngay từ đầu đã muốn xích lại gần Nga như ông Donald Trump, thì những thành viên trong NATO sao không lo cho được. Nhưng chính sự lo lắng đó là điểm yếu để Tổng thống Mỹ tấn công những đồng minh của mình.

Trước khi bước vào phiên họp toàn thể, Tổng thống Trump đã công kích mạnh mẽ nước Đức. Nói trong một bữa ăn sáng với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Brussels, Tổng thống Mỹ nói: “Đức đang bị mắc kẹt ở Nga vì nước này tham gia vào nhiều dự án năng lượng của Nga”. “Họ trả hàng tỷ đôla cho Nga để đổi lấy năng lượng”, ông Trump nói.

Các đại biểu NATO họp thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ, ngày 11 và 12-7. Tấm phông phía sau có ghi dòng chữ “We are allies” (chúng ta là đồng minh).

“Nước Đức hoàn toàn bị Nga kiểm soát. Họ mua 60% năng lượng từ Nga. Tôi nghĩ rằng đây là một điều rất xấu cho NATO, đáng lý điều này không nên xảy ra”, Tổng thống Mỹ lặp lại.

Sự công kích vòng vo này của ông Donald Trump với Đức thực chất là muốn Berlin đóng góp tài chính đầy đủ cho NATO như cam kết. Chỉ trích Đức, nước giàu và mạnh nhất châu Âu, cũng là cách để ông chủ Nhà Trắng “dằn mặt” các thành viên còn lại trong liên minh quân sự này. Trước khi làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã không ngừng chỉ trích khối NATO, mà xa hơn là các thành viên châu Âu trong liên minh này. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump lại càng tỏ rõ quan điểm bài các định chế đa phương và các thỏa thuận quốc tế như thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận khí hậu và tự do mậu dịch...

Với một chính sách ngoại giao “có qua có lại”, Tổng thống Mỹ liên tục có những lời lẽ gay gắt nhắm vào châu Âu, chỉ trích đối tác này là đối xử “tệ bạc” và “bất công” với Mỹ, rằng “châu Âu rất thô bạo với Hoa Kỳ”, hay như “Liên minh châu Âu được thành lập là để lợi dụng Hoa Kỳ”...

Ngay tại thượng đỉnh G7 gần đây, ông Trump thẳng thừng tuyên bố “NATO cũng tồi tệ như là ALENA” (một thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch Bắc Mỹ). Bất đồng giữa Mỹ và châu Âu đúng ra cũng không có gì là mới và ông Donald Trump cũng chưa phải là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên có lời chỉ trích các đồng minh.

Tổng thống Barack Obama từng nhắc nhở đồng minh chia sẻ gánh nặng và tôn trọng lời minh ước như tên gọi của NATO. Quả thật, lời trách mắng này của ông Donald Trump không phải là không có cơ sở. Hoa Kỳ phải gánh vác đến 70% chi tiêu quân sự tại NATO, trong khi các nước thành viên lại có xu hướng giảm chi cho quốc phòng.

Tuy nhiên, theo phân tích của Jacques Hubert-Rodier, căng thẳng trong khối NATO lần này xảy ra trong một bối cảnh khác. Đó là nước Mỹ với chính sách bảo thủ dưới trướng của một nhà tài phiệt kinh tế. Theo quan sát của nhiều nhà ngoại giao châu Âu, còn có một lý do khác để giải thích cho sự chống đối này của Tổng thống Mỹ. Trong tâm trí của ông Donald Trump hiện nay, Liên minh châu Âu bị chìm ngập dưới làn sóng di dân, nguồn cội của mọi sự bất an gia tăng đột biến.

Tổng thống Donald Trump công kích và đòi các đồng minh châu Âu tăng chi phí quốc phòng để giảm gánh nặng cho Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã đạt được mục tiêu

Đến với thượng đỉnh NATO lần này, ông Trump không gì ngoài mục đích ép các nước thành viên phải tăng đóng góp quân sự để giảm bớt gánh nặng cho nước Mỹ. Ông coi đó là điều kiện cơ bản để Mỹ tiếp tục ủng hộ NATO. Và ông đã đạt được mục tiêu. Trong tuyên bố chung, ít nhất Tổng thống Trump đã nhận được cam kết của các nước thành viên NATO về chi tiêu quốc phòng, theo đó 28 quốc gia đồng minh còn lại đã nhất trí tăng ngân sách quốc phòng nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu của NATO là tương đương 2% GDP “trong vài năm tới”.

Mặc dù cam kết không có lộ trình cụ thể, song cũng thể hiện các nước NATO đã thừa nhận rằng chi tiêu quốc phòng trở thành thước đo đối với nghĩa vụ an ninh tập thể của các nước thành viên. Đương nhiên, châu Âu không thể cự cãi mà tìm cách “hợp pháp hóa” chỉ trích của ông Donald Trump. Đó là điều sống còn và vì sự an toàn cho tất cả các thành viên của khối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố người châu Âu hiểu rõ thông điệp này của ông Donald Trump. Duy trì sự thống nhất là không thể nếu thiếu một sự chia sẻ cân bằng các gánh nặng về chi phí, trách nhiệm giữa các nước thành viên và nước Pháp khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết của mình. Có mặt cùng với Tổng thống Mỹ trong cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định các gánh nặng chi phí cần phải được chia sẻ hợp lý hơn.

Và khi đã có được thứ ông cần, Tổng thống Trump liền tuyên bố dịu giọng, khác hẳn sự gay gắt trong ngày họp đầu tiên. Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels ngày 12-7, ông Donald Trump bày tỏ duy trì cam kết mạnh mẽ với NATO và cho rằng ông có thể rút Mỹ khỏi NATO, song điều này không cần thiết. Ông hoan nghênh tiến bộ “lớn” liên quan đến những cam kết của các nước thành viên NATO về chi tiêu quốc phòng.

Theo phân tích của chuyên gia Pháp Alexandra de Hoop Scheffer, Giám đốc Viện Nghiên cứu German Marshall Fund, Paris, đây là lần đầu tiên từ khi thành lập NATO cách nay 70 năm, sự ủng hộ của Mỹ được điều kiện hóa.

Ông Scheffer cho rằng sự hiện diện và ảnh hưởng của NATO còn giúp Mỹ thâm nhập thị trường châu Âu, sử dụng căn cứ quân sự như những đầu cầu cho chiến trường Trung Cận Đông, chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố... tất cả những vấn đề đều được Mỹ xem là lợi ích cốt lõi. Đây là điều khiến Mỹ sẽ cân nhắc trong mối quan hệ với NATO.

Liệu các thành viên có yên tâm?

Nhưng liệu các thành viên còn lại trong khối quân sự này có thực sự yên tâm khi mà ông Donald Trump là một người có thái độ khó lường, khi mà kỳ vọng quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương được êm thắm đang bị bào mỏng, khi mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis ngày càng “bị cô lập trong chính quyền Tổng thống Trump”. Sau 2 ngày họp tại Brussels, Tổng thống Mỹ bay sang London, chính thức thăm nước Anh và sau đó sẽ đến Phần Lan, dự thượng đỉnh song phương đầu tiên với Tổng thống Nga, Vladimir Putin vào ngày 16-7.

Trước khi rời thủ đô Washington bắt đầu chuyến công du châu Âu dài ngày, ông Donald Trump tuyên bố nói chuyện với Putin “dễ hơn” là với châu Âu. Chuyên gia William Galston thuộc Viện Nghiên cứu Brookings nhận định “các nước châu Âu có lý do để lo ngại” về cuộc gặp Trump-Putin. Nhà phân tích này cho rằng biết đâu ở Helsinki, ông Trump lại chẳng đưa ra những thông báo về những vấn đề không hề được bàn thảo với các đồng minh trong thượng đỉnh NATO?

Biểu tình phản đối NATO.

Thậm chí, các nước thành viên trong khối liên minh này còn lo ngại ông Trump có thể tìm kiếm thỏa thuận nào đó với lãnh đạo Nga vì lợi ích của Mỹ và sau đó các đồng minh buộc phải làm theo. Một thực tế mới đang hiển hiện: gã khổng lồ Hoa Kỳ không còn là bạn của châu Âu. Chẳng hạn, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo Washington đang tìm cách “chia rẽ Pháp và Đức” - hai đầu tàu của EU.

Kinh tế gia Jacques Attali khẳng định là đối với Mỹ, châu Âu không còn là đồng minh mà là “con mồi”, “mảnh đất màu mỡ cho những gã thợ săn Hoa Kỳ”. Trong khi đó, ông Philipp Hildebrand, chủ một ngân hàng Thụy Sĩ tố cáo Washington là “nguồn gây bất ổn”...

Bị kẹt giữa một bên là nước Mỹ của Donald Trump, bên kia là Nga, Trung Quốc thì chờ đợi cơ hội, Trung Cận Đông trong tình cảnh nhiễu nhương, châu Phi đang trên đà phát triển, châu Âu bắt buộc phải đoàn kết từ văn hóa đến chính trị và địa chiến lược. Bằng không châu lục này trở thành “sân chơi của các siêu cường”. Ông Jean-Dominique Senard, chủ tập đoàn Michelin, một trong 40 doanh nghiệp lớn nhất Pháp, cho rằng châu Âu phải vững vàng để đối chọi với hai mối họa mang tên Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia chia sẻ quan điểm giờ không phải là lúc “lập lại trật tự đã có”, mà là thời điểm phải “tạo ra một trật tự mới” và “thiết lập các thỏa thuận đa phương mới”.

Mỹ luôn xem các tổ chức đa phương (NATO, Liên Hiệp Quốc) như là những hộp công cụ phòng để khi cần đến. Với những gì đang diễn ra, liệu tổ chức quân sự này có thể tồn tại được hay không? Hiệp ước Vacxava liên kết Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa Đông - Trung Âu cũ nay đã không còn. NATO có lý do gì để tồn tại?

Trong bối cảnh phương Tây và Nga đang lâm vào bế tắc trong hàng loạt vấn đề, quan hệ song phương hiện nay được so với thời Chiến tranh Lạnh, nơi căng thẳng leo thang không kiểm soát có thể dẫn đến xung đột, thì rất cần đến một tiếp cận mới. Nhà báo Renaud Girard của tờ Le Figaro ghi nhận, một trong các lý do khiến quan hệ phương Tây và Nga hiện nay ở trong tình trạng nguy hiểm là do phần lớn các hiệp ước về an ninh giữa hai bên đã không còn có hiệu lực nữa.

Theo ông Girard, để bù lấp khoảng trống này, Pháp, với tư cách là một quốc gia có truyền thống độc lập về chiến lược, có thể đề xuất với các đối tác NATO, tổ chức một hội nghị mới, quy mô lớn, để bàn về an ninh ở châu Âu, nhằm thảo luận về nhiều vấn đề vốn được coi là hết sức nhạy cảm, như “tên lửa tầm trung” (mà Nga đã triển khai trên thực tế tại vùng Kalingrad, nằm lọt thỏm trong lãnh thổ châu Âu) hay vấn đề lá chắn tên lửa của NATO đặt tại Ba Lan, mà bệ phóng cũng có thể được sử dụng cho các tên lửa tầm trung. Hay các vấn đề rất nhạy cảm khác như tình trạng mất cân bằng về lực lượng vũ trang quy ước giữa một số quốc gia, vấn đề tập trận hay chiến tranh mạng...

Thậm chí, phát biểu trên kênh truyền hình CNews ngày 11-7, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia Pháp, còn đề xuất đưa Nga gia nhập NATO.

M.T. (tổng hợp)
.
.