Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc:

Tìm thỏa hiệp trong quyền lợi kinh tế

Thứ Hai, 28/09/2015, 15:10
Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được báo chí nước ngoài nói rất nhiều trong những ngày qua. Rằng ông Tập qua Mỹ bàn rất nhiều chuyện, từ Biển Đông, an ninh mạng đến nhân quyền… Nhưng nếu như những vấn đề trên chỉ mang lại kết quả hạn chế, thậm chí không có thì đàm phán kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ được xem là thực tế nhất.

Chẳng thế mà mở đầu chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chọn Washington để gặp Tổng thống Obama và phát biểu trước Quốc hội Mỹ, mà ông chọn Seattle. Tại đây ông Tập Cận Bình gặp toàn đại diện tiêu biểu của nền kinh tế Mỹ. Họ là chủ tịch các công ty Microsoft, Boeing, Starbucks, IBM và DuPont, thêm Bill và Melinda Gates...

Phía Trung Quốc có Jack Ma, Chủ tịch sáng lập Alibaba, một bản sao của Amazon, eBay và Paypal nhưng doanh thu lớn hơn các công ty đó và Facebook, Google cộng lại, nhờ có hơn 1 tỉ dân Trung Hoa là khách hàng.

Ngoài lãnh đạo các đại tập đoàn doanh nghiệp Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình còn gặp các Thống đốc tiểu bang California, Michigan, Iowa, Oregon và Washington. Các nhân vật có thế lực này luôn được Bắc Kinh ve vãn vì họ có truyền thống đóng góp tiếng nói thân Trung Quốc, làm dịu bớt phần nào thái độ chỉ trích bài Trung Quốc trong công luận Mỹ.

Theo AFP, xu hướng này không phải là mới vì nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây từ Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã được Seatlle đón tiếp. Theo thẩm định của Gary Lock, cựu Thống đốc bang Washington và một thời là Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh thì giữa tiểu bang Washington và Trung Quốc đã có một quá trình hợp tác lâu dài, có nhiều quan hệ văn hóa, lịch sử và kinh tế.

Sức mạnh thương mại quốc tế của tiểu bang, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc hàng nghìn công ăn việc làm với mức thu nhập dồi dào đều được sản sinh từ tiểu bang này. Thật ra, ở các bang khác, giới chính trị cũng thích thú tiếng kèn của Bắc Kinh. Terry Branstad, Thống đốc Iowa không ngần ngại tuyên bố rất hãnh diện được ông Tập Cận Bình nhắc tên như một người bạn lâu năm.

Từ trái qua phải: Mark Fields, CEO hãng FORD; ông Tập Cận Bình và Jay Inslee, Thống đốc bang Washington, tại tiệc khoản đãi Chủ tịch Trung Quốc của giới doanh nhân và quan chức Mỹ.

Xu hướng thân Trung Quốc không chỉ phát xuất từ tâm lý cá nhân. Năm 2012, ứng cử viên tổng thống Mitt Romney, của đảng Cộng hòa, thoạt đầu đã lên án một cách mạnh mẽ chính sách giảm giá đồng tiền của Trung Quốc là cạnh tranh bất chính. Nhưng gần đến kỳ bầu cử thì ứng viên đảng Cộng hòa này im lặng. Tại sao?

Theo chuyên gia Michael Green, là vì các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy cử tri nông dân ở Iowa bất bình trước các lời tuyên bố này. Họ e ngại bị Trung Quốc trả đũa.

Nếu như vấn đề nhân quyền hay an ninh ở Biển Ðông được đánh giá là hai bên chỉ nói to mà làm nhỏ hay vấn đề an ninh mạng thì các bên cũng “nói ít làm nhiều” thì trong các vấn đề kinh tế, cả hai chính quyền tha hồ nói và làm công khai. Không ai cần “giữ thể diện” nữa. Bởi vì Trung Quốc rõ ràng đang ở thế yếu.

Một sự kiện nóng hổi ông Tập Cận Bình không thể nào quên, là tuần trước, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) đã công bố quyết định không tăng lãi suất. Chủ tịch FED còn nêu tên Trung Quốc khi giải thích quyết định của FED! Bà Yellen có ý đồ gì vậy? Ba tháng trước, bà Yellen đã báo trước đến lúc sắp tăng lãi suất, vì kinh tế Mỹ đã gia tăng đều đặn từ 6 năm qua. Cứ tiến chậm và chắc như vậy, lương bổng sẽ tăng, lạm phát sẽ tăng theo. Tăng lãi suất là một cách ngăn chặn lạm phát. Cả thế giới chờ Mỹ tăng lãi suất, trước khi chứng khoán bên Trung Quốc suy sụp.

Thế nhưng trong phiên họp tuần trước, FED đã quyết định không tăng lãi suất, dù chỉ tăng từ 0,25% lên 0,35%! Bà Yellen có bổn phận giải thích lý do với công chúng. Lý do chính, bà nói, là kinh tế Trung Quốc đang yếu. Kinh tế Trung Quốc và các nước đang phát triển đều yếu, nên mối lo lạm phát ở Mỹ cũng giảm bớt, FED không cần tăng lãi suất ngay bây giờ!

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các doanh nhân và Thống đốc Mỹ tại Seattle, ngày 22/9.

Khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ, sẽ có rất nhiều thứ như kim loại, cao su, dầu lửa, khí đốt… xuống giá vì ngành công nghiệp Trung Quốc không mua như trước nữa. Các món đó bán rẻ hơn, hàng hóa mà người ta làm ra các món đó cũng rẻ hơn. Giá cả không tăng, bớt lo lạm phát. Một lý do nữa là đồng USD đã lên giá 15% trong vòng 12 tháng qua, nghĩa là dân Mỹ đang được mua hàng nhập khẩu với giá rẻ hơn. Càng bớt lo lạm phát.

Sau khi bà Yellen công bố quyết định không tăng lãi suất, phản ứng của thị trường chứng khoán thế giới mới đáng ngạc nhiên. Bình thường, khi lãi suất giảm hoặc không tăng như chờ đợi thì giá các cổ phần sẽ cao hơn. Lý do, vì người ta vay tiền dễ dàng hơn để sản xuất cũng như tiêu thụ; thì giá trị các công ty sẽ lên cao. Hơn nữa, mua trái phiếu vẫn chỉ được trả lãi suất thấp thì nhiều người thích mua cổ phiếu hơn.

Nhưng lần này, thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng ngược lại: các thị trường ở châu Mỹ, châu Âu, châu Á đều xuống sau khi nghe tin Mỹ không tăng lãi suất. Tại sao thị trường chạy ngược chiều như vậy? Tất cả vì mối lo lắng chung về kinh tế Trung Quốc.

Bà Yellen nêu tên Trung Quốc khi giải thích tại sao không tăng lãi suất. Nhưng bà cũng nhắc nhở đến một sự thật ai cũng biết, là kinh tế Trung Quốc đang yếu, cũng như kinh tế nhiều nước đang lên khác. Kinh tế Trung Quốc lớn hàng thứ nhì thế giới, trao đổi hàng hóa với tất cả các nước lớn khác. Nhưng không ai biết con tàu kinh tế Trung Quốc có thẳng tiến trong cơn sóng gió này hay không. Vậy là tình trạng bất trắc từ Trung Quốc lan ra khắp thế giới. Mà thị trường chứng khoán sợ nhất khi thấy tương lai bất trắc. Vì vậy cả thế giới bây giờ theo dõi các hành động của Bắc Kinh xem họ sẽ xoay trở ra sao.

Ngày 23/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm nhà máy chế tạo chính của hãng Boeing tại bang Washington.

Câu hỏi lớn nhất là Trung Quốc còn tiếp tục chương trình cải tổ kinh tế mới hay không? Tại Seattle, nói chuyện với các doanh nhân hàng đầu của nước Mỹ, ông Tập Cận Bình bảo đảm với họ rằng ông vẫn tiếp tục “cho thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bố tài nguyên”.

Phải cải tổ hệ thống ngân hàng, phải tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, phải giảm bớt vai trò của chính quyền, không can thiệp vào các thị trường nữa - trong đó có chính sách hộ khẩu là một can thiệp thô bạo vào thị trường lao động.

Trong bài diễn văn tại Seattle, ông Tập Cận Bình còn trấn an về tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc, khẳng định là việc tăng trưởng đang chậm lại chỉ là tạm thời và Chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình sau những xáo trộn gần đây trên các thị trường chứng khoán. Chủ tịch Trung Quốc cũng hứa sẽ không phá giá hơn nữa đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Nhưng liệu ông Tập Cận Bình có lấy được lòng giới doanh nhân Mỹ? Trong thời gian gần đây, hình ảnh Trung Quốc xấu đi nhiều, một mặt vì kinh tế tăng trưởng chậm lại, mặt khác vì hàng loạt vụ gián điệp kinh tế, công nghệ bị phát hiện tại Mỹ.

Nhà phân tích Christopher Johnson, cựu nhân viên CIA, nay là chuyên gia của Viện Nghiên cứu CSIS cho biết là giới doanh nhân Mỹ có nhiều quan điểm khác biệt hơn trước. Gần đây, trước quy mô Trung Quốc cài gián điệp, Tổng thống Obama đã thúc giục doanh nhân Mỹ can đảm tố cáo sự gian dối của Bắc Kinh. Ông nói: “Nước Mỹ chỉ đương đầu hiệu quả với Trung Quốc bằng cách tố cáo và trưng ra bằng cớ”.

Chuyến đi của ông Tập Cận Bình nhằm mục đích rõ rệt là gây được lòng tin của giới kinh doanh Mỹ vào tương lai kinh tế Trung Quốc. Mà đó cũng là lĩnh vực hai nước có thể đồng ý với nhau được nhiều nhất. Bởi vì trong lĩnh vực kinh tế, khi anh cũng chấp nhận sống theo quy luật thị trường như tôi thì hai bên không có gì đối nghịch nhau cả.

Trong các vấn đề nhân quyền, an ninh Biển Đông, tin tặc… có những khúc mắc khó giải quyết. Khi cả hai đều nói bằng ngôn ngữ của đồng tiền thì thỏa hiệp sẽ nhanh hơn.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.