Thụy Điển: Đổi mới “cây kéo” thuế khóa

Thứ Tư, 11/01/2017, 22:15
Anh, Thụy Điển và Đan Mạch là 3 quốc gia thuộc nhóm 9 nước, trong tổng số 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU) còn “dùng dằng” với việc sử dụng đồng tiền chung euro. Một trong những nguyên nhân chính khiến dân chúng “xa lánh” đồng euro, bởi vì họ lo sợ mức phúc lợi xã hội vốn phong lưu sẽ bị tụt xuống...

Mức phúc lợi xã hội ưu việt cao hàng đầu thế giới ở Vương quốc Thụy Điển, song hành với bình quân thu nhập tính theo đầu người cực cao là 47.319 USD/năm, được duy trì nhờ vào công tác “tận thu” thuế. Để dung hòa với EU, Stockholm cần phải cải cách hệ thống thuế khóa của mình, dọn đường cho việc dùng một đồng tiền chung thống nhất trong cả khối - dựa theo Hiệp định gia nhập EU mà Chính phủ Thụy Điển đã cam kết.

Tại Vương quốc Thụy Điển lâu nay, thuế thu nhập cá nhân là tổng thể của 2 sắc thuế cộng lại, gồm thuế địa phương (xê dịch khác nhau do các thành phố và địa danh cụ thể quy định với các tầng lớp dân cư khác nhau, thông thường khoảng 30%) và thuế quốc gia (do chính quyền trung ương thu cùng mức “trần” là 45% - tương ứng với khoản thu nhập của các giai tầng sở hữu khác nhau).

Trước đây chính quyền vẫn thu ở nhiều mức khác nhau - tùy thuộc vào tính chất kinh doanh, bây giờ được “cào bằng” như nhau với mức 50%. Bằng cách này đương nhiên bảo đảm nguồn thu cho ngân sách một cách bền vững và dồi dào hơn. Mặt khác, thuế lợi tức thường niên của các hãng và công ty từ hơn 50% cũng đã giảm xuống chừng 30% và sẽ tiến tới còn độ từ 22-25%. Đây là cách thiết thực nhất nhằm kích cầu nền kinh tế. Như vậy, cải tổ về thuế dựa trên sự giảm thuế, nhưng cũng đồng nghĩa với giảm thiểu nguồn thu ngân sách có được chủ yếu từ thuế.

Thủ đô Stockholm tân kỳ và giàu có nhờ vào chính sách thuế cực cao?

Ngoài ra một vài khoản thu nữa cũng được áp dụng, như thuế doanh thu (tận thu với những nhóm hàng trước đây từng được miễn giảm thuế). Một vài dạng năng lượng và chất đốt cũng phải tăng thuế cho tương xứng với mức thuế chung của EU.

Một trong những hệ quả rõ rệt nhất từ công cuộc cải tổ tài chính lần này, là “cây kéo” thuế khóa không... nới rộng hết cỡ như trước nữa. Đồng thời kích thích nhu cầu làm việc trong dân chúng cùng hiệu suất lao động cao hơn, khiến nền kinh tế chung phát triển vững chắc hơn.

T.Q.Long (theo The Economist)
.
.