Tổ chức Hợp tác Thượng Hải: Trung tâm địa chính trị mới
Được hình thành theo sáng kiến của Bắc Kinh với nhiệm vụ ban đầu là giải quyết những vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ, đến nay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã trở thành một diễn đàn chính trị có uy tín trên thế giới, hợp tác trên nhiều lĩnh vực và kết nạp thêm thành viên mới. Năm nay, SCO tròn 10 tuổi nhưng tầm vóc và sức đối trọng của nó so với khối NATO lại không hề giống như một đứa trẻ lên 10.
10 năm trước đây, Nga và Trung Quốc có nhu cầu gặp nhau để bàn chuyện phi quân sự hóa khu vực biên giới hai nước sau khi đã dàn quân "nghênh nhau" từ những năm 60 thế kỷ trước. Nhóm "Thượng Hải 5" đã ra đời từ ý muốn đó với 5 thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan. Đến năm 2001, nhóm này kết nạp thêm Uzbekistan rồi đổi tên thành Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Năm 2004, SCO nhận Mông Cổ làm quan sát viên; năm sau thêm các quan sát viên Iran, Pakistan, Ấn Độ và nay có thêm 2 nước đối tác - đối thoại Belarus và Sri Lanka. Và nội dung các phiên họp hằng năm cũng bao gồm từ thương mại đến chống khủng bố, chống ma túy... Nghe qua, SCO hao hao giống diễn đàn ARF của ASEAN và các nước. Nhìn gần, không hẳn thế.
SCO có tiềm lực rất lớn, phạm vi ảnh hưởng hiện nay của SCO đã có 25% dân số thế giới, tổng diện tích các nước thành viên chiếm khoảng 60% lãnh thổ của 2 châu lục Á-Âu. Điều này làm cho SCO có thể là một đối trọng mới của NATO sau khi Khối hiệp ước Warsaw tan rã. Tại hội nghị của SCO vào tháng 8/1999, lãnh đạo hai nước thành viên Nga và Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn xây dựng một thế giới đa cực chứ không phải là thế giới đơn cực như tình hình thế giới lúc bấy giờ. Với mong muốn đó thì vào năm 2003, SCO đã hoạch định thêm một hướng ưu tiên là tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, một kế hoạch thực chất là nhằm ngăn chặn các công ty dầu lửa của Mỹ và các nước phương Tây xâm nhập vào Trung Á và biến khu vực này thành đối trọng với phương Tây.
Cùng ảnh hưởng ngày càng tăng của mình, SCO đã góp một phần nhất định vào việc đảm bảo an ninh quốc tế như trong việc chống nạn buôn bán ma túy (như ở Aghanistan) hay trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngày nay SCO được coi như là một "Warsaw mới ở phương Đông" - là lực lượng đối trọng với NATO khi tổ chức này đang mở rộng tiến sát biên giới với Nga. Về thành tích, cuối năm 2006, SCO tập trận chung tại Tajikistan, năm 2007 tập trận chống khủng bố trong dãy núi Ural của Nga. Thành quả đáng kể nhất là vào cuối năm 2005, SCO đã thành công trong việc "mời" Mỹ rút quân ra khỏi "đầu cầu" Uzbekistan mà Mỹ đã thiết lập được sau vụ 11/9/2001.
Nếu NATO đã nhanh chóng phát triển về số lượng quốc gia thành viên cũng như về quân số tham gia Liên minh quân sự mang tên Minh ước Bắc Đại Tây Dương này, thì ngược lại SCO cũng đã nhanh chóng phát triển không kém, cả về số lượng thành viên lẫn lĩnh vực hợp tác, cho dù các nhà lãnh đạo tổ chức này có quả quyết đây không phải là một khối quân sự. SCO được thành lập để đối đầu với các thách thức mới trên lục địa Á-Âu.
Trong số các nguy cơ lớn nhất là chủ nghĩa khủng bố quốc tế, nạn tội phạm và buôn lậu ma túy, buôn bán người và buôn lậu vũ khí. Nhiệm vụ của SCO là bảo đảm an ninh kinh tế và sinh thái cho các nước thành viên. SCO đã được thành lập vào thời điểm phức tạp khi đã phá vỡ cơ chế đa cực và xuất hiện nguy cơ mô hình phương Tây chiếm độc quyền trong quan hệ quốc tế. Hiện nay có đủ cơ sở để nói rằng, SCO là một cơ chế bảo đảm sự đa cực và sự cân bằng lực lượng không chỉ trong khu vực mà cả trên toàn thế giới.
Thời gian tới, SCO có thể đóng vai trò trung tâm chính trị lớn với tiềm lực tài chính kinh tế hùng mạnh. Trong 10 năm qua, ảnh hưởng của SCO đã gia tăng và có tác động ngoài phạm vi khu vực. Theo ý kiến của chuyên viên Leonid Moiseev, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về các công việc SCO, nhiều vấn đề quốc tế không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của SCO. Ông Moiseev nói: "Trong 10 năm qua, SCO đã đi qua chặng đường dài. Đã thiết lập sự hợp tác theo nhiều phương hướng quan trọng nhất. Hiện nay, các nước thành viên hợp tác trong các lĩnh vực gây sự quan tâm của các bên. Ở giai đoạn đầu tiên, SCO hết sức quan tâm đến cuộc đấu tranh chống khủng bố, nhằm bảo đảm an ninh và sự ổn định. Đồng thời, các nước thành viên dần dần thiết lập sự đối tác trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, giáo dục và y tế".
Có hai nội dung quan trọng nhất trong hội nghị diễn ra vào giữa tháng 6 vừa qua tại Kazakhstan được SCO thảo luận. Đó là đường lối chiến lược trong lĩnh vực đấu tranh chống ma túy nhằm mục đích thành lập cơ chế chung chống nguy cơ ma túy từ Afghanistan đang đe dọa hàng triệu người ở nhiều nước khác nhau. Ngoài ra, ở trọng tâm chú ý của các nhà lãnh đạo SCO là sự phát triển cơ cấu chống khủng bố, giải quyết tình hình ở Afghanistan, mở rộng sự đối tác trong lĩnh vực xã hội, kinh tế và văn hóa.
Một đề tài quan trọng khác là vấn đề mở rộng thành phần SCO, đẩy mạnh tiếp xúc với Cộng đồng Các quốc gia độc lập, Cộng đồng kinh tế Âu-Á, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể và Hiệp hội Các quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN). Thời gian gần đây, nội dung này đã bị đình chỉ. Tuy nhiên, trong tương lai gần, trong thành phần SCO nhất định sẽ có những thành viên mới. Cơ sở pháp lý cho điều đó là văn bản về điều kiện kết nạp thành viên mới vừa được ký tại Hội nghị Astana. Các ứng viên đầu tiên gia nhập SCO là Ấn Độ, Iran, Pakistan và Mông Cổ, là các quốc gia có quy chế quan sát viên. Ban lãnh đạo Afghanistan cũng muốn nhận quy chế như vậy. Ấn Độ và Pakistan đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức.
Các đại biểu tại hội nghị. |
Theo quan điểm của các chuyên viên phân tích, quá trình mở rộng SCO sẽ còn tiếp nối. Trong mọi trường hợp, sự phát triển của tổ chức này là tuân theo chỉ đạo của những nguyên nhân khách quan về địa chính trị.
Ông Leonid Moiseev nhấn mạnh uy tín cao của SCO trên vũ đài quốc tế: "Cộng đồng quốc tế đã công nhận vai trò độc đáo của SCO ở vùng Trung Á. Đây là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong 10 năm qua. LHQ đã thông qua nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh rằng, SCO là cơ chế chủ chốt bảo đảm sự ổn định ở vùng Trung Á". Có thể dẫn ra nhiều bằng chứng cho hoạt động hiệu quả của SCO. Chẳng hạn, sự hỗ trợ cho Kirgizia hồi năm ngoái đã giúp cho nước này không xảy ra cuộc nội chiến quy mô. Như được biết, Nga đã tích cực tham gia quá trình giải quyết cuộc xung đột.
Cho đến lúc này, trong mắt Hội đồng Đối ngoại Mỹ, một hội đồng tư vấn cho Chính phủ Mỹ, "SCO chưa lớn mạnh lắm song đang tăng trưởng, chưa có những thỏa hiệp liên đới quốc phòng với nhau nên vẫn chưa thể xem là đối trọng của NATO, trong khi đó nội bộ vẫn còn lục đục như giữa Nga và Trung Quốc về vấn đề năng lượng"... Song đó là những dữ kiện của ngày hôm qua, trong khi thế giới thì chuyển dịch đến tương lai. Ngay "yếu tố Iran" ở SCO cũng đã là một dấu hỏi lớn rồi, do lẽ việc Nga và Trung Quốc đang "bảo lãnh" cho Iran vượt khuôn khổ của một sự buôn bán vũ khí đơn thuần vì lợi nhuận kinh tế. Iran vẫn đang là "hậu cứ" của Syria, và Syria đang bị Mỹ lên án.
Thế nhưng, chưa hẳn Iran sẽ được nhận làm thành viên chính thức của SCO trong kỳ họp tới. Bởi lẽ, một quy chế chính thức cho Iran chẳng có lợi ích gì với Nga và Trung Quốc: sử dụng Iran để "chọc" Mỹ thì được, căng thẳng đến mức "già néo đứt dây" với Mỹ thì không cần thiết. Thế Iran chỉ là một đứa trẻ bị xúi bẩy hay sao? Không, trong thế đối kháng với Mỹ thì một chỗ dựa với Nga và cả Trung Quốc là một chọn lựa tốt. Còn về những tranh chấp dầu khí giữa Nga và Trung Quốc thì lịch sử đã cho thấy bất cứ một liên kết tạm bợ nào cũng đều có thể. Sau 10 năm thành lập, SCO hiện chưa đủ lớn mạnh để sánh với "tay trung niên" NATO, nhưng trong tương lai sẽ đáng ngại. 10 năm phát triển mà đạt được một vị thế và tầm vóc như ngày nay thì cũng đáng để ngả mũ rồi