Tình báo kinh tế - vũ khí bí mật của các cường quốc
Ali Laidi là một phóng viên, đồng thời là nhân viên của Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược (IRIS) của Pháp. Ông cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Các bí mật của cuộc chiến kinh tế" (Secrets de la guerre Economique). Bài báo mới đây của ông về đề tài tình báo kinh tế mới được đăng trên tờ Le Monde Diplomatique số 5/2005.
Liên quan đến một tai nạn hàng không, cơ quan tư pháp của Italia đã cử một nhóm CRI (Commission Rogatoire Internationale) tới điều tra về một nhà sản xuất động cơ máy bay của Pháp. Đại diện tòa án của Pháp lập tức chú ý tới hành vi đáng ngờ của một chuyên gia Italia, người luôn lợi dụng thẩm quyền của mình để cố gắng tìm hiểu những tài liệu mật liên quan đến tất cả các loại động cơ của công ty, trong khi đối tượng điều tra chỉ liên quan đến một loại động cơ.
Khi nhận được phản ánh từ các đồng nghiệp Pháp, tòa án Italia đã ra quyết định triệu hồi chuyên gia này. Hóa ra, đây thực chất là một nhân viên của một tập đoàn ở Italia đang cạnh tranh trực tiếp với công ty trên của Pháp.
Sản xuất vũ khí, dược phẩm, vận tải, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và giáo dục... - hầu như tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế đều phải chịu thiệt hại vì hoạt động gián điệp. Ngay cả những tập đoàn chiến lược cỡ lớn phục vụ cho những bạn hàng dân sự và quân sự cũng không bao giờ dám tự nhận được bảo vệ hữu hiệu trước mối đe dọa trên.
Mùa thu năm 2001, Công ty Messier-Dowty thuộc tập đoàn mẹ Snecma - một nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu châu Âu - đã trở thành nạn nhân của một “biến cố đầy bí ẩn”. Nhà máy của Messier-Dowty ở vùng Bidos khi đó đang dẫn đầu trên thị trường thế giới về sản xuất các càng bánh xe cho các máy bay dân sự lẫn quân sự.
Ngày 7/11/2000, tại đây bỗng biến mất hai chi tiết càng bánh xe của loại máy bay chiến đấu đời mới nhất của Tập đoàn Dassault. Loại máy bay Rafale Marine này trong một tương lai gần sẽ được trang bị cho Hải quân Pháp. Hai chi tiết bị mất trên - cụ thể là phần hộp khí nén và trụ xoay càng trước - được xếp vào loại thiết bị có tầm quan trọng chiến lược không thể không khỏi gây sự chú ý của Cơ quan Phản gián Pháp (DST). Mọi cố gắng tìm kiếm của Công ty Messier-Dowty đều không có kết quả.
Trong lĩnh vực tình báo kinh tế, các quốc gia (cho dù là đồng minh chính trị thân cận nhất trên thực tế) vẫn có thể là những đối thủ kinh tế không khoan nhượng của nhau. Đối thủ khiến các nước phương Tây luôn phải e dè và lo ngại chính là nước Mỹ.
Đầu những năm 1990, Bộ Thương mại Mỹ dưới sự trợ giúp của CIA đã lập ra một danh sách 22 công nghệ tiên tiến cần thiết cho an ninh kinh tế và quân sự của đất nước. Chiếm vị trí hàng đầu là các công nghệ liên quan đến các phương pháp sản xuất những vật liệu khác nhau.
Sau sự kiện 11-9, Mỹ đã có thêm một số cái cớ để can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế của các quốc gia khác. Ví như dưới vỏ bọc cuộc chiến chống khủng bố,
Ngành vận tải biển cũng gặp phải tình trạng tương tự. Lĩnh vực kiểm toán và tư vấn cũng là một môi trường thuận lợi của những tay gián điệp kinh tế.
Nước Mỹ đang ra sức đẩy mạnh và phát huy những ưu thế của mình trong cuộc chiến tình báo kinh tế theo đúng ý tưởng của học thuyết “Hình thành thế giới” mà cựu Tổng thống Bill Clinton đã phát biểu trong thông điệp hàng năm về tình hình đất nước của mình hồi năm 2000: “Để hiện thực hóa với quy mô hoàn chỉnh mọi khả năng của nền kinh tế, chúng ta cần phải vượt qua ngoài phạm vi của đường biên giới, chuẩn bị các điều kiện cho một cuộc cách mạng có tác dụng xoá bỏ mọi rào cản, tạo lập những mối quan hệ mới giữa các quốc gia và giữa con người, các hệ thống kinh tế và nền văn hóa. Và đó cũng chính là mục đích của công cuộc toàn cầu hóa”